Muốn con mau biết nói cha mẹ hãy thường xuyên trò chuyện cùng con nhiều hơn
Bước sang tháng thứ 5 của cuộc đời, các bé ngày càng hoàn thiện các kỹ năng học được từ khi 4 tháng tuổi. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể quan sát thấy con mình đang có thêm những kỹ năng mới.
1. Cơ bắp của bé phát triển mạnh mẽ
5 tháng tuổi, bé đã có thể ngồi trong một khoảng thời gian nhất định với sự trợ giúp của cha mẹ hoặc gối.
Hầu hết các bé đã biết cách chuyển động lăn từ nằm sấp qua nằm ngửa, do đó, cha mẹ tuyệt đối không bao giờ cho con nằm trên giường, trên bàn, trên ghế sô pha hay một mặt phẳng ở trên cao, vì bé có thể lăn ra và bị ngã gây chấn thương. Ngoài ra, một số bé đã biết cong chân đẩy bụng và lao về phía những đồ vật mà bé thích.
Một điều khác biệt nữa mà cha mẹ sẽ nhận ra khi con được 5 tháng tuổi là tay bé ngày càng khéo léo. Bé có thể kéo đồ chơi lại gần mình, cầm chúng trong tay và biết truyền từ tay này sang tay kia. Thậm chí, bé còn có thể cầm một cái chai hoặc một cái cốc (ly).
Bé 5 tháng tuổi vẫn còn rất thích cho mọi thứ vào miệng để làm giàu giác quan cảm giác của mình. Vì vậy, cha mẹ phải luôn chú ý đến những đồ vật ở xung quanh con mình. Hãy loại bỏ những đồ vật nhỏ, sắc nhọn, dơ bẩn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bé.
Dấu hiệu nguy hiểm: Vào tháng thứ 5 mà chân tay con vẫn mềm yếu, các cử động của con vẫn yếu ớt, không thể đứng trên hai chân khi được đặt xuống mặt phẳng hoặc con chỉ thích sử dụng một bên cơ thể của mình như nằm nghiêng về một bên, thường xuyên hoạt động bằng 1 tay… thì cha mẹ cần cho con đi khám bác sĩ nhi khoa.
2. Bé nói chuyện nhiều hơn
Nếu cha mẹ muốn con mau biết nói thì hãy thường xuyên trò chuyện cùng con, hãy cố gắng thu hút sự chú ý của con bằng những tiếng cười và sự vui vẻ. (Ảnh minh họa).
Khi bé được 5 tháng tuổi, những tiếng rì rầm mà cha mẹ thường nghe lúc bé 4 tháng dường như rõ ràng hơn, chúng thành những tiếng bập bẹ. Thỉnh thoảng, có ông bố bà mẹ lại hí hửng mừng rỡ khi nghe con nói những âm tương tự như "mama", "baba". Thế nên, nếu cha mẹ muốn con mau biết nói thì hãy thường xuyên trò chuyện cùng con, hãy cố gắng thu hút sự chú ý của con bằng những tiếng cười và sự vui vẻ.
Cùng với việc nói chuyện mỗi ngày, cha mẹ nhớ lưu ý nên dành thời gian lắng nghe câu trả lời của bé - những tiếng bập bẹ o, a - xen lẫn trong cuộc trò chuyện. Điều này là rất quan trọng bởi đây là cách cha mẹ dạy con về sự tương tác, giúp bé hiểu hơn về giao tiếp.
Dấu hiệu nguy hiểm: Thật tốt khi không phải nghe con "lảm nhảm" quá nhiều. Nhưng nếu một em bé 5 tháng tuổi luôn im lặng, không bao giờ nói tiếng nào thì cũng là dấu hiệu mà cha mẹ cần phải lưu ý đến bé nhiều hơn.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/tay-kheo-leo-hon-va-noi-nhieu-hon-la-nhung-cot-moc-phat-trien-quan-trong-cua-be-5-thang-tuoi-20191129123306686.chn