Mỗi nụ hôn có thể chứa hàng tỷ vi khuẩn: 4 bệnh đường sinh dục có thể lây qua nụ hôn cần tìm hiểu

19:00' 05-04-2021
Mỗi nụ hôn chứa hàng tỷ vi khuẩn khác nhau. Trong nhiều trường hợp, nó còn mang theo cả virus gây ra các bệnh nguy hiểm lây qua đường sinh dục.


    Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) vẫn là gánh nặng của nhiều quốc gia. Hầu hết chúng gây bệnh và không có triệu chứng hoặc dễ bị bỏ qua. Theo Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Mỹ, thế giới hiện có hơn 26 bệnh nhiễm trùng lây qua đường sinh dục. Phần lớn chúng lây qua đường tiếp xúc vết loét, dịch ở bộ phận sinh dục khi quan hệ tình dục, quan hệ tình dục bằng miệng.

    Tuy nhiên, theo Medical News Today, 4 bệnh tình dục dưới đây có thể lây lan qua nụ hôn, nhất là những người có triệu chứng loét miệng.

    Herpes miệng

    Virus gây ra bệnh Herpes được phân thành hai nhóm là HSV-1 và HSV-2. Cả hai virus đều khiến người bệnh bị mắc Herpes suốt đời, không có cách nào chữa khỏi hoàn toàn.

    Bệnh nhân mắc Herpes có thể trải qua giai đoạn không triệu chứng, khiến chúng ta bỏ qua. Khi có biểu hiện lâm sàng, bệnh nhân bị mụn rộp. Nếu mụn rộp ở vùng miệng, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh sang người lành qua nụ hôn, thậm chí tiếp xúc tuyến nước bọt là rất cao.

    Hầu hết người bị Herpes miệng đều nhiễm virus HSV-1. Theo Hiệp hội Sức khỏe Tình dục Mỹ, các triệu chứng xuất hiện quanh miệng như vết phỏng nước chứa dịch đơn lẻ hoặc mọc thành cụm. Các vét loét thậm chí có thể phát triển ở trong miệng, sau họng, khiến hạch cổ sưng lên.

    Tổ chức Y tế Thế giới thống kê toàn cầu có 3,7 tỷ người dưới 50 tuổi nhiễm HSV-1. Hầu hết họ bị bệnh thụ động từ khi còn nhỏ qua các hành động như hôn, ăn - uống chung bát đĩa, đồ dùng cá nhân.

    Bệnh nhân bị Herpes dạng HSV-1 có thể không cần điều trị. Điều quan trọng là giữ vệ sinh tốt, có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để tránh mụn rộp nặng thêm, nhiễm trùng.

    Đây là căn bệnh đeo bám người mắc cả đời. Do đó, nếu phát hiện mắc bệnh, chúng ta không nên hôn môi, tránh tiếp xúc nước bọt, dùng chung đồ với người khác.

    benh duong sinh duc anh 1

    Herpes miệng là bệnh đường sinh dục hàng đầu có thể lây nhiễm qua nụ hôn. Ảnh: Shutter Stock.

    Ngoài ra, tổ chức này cũng ước tính 491 triệu người từ 15 đến 49 tuổi trên thế giới nhiễm HSV-2. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ cũng cho biết cứ 6 người Mỹ dưới 50 tuổi thì có 1 người mắc Herpes simplex 2 (HSV-2), tức là loại herpes gây mụn rộp ở bộ phận sinh dục.

    Khi nhiễm virus HSV-2, người bệnh mọc mụn nước, loét ở bộ phận sinh dục. Virus HSV-2 lây nhiễm khi chúng ta tiếp xúc vết loét, dịch tiết ở vùng kín. Những bệnh nhân bị HSV-2 có thể dùng thuốc kháng virus vô thời hạn để giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng và hạn chế truyền virus cho người lành, bạn tình.

    Giang mai

    Đây là bệnh có khả năng truyền nhiễm rất cao. Một trong những điểm nổi bật của nó là xuất hiện các vết loét trong miệng, môi, bộ phận sinh dục. Những vết loét này thường tập trung thành nhóm, là vết thương hở, khiến căn bệnh dễ lây truyền qua nụ hôn. Giang mai thậm chí có thể lây sang em bé ở phụ nữ mang thai.

    Tuy nhiên, hôn không phải là con đường phổ biến nhất gây lây nhiễm giang mai. Quan hệ tình dục bằng miệng, hậu môn và qua âm đạo vẫn xếp thứ hạng cao hơn.

    Bệnh diễn biến nặng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Ban đầu, người bệnh xuất hiện các vết loét tròn, chắc, không đau. Chúng thường tự khỏi sau 3-6 tuần. Sau đó, bệnh nhân có thể bị phát ban, các nốt màu nâu đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân. Vết phát ban không ngứa nên khó phát hiện.

    Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, triệu chứng khác của bệnh giang mai là sốt, đau đầu, sưng hạch bạch huyết, đau họng, sụt cân, mệt mỏi, đau cơ.

