Mang tiền về cho mẹ là cách phản hồi rõ nhất của những đứa con xa nhà: Công việc, cuộc sống con đều ổn, mẹ đừng lo!
01
Mấy hôm trước, một cô bạn tôi quen bỗng tìm tôi vay tiền. Tôi hỏi nó sao thế, nó nói tới hạn gửi tiền về nhà mỗi tháng rồi, tháng này nó chuyển chỗ ở, hơi kẹt tiền nên không gom đủ. Hóa ra nó luôn gửi tiền về nhà, điều này khiến tôi khá ngạc nhiên. Nhà cô bạn của tôi có điều kiện khá tốt, người nhà hẳn cũng chẳng thiếu mấy đồng tiền nó gửi, thậm chí nếu nó muốn, bố mẹ nó có khi còn sẵn sàng gửi thêm cho nó tiêu.
Trong ấn tượng của tôi, mấy người trẻ có gia đình giống cô bạn tôi thường đi làm rồi cũng chỉ cần lo mua sắm, vậy thôi. Mà quả thực, cô bạn tôi ngày xưa cũng thế, hồi còn tiêu tiền của nhà, nó cũng suốt ngày đi du lịch, đi ăn đi uống, mua này mua nọ. Ấy vậy mà không ngờ, từ ngày đi làm, nó lại bắt đầu gửi tiền về cho bố mẹ.
Bạn tôi và tôi bằng tuổi nhau, đều chưa kết hôn và đều chưa có người yêu. Tôi bắt đầu tám chuyện này với bạn tôi, tôi hỏi nó gửi tiền về nhà được bao lâu rồi. Nó đáp cũng chưa lâu lắm, tầm nửa năm đổ lại đây.
Nó bảo: "Để tôi nói bà nghe, thực ra mẹ tôi bảo tôi đừng gửi về, mẹ tôi sợ tôi không đủ tiền tiêu, kêu tôi cứ giữ lấy mà dùng. Hồi mà tôi chưa gửi tiền về nhà ấy, mẹ tôi tháng nào cũng lo lắng mất ngủ, lúc nào cũng tưởng tượng ra cảnh tôi thiếu tiền nên ăn uống không đầy đủ, đói kém. Sau đó có một lần tôi trúng thưởng một khoản khá lớn, tôi mới chuyển một ít về cho bố mẹ. Lúc đó mẹ tôi mới cảm thấy à hóa ra tôi sống vẫn đủ đầy, còn có cả tiền để gửi về nhà cơ mà.
Kể từ đó, việc hàng tháng tôi gửi tiền về nhà giống như viên thuốc an thần dành cho mẹ vậy. Mẹ nghĩ rằng với tính cách của tôi, nếu thiếu tiền chắc chắn không bao giờ có chuyện mang tiền về nhà. Hiện tại mỗi lần gọi điện video với mẹ, mẹ thường vui vẻ khoe mẹ dùng tiền tôi cho để mua quần áo hoặc sắm cái gì đó trưng ở nhà. Nghe giọng thôi, tôi đã thấy mẹ rất vui".
Nó xúc động kể tiếp: "Chẳng biết từ bao giờ tôi bắt đầu quan tâm đến mấy việc này. Nếu là ngày xưa mải chơi, tôi chẳng để ý gì đâu. Còn bây giờ, càng lớn tôi càng sợ mình kiếm được ít tiền, sợ mình trở thành gánh nặng khiến bố mẹ lo lắng. Nghĩ vậy, tôi sẽ vô thức ép mình phải cố gắng hơn, lo mà kiếm được nhiều tiền hơn, để bố mẹ được an tâm và để bố mẹ biết tôi đang làm mọi thứ rất tốt.
Tôi không thể nói với mẹ rằng tôi lớn rồi, có thể tự lo được cho bản thân, có thể tự thu xếp cuộc sống của mình. Nếu bố mẹ tôi biết con gái của họ đã lớn đến mức hoàn toàn rời xa vòng tay họ, bố mẹ tôi sẽ buồn lắm".
Không bậc làm cha làm mẹ nào muốn trở thành chướng ngại vật trên con đường theo đuổi sự nghiệp của con cái, nhưng đối với những đứa con ở xa, không ở trong tầm mắt của mình, họ vẫn có vô vàn những lo lắng, quan tâm.
