Mỹ - Trung ngày càng nghi kỵ lẫn nhau
|
Trong những tuần đầu năm 2023, Mỹ và Trung Quốc tưởng như đã tiến tới một thỏa thuận "ngừng bắn" trên mặt trận ngoại giao. Phái đoàn ngoại giao Mỹ, do Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn đầu, dự kiến đến Bắc Kinh soạn thảo văn kiện khung cho đối thoại cấp cao giữa chính phủ hai nước và ổn định quan hệ song phương sau vài năm căng thẳng.
Thế nhưng sau đó, sự cố khinh khí cầu Trung Quốc bay vào không phận Mỹ một lần nữa nhấn chìm quan hệ song phương. Chuyến đi "làm hòa" của ông Blinken bị hoãn, trong khi quan hệ giữa hai siêu cường tiếp tục chìm sâu vào xung đột, theo Wall Street Journal.
Ngày càng nghi kỵ
Đầu tuần này, Chủ tịch Tập Cận Bình và tân Ngoại trưởng Tần Cương đồng loạt lên án Mỹ đang tìm cách "chèn ép" sự phát triển của Trung Quốc, khiến hai nước đi tới tình thế đối đầu.
"Mọi hành động của phía bên kia đều bị coi là tiêu cực và ẩn chứa ý đồ xấu. Hai bên mang tâm lý Chiến tranh Lạnh", Suisheng Zhao, chuyên gia về Trung Quốc Đại học Denver, nhận định.
Trong bài phát biểu hôm 6/2, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cáo buộc hiếm thấy mà trước đây ông chưa từng sử dụng, chỉ trích Mỹ dẫn đầu khối phương Tây "bao vây, phong tỏa và chèn ép" Trung Quốc, theo Reuters.
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Một ngày sau đó, tân Ngoại trưởng Tần Cương cảnh báo Washington rằng quan hệ song phương chắc chắn sẽ rơi vào xung đột và đối đầu nếu Mỹ không thay đổi cách hành xử.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby sau đó cho biết chính sách của chính quyền Tổng thống Biden không thay đổi, Washington cạnh tranh chứ không muốn xung đột với Bắc Kinh.
"Với mối quan hệ song phương có tác động lớn nhất này, chẳng có điểm nào trong cách tiếp cận của chúng tôi có thể khiến bất cứ ai nghĩ rằng Mỹ muốn xung đột. Chúng tôi tuyệt đối muốn tránh quan hệ rơi vào xung đột", ông Kirby cho biết hôm 7/3.
Dù vậy, những va chạm trong quan hệ Mỹ - Trung cho thấy những khó khăn trong kiềm chế căng thẳng.
Chính quyền Tổng thống Biden vẫn tiếp tục chính sách thuế thương mại từ thời Trump, trong khi tăng cường kiểm soát xuất khẩu các sản phẩm chip hiện đại nhắm vào Trung Quốc. Washington tiếp tục tăng cường tập hợp lực lượng nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên thế giới.
Ngược lại, Trung Quốc ngày càng xích lại gần Nga trong bối cảnh xung đột tại Ukraine. Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan, sau khi cắt đứt một số kênh đối thoại với Mỹ, trong đó có các trao đổi quốc phòng.
Trung Quốc từ lâu luôn tự coi nước mình là nạn nhân trong cuộc xung đột với Mỹ, theo Michael Auslin, nhà sử học Viện Hoover thuộc Đại học Stanford. Tuy nhiên, những gì mà giới chức Trung Quốc đang cố gắng truyền đạt là, với sức mạnh quân sự hiện nay, Bắc Kinh sẽ không lùi bước trước thách thức từ Washington.
Khó cứu vãn quan hệ
Trong vụ khinh khí cầu xâm nhập không phận, Mỹ cuối cùng bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc rằng đó chỉ là thiết bị nghiên cứu khoa học và bắn rơi thiết bị này bằng tên lửa Sidewinder. Phía sau màn đấu khẩu và đổ lỗi nảy lửa, có thể thấy những lo ngại rằng hai bên đang bị cuốn vào con đường dẫn đến xung đột vũ trang.
Sau vụ việc, Mỹ hoãn chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Blinken, vốn được kỳ vọng sẽ tái khởi động quan hệ song phương. Ở phía bên kia, Trung Quốc cử Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Vương Nghị công du châu Âu. Tại tất cả điểm dừng chân, ông Vương đều lên án Mỹ, theo CNN.
Các chuyên gia nhận định phần lớn phát biểu công kích nhằm vào đối phương đều được Washington và Bắc Kinh sử dụng cho mục tiêu chính trị đối nội.
Phát biểu hôm 6/2 được ông Tập đưa ra trước các thành viên cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc trong phiên họp lập pháp thường niên ở Bắc Kinh.
Tại Washington, vụ khí cầu xâm nhập được sử dụng để gióng lên hồi chuông cảnh báo cần những phản ứng quyết liệt hơn với Bắc Kinh, thu hút thêm sự ủng hộ của phe Cộng hòa dành cho chính quyền Tổng thống Biden.
Khí cầu Trung Quốc bị tiêm kích Mỹ bắn rơi. Ảnh: AP. |
Tuần qua, hạ viện Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về tăng cường kiểm soát việc bán chip bán dẫn cho các công ty Trung Quốc, cấm mạng xã hội TikTok, đồng thời trừng phạt việc Trung Quốc bán các hóa chất có thể dùng để sản xuất ma túy cho Mexico.
Tuần tới, quốc hội Mỹ sẽ xem xét tiếp các biện pháp nhằm gây sức ép lên các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc.
"Đây thực sự là cuộc đấu tranh sinh tồn nhằm định hình trật tự của thế kỷ 21", Hạ nghị sĩ Michael Gallagher nói trong phiên điều trần tổ chức tuần qua.
Khi Ngoại trưởng Blinken hoãn chuyến thăm Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay chuyến thăm sẽ được tổ chức lại khi các điều kiện cho phép.
Hôm 6/2, khi được hỏi liệu đã xuất hiện các điều kiện phù hợp để tổ chức chuyến thăm chưa, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói cơ quan này chưa có kế hoạch tổ chức chuyến thăm.
"Chúng tôi vẫn có các kênh giao thiệp với các đồng nghiệp Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng, bằng cách nào đó, có thêm các kênh liên lạc sâu sắc hơn", ông Price cho biết.
Các chuyên gia nhận định ngay nếu cả chuyến thăm được tổ chức, Washington cũng sẽ không thể đạt được điều gì khác hơn là khôi phục các kênh đối thoại mà Bắc Kinh hủy bỏ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi, khi đó là Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Suisheng Zhao, chuyên gia Đại học Denver, cho rằng hai bên sẽ không nhượng bộ những vấn đề sống còn với đối phương, như việc Washington nới lỏng hạn chế xuất khẩu công nghệ, hay Bắc Kinh bảo đảm không dùng vũ lực với Đài Loan.
Trong bối cảnh nhiều vị trí cấp cao trong chính quyền Trung Quốc vừa thay đổi, Washington đặc biệt cần tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp để hiểu rõ cách vận hành của bộ máy mới tại Bắc Kinh, theo ông Daniel Russel, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Nếu chờ đợi quá lâu, các vấn đề có thể phát sinh", ông Russel nhận định.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/my-trung-chim-sau-vao-vong-xoay-doi-dau-post1409886.html