    Các triệu chứng này thường tự hết. Tuy nhiên, mọi bệnh nhân khi mắc giang mai cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để ngăn nó phát triển. Bởi trong vòng 10-30 năm sau khi nhiễm bệnh, giang mai có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng. Đây còn được gọi là giang mai giai đoạn 3.

    Một số người bị giang mai tiềm ẩn, họ không có triệu chứng sớm. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng.

    benh duong sinh duc anh 2

    Bàn tay của một bệnh nhân bị giang mai diễn biến nặng. Ảnh: Cancer Therapy Advisor.

    Cytomegalovirus (CMV)

    CMV (Cytomegalovirus) là virus phổ biến gây các bệnh nhiễm trùng như thủy đậu, giời leo... Chủng virus là thủ phạm của nhiều bệnh ở các lứa tuổi. Đa phần người nhiễm virus là nhóm bị suy giảm miễn dịch như các bé sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai...

    Tại Mỹ, cứ 3 trẻ em có một bệnh nhi phát hiện nhiễm virus CMV trước 5 tuổi. Khoảng 40-80% người lớn bị nhiễm CMV trước tuổi 40. Tỷ lệ này ở các nước đang phát triển là 90%.

    Cytomegalovirus có thể lây từ người bệnh sang người lành khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp các dịch tiết trong cơ thể như tinh dịch, sữa mẹ, máu, nước mắt. Nó cũng lây lan qua tiếp xúc nước bọt, nước tiểu, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

    Ở người khỏe mạnh, hệ thống miễn dịch thường ngăn không cho CMV gây nhiễm trùng hoặc bệnh nặng. Vì vậy, người nhiễm CMV thường không có triệu chứng nên rất khó phát hiện bệnh. Một khi nhiễm virus Cytomegalo, nó sẽ tồn tại suốt đời trong cơ thể.

    CMV tồn tại ở 2 chu kỳ: Thể ngủ và giai đoạn hoạt động trở lại. Khi cơ thể khỏe mạnh, CMV chủ yếu không hoạt động. Chỉ cần hệ miễn dịch bị suy giảm, virus này có thể tái hoạt động và gây bệnh lý cho cơ thể.

    Nhiễm trùng CMV bẩm sinh thường không có triệu chứng nhưng dễ gây sẩy thai, thai chết lưu hoặc tử vong sau sinh. Virus gây một số biến chứng như đốm mảng xuất huyết trên da, gan, lách to, vàng da, teo não và đầu nhỏ, chậm phát triển…

    Bệnh gây ra các triệu chứng như đau họng, mệt mỏi, sốt, sưng hạch bạch huyết. Người có hệ miễn dịch kém có thể gặp vấn đề nghiêm trọng hơn ảnh hưởng phổi, gan, mắt, thực quản, dạ dày, ruột.

    Hiện tại, không có cách điều trị CMV. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh không cần điều trị. Trẻ sơ sinh và những người bị suy giảm chức năng miễn dịch cần dùng thuốc kháng virus để ngăn ngừa biến chứng.

    benh duong sinh duc anh 3

    Cytomegalovirus là virus rất dễ lây khi chúng ta tiếp xúc trực tiếp các dịch tiết của người bệnh như hôn, ăn chung, chạm vào nước bọt, nước mắt, sữa mẹ, tinh dịch... Ảnh: Getty.

    HPV

    HPV là tên viết tắt của virsus gây u nhú ở người. Người bị HPV có nguy cơ cao mắc ung thư. Một số trường hợp hiếm người lành có thể nhiễm HPV qua đường miệng hoặc tiếp xúc nước bọt. Tuy nhiên, con đường lây truyền phổ biến nhất của virus này vẫn là tiếp xúc bộ phận sinh dục.

    Tại Mỹ, khoảng 3,6% phụ nữ và 10% đàn ông phát triển HPV trong miệng. Hầu hết bệnh nhân khỏi nhiễm trùng trong vài năm.

    HPV ở cổ họng và miệng có thể gây ung thư vòm họng, đáy lưỡi và amidan. Các chuyên gia y tế cho rằng 70% trường hợp ung thư hầu họng ở Mỹ do virus HPV gây ra.

    Triệu chứng phổ biến của ung thư hầu họng là đau họng dai dẳng, khàn tiếng, sưng hạch bạch huyết, đau khi nuốt, giảm cân bất thường, đau tai…

    Mỗi nụ hôn có thể chứa hàng tỷ vi khuẩn của 278 loài khác nhau. Tuy nhiên, 95% trong số này là vô hại. Dù vậy, ngoài 4 loại trên, nhiều bệnh khác cũng có thể truyền qua nụ hôn như viêm nướu, quai bị, cúm, sốt virus, bại liệt, Covid-19…



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/4-benh-duong-sinh-duc-co-the-lay-khi-hon-post1200443.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