Nên làm gì vào ngày tết Đoan Ngọ?
Ảnh minh họa
Tết Đoan Ngọ trùng với ngày Cửu Độc đầu tiên có ảnh hưởng gì tới con người? Phải làm sao để tránh được những tác hại đó? Hãy tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
1. Tết Đoan Ngọ trùng với ngày Cửu Độc đầu tiên
9 ngày độc hay còn gọi là Cửu Độc Nhật, chỉ 9 ngày độc trong tháng 5 Âm lịch, bao gồm các ngày mùng 5, 6, 7 (Sơ độc nhật), 15, 16, 17 (Trung độc nhật) và 25, 26, 27 (Mạt độc nhật). Tương truyền những ngày này, con người thường dễ gặp yêu vong, bất trắc, tai họa.
Dân gian cho rằng ngày Cửu Độc, các loại độc trong trời đất sẽ cùng tụ lại, gây tổn hại lớn đến nguyên khí của con người.
Các loại độc ấy đến từ độc tố của các loài rắn, rết, cóc, bò cạp, bướm, nhện… cũng như các loại nấm mốc, vi khuẩn, vì đây là thời điểm các loài sinh vật này hoạt động rất mạnh.
Ngoài ra, cha ông ta còn nhận thấy rằng Tết Đoan Ngọ trùng với ngày Cửu Độc đầu tiên còn là khoảng thời gian Hỏa vượng cực độ, âm khí sắp sinh, dương khí cực thịnh nên khí trời ngột ngạt, nóng bức, gây ảnh hưởng đến lục phủ ngũ tạng của con người như thận, dạ dày, gan, đại tràng…
Trong 9 ngày độc ấy, ngày mùng 5/5 Âm lịch, tức ngày đầu tiên trong 9 ngày độc còn được gọi là tiết Đoan Ngọ, diễn ra ở Việt Nam và một vài nước châu Á khác.
Ở nước ta, tết Đoan Ngọ còn được biết đến với cái tên “Tết giết sâu bọ”. Cha ông ta quan niệm giai đoạn này là lúc thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh dễ phát sinh gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.
Đặc biệt, trong ngày này, cơ thể con người, đặc biệt là bộ phận tiêu hóa thường có sâu bọ, nếu không trừ đi thì sẽ sinh sản ngày càng nhiều và gây tại hại cho người. Vì vậy, mới có tục lệ ăn rượu nếp để làm sâu bọ trong bụng say và chết đi.
Hết sức lưu ý vấn đề sức khỏe
Vì những tác động khách quan của thời tiết, khí hậu cũng như từ chính cơ thể con người mà mỗi người chúng ta đều cần phải chú ý giữ gìn sức khỏe, đặc biệt nên thực hiện các hoạt động giúp thanh nhiệt, giải độc. Ví dụ như:
– Tránh lao động nặng nhọc, đổ mồ hôi nhiều, nghỉ ngơi hợp lý.
– Thời điểm này gan yếu, dễ mắc bệnh, gây ảnh hưởng đến thần sắc, khiến cơ thể mệt mỏi, tránh nóng nảy, dễ bị kích động, không nên ăn các thức ăn mặn.
– Vào ngày Cửu Độc cũng như tết Đoan Ngọ, nam nữ già trẻ cần phải tránh làm ba điều: sát sinh, tà dâm và làm điều ác.
Mọi người cần phải biết giữ mình, tu thân dưỡng tính, có lối sống thanh đạm thì mới tránh làm tổn thương nguyên khí, gặp tai họa, bất trắc.
2. Nên làm gì vào ngày tết Đoan Ngọ?
Sau khi biết những tác động tiêu cực mà ngày này tác động đến cơ thể con người thì điều ta cần quan tâm là điều nên làm trong tháng Cửu Độc nói chung và tết Đoan Ngọ nói riêng để bản thân và gia đình luôn bình an, khỏe mạnh, tránh được tai ương.