Trên thực tế, nhiều người trẻ ở ngoài phải vật lộn ngược xuôi, có lúc suy sụp đến tuyệt vọng nhưng vì muốn bố mẹ an lòng, họ sẽ chọn cách làm việc chăm chỉ hơn, dùng tiền như một vật hữu hình để xoa dịu sự lo lắng của bố mẹ ở nhà.
Bố mẹ luôn lo con mình chưa đủ lớn nhưng trong bất giác, chúng ta thực tế đều đã trưởng thành. Lúc này đây, chúng ta hiểu rằng chỉ cần bố mẹ yên lòng thì bản thân ra sao cũng không quan trọng. Dần dà, nhiều người trẻ có xu hướng đối xử với bố mẹ bằng thái độ sống rất đơn giản: Gửi tiền mỗi tháng là cách phản hồi rõ nhất về công việc, cuộc sống hiện tại của họ. Họ hy vọng bố mẹ sẽ nghĩ rằng mình vẫn sống tốt, chứng minh rằng họ có thể sống tự lập chứ không còn là đứa trẻ nhỏ trong mắt bố mẹ nữa.
02
Tôi nghĩ đến bố mẹ tôi. Mỗi lần ở nhà xem TV, đọc báo thấy có ai đi làm xa chẳng may nửa đêm nửa hôm ra ngoài gặp chuyện hay đi đường bị tai nạn... là bố mẹ tôi lập tức gọi điện, nhắn tin cho tôi, nhắc tôi chú ý giữ gìn sức khỏe.
Tôi đã từng thấy bố mẹ tôi như thế rất phiền, cho rằng bố mẹ tôi suy nghĩ quá nhiều. Nhưng giờ tôi sẽ kiên nhẫn trả lời, bố mẹ nói gì tôi cũng sẽ chăm chú nghe và nói mấy câu đại loại như: "Vâng, con biết rồi"/ "Con sẽ để ý"... Dù thế nào đi chăng nữa, trước hết hãy cứ để bố mẹ cảm thấy an tâm.
Sau cuộc nói chuyện với cô bạn thân, tôi cũng bắt đầu gửi tiền về nhà. Bố mẹ tôi thì y như bố mẹ cô bạn của tôi vậy, chưa bao giờ yêu cầu tôi gửi tiền về nhà. Tôi vừa gửi tiền, mẹ tôi đã lập tức gọi điện: "Mẹ đã bảo không cần gửi tiền về mà? Ở nhà có thiếu tiền đâu, con ở ngoài vât vả, giữ lấy mà ăn tiêu chứ". Mặc dù giọng mẹ phàn nàn nhưng không hiểu sao tôi vẫn nghe ra được niềm vui trong đó.
Dần dà tôi mới hiểu vì sao bạn tôi và rất nhiều người trẻ ngoài kia nữa, thích mang tiền về nhà. Lý do là bởi thứ chúng ta mang về cho bố mẹ không chỉ là tiền mà còn là lòng biết ơn, là sự báo hiếu, là lời tri ân. Những đồng tiền ấy như bức thư đảm bảo sự bình an của bạn và là "viên thuốc an thần" cho bố mẹ.
Cho đi là một loại hạnh phúc và chăm lo cho người lớn trong nhà - cho những người đã hy sinh cả cuộc đời họ vì bạn cũng là một loại hạnh phúc. Như ai đó từng nói: "Bạn gửi tiền về nhà cho bố mẹ hay không là việc của bạn, bố mẹ nhận hay không lại là việc của bố mẹ". Suy cho cùng, đối với phận làm con như chúng ta, còn điều gì quan trọng hơn làm bố mẹ yên tâm đâu?
03
Tôi nhớ năm ngoái, tôi có gọi điện cho một người bạn đã lâu không liên lạc và chúng tôi đã nói chuyện rất lâu. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã đến bệnh viện để phẫu thuật cắt đại tràng một mình.
Ngạc nhiên là tất cả cảm xúc của tôi khi đó. Tôi hỏi cô ấy đã làm như thế nào, chẳng lẽ cô ấy không cần người chăm sóc khi nằm viện hay sao. Cô ấy nói có chứ, có 3 người bạn cùng phòng. Vì công ty làm việc theo ca nên cả 3 ai được nghỉ ca nào sẽ đến chăm ca đấy. Nhưng vì bạn tôi không muốn làm phiền mọi người nên cũng chỉ nhờ các bạn đem đồ ăn đến thôi. Đến chữ ký trên giấy phẫu thuật cũng là một đồng nghiệp giả danh chị gái ký giúp. Cô ấy còn kể khi ấy các bác sĩ đều rất ấn tượng trước cảnh cô ấy một thân một mình đến bệnh viện phẫu thuật, ai cũng khen nên ai cũng thương và chăm sóc cho cô ấy kỹ hơn.
