Một năm dùng ThinkPad, tôi bắt đầu thấy hối hận vì bỏ MacBook
Chiếc laptop đầu tiên tôi sử dụng trong đời là một sản phẩm chạy Windows của HP. Tuy nhiên, giống như nhiều tín đồ iPhone khác, tôi tìm đến MacBook vì muốn tìm kiếm trải nghiệm sử dụng đơn giản giống iPhone, một phần khác là từ lời khuyên của bạn bè.
Tôi mua một chiếc MacBook Pro 2013 và đổi sang MacBook Air đời 2015 sau vài tháng với cấu hình cơ bản gồm chip core i5 tốc độ 1,6 GHz, RAM 4 GB và ổ lưu trữ 128 GB.
Được hơn một năm, cơ quan tôi đưa ra chính sách cấp laptop cho nhân viên. Tôi được cấp một chiếc ThinkPad X260 với cấu hình khá mạnh gồm chip Intel core i5, RAM 8 GB và ổ SSD 256 GB. Giá trị của nó hơn 1.000 USD, cao hơn số tiền tôi bỏ ra mua chiếc MacBook Air.
Chiếc MacBook Air tôi mua thời điểm đầu 2015. |
Đây là lúc vấn đề phát sinh. Nếu giữ lại chiếc MacBook Air, tôi phải dùng cùng lúc 2 laptop và rõ ràng, việc mang vác cả 2 máy đi bất cứ đâu là vô cùng phiền phức. Để chiếc ThinkPad ở lại cơ quan cũng không ổn vì khi về nhà, tôi không thể sử dụng đống dữ liệu lưu trên chiếc laptop này.
Cuối cùng, tôi quyết định bán MacBook Air và dùng chiếc ThinkPad. Nó gắn bó với tôi được khoảng một năm nay. Chiếc máy vận hành tốt, hiệu năng mạnh, nồi đồng cối đá đúng với thương hiệu ThinkPad nhưng càng sử dụng lâu, tôi càng thấy nhớ cảm giác sử dụng chiếc MacBook của mình.
Tôi muốn lưu ý rằng tôi hoàn toàn không có ý định chê chiếc ThinkPad hiện tại hay laptop chạy Windows nói chung. Trải nghiệm của mỗi người khác nhau. Với tôi, MacBook đem lại sự thuận tiện và cảm giác thân thiện khi sử dụng. Những trải nghiệm đó là gì?
Không bao giờ phải dùng đến chuột
Trong suốt quá trình dùng chiếc MacBook, chưa bao giờ tôi có ý định sử dụng chuột, bởi trackpad của nó có thể đảm nhiệm tốt mọi thao tác một cách mượt mà và thân thiện. Pintch to zoom, kéo thả, cuộn trang, vuốt 2 ngón tay để back hoặc chuyển tiếp trang web... tất cả đều được làm một cách trơn tru mà không mất nhiều thời gian để làm quen.
Quay trở lại dùng Windows đồng nghĩa tôi lúc nào cũng phải kè kè một con chuột Bluetooth. Công việc của tôi cần các thao tác kéo thả, chỉnh sửa Photoshop khá nhiều mà trackpad của chiếc ThinkPad và phần lớn laptop chạy Windows tôi từng thử qua, đều khá tệ.
Nó có kích thước nhỏ, độ nhạy kém, hỗ trợ các thao tác đa nhiệm không hiệu quả. Mỗi lần tôi đi làm và quên con chuột ở nhà thực sự là một ác mộng. Giờ thì tôi đã hình thành thói quen, có thể quên ví mỗi khi ra khỏi nhà chứ không thể quên con chuột máy tính.
Tuy nhiên, sử dụng chuột Bluetooth mang đến một rắc rối mới. Những con chuột này khá ngốn pin còn tôi thì chẳng bao giờ dự trữ sẵn. Mỗi khi nó chuẩn bị hết pin, việc của tôi là thực hiện một vài thao tác, sau đó là tháo pin ra, lắp lại hoặc dùng tay đập mạnh và đế chuột để nó tiếp tục hoạt động.
