Mỹ tìm cách sơ tán số công dân còn sót lại ở Afghanistan
Ngày 1/9, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Washington đang xem xét mọi khả năng và tuyến đường có thể để tiếp tục sơ tán công dân và người có tư cách thường trú hợp pháp tại nước này rời khỏi Afghanistan.
Phát biểu với báo giới, bà Nuland nêu rõ Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại với Taliban vì lợi ích của mình và các đồng minh, đồng thời sẽ theo dõi sát hành động của Taliban. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng Taliban sẽ được hưởng nhiều lợi ích, nếu có thể điều hành Afghanistan khác với cách thức cầm quyền trước đây.
Theo bà Nuland, hiện còn khoảng từ 100 đến 200 người Mỹ vẫn ở Afghanistan và nước này sẽ tiếp tục các nỗ lực bảo đảm sơ tán tất cả công dân và thường trú nhân hợp pháp của Mỹ cùng những người từng làm việc cho Washington muốn rời khỏi Afghanistan.
Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Washington đang nỗ lực thu xếp tiếp nhận khoảng 50.000 người tị nạn Afghanistan tại các căn cứ quân sự trước khi chuyển họ cho các tổ chức hoạt động hỗ trợ tái ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Marki Milley bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng Taliban đã thay đổi so với trước đây. Theo ông, cần có thêm thời gian mới có thể đánh giá được sự thay đổi của lực lượng này.
Trong giai đoạn cầm quyền tại Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, chế độ Taliban thực thi nhiều chính sách hà khắc tại quốc gia Tây Nam Á này dựa trên cách giải thích cực đoan theo luật Hồi giáo Sharia.
Cũng trong ngày 1/9, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cho biết liên minh này nói riêng và phương Tây nói chung cần tiếp xúc với Taliban nhưng sẽ không vội vàng công nhận chính thức lực lượng này là nhà cầm quyền mới của Afghanistan.
Phát biểu với các thành viên Nghị viện châu Âu tại Brussels, ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành của Ủy ban châu Âu về châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng quan hệ chính thức với Taliban sẽ chỉ diễn ra nếu lực lượng này đáp ứng các điều kiện cụ thể, trong đó có tôn trọng nhân quyền và bảo đảm quyền tiếp cận không cản trở cho các nhân viên cứu trợ.
Theo ông Wiegand, điều kiện chủ chốt EU đặt ra trong việc thiết lập quan hệ chính thức với Taliban là việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp mang tính đại diện nhiều thành phần./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: https://www.vietnamplus.vn/my-xem-xet-moi-kha-nang-va-tuyen-duong-de-tiep-tuc-so-tan-cong-dan/738093.vnp