Mẹ luôn ở đây - trong trái tim của con

18:00' 14-10-2020
Tôi tâm niệm rằng bản thân mình với trái tim và cả cơ thể vẫn tuôn chảy thứ máu nóng mà bà cho này phải làm tốt hơn cả thế, đừng chỉ biết khóc!


    Bài viết này được tôi viết những ngày sau khi mẹ tôi đã ra đi. Đó là trải nghiệm về những ngày tháng tôi và gia đình cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi, là vô vàn những thứ cảm xúc phức tạp và hỗn loạn, là thật nhiều nước mắt và cả những nỗi đau không thể giấu. Tôi thực sự không biết nên đặt cho nó một đầu đề như thế nào, chỉ biết là bao nhiêu tâm tư mình muốn gửi gắm đều không đủ. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với những ai đang phải đấu tranh hoặc có người nhà mắc phải căn bệnh quái ác ấy, hãy dành cho họ thật nhiều thời gian - tình yêu thương sẽ xoa dịu được rất nhiều điều, nhất định phải thật mạnh mẽ. Và tôi - yêu thương và khâm phục người phụ nữ của mình thật nhiều!

    29 Tết. Những ngày này tâm trạng của tôi trở nên xáo trộn thật nhiều. Quan sát, suy ngẫm, định kiến, phân tâm,... quả thật tuổi 28 chưa trọn vẹn khiến tôi phải lớn.

    Bệnh viện những đêm mùa đông. Tôi không biết sự tĩnh mịch trong màn đêm ở đâu làm người ta thấy sợ nhất, nhưng với tôi chắc là bệnh viện. 3h đêm trông mẹ, trong đầu tôi là thế giới của hàng tỷ thứ bay đi bay lại trong đầu. Đêm trong bệnh viện tĩnh lặng đáng sợ, nhưng nếu có vang lên âm thanh, chắc không hẳn là mừng vui!

    Những ngày này xung quanh tôi có thật nhiều câu chuyện. Câu chuyện của cô bạn có chồng lăng nhăng, có với nhau cả 2 đứa con kháu khỉnh ngoan ngoãn, hai vợ chồng yêu nhau cũng thắm thiết lắm khi yêu, chưa kịp ra trường đã cưới, thời gian trôi qua, vài hôm lại thấy cô bạn tôi viết những dòng tâm trạng tủi nhục căm hờn vì sự lừa dối của chồng. Hôn nhân sau ngày cưới đẹp đẽ, rồi gánh nặng và nỗi đau đè lên người phụ nữ, cũng đáng khóc lắm!

    Rồi câu chuyện của đôi vợ chồng bạn khác nữa của tôi, mâu thuẫn vì gánh nặng tài chính, lấy nhau sau khi yêu dù chưa lâu nhưng cũng hiểu nhau phần nhiều. Sinh sống xa quê, tự lập từ đầu, tự thuê nhà tự làm việc rồi chi trả, đứa bé con sinh ra giữa hạnh phúc nhưng rồi cũng đem đến một khoản tiền mới cần cáng đáng. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng, lời chua chát buông ra, chẳng thèm nhìn nhau, đôi bên tự cho rằng chỉ còn cách giải thoát. Người thở than mình hi sinh nhiều quá, người nuối tiếc thời gian.

    Rồi câu chuyện từ cậu bạn tri kỷ thời niên thiếu, về chuyện một người em cậu biết bị người chồng chưa kịp cưới trong đúng ngày dạm ngõ hỏi cưới xin huỷ hôn, nguyên nhân bởi vì trước đây theo đuổi bị từ chối, thời gian sau quay lại tán tỉnh chỉ chải chuốt ăn diện, đi xe oto tới chơi, em đã gật đầu nguyện dành tình yêu đó cho anh ta cả đời.

    Hơn 7 tháng qua, tôi nhìn người phụ nữ của mình chiến đấu với bệnh tật, cầm cứ với cơn đau váng vất dai dẳng ngày đêm cho tới khi đã rã rời khô cạn nước mắt xin tiêm thuốc giảm đau. Tôi thường cố gắng động viên mẹ mình bằng tất thảy những lý do trên đời mà mình có thể nghĩ ra được. Tôi cố gắng tìm niềm tin và sự tích cực cho bà và cả những người quanh mình bằng mọi phương hướng có thể, gắng cười thật nhiều và dịu giọng khi tâm sự, xoa bóp và ăn cùng bà. Thật nhiều phương thuốc từ Đông Tây Nam Bắc, ít tiền tới tốn kém cũng có; đã có thật nhiều cuộc cãi vã, những cuộc điện thoại dài nóng bỏng máy, thật nhiều những con người liên quan, thật nhiều nước mắt.