Pin, pin, pin, pin
Ngoài con chuột thì một món phụ kiện khác tôi không bao giờ dám quên khi đi làm việc là dây sạc của máy. Chiếc ThinkPad này có thời lượng sử dụng khoảng 3 tiếng, kém rất xa so với chiếc MacBook Air cũ của tôi (khoảng 12 tiếng).
Đây là một trong những laptop có thời lượng pin tốt nhất trên thị trường. |
Thời còn dùng MacBook, tôi có thể sử dụng trong 2 ngày mới phải sạc. Trước đây, tôi có thói quen cầm máy tính và làm việc ở bất cứ đâu: trên giường ngủ, một góc nào đó nhiều ánh sáng trong nhà. Giờ đây, chỗ tôi chọn ngồi phải là nơi gần ổ cắm điện để có thể cắm sạc bất cứ lúc nào. Trên cơ quan, tôi cũng chủ động cắm sạc để sử dụng cả ngày, không rút dây sạc trừ khi có việc phải đi ra ngoài.
Từ khi sử dụng ThinkPad, tôi buộc phải xem video, giải trí nhiều hơn trên chiếc điện thoại bởi laptop thường xuyên báo pin yếu. Thói quen xem video bằng laptop của tôi bị khai tử.
Mỗi khi đi tác nghiệp bên ngoài, tôi đều cảm thấy lo sợ chiếc máy bị hết pin giữa chừng và sử dụng một cách vô cùng dè xẻn. Tháng 9 năm ngoái trong một chuyến công tác xa, tôi buộc phải mang theo một chiếc LG Gram - chiếc máy có thời lượng pin rất tốt tôi mượn để trải nghiệm - cùng với ThinkPad để làm công cụ backup vì tính chất quan trọng của sự kiện.
Tôi có thói quen dùng máy và không bao giờ tắt nguồn. Nó hình thành từ khi sử dụng MacBook. Cơ chế hoạt động của MacBook khá giống iPhone. Khi bạn gập máy lại, nó sẽ chạy ở chế độ sleep và chỉ sụt vài % qua đêm. Chiếc ThinkPad thì không như vậy, tôi thường xuyên nhận thông báo máy sắp hết pin mỗi khi để qua đêm.
Thậm chí, có những khi chiếc máy nóng ran, báo hiệu đang có chương trình chạy ngầm chưa tắt hết. Đôi khi, nó hết sạch pin và tôi phải cắm nguồn để khởi động trở lại.
Tất nhiên, đây là do thói quen sử dụng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rất phiền nếu mỗi khi dừng sử dụng phải tắt nguồn và bật lên khi cần sử dụng. Nó mất quá nhiều thời gian.
Màn hình tệ
Ngay khi nhận về chiếc máy, tôi đã tự hỏi “màn hình thế này thì sao mà sử dụng được?” Màn hình của nó hiển thị khá tệ: màu bị sai, góc nhìn kém, độ phân giải thấp, độ rõ nét kém xa chiếc MacBook Air của tôi, mặc dù MacBook Air bị xem là có màn hình khá tệ nếu so với MacBook Pro.
Chiếc ThinkPad 12 inch của tôi có màn hình hiển thị khá tệ. |
Một đồng nghiệp của tôi nói “dùng vài ngày sẽ quen thôi”. Quả thật, sau vài ngày, tôi không còn thấy màn hình này chướng mắt nhưng suốt cả năm nay, mỗi lần chỉnh sửa ảnh trên Photoshop và đăng bài, tôi đều mở hình, xem nhờ trên máy Mac xem mình chỉnh màu đã đúng chưa.
Những điểm khác
Đây là những điểm khá nhiều người đã nói, chủ yếu ca ngợi tính ưu việt của máy Mac so với Windows như thời trang hơn, hay tương thích tốt với thiết bị iOS, chẳng hạn việc gọi FaceTime hay nhắn tin từ máy tính thay vì điện thoại.
Có lẽ, tôi sẽ tìm mua một chiếc MacBook Pro trong thời gian tới bởi tôi nhận ra, một công cụ hỗ trợ công việc và giải trí tốt ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả làm việc của mình. Tất nhiên, chiếc ThinkPad vẫn tốt nhưng không đủ đáp ứng yêu cầu của cá nhân tôi.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/mot-nam-dung-thinkpad-toi-bat-dau-thay-hoi-han-vi-bo-macbook-post825799.html