Thứ nhất, nên chú ý sử dụng các thực phẩm mát gan, bổ thận, trợ phế, điều tiết dịch vị dạ dày phù hợp với thời tiết. Đặc biệt, trong buổi sáng vừa ngủ dậy có thể ăn rượu nếp thì rất hiệu nghiệm trong việc giết sâu bọ.
Mỗi người chỉ cần ăn 1, 2 thìa là đủ, không cần phải ăn nhiều bởi rượu nếp có tính nóng và nếu ăn khi đang đói thì dễ bị say.
Cùng với đó, người ta còn tin rằng ăn bánh gio hay các loại hoa quả như vải, mận, đào, quất hồng bì, chuối, dưa hấu, dứa… cũng có tác dụng giết sâu bọ.
Thứ hai, kiêng chuyện nam nữ tháng Cửu Độc, bởi trong ngày này, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến con người, khiến năng lượng tiêu hao nhanh chóng. Nếu chúng ta không biết hạn chế ham muốn mà sống quá phóng túng thì tổn hao nguyên khí, dễ khiến cơ thể mệt mỏi và sinh bệnh.
Để đảm bảo sức khỏe, mọi người cũng cần phải chú ý đến vấn đề giấc ngủ, kể cả buổi trưa cũng nên chợp mắt trước khi tiếp tục công việc. Buổi tối không nên ra ngoài quá muộn, cũng không nên nằm ngủ ở ngoài trời vì dễ trúng gió độc, ảnh hưởng sức khỏe.
Thứ ba, giữ tâm trạng ổn định, tránh nóng nảy, mâu thuẫn. Thời tiết những ngày đầu tháng 5 âm lịch thường rất nóng nực, dễ thay đổi, khiến con người ta dễ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, để mọi người và mọi việc đều được bình an, chúng ta cần phải tránh chuyện bất đồng với người khác.
Hãy luôn giữ trạng thái vui vẻ, hài hòa, dù gặp chuyện không như ý cũng tránh bi quan hay kích động thái quá, có như vậy thì năng lượng mới điều hòa.
Thứ tư, giữ nhà cửa sạch sẽ. Thời điểm này, không chỉ các loại động vật, côn trùng có hại như rắn rết, bọ cạp, nhện… hoạt động mạnh, mà nấm mốc cũng có cơ hội phát sinh. Chính vì vậy, giữ nhà cửa sạch sẽ cũng là cách thiết thực để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Hãy thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phơi phóng đồ đạc, lau dọn bàn ghế, loại bỏ những đồ dùng không cần thiết hoặc rác thải để bầu không khí được sạch sẽ, trong lành.
Trên thực tế, đây là việc làm cần thiết không chỉ trong tết Đoan Ngọ hay ngày Cửu Độc, mà cần phải thực hiện quanh năm thì sức khỏe mới tốt được.
Thứ năm, để mắt đến trẻ nhỏ trong nhà. Vào ngày này, thời tiết nóng nực, trẻ nhỏ thường dễ sinh bệnh, vì thế mà cha mẹ càng cần phải chú ý đến chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của con cái nhiều hơn.
Hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, đặc biệt là các khu vực gần sông nước để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, trong ngày này, chúng ta cũng nên tránh cử hành các công việc trọng đại như cưới hỏi, lễ lạt và tránh xuất hành để tránh rắc rối hoặc những điều không may mắn xảy ra.
Một số hộ gia đình có thể làm các mâm cỗ cúng ngày Đoan Ngọ lên tổ tiên, mong những điều may mắn và sức khỏe sẽ đến với mình hoặc tắm nước lá mùi để phòng bệnh và diệt trừ “sâu bọ”.
Article sourced from SKVTY.
Original source can be found here: https://skvty.com/tet-doan-ngo-trung-voi-ngay-cuu-doc-dau-tien-lam-gi-de-hoa-giai-tai-uong.html