    Những cơn đau của mẹ tôi dồn dập hơn, cơ thể nhức mỏi và buốt cứng, sự suy kiệt rút tới xương cốt, cân nặng càng ngày càng sụt giảm, ăn uống được tính bằng thìa, sự tỉnh thức đôi khi rất mơ hồ. Cấp độ liều lượng thuốc giảm đau bắt đầu thay đổi, có nhiều lúc mẹ tôi mở mắt nhưng không cảm nhận thế giới xung quanh được nhiều, tôi đã thực sự muốn biết bà nghĩ gì. Ăn uống từ khi bệnh bắt đầu phát triển trở thành vấn đề nhạy cảm, ở thời điểm đó, giá như một con bé ngoài 25 như tôi phải tinh ý thật nhiều, cuối cùng lại cho rằng nó là một điều bình thường như một phản xạ sinh lý tạm thời. Giờ đây, các loại thịt giống như một sự tra tấn, ăn uống tất thảy mọi thứ đều không thiết tha, không có một sự thèm thuồng nào. Gia đình tôi phải đóng kín cửa và ngồi ăn riêng, bà sợ mùi nấu nướng, sợ gia vị. Mũi tiêm lấy máu không rút nổi một cc nào, hồng cầu tụt giảm nghiêm trọng, lượng máu cơ thể chưa bằng 1/3 người bình thường, đông đặc; kết quả lấy máu mỗi đợt vào viện ra viện gần như trở về như cũ, không hiểu làm thế nào 5 bịch máu chuyền chỉ vài ngày bốc hơi trong nháy mắt. Các đầu ngón tay của mẹ tôi tím bầm, sưng to dùi trống, đôi lúc bị mất thị lực, khả năng đi lại gần như không còn, việc ăn uống suy giảm khiến bà còn gần như không thể đại tiện.

    Bé Chun của tôi còn quá nhỏ và cần mẹ khiến tôi dù có mặt ở nhà nhưng không thể giúp được gì, việc chăm sóc một đứa trẻ và cơm nước cháo bột lấy đi trọn vẹn 24 giờ mỗi ngày của tôi, vì tình thế bắt buộc tôi phải nhờ ông bà nội trông giúp. Trộm vía Chun rất ngoan, dù cần và nhớ mẹ lắm nhưng không khóc quá nhiều, mệt quá cũng phải tự ngủ trên tay bố hoặc ông, nhưng không theo giờ giấc mọi khi được. Bà nội Chun kể với tôi sau khi ông gọi facetime để tôi nói chuyện cùng con đành ngắt giữa chừng vì Chun mếu đòi, cu cậu lấy điện thoại của ông quay qua quay lại nhìn đằng sau để tìm mẹ. Tôi đau khổ rớt nước mắt thương con, thương bố, thương ông bà, thương mình và thương cả gia đình tôi. Điều gì đã đến mà đẩy tất cả chúng tôi vào tình cảnh này?

    Mỗi lần vào viện nhìn thấy bác sĩ, tự dưng tôi lại ước giá gì không có bác sĩ để không phải có bệnh nhân, không ai đau ốm và chẳng phải chữa trị gì hết. Hay là tôi đang nghĩ ngược?

    Phòng mẹ tôi nằm có thêm bệnh nhân mới vào, tôi đoán ông cũng bị giống như mẹ tôi. Cả đêm dài ông ho như nổ lồng ngực, chốc chốc người nhà lại dậy vuốt lưng, đi vệ sinh phải bế xốc ông đi, nhưng ông thì vẫn còn cố gắng ăn được.

