Mùa dịch không có thanh bông, hoa quả tươi thì tổ chức đám giỗ thế nào?
Đám giỗ bình thường
Từ lâu đám giỗ đã trở thành một nét văn hóa tâm linh quan trọng của người Việt, là một trong những nghi lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt, như một dịp trọng đại để con cháu họ hàng tụ tập, tưởng nhớ người đã mất.
Đám giỗ là cúng cơm Tổ tiên, ông bà, cha mẹ… kể từ sau khi người đó qua đời vào đúng ngày người đó mất theo Âm lịch. Con cháu bày tỏ tấm lòng thương xót, tưởng nhớ và thể hiện đạo hiếu tới người đã khuất.
Các nhà sử học cho rằng đám giỗ xuất phát từ đời vua Hùng Vương, nhằm ghi nhớ công ơn của những vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh đến muôn đời. Sau đó dân chúng học theo với ý nghĩa thể hiện đạo hiếu thương quý, tôn thờ tổ tiên, tưởng nhớ người thân đã mất.
Tùy nhà mà tổ chức đám giỗ cho phù hợp. Nhà có điều kiện thì làm đám giỗ linh đình, mời nhiều họ hàng, bè bạn cùng dự. Nhà nghèo thì bát cơm quả trứng, nén nhang, đĩa gạo muối… tựu trung tấm lòng thành kính, tưởng nhớ của người sống đến với người đã mất, không quan trọng việc làm giỗ lớn hay giỗ nhỏ.
Khi chưa có dịch nhiều nhà làm đám giỗ to. Ảnh minh họa.
Có rất nhiều ngày giỗ khác nhau, nhưng mỗi người mất mỗi năm được con cháu làm giỗ một lần. Nổi bật có 3 ngày giỗ trọng trong quá trình thờ cúng một người đã mất là:
Giỗ đầu (tiểu tường): Tổ chức sau 1 năm người mất qua đời - theo tục lệ giỗ đầu vẫn còn nằm trong thời kỳ tang với nỗi bi ai, sầu thảm của cả gia đình.
Giỗ hết (đại tường): Đám giỗ trọng sau khi người mất qua đời 2 năm – vẫn trong thời kỳ để tang nên tổ chức trang nghiêm, đau buồn.
Giỗ thường (Cát Kỵ): Ngày giỗ từ 3 năm trở lên từ khi người được thờ cúng mất – chỉ còn là dịp để con cháu của người quá cố sum họp và tưởng nhớ người đã khuất.
Ngày giỗ có đầy đủ các nghi lễ cần thiết và bài văn khấn. Từ sáng sớm bàn thờ đã bày biện thanh sạch, trang nghiêm. Các món cúng giỗ được chuẩn bị sạch sẽ, tươm tất nhất có thể, xong xuôi được sắp gọn ở bàn dưới (không bày trên ban thờ).
Chủ lễ sẽ thắp 3 nén hương rồi lùi lại 1 bước và chắp tay vái 3 vái, rồi mười ngón tay đan vào nhau đặt lên ngang trán đọc văn khấn giỗ đầu thưa gửi tổ tiên. Đọc xong tạ 3 vái mới lui xuống. Khi tuần nhang 1 cháy hết thì hạ cỗ và chuẩn bị cỗ để con cháu thụ lộc (có nơi tàn tuần nhang thứ hai mới mang cơm cúng lên, hết 2/3 tuần nhang thứ 2 chủ lễ mới tạ lễ, hóa vàng, hạ cỗ, tiến hành thụ lộc).
Hoa tươi thường được dâng cúng trên ban thờ. Ảnh minh họa.
Mùa dịch cúng giỗ thế nào?
Bàn thờ là nơi quan trọng giúp con cháu thành kính giao lưu với tổ tiên, ngoài bát hương, chén nước, thanh bông, hoa quả tươi, bánh kẹo... thì không đặt lên gì khác.
Hoa dâng cúng trên ban thờ phải là hoa tươi đẹp, thường là hoa hồng, cúc, huệ, hoàng lan, ngọc lan… thơm ngát. Trong đạo Phật, hoa dâng cúng tượng trưng cho sự thanh khiết, thơm tho, có ý nghĩa dâng điều thiện lành, tốt đẹp, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn cúng chư Phật và gia tiên. Người dâng cúng hoa tươi cần có thái độ kính cẩn, thể hiện nét đẹp hiếu hạnh của người Việt mỗi dịp đám giỗ, lễ tết, các ngày rằm, mùng 1.
Hoa quả thì dâng cúng những loại có mùi thơm nhẹ nhàng như táo, bưởi, cam, quít… Chọn hoa quả để thắp hương có độ chín vừa phải để trưng được lâu. Tránh chọn những quả có gai nhọn, mùi thơm nồng khó chịu.
Việc thờ cúng quan trọng ở cái tâm, dù ít dù nhiều cũng nên dùng đồ thật để bày biện, thể hiện lòng thành kính. Khi hoa quả có dấu hiệu héo úa bạn cần loại bỏ ngay.
Mùa dịch có gì thì dâng cúng nấy, miễn là tâm thành. Ảnh minh họa.
Mùa dịch bệnh tuy thiếu thốn tạm thời, việc mua thanh bông (hoa tươi) dâng cúng khó khăn, nhưng không vì thế mà dâng hoa giả, bánh trái và các đồ cúng lễ giả. Tuy hoa giả, đồ lễ giả bày ban thờ đẹp mắt và bền, nhưng bình thường các chuyên gia tâm linh đã khuyên người dân tối kị không đặt trên ban thờ vì mất sinh khí, thanh tịnh, mất cả cảm giác ấm áp, sinh động ở nơi thờ cúng.
Cũng tuyệt đối không dùng vật phẩm đã cúng, hoa quả, đồ lễ đã có phần hư hỏng đặt lên ban thờ.
Ý nghĩa của phong tục đám giỗ là để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ những phẩm chất tốt đẹp của người đi trước và gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng xóm, ngành nghề… với nhau. Nhưng mùa dịch nên tuân theo quy định của chính quyền, đám giỗ không nên tổ chức linh đình.
Người dân đừng quá lo lắng vì thiếu thanh bông. Việc không có thanh bông, hoa quả tươi cũng không sao. Nếu có thể thì thay bằng bánh kẹo. Hoặc không ra ngoài được thì gạo, muối, chén nước… có gì cúng nấy, miễn là thành tâm tưởng nhớ.
Thiếu thốn tạm thời là vì giãn cách xã hội, vì chung tay góp phần phòng trách dịch bệnh lây lan - các cụ gia tiên không vì thế mà trách móc, hay "phạt" mà không ban tài lộc cho con cháu như một số người nghĩ.
Đám giỗ cũng tùy thời cuộc, việc thờ cúng cốt ở cái tâm, thái độ hiếu kính với tổ tiên, chứ không phải là dựa vào lễ cúng to hay nhỏ, ít hay nhiều của các phẩm vật.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/nha-dep/dam-gio-khong-co-thanh-bong-hoa-qua-tuoi-co-bi-cac-cu-quo-trach-va-mat-tai-loc-c169a485158.html