Mazda CX-5: Doanh số không tỷ lệ thuận với nâng cấp
Doanh số không tỷ lệ thuận với nâng cấp
Mazda CX-5 là mẫu xe lâu lên đời nhất trong phân khúc SUV/crossover hạng C, khi thế hệ hiện tại vẫn duy trì từ năm 2017 đến nay. Bản facelift vừa ra mắt là bản nâng cấp lớn nhất của mẫu xe này trong suốt hơn 5 năm qua. Trong khi đó, Honda CR-V đời hiện tại ra mắt cùng thời điểm nhưng lại có bản facelift từ năm 2020.
Mặc dù không chạy đua nâng cấp, CX-5 lại là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc trong năm 2022 (doanh số 12.700 xe) và 5 tháng đầu năm 2023 (doanh số 4.177 xe). Mẫu xe xếp ngay phía sau trong bảng xếp hạng doanh số là CR-V nhưng bị bỏ lại với khoảng cách khá xa (doanh số 9.578 xe trong năm 2022, 1.495 xe trong 5 tháng đầu năm 2023).
Trong những năm qua, phân khúc SUV/crossover hạng C đã chứng kiến cuộc đua doanh số quyết liệt giữa bộ 3 Mazda CX-5, Honda CR-V và Hyundai Tucson, sau đó có thêm cả sự xuất hiện của Kia Sportage và Ford Territory. Có những tháng Tucson vươn lên, CR-V lấy được phong độ, nhưng khi tổng kết cả năm, CX-5 vẫn là mẫu xe có thành tích bán hàng tốt nhất.
Đối với xe thương mại được bán đại trà trên thị trường, doanh số bán hàng là con số phản ánh rõ ràng nhất sự đón nhận của người tiêu dùng với mẫu xe đó. Ở đây, tâm điểm chính là CX-5 - mẫu SUV/crossover hạng C được nhiều người Việt sử dụng nhất. Tại Car Choice Awards 2022, mẫu xe này được vinh danh tại hạng mục Xe phổ thông 2022 cho gia đình nhỏ - một kết quả phản ánh đúng nhu cầu của thị trường.
Lâu được nâng cấp nhưng Mazda CX-5 lại được người Việt ưa chuộng
Hãng đưa ra những nâng cấp cho xe qua các năm với mục tiêu chính hướng đến vẫn là để tăng doanh số, chứ không chỉ đơn thuần làm cho xe hiện đại hơn, đột phá hơn hay muốn mang đến một cái gì đó mới lạ. Nâng cấp thế nào để hút khách vẫn luôn là bài toán nan giải của các hãng xe.
Nâng cấp đúng để có cơ hội giữ ngôi vương
Cách mà Mazda giải bài toán doanh số lần này ở CX-5 là nâng cấp những cái cần, lược bớt cái chưa cần thiết để đưa ra thị trường một sản phẩm cân đối về giá bán và trang bị, có sức cạnh tranh tốt với đối thủ.
Thiết kế, tiện nghi
Việc có nên hay không thay đổi lớn về thiết kế vẫn là điều dễ gây tranh cãi. Có người thích thiết kế của bản cũ, nhưng cũng có người muốn có gì đó đột phá hơn. CX-5 2023 chiều được nhóm thứ nhất và có lẽ cũng làm hài lòng phần nào nhóm thứ 2 khi không chỉ thiết kế lại giao diện LED mới trên cụm đèn trước/sau, cản mới, mà còn có 2 tùy chọn phối màu sơn với gói tùy chọn Sport và Exclusive. Viền nhựa đen nhám trước đây nay đều được sơn cùng màu thân xe hoặc đen bóng.
Về nội thất, vốn CX-5 đã là mẫu xe có trang bị tiện nghi hiện đại trong phân khúc. Thế nên Mazda chọn trau chuốt từng tiểu tiết của CX-5 2023. Bản mới có tùy chọn vật liệu cao cấp nhất là da Nappa, vô-lăng, ghế trước và ghế sau đều tích hợp sưởi, màn hình 7 inch lớn hơn sau vô-lăng, kết nối Apple CarPlay không dây, lẫy chuyển số sau vô-lăng, gương chiếu hậu thêm sấy và cốp điện hỗ trợ mở rảnh tay. Trong số đó có một số tính năng mới hiện đại hơn đối thủ.
Công nghệ
Công nghệ từng là điểm mạnh của CX-5 khi so với các đối thủ. Vào thời điểm ra mắt cuối năm 2017, CX-5 được mệnh danh là “vua công nghệ” SUV/crossover phổ thông bởi sở hữu những tính năng an toàn tiên tiến trong gói i-Activesense mà phần lớn xe trong phân khúc không có.
Khi mà CR-V, Tucson và một số đối thủ khác cũng “chạy theo” với gói công nghệ tương tự, CX-5 2023 đã linh hoạt phổ thông hóa gói i-Activsense xuống phiên bản Luxury chứ không chỉ có trên Premium. Bên cạnh đó, gói i-Activesense lần này còn bổ sung thêm tính năng như hỗ trợ phanh khẩn cấp tự động trong thành phố (cả khi tiến và lùi), ga tự động thích ứng khoảng cách và nhắc nhở tài xế tập trung. Bản Premium nay có thêm camera 360 độ.
Phiên bản, giá bán
Yếu tố cuối cùng và cũng rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của người mua xe là giá bán. CX-5 2023 có giá hấp dẫn hơn mọi đối thủ, từ CR-V đến Tucson, với mức khởi điểm chỉ 749 triệu đồng. Bản cao cấp nhất cộng thêm gói trang bị bổ sung cũng chỉ có giá 869 triệu đồng. Trong khi đó, giá CR-V từ 998 triệu đến 1,138 tỷ đồng. Giá Tucson cũng không hề rẻ, từ 845 triệu đến 1,06 tỷ đồng.
Tất nhiên, để mang đến một mẫu xe có nhiều công nghệ hơn, trang bị tiện nghi cao cấp hơn nhưng giá phải rất cạnh tranh thì Mazda đã phải lược đi tùy chọn động cơ 2.5L và dẫn động AWD. Song, điều đó cũng không khiến CX-5 mất tính cạnh tranh trước CR-V và Tucson khi cả 2 mẫu xe đối thủ cũng chỉ có dẫn động cầu trước.
Khi bán nốt những chiếc CX-5 cuối cùng của bản cũ, một tư vấn bán hàng chia sẻ rằng các bản 2.0L Luxury và 2.0L Premium luôn “cháy hàng” nhất trên hệ thống đại lý toàn quốc. Do đó, việc lược bớt động cơ 2.5L và AWD cũng dễ hiểu khi mà những tùy chọn này không phải ưu tiên nhất của người tiêu dùng trong nước.
Với những thay đổi linh hoạt về trang bị, giá bán và nhiều nâng cấp thiết thực hơn, CX-5 dễ có cơ hội tiếp tục làm “vua doanh số” phân khúc trong thời gian tới.
Trên con đường đó, sẽ có những đối thủ mới cạnh tranh Mazda CX-5 khiến phân khúc này sôi động hơn bao giờ hết. Điển hình là Honda CR-V thế hệ hoàn toàn mới, dự kiến có cả bản Hybrid. Đó còn là Haval H6 - mẫu xe Trung Quốc đang rục rịch chào sân tại Hà Nội.
Article sourced from AUTOPRO.
Original source can be found here: http://autopro.com.vn/cach-mazda-cx-5-2023-nang-cap-trung-dich-tai-viet-nam-de-doa-ca-phan-khuc-duoi-177230710093254236.chn