    Hơn 7 tháng, dường như chịu đựng đau đớn nhiều cũng làm cho mẹ tôi cạn cả nước mắt, đôi khi sự tấn công dồn dập của bệnh khiến mẹ tôi run rẩy cầu xin người nhà đừng động vào cơ thể bà, đừng xoa bóp, đừng thay đồ hay giúp bà gì cả. Bố tôi - một người đàn ông tâm lý và điềm tĩnh, khoẻ mạnh nhưng cũng phải nổi nóng bất cần vì áp lực và sự cam chịu. Thức đêm nhiều, mất ngủ, lo lắng và căng thẳng khiến ông bị gầy đi nhiều, đôi mắt hay nhìn xa xăm, không còn quan tâm tới bữa ăn, không niềm vui với âm nhạc nghe đài như trước. Những ngày cuối cùng khi mẹ tôi cần đến morphin để giảm đau, bố tôi trở thành người sẵn sàng phải căn lượng và tiêm cho bà. Bố tôi đâu có chuyên môn gì, mẹ tôi thường cố gắng cầm cự tới khi không chịu nổi, vật vã la lên trong cơn run để mong bố tôi tiêm thật nhanh. Cả cơ thể gầy gò của bà đâu chỗ nào còn thịt, hai bên mông là hi vọng cuối cùng chi chít những chấm đen. Mỗi khi lay bà nằm nghiêng cho bố tôi tiêm, tôi cố gắng đánh lạc hướng bà bằng trò đếm tới 10. Tôi cắn môi đau khổ, em trai tôi nước mắt chảy dài, bố tôi thở dài xót xa cơ thể gầy gò run lên trong đau đớn còn mẹ tôi lịm đi ngay khi morphin vừa tiêm chưa được nửa phút. Cái cảm giác đấy, tôi mãi không bao giờ quên!

    Mẹ tôi cũng nhạy cảm với âm thanh hơn, bố tôi không còn cưng chiều bộ loa đài dày công đầu tư để nghe nhạc mỗi khi đi làm về nữa. Tôi cảm nhận được quả thật bệnh tật đâu chỉ khiến người bệnh đi xuống đâu.

    Mọi thứ đến với gia đình tôi thật sự quá bất ngờ và nhanh chóng, ở điểm khởi đầu khi mẹ tôi chỉ ho hắng nhẹ nhàng, có giảm bớt khi ngậm kẹo và uống kháng sinh, rồi đi khám chụp chiếu bắt buộc phải nằm viện. Ngày ấy bà còn trì hoãn vì muốn cố mẻ thóc chưa phơi, luống rau chưa hái, và rồi nằm viện hoặc sức khoẻ yếu không cho phép cho đến bây giờ.

    Tôi tiếc nuối nghĩ đến những ngày mẹ tôi còn khoẻ, mỗi lần ăn uống cùng con cái là bà tất bật làm những món bà giỏi nhất và cho rằng các con thích nhất, những bữa cơm bà tranh giành để ăn nhiều rau, nhường đồ ngon lại cho chồng con, những ngày có việc bà khi thì trông hai cụ nằm viện, về quê ngoại giỗ chạp; những đồng tiền nhỏ bà chắt chiu từ rau cỏ, củ quả tự tay chăm tự tay hái ngắt, ngày mùa đi gặt lúc 3h sáng và cố tưới tắm hoa màu tới tận 7h tối khi tiếng thời sự đài đã lên. Mẹ tôi không biết đi xe máy, sợ đi xe ôm, thà đi bộ còn hơn chờ đợi ai đón hoặc phí phạm tiền bạc vào những thứ không cần thiết; bà không thích mua quần áo để diện, không thích trang điểm, không thích váy vóc, nhảy nhót, không thích tóc cắt hay nhuộm, không muốn dùng những đồ đạc tiện nghi, cũng chưa từng đi máy bay bao giờ. Tôi nghĩ mình hiểu mơ ước và mong muốn của mẹ đặt hết vào chồng con, mấy chục năm qua bà vẫn như thế, khóc thầm và nhịn cơm khi dỗi bố tôi, rồi kể chuyện lại với các con, rồi cũng lại vì những câu trêu cười của bố tôi rồi sẵn sàng quên mất.

    Tôi thật mong sẽ có những người đọc tới đây để hiểu cho cuộc chiến với bệnh tật của những người như mẹ tôi như thế nào và cảm giác của người bên cạnh ra sao.

    Bạn nghĩ làm vất vả mãi lương chẳng cao là một nỗi khổ? Bạn tốn đống tiền mà mái tóc đã làm xoăn còn chẳng được ưng ý? Bạn đau cả đầu nghĩ mãi chẳng biết mặc thế nào cho style? Bạn cáu điên lên chỉ vì lỗi mạng mà không kịp order đôi giày yêu thích sale mạnh? Bạn căm hờn cả thế giới vì ông sếp yêu quý đè đầu cưỡi cổ còn khách hàng thì như bố thiên hạ?