Nghe giọng điệu cô ấy có vẻ rất nhẹ nhàng nhưng không khó để hình dung nỗi buồn khi phải chịu cảnh bệnh tật một mình rồi lại một mình chịu đau đớn trong bệnh viện. Dù đó chỉ là tiểu phẫu nhưng tôi cũng từng chăm người nhà bị bệnh tôi biết, sau ca mổ, bệnh nhân nào cũng yếu, người đi chăm còn bận không ngơi tay, ấy vậy mà cô ấy lại tự mình làm hết.
Tôi hỏi cô ấy vì sao không tìm người nhà. Cô ấy đáp: "Tao không biết tìm ai cả. Ai cũng phải đi làm mà, có người nhà thôi. Nhưng mà chẳng phải chuyện to tát gì, tao sợ bố mẹ tao lo lắng. Vào viện có y tá hỗ trợ, chuyện gì có thể làm được thì tao sẽ cố gắng tự làm hết. Mấy ngày ấy gọi điện về nhà, có mấy lần tao suýt bật khóc, may mà nhịn được".
Nghe bạn nói mà tôi thấy thật xót xa. Dường như đến một lúc nào đó, chúng ta đều sẽ có chung một cảm khái: Bản thân lênh đênh ở ngoài, miễn là sống tốt, sống khỏe, vậy đã được coi là có trách nhiệm với gia đình. Sau khi tự lập rồi mới biết, sống tốt không phải chỉ vì chính mình mà còn vì những người thân yêu của mình nữa. Mang tiền về nhà là một cách, dùng những lời nói dối trắng là một cách khác, tất cả giúp chúng ta khẳng định với bố mẹ rằng: "Con ở xa vẫn ổn, bố mẹ đừng lo!".
04
Giữa bộn bề cuộc sống, đến lúc nào đó, bạn sẽ bất giác nhận ra bố mẹ mình đang già đi từng ngày. Tôi từng tưởng tượng cảnh mẹ tôi lúc về già, mẹ có lẽ sẽ giống như bà, dù già đi thì thân hình vẫn rắn rỏi và nói chuyện vẫn có thể rất hào sảng. Nhưng ngay khi nghĩ đến cảnh tượng mẹ mình già đi, tôi vẫn không nhịn được mà rưng rưng. Dường như tôi vẫn chưa sẵn sàng cho ngày đó.
Trong ký ức của tôi, mẹ tôi vẫn mãi là nữ siêu nhân cao lớn, có thể đứng ra che chở cho tôi mọi thứ. Nhưng không có ai sống mãi, đây là điều tôi nhận ra vào ngày bà tôi qua đời. Ngày bà mất, tôi đang ở xa, mẹ tôi gọi điện nói: "Sau này con không còn bà nữa rồi". Khi ấy tôi đã khóc như chưa bao giờ được khóc.
Tôi chợt nhận ra, trong lúc chúng ta đang vùng vẫy với thế giới riêng, ông bà bố mẹ chúng ta đang chậm rãi già đi. Thay vì áp đặt mọi thứ lên người tôi, họ bắt đầu chuyển sang nói chuyện lý lẽ, bắt đầu hỏi ý kiến và lắng nghe tôi. Điều đó thật đáng sợ, ngày bố mẹ bắt đầu nghe lời tôi cũng là ngày bố mẹ đang già đi.
Một số người luôn than thở cuộc sống khó khăn và rằng họ không biết ý nghĩa của cuộc sống là gì. Nếu là tôi của quá khứ, có lẽ tôi cũng sẽ hoang mang, cũng sẽ tranh đấu đi tìm mảnh trời riêng cho mình. Nhưng tôi của hiện tại, khi nghe thấy những câu than vãn kiểu vậy, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong đầu tôi là bố mẹ. Dù cuộc sống như thế nào, bố mẹ sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần của tôi và ngược lại.
Tôi chăm chỉ kiếm tiền, vì muốn lo cho bố mẹ.
Tôi mang tiền về nhà, vì muốn bố mẹ an tâm.
Tôi cố gắng sống thật tốt, vì có thế, bố mẹ mới an lòng.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/mang-tien-ve-cho-me-la-cach-phan-hoi-ro-nhat-cua-nhung-dua-con-cong-viec-cuoc-song-con-deu-on-me-dung-lo-20220109230732833.chn