Mẹo giúp bé hứng thú với việc thưởng thức những món rau củ quả mới mẻ và bổ dưỡng
1. Thí nghiệm kiểm tra mùi vị 1 món rau củ quả với bằng lượng hạt đậu
Thông thường, trẻ em cần thử một loại thực phẩm tới 10 lần trước khi thực sự có thể quyết định liệu mình có thích hay không. Để lôi kéo trẻ thử một món rau củ quả nào đó, các bố mẹ có thể làm theo các bước dưới đây:
- Để bé chọn mua những hình dán mình thích.
- Đề nghị bé liệt kê những loại trái cây và rau quả mình không thích .
- Viết chúng lên một tấm bìa các-tông kèm theo các ô vuông bên cạnh.
- Lựa chọn thời điểm thích hợp, ví dụ lúc bé đang trong tâm trạng thoải mái, đề nghị bé nếm thử một loại thực phẩm trong danh sách (với lượng chỉ nhỏ bằng hạt đậu) và nói với con: Nếu nhai thật nhanh thì món ăn đó sẽ biến mất chỉ trong nháy mắt.
- Chúc mừng bé đã làm được và để bé chọn 1 hình dán yêu thích để dán vào ô trống bên cạnh loại thực phẩm bé vừa thử.
Hầu hết trẻ đều lười ăn rau củ quả (Ảnh minh họa).
Trẻ sẽ có động lực để tiếp tục hành trình thử nghiệm thú vị này khi thấy số lượng hình dán của chúng tăng lên. Thậm chí, trẻ có thể được truyền cảm hứng để cố gắng hơn khi chúng thấy anh chị em của mình có nhiều hình dán!
2. Để con tự chọn đồ ăn
- Trẻ thích cảm giác được kiểm soát cuộc sống của chính mình. Cha mẹ có thể khuyến khích điều đó bằng cách để con tự chọn. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi: "Con muốn ăn loại rau nào tối nay, bông cải xanh hay đậu Hà Lan?". Hoặc "Loại hạt giòn nào con muốn ăn đầu tiên, hạt điều hay hạnh nhân?".
- Hãy nhớ nói về lợi ích sức khỏe của mỗi loại. Bạn có thể nói, hạt điều và hạnh nhân giúp tăng cường cơ bắp của con, giúp con nâng những vật nặng khỏe như bố, như mẹ.
- Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị thìa, dĩa phù hợp với trẻ, có thiết kế bắt mắt và đảm bảo an toàn để trẻ tự phục vụ.
- Luôn làm gương cho con bằng cách chủ động lựa chọn món rau đầu tiên cho mình khi vào bữa ăn. Có thể kèm thêm những lời nhận xét như: "Ái chà, lát khoai lang nướng này trông vàng thơm quá đi. Mẹ sẽ chọn 2 lát". Việc làm mẫu hành vi tích cực một cách thường xuyên sẽ giúp trẻ đón nhận món rau trái một cách thoải mái hơn.
Một ý tưởng thú vị nữa là yêu cầu con giúp bạn lên danh sách mua sắm những thực phẩm lành mạnh (Ảnh minh họa).
3. Nhờ con chọn thực phẩm khi đi siêu thị
Trẻ em rất nhạy bén và học hỏi nhiều điều thông qua xúc giác. Hãy tận dụng tối đa điều này bằng cách:
Đề nghị con chọn thực phẩm. Ví dụ: "Con có thể chọn giúp mẹ 2 củ khoai lang đẹp nhất ở siêu thị không?". Sau đó, bạn có thể nói: "OK, mình cùng gọt vỏ mấy củ khoai lang con đã chọn nhé, để làm bữa tối nay. Khoai lang nhiều vitamin tốt cho sức khỏe lắm đó".
Một ý tưởng thú vị nữa là yêu cầu con giúp bạn lên danh sách mua sắm những thực phẩm lành mạnh. Đừng quên đưa ra những chỉ dẫn khéo léo và hợp lý. Ví dụ, bạn có thể nói: "Chúng ta có nên thêm vài quả chuối vào bữa sáng để con có nhiều năng lượng hơn cho cả ngày không nhỉ?".
4. Đề nghị con phụ bếp
Cho trẻ vào bếp chắc chắn sẽ tạo ra rất nhiều lộn xộn nhưng là việc cực kỳ nên thử bởi nó hỗ trợ cho bí quyết thử nghiệm hương vị ở trên.
Ví dụ, con bạn có thể tuyên bố không thích rau bina (chân vịt). Nhưng nếu bạn yêu cầu con thêm rau bina vào món sốt pesto (món xốt đặc trưng của Ý), trẻ có thể sẽ nhúng ngón tay út vào bát để thử. Sau đó, vào bữa tối, hãy nhớ giới thiệu cho các thành viên còn lại của gia đình biết, chính bé là người đã thực hiện món sốt trứ danh.
5. Tự trồng cây trái
Trẻ em thường thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vòng đời của cây và sẽ thích trồng cây với bạn, tưới nước cho cây cũng như quan sát cây lớn dần lên. Khi trẻ nhìn thấy một cây cà chua lần đầu tiên ra quả, bạn có thể chia sẻ sự phấn khích của con khi hái quả và dùng thử.
Trường hợp bạn không có thời gian và không gian để tự trồng một mảnh vườn nho nhỏ, hãy đưa con tới thăm trang trại. Nơi đây, con có thể tận mắt quan sát nhiều loại cây trồng, tự mình thu hoạch rau trái và nếm thử "ngay tại trận".
Tốt hơn nữa, hãy chia sẻ với con về lợi ích của mỗi loại rau quả. Học được rằng thực phẩm đến từ trang trại chứ không phải siêu thị có thể giúp trẻ có thêm góc nhìn về tất cả các công việc nông nghiệp cần thiết để làm nên món ăn trên đĩa của mình.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/cho-con-an-rau-cu-qua-khong-kho-nhu-bo-me-van-nghi-nep-ap-dung-mot-so-meo-duoi-day-20200725151035616.chn