    Rồi một ngày nào đó, nếu bạn có phải nằm một chỗ, thở phì phò, không tự đi lại được, bệnh tật chồng đống, đau đớn hành hạ, tiền bỏ ra mua thuốc bổ thuốc chữa chẳng giúp được khá hơn, vợ chồng con cái người thân quay cuồng gánh nặng đồng tiền chăm sóc bữa được bữa không, vất vả cả đời ra đống tiền để cuối đời sung sướng, mơ ước chưa kịp làm, bạn thích chứ?

    Hay bạn muốn giống như tôi, tiến thoái lưỡng nan, nhìn người thân ruột thịt với mình, người sinh ra mình, dành cả cuộc đời ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, lo cho bạn đủ thứ cả khi bạn thành vợ thành mẹ vẫn không nguôi lo lắng, thở từng hơi mệt nhọc, sợ tất thảy mọi thứ trên đời, những lúc tỉnh táo nhìn chồng con cháu chắt lại bùng lên khát vọng sống nhưng rồi lại bị dập tắt bởi những cơn đau đớn không thuốc nào có thể chữa được, chỉ tiêm mũi giảm đau mạnh nhất và lịm đi vô thức trong dòng nước mắt?

    Tôi nghĩ tới rất nhiều lần đã từng bảo mẹ tôi rằng sức khoẻ là thứ vốn quý đừng phung phí. Ở thời điểm gia đình tôi còn phải vật lộn để có được chi phí cho chị em ăn học và trả nợ, mẹ tôi vẫn trung thành với niềm tin sắt đá rằng không làm lấy gì ăn, tôi biết bà đúng. Vậy mà tới khi hai chị em tôi đi làm, có thêm một khoản nợ đang trả dần, bà vẫn cố gắng tiếp vì mục đích tiết kiệm cho con cái cháu chắt sau này, khi ấy ánh lên trong mắt bà niềm vui kiếm tiền tiết kiệm, chứ không còn là gánh lo chết đói nghỉ học như xưa nữa. Mẹ tôi cũng như rất nhiều anh chị em của mình, những người khác ở vùng quê tôi, bán sức lao động lấy tiền tiết kiệm, ăn uống dè chừng, sáng đi sớm tối về muộn, theo thời gian, nhiều cô bác giống như mẹ tôi đã tạm biệt ruộng đồng đến với những con đường kiếm tiền khác bớt vất vả hơn. Mẹ tôi những năm đó béo tốt, thích đi bộ thể dục buổi tối, chỉ là không hề biết bệnh đã phát triển trong mình từ bao giờ.

    Tôi không biết bao nhiêu người nói chuyện, động viên, chia sẻ với tôi sức khoẻ là vốn quý mà hiểu thực sự được điều ấy. Nhưng tôi mong rằng những điều tôi chia sẻ giờ đây có thể thay đổi và lay động họ được phần nào. Bạn đừng nghĩ là đằng nào cuộc sống có mấy dại gì mà không tận hưởng! Bạn sống cuộc sống của bạn nhưng hãy sống một cách trách nhiệm! Cơ thể ấy, cái cơ thể mà bạn đang mang và sống cùng, chẳng ai khác ngoài bạn cảm nhận và chịu đựng nỗi đau từ nó, vậy khiến nó đau có vui thích không?

    Ví dụ như thế nào? Ăn lẩu nướng thì được, đừng ham quá! Nướng chín tới thì được, đừng tham ăn cả đồ cháy! Ham ăn thịt đỏ cũng được, đừng ham quá! Mà có nhiều món tốt và an toàn ngang hoặc hơn nhiều, hãy mua lấy và ăn vào!

    Rau củ, ăn nhiều vào! Tích cực các loại hạt, đỗ đậu, rau xanh và nước sạch! Tinh bột vừa phải thôi, đừng tích nhiều đường, nhiều đường lắm bệnh!

