Mỹ đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với châu Á sau xung đột Ukraine
Trong vài tháng qua, Nhật Bản cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và mua tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ. Hàn Quốc thừa nhận sự ổn định ở eo biển Đài Loan là yếu tố quan trọng với an ninh nước này. Philippines cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ trên lãnh thổ và thảo luận tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông với Australia, Nhật và Mỹ.
Những hoạt động này cho thấy quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác ở châu Á ngày càng tăng trong bối cảnh chiến sự Ukraine kéo dài và quan hệ Nga - Trung trở nên gắn bó hơn, theo Brad Lendon, bình luận viên về các vấn đề quân sự toàn cầu của CNN.
Các nhà phân tích cho rằng Mỹ từ lâu đã nỗ lực tăng quan hệ quân sự với các nước châu Á, nhưng quá trình này được đẩy nhanh đáng kể do tác động từ chiến sự Ukraine, khi các quốc gia trong khu vực cảm thấy bất an với tình hình an ninh toàn cầu.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim (giữa) bắt tay đặc phái viên Hàn Quốc về an ninh bán đảo Kim Gunn (trái) và Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Fukanoshi Takehiro ở Indonesia, cuối năm 2022. Ảnh: Reuters.
Tokyo nhiều năm qua đã nỗ lực diễn giải lại hiến pháp, cho phép họ tung đòn tấn công nếu an ninh quốc gia bị đe dọa. "Tôi có cảm giác cấp bách rằng những gì diễn ra ở Ukraine hiện nay có thể xuất hiện ở khu vực Đông Á trong tương lai", Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại một hội nghị quốc phòng ở Singapore năm ngoái.
"Người Nhật đã chú ý đến tình hình ở Ukraine và cuộc xung đột này càng khiến họ cảm thấy dễ bị tổn thương hơn", John Bradford, chuyên gia cấp cao tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratman (RSIS) ở Singapore, nhận định.
Cuối năm 2022, Nhật Bản công bố kế hoạch xây dựng quốc phòng trị giá 320 tỷ USD, lớn nhất từ Thế chiến II, nhằm đối phó với "hàng loạt thách thức an ninh. Kế hoạch này coi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất từ trước đến nay đối với việc đảm bảo hòa bình và ổn định của Nhật Bản".
Tokyo chưa sở hữu các loại tên lửa hành trình tầm xa, do hiến pháp hậu Thế chiến II quy định các khí tài quân sự chỉ phục vụ mục đích phòng thủ. Cuối tháng 2, ông Kishida xác nhận kế hoạch chi 211,3 tỷ yên (1,5 tỷ USD) để mua 400 tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ trong năm 2023.
Một số biến thể tên lửa Tomahawk có tầm bắn khoảng 1.600 km, giúp Nhật có khả năng tấn công nhiều mối đe dọa ở Đông Bắc Á. Nhật Bản có thể chỉnh sửa bệ phóng thẳng đứng trên nhiều tàu chiến hiện nay để khai hỏa tên lửa Tomahawk.
"Nhật Bản đã nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ trong nhiều năm. Chiến sự Ukraine là yếu tố cân nhắc xuyên suốt trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới của ông Kishida, khiến quá trình được dự đoán trước này trở nên dễ dàng hơn về mặt chính trị", ông Bradford giải thích.
Trong khi đó, Hàn Quốc đang chú ý đến vấn đề Đài Loan qua lăng kính tương tự, khi Seoul - Tokyo tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có các cuộc diễn tập hải quân chung với Washington.
Đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Đồ họa: CSIS.
"Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là điều cần thiết cho an ninh trên bán đảo Triều Tiên, cũng như không tách rời với an ninh, thịnh vượng của toàn khu vực", Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nói.
Theo bình luận viên Lendon, Seoul dường như lo ngại rằng trong trường hợp Mỹ bị kéo vào một cuộc xung đột bất ngờ nổ ra ở eo biển Đài Loan, Hàn Quốc sẽ trở nên dễ tổn thương hơn trước Triều Tiên.
Quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc những năm gần đây lao dốc khi Bình Nhưỡng tăng cường chương trình vũ khí, phóng số tên lửa kỷ lục vào năm ngoái, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khả năng nước này tiếp tục thử hạt nhân.
Tại Đông Nam Á, chính quyền Tổng thống Joe Biden trong năm qua đã nỗ lực tăng cường quan hệ với Philippines sau khi tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng 2 tới Manila gặp Tổng thống Marcos để thảo luận về tăng tốc triển khai toàn diện Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA). Hai nước sau đó thông báo thỏa thuận mới, trong đó Philippines cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự chiến lược ở nước này, ngoài 5 căn cứ trước đây.
Hiện chưa rõ những căn cứ mới của Mỹ sẽ được đặt tại đâu, nhưng hồi tháng 11/2022, tướng Bartolome Vicente Bacarro, người khi đó là tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, cho hay Washington đã xác định 5 địa điểm tiềm năng để đặt căn cứ, gồm hai ở Cagayan, một ở Palawan, một ở Zambales và một ở Isabela.
Các vị trí Mỹ có thể đặt căn cứ mới ở Philippines. Đồ họa: Lực lượng vũ trang Philippines.
Cagayan và Isabela đều nằm ở miền bắc Philippines, trong đó Cagayan nằm rất gần đảo Đài Loan. Trong khi đó, Palawan là tỉnh án ngữ khu vực tây nam Biển Đông.
Giới chuyên gia đánh giá đây là một bước tiến lớn trong mục tiêu của Lầu Năm Góc nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện diện mở rộng của Mỹ tại Philippines cũng có thể đóng vai trò ngăn chặn những động thái của Bắc Kinh đối với đảo Đài Loan.
Philippines gần đây cũng đàm phán với Mỹ, Australia và Nhật Bản để tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông, nơi căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đang gia tăng.
"Washington sẽ không có chiến lược khả thi nào để ứng phó với Bắc Kinh nếu không nhận được sự hợp tác mạnh mẽ từ các đồng minh khu vực như Philippines và Nhật Bản. Hai nước này cũng rất quan trọng trong việc vạch ra phản ứng với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên đảo Đài Loan", báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố mới đây có đoạn.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chien-su-ukraine-thuc-day-my-tang-quan-he-quoc-phong-voi-chau-a-4578006.html