Mỹ lo ngại Israel sẽ 'chiếm đóng lâu dài' miền nam Lebanon
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 1/10 tuyên bố phát động chiến dịch trên bộ "hạn chế" ở miền nam Lebanon, nhằm vào các mục tiêu và cơ sở hạ tầng của nhóm vũ trang Hezbollah tại những ngôi làng gần biên giới hai nước.
Giới chức Israel nói với CNN rằng quân đội nước này sẽ tập trung loại bỏ "các mối đe dọa trực tiếp" tại những ngôi làng ở miền nam Lebanon, vô hiệu hóa năng lực xâm nhập miền bắc Israel của Hezbollah. Một quan chức cấp cao nhấn mạnh binh sĩ Israel không có ý định ở lại Lebanon và sẽ không "chiếm đóng lâu dài" miền nam nước này, song từ chối tiết lộ chiến dịch sẽ kéo dài bao lâu.
Xe tăng Israel triển khai gần biên giới với Lebanon hôm 29/9. Ảnh: AFP
Nhưng Times of Israel dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết họ lo ngại IDF có thể sẽ sa lầy tại Lebanon hoặc buộc phải mở rộng quy mô chiến dịch, dù ban đầu không có kế hoạch như vậy. Theo một quan chức Mỹ, Israel ban đầu cũng tuyên bố chỉ mở chiến dịch "hạn chế" khi đưa quân vào Lebanon hồi năm 1982, song sau đó đã chiếm đóng miền nam nước này 18 năm.
"Chúng tôi công nhận đôi khi áp lực quân sự có thể thúc đẩy hoạt động ngoại giao, song áp lực quân sự cũng có khả năng dẫn đến tính toán sai lầm và những hậu quả không lường trước được", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho hay.
Israel hồi tháng 6/1982 phát động chiến dịch Hòa bình cho Galilee, đưa quân vào Lebanon nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) từ miền nam nước này.
Với mục tiêu thành lập chính phủ thân thiện với Tel Aviv ở nước láng giềng, Israel đã chiếm đóng miền nam Lebanon và tiến xa tới tận tây Beirut, nơi PLO đặt trụ sở, rồi bao vây khu vực này. Chính phủ Israel hy vọng "chiến dịch hạn chế" này sẽ thúc đẩy các bên ở Lebanon ký một hiệp định giúp mang lại "hòa bình 40 năm" cho Tel Aviv.
PLO đồng ý chuyển lực lượng đến Tusinia sau khi hai bên đạt được thỏa thuận, song IDF vẫn tiếp tục ở lại Lebanon để hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm địa phương trong cuộc nội chiến ở quốc gia này.
Một số nhóm vũ trang Lebanon đã được thành lập để phản kháng Israel, trong đó có Hezbollah, lực lượng đến từ cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite và được Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hậu thuẫn.
Nhận được ủng hộ từ tầng lớp thanh niên bất mãn cùng cư dân tại thung lũng Bekaa và vùng ngoại ô phía nam Beirut, những khu vực có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống, lực lượng Hezbollah nhanh chóng trở thành thế lực lớn tại Lebanon. Đến năm 1985, năng lực quân sự của Hezbollah đã lớn mạnh đến mức nhóm cùng các đồng minh đã có thể buộc lực lượng chiếm đóng Israel phải rút qua sông Litani ở miền nam Lebanon.
Israel sau đó tuyên bố thiết lập "vùng an ninh" dọc biên giới nước này với Lebanon, nhằm bảo vệ miền bắc Israel khỏi các cuộc tấn công từ quốc gia láng giềng.
Vị trí Israel, Lebanon và sông Litani. Đồ họa: RANE
Khu vực này do Quân đội Nam Lebanon (SLA), được coi là lực lượng ủy nhiệm của Israel, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh. SLA tiếp tục hỗ trợ quân đội Israel cho đến khi IDF rút hết quân vào năm 2000, kết thúc 18 năm chiếm đóng miền nam Lebanon.
Hơn 20 năm sau, Lebanon vẫn là quốc gia bị tàn phá về kinh tế và trải qua nhiều biến động chính trị, nơi Hezbollah gần như kiểm soát mọi mặt về đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, kinh tế Lebanon gần như không thể phục hồi và bị đánh gục do đại dịch Covid-19. Thu nhập bình quân đầu người đã giảm từ mức khoảng 9.000 USD năm 2018 xuống 3.300 USD.
Chiến dịch tấn công của Israel có thể khiến hàng triệu người dân Lebanon lâm vào tình cảnh khó khăn hơn, bị đe dọa cả về tính mạng và sinh kế. Đây là điều mà một "chiến dịch hạn chế" khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn, khiến chiến sự ở nước này có thể tiếp tục kéo dài, theo Jo Adetunji, bình luận viên của Conversation.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tan-cong-han-che-vao-lebanon-israel-co-the-keo-dai-chien-su-4798760.html