    Béo thích không? Chân tay lẳn thịt ôm thì ấm sờ thì sướng, nhưng thẩm mỹ cũng chẳng đẹp mà ì ạch thì cũng chẳng tốt! Tập thể dục đi, siêng năng vào, không có tiền đi phòng tập thì tự tập ở nhà! Youtube đầy, không biết để tôi chỉ giúp! Giảm béo khó, cái đó đúng, không giảm đầy bệnh vận vào người. Béo mà biết làm cho khoẻ không phải cái tội, béo mà coi thường, ì lười, ăn vạ cả thế giới thì là nguồn tội! Như mẹ tôi bây giờ tôi thương lắm, bà có muốn ăn cả thế giới chắc cũng không thể làm nổi, mà bà còn chẳng thèm bất cứ thứ gì cũng chỉ bởi bệnh tật.

    Hãy chịu khó đọc tìm hiểu những thực đơn lành mạnh, những món ăn đơn giản ít dầu mỡ chiên rán, đủ đầy protein, nguyên dạng căn bản, ít chứa chất bảo quản, uống sữa đúng loài cũng là một ví dụ. Sống lành mạnh, tích cực vui tươi, kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, có bệnh thì tìm hiểu, chữa trị sớm và thức thời, tìm đến liệu pháp thiên nhiên thảo dược tin tưởng trước rồi thử tiếp. Cái giá phải trả của sự phung phí, hoặc coi thường, hoặc bất cần dù sớm muộn có thể là đau đớn dai dẳng cả đời hoặc kết thúc một cuộc đời nhanh chóng trong chớp mắt. Tôi không chắc sống hoàn toàn lành mạnh thì không bao giờ mắc bệnh, nhưng ít nhất thì những điều tôi sẻ chia có thể hữu ích với những người đó và cả những người quanh họ.

    Giờ đây, tôi không biết mình đang lạc trong mê cung nào, không biết mình sẽ đi tới đâu, lặn ngụp trong sự xuống dốc tinh thần rồi thi thoảng lại chói lên hi vọng. Tôi cũng không biết sẽ phải làm gì, giống như em trai mình, hai đứa 26 - 28 tuổi mở mắt nhìn cuộc đời, không biết nên ca thán hay luận rằng cuộc đời của mình dù thế nào vẫn còn được may mắn hơn hàng triệu con người khác? Tôi chỉ biết rằng mình còn quá nhiều hối tiếc và những dự định dang dở.

    Nhìn bé Chun ngủ ngoan thở đều, tôi không kìm nổi lòng mình bởi rất nhiều câu chuyện mẹ tôi kể, hai đứa con của bà dễ thương, ngoan ngoãn và khiến bà tự hào tới mức nào. Ánh mắt hạnh phúc tôi dành cho Chun, dám chắc cũng như của bà dành cho tôi và em mình ngày bé. Giờ đây, mẹ tôi vẫn nhìn Chun đầy yêu thương, chỉ là bà không có sức để ôm và bế cháu mình được nữa! Ngay cả trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, mẹ tôi cũng ra đi trong thanh thản trong vòng tay của hai con mà không cả nhận thức được gì.

    Nắng cũng đã tắt, đông lạnh vẫn bao trùm, ảnh mẹ tôi trên ban như vẫn còn nhìn chúng tôi âu yếm. Bức ảnh được chụp vào ngày mà bà được các con và cháu đưa đi ăn ngoài, vẫn vô tư chưa biết căn bệnh mình đang mang! Khi ấy bà còn béo đẹp lắm! Chun bé nhỏ đã nói rõ được những tiếng bà bà kịp để mẹ tôi nghe được những ngày cuối, biết nhìn vào ảnh bà mỗi lúc tôi bế trên tay và hỏi Bà đâu.

    Bố tôi là người anh hùng của mẹ tôi, và cũng là người anh hùng của chính chúng tôi nữa. Ông đã chăm sóc cho bà không hề mệt mỏi, thức trắng đêm triền miên cả ở nhà lẫn bệnh viện và vẫn cơm bưng nước rót, thay rửa, giặt giũ, lo việc chăm sóc vườn cây cuối năm không hề nhàn tay. Cho tận tới những giây phút cuối cùng, bố tôi không bao giờ để các con mình phải thấy bố rơi nước mắt, ông vẫn thầm lặng vùi mình vào sự nuối tiếc và cắn răng mạnh mẽ làm điểm tựa cho gia đình ngay cả trong những giờ phút đau đớn nhất. Cuộc đời tôi từ bé vẫn tự hào về bố - người đàn ông tâm lý nhất trên đời của tôi, và sẽ mãi là như thế! Tôi hiểu rằng mình cần phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết để tiếp tục quan tâm và yêu thương người cha đang già đi của mình, gầy gò và đau lưng vì lao động kiếm tiền cho gia đình, lo cho con cái ăn học bằng anh bằng em. Vẫn là người đàn ông mắt nhìn xa xôi, câu chữ ngập ngừng xúc động nói lời cảm ơn mọi người trong ngày đưa tang mẹ - nhưng đã trở nên thật vĩ đại và đáng để yêu thương trân trọng hơn bao giờ hết kể từ giây phút ấy.

