Mỹ nỗ lực ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện giữa Israel - Hezbollah
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách kiềm chế cuộc đụng độ biên giới ngày càng tồi tệ giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon. Tuy nhiên, nỗ lực của họ đang gặp phải những cơn gió ngược, khi chưa thể dàn xếp được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, điều kiện mà Hezbollah đưa ra để ngừng giao tranh với Israel.
Hezbollah, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Gaza và là đồng minh của Hamas, đã tăng cường tấn công bằng rocket và máy bay không người lái (UAV) vào miền bắc Israel trong những tuần gần đây, gây thêm áp lực đối với chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Hassan Nasrallah, thủ lĩnh nhóm Hezbollah, trong bài phát biểu trên truyền hình ở Beirut hồi đầu tháng cảnh báo rằng "không có nơi nào ở Israel an toàn trước tên lửa của chúng tôi".
"Logic của Nasrallah là tất cả đều gắn liền với Gaza và chỉ khi khu vực này đạt được lệnh ngừng bắn, việc bắn phá Israel mới dừng lại", một quan chức của chính quyền Tổng thống Biden nói tuần này, thêm rằng Mỹ không chấp nhận quan điểm đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại Washington ngày 25/6. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuần này thăm Mỹ để gặp quan chức cấp cao Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc để thảo luận về tình hình ở Gaza cùng những căng thẳng biên giới gần đây.
"Israel muốn tìm kiếm giải pháp có thể thay đổi tình hình an ninh ở phía bắc đất nước. Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng đang chuẩn bị mọi kịch bản. Chúng tôi sẽ không cho phép lực lượng Hezbollah hiện diện ở gần biên giới Israel. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ mối đe dọa nào đối với cộng đồng của mình ở miền bắc", ông Gallant nói ngày 26/6.
Israel và Hezbollah đã liên tục tấn công đáp trả nhau trong gần 8 tháng qua. Dù hai bên đều không muốn biến căng thẳng hiện tại thành xung đột quy mô lớn, cả hai đều báo hiệu họ có thể leo thang giao tranh.
Hezbollah đầu tháng này công bố video mà nhóm tuyên bố được quay từ UAV trinh sát bay qua cảng Haifa của Israel. Một UAV khác của Hezbollah bị lực lượng Israel bắn hạ ở vùng hạ lưu Galilee.
Quân đội Israel tuần trước thông báo đã phê duyệt kế hoạch tấn công vào Lebanon, song hoạt động này vẫn cần được chính phủ của Thủ tướng Netanyahu chấp thuận. Trong khi đó, ông Netanyahu tuyên bố Israel sẽ tái triển khai quân đội từ Gaza đến biên giới phía bắc trong tương lai gần.
Đối với Israel, cuộc chiến với Hezbollah sẽ là nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều so với chiến dịch chống Hamas ở Gaza. Chuyên gia ước tính nhóm vũ trang Lebanon sở hữu hơn 150.000 rocket và tên lửa, một số loại có tầm bắn chạm đến Tel Aviv và các thành phố khác ở Israel bất chấp hệ thống phòng thủ tinh vi của nước này.
Hezbollah đã phóng hơn 5.000 rocket, tên lửa chống tăng và UAV tự sát vào Israel kể từ khi căng thẳng bắt đầu. Lực lượng Israel cũng tiến hành nhiều cuộc không kích nhắm vào các chỉ huy Hezbollah và mục tiêu quân sự của nhóm, khiến gần 500 người thiệt mạng, khoảng 70.000 dân thường ở miền bắc Israel phải sơ tán.
Nguy cơ leo thang xung đột Israel - Hezbollah đã khiến nhiều chính phủ nước ngoài, trong đó có Canada, Đức và Hà Lan, đã kêu gọi công dân của họ rời Lebanon, cảnh báo rằng giao tranh gia tăng có thể dẫn tới nhiều tuyến du lịch, thương mại ngừng hoạt động.
"Cuộc tấn công của Israel vào Lebanon có thể làm leo thang căng thẳng ở Trung Đông lên cấp độ hoàn toàn mới và nhanh chóng trở thành xung đột khu vực lớn hơn nhiều so với xung đột ở Gaza", Giorgio Cafiero, giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Gulf State Analytics, công ty tư vấn rủi ro địa chính trị tại Washington, cho hay.
Vị trí Lebanon, Israel và Cao nguyên Golan. Đồ họa: AFP
Quan chức cấp cao Mỹ nói rằng họ tin Hezbollah, Israel và Iran không muốn cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra, có thể lấn át tình hình ở Gaza. Song một số người lo ngại căng thẳng leo thang giữa các bên có thể vượt tầm kiểm soát.
"Do lo ngại về thiệt hại nặng nề từ cuộc chiến Hezbollah - Israel và khả năng Iran can thiệp, chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao để trì hoãn cuộc xung đột", David Schenker, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn Trung Đông dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, nói.