    Tôi đã quyết định mình phải sống khác, vì gia đình mình và vì chính bản thân mình. Cuộc chiến không mệt mỏi cùng mẹ suốt thời gian qua khiến tôi như trở thành cái gai trong mắt của nhiều người, ghét bỏ có, hận thù có. Tôi tin rằng mình không cần và không phải chứng minh cho bất kỳ ai về bản thân mình hay hoài nghi về tình yêu và trách nhiệm mà tôi dành cho bố mẹ và gia đình. Đến sau cùng, họ vẫn và họ sẽ không hiểu tôi. Tôi dành một ngăn nhỏ để cất giữ tất cả những lời cay đắng họ dành cho mình và biến nó thành động lực để cố gắng cho tất cả những gì còn lại. Tôi muốn được là đúng bản thân mình, hoài bão, nhiệt thành theo đuổi ước mơ, mạnh mẽ, tự tin nuôi bản thân mình, tự chủ kinh tế. Tôi muốn tự chịu hết trách nhiệm chăm sóc cho gia đình mình, quan tâm tới ông bà ngoại như tâm niệm gửi gắm của mẹ tôi. Một ngày khác khi mọi việc cho mẹ đã xong xuôi, tôi sẽ dành cho mình một chuyến đi bình ổn tinh thần, đem theo ảnh của mẹ tôi - để bà cũng được ngắm nhìn và trải nghiệm - điều mà tôi đã hứa sẽ làm cùng bà khi khỏi bệnh.

    Những điều tận sâu trong tâm, những chia sẻ, lời xin lỗi, hối tiếc hay cảm ơn - mẹ tôi đã lắng nghe hết từ con mình trong thời gian đối chọi với bệnh tật. Thật trong tâm dù đau đớn và mất mát không kể xiết, tôi thấy ấm lòng vì những điều mà tôi nói ra, dù được nghe trong giây phút cả cơ thể không còn chút sức lực nào, mẹ tôi vẫn gắng gượng run run với tìm đôi tay tôi, nắm chặt và vỗ vỗ như bảo rằng mẹ tôi rất hiểu. Những ngày bà ra đi, tôi cố gắng mạnh mẽ thật nhiều, tiết chế mình để không vật vã và khóc lóc nhiều quá. Tôi tâm niệm rằng bản thân mình với trái tim và cả cơ thể vẫn tuôn chảy thứ máu nóng mà bà cho này phải làm tốt hơn cả thế, đừng chỉ biết khóc!

    Mẹ ơi, tiếng gọi mẹ giờ đây là tiếng gọi giữa hai thế giới, sẽ không có ai hiểu rằng chúng con và bố đang đau đớn và phải gồng lên nhường nào. Nhưng con tin tưởng rằng mẹ sẽ luôn ở đây, sống trong một thế giới song song với cả nhà, ở trong trái tim và cả cuộc đời này.

    28 năm gắn bó của mẹ và con đã trôi qua nhanh trong chớp mắt, 28 năm từ từng khoảnh khắc nhỏ nhất trôi qua mỗi giây phút trong đầu đều đáng để ghi nhớ. Hết 2018 rồi, đã đến lúc để con đứng lên viết tiếp chương mới trong cuộc đời bằng tình yêu và niềm tin của bố mẹ.

    Trái tim này sẽ đập tiếp để sống hoài bão vì mẹ, khối óc này sẽ say mê và cố gắng tiếp vì mẹ, dòng máu này sẽ chảy đều đem theo hi vọng của mẹ.

    Để nói yêu thương bố mẹ, yêu thương gia đình chưa bao giờ là đủ!!!

    29 Tháng Chạp năm Đinh Dậu - kể từ Tết này, mẹ con mình bước sang thế giới mới!



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Infiniti Property Corporation Vùng: Melbourne. Phone: 9086 3999
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/me-luon-o-day-trong-trai-tim-cua-con-nw229037.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