Mỹ đã cử đặc phái viên Amos Hochstein phụ trách nỗ lực tạo ra thỏa thuận nhằm giảm leo thang. Ông Hochstein đã di chuyển như con thoi giữa Beirut và Tel Aviv, kêu gọi hai bên giảm leo thang khẩn cấp.
Những ý tưởng mà Mỹ đề xuất để xoa dịu căng thẳng gồm yêu cầu Hezbollah rút khỏi phạm vi 7 km tính từ đường biên giới, đồng thời triển khai vài nghìn binh sĩ Lebanon tới thế chỗ lực lượng này.
Ngoài ra, lực lượng gìn giữ hòa bình đang được triển khai ở miền nam Lebanon có thể mở rộng quy mô, theo Schenker. Israel sẽ đồng ý hạn chế triển khai tiêm kích và UAV về phía Lebanon để đổi lấy việc Hezbollah rút quân.
Ông Hochstein đã hai lần gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant để trao đổi về vấn đề Lebanon. Trong chuyến thăm Trung Đông tuần trước, ông Hochstein hội đàm cùng Thủ tướng Netanyahu và cũng đã ghé qua Lebanon để gặp các quan chức cấp cao nước này.
"Tiến trình ngoại giao của chúng tôi đang được tiến hành. Chúng tôi đang tích cực tham vấn với Israel, Lebanon và các bên khác", một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden nói.
Trong dấu hiệu cho thấy những nỗ lực của Mỹ có thể đã có hiệu quả nhất định, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati ngày 26/6 nói rằng đất nước ông không muốn trở thành chiến trường vì xung đột quân sự ở phía nam. Bình luận này báo hiệu thay đổi trong lập trường của ông so với tháng 3, khi ông gợi ý rằng lệnh ngừng bắn ở Gaza là điều cần thiết cho hòa bình ở Lebanon.
Để tăng áp lực với Hezbollah đồng ý thỏa thuận giảm leo thang, quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Washington sẽ không kiềm chế hoạt động của quân đội Israel nếu nỗ lực ngoại giao hiện tại thất bại.
"Chúng tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ Israel và bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của họ, chống lại các nhóm như Hezbollah", quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói.
Tuy nhiên, tướng Charles Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cuối tuần trước nói với phóng viên rằng quân đội Mỹ có thể khó bảo vệ Israel chống lại cuộc tấn công lớn từ Hezbollah như cách đã làm hồi tháng 4, khi Iran phóng hơn 300 tên lửa và UAV về phía Israel. Với sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh, Israel đã chặn gần như tất cả vũ khí của Iran.
Hezbollah có lượng lớn rocket tầm ngắn, loại vũ khí Mỹ khó đánh chặn hơn so với tên lửa hành trình tầm xa, và động thái giúp đỡ Israel của Mỹ cũng có thể kích hoạt phản ứng quyết liệt từ Iran, theo ông Brown.
"Đây là phép thử ngoại giao đối với chính quyền Tổng thống Biden và họ có thể sẽ thất bại. Sự ủng hộ sắt đá của ông Biden với Israel trong suốt chiến dịch ở Gaza đã làm giảm đòn bẩy của Nhà Trắng với ông Netanyahu và bất kỳ cuộc thảo luận nào về 'lằn ranh đỏ'", Cafiero nhận xét.
Khói bốc lên ở khu vực biên giới miền nam Lebanon ngày 18/6. Ảnh: AFP
Mỹ không muốn xung đột Israel - Hezbollah leo thang thành cuộc chiến toàn diện bởi gánh nặng chi phí mà Washington phải chịu sẽ rất lớn.
"Ông Biden đã đầu tư hơn 25 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến của Israel ở Gaza. Nếu Israel quyết định tấn công Lebanon, đó sẽ không phải là chiến dịch nhanh chóng", Marina Calculli, nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia kiêm chuyên gia về Hezbollah, nói.
Ông Calculli nhấn mạnh chính quyền ông Biden sẽ phải đối mặt với việc thuyết phục cử tri Mỹ tiếp tục viện trợ hàng tỷ USD cho cuộc chiến của Israel với Hezbollah, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống ngày càng cận kề. Ngoài tính toán về tài chính, chính quyền Mỹ cũng lo ngại xung đột ở biên giới Israel - Lebanon lan sang các khu vực khác ở Trung Đông.
Nhà Trắng không muốn Mỹ bị kéo vào vũng lầy xung đột ở Trung Đông chỉ vài tháng trước cuộc tái đấu giữa ông Biden và cựu tổng thống Donald Trump, bởi điều này tiềm ẩn nguy cơ khiến đảng Dân chủ bại trận trước phe Cộng hòa vào tháng 11.
Xem thêm
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-no-luc-ngan-chien-tranh-israel-hezbollah-4763623.html