Lupita Nyong'o - Viên ngọc trai của xứ Kenya
Lupita Nyong’o là mỹ nhân được săn đón nhiều nhất tại các sự kiện thảm đỏ quan trọng.
Trên màn ảnh, Nyong’o biến hoá tài tình với nhiều kiểu vai diễn khác nhau, gặp những hoàn cảnh khác nhau. Ngoài đời, cô là biểu tượng của hàng triệu phụ nữ da đen trên toàn cầu, dám bước ra khỏi định kiến của điện ảnh.
Viên ngọc trai của xứ Kenya
Tên Lupita của cô là cụm từ nhỏ trong “Guadalupe” (Đức mẹ Guadalupe theo tiếng Tây Ban Nha). Lupita Nyong’o không phải là một cô bé da đen nghèo khổ tại đất nước Kenya xa xôi ôm giấc mơ Mỹ, khao khát đổi đời. Cô sinh ngày 1-3-1983 tại Mexico, trong một gia đình chính khách gốc Kenya.
Bố cô là Thượng nghị sĩ Kenya - Peter Anyang ’Nyong’o, nguyên giảng viên thỉnh giảng về khoa học chính trị ở Mexico City khi còn lưu vong, mẹ là bà Dorothy Ogada Buyu Nyong’o đang điều hành trung tâm điều trị ung thư và sở hữu công ty truyền thông riêng. Anh trai và anh họ của Lupita cũng có sự nghiệp riêng rất thành công. Sinh ra ở Mexico nhưng cô lại lớn lên ở Ratta, một ngôi làng gần Kisumu ở phía tây Kenya.
Kể về tuổi thơ của mình trên tờ An other, Lupita bộc bạch: “Tôi là con thứ 2 trong số 6 anh chị em của gia đình. Thời thơ ấu của tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Vào ngày cuối tuần, tôi thường đến chơi ở nhà của anh em họ, rồi cùng nhau đi bơi và ăn khoai tây, xúc xích chiên".
Sinh ra trong một gia đình có học thức, từ sớm, Lupita đã được tiếp cận và thụ hưởng những tinh hoa của nền giáo dục cao cấp. Cô có thể nói lưu loát tiếng Anh, Mexico, Tây Ban Nha, Swahili và ngôn ngữ bản địa Luo (một bộ tộc ở châu Phi. Bố của cựu tổng thống Barack Obama cũng thuộc bộ tộc này). Lupita đã có trong tay bằng thạc sĩ chuyên ngành Biểu diễn tại Trường Đại học danh tiếng Yale và là một trong số ít ngôi sao có học thức cao tại Hollywood.
Từ cô bé Kenya luôn ám ảnh về làn da
Niềm đam mê nghệ thuật trong Lupita Nyongo được truyền cảm hứng từ người dì của mình, một diễn viên sân khấu kịch tại Nairobi.
Ngay từ khi còn nhỏ, cô cùng các anh chị em đã thích trình diễn những vở kịch mỗi khi gia đình tụ họp. Đây cũng là cách mà cô con gái này nịnh nọt cha mẹ mình, họ luôn hết lòng ủng hộ con theo đuổi đam mê nghệ thuật, bất kể đam mê đó có giúp cô kiếm nhiều tiền hay không - một điều trái ngược với khuôn mẫu truyền thống ở châu Phi.
“Tất cả bắt đầu từ đó. Tôi bắt đầu cảm nhận được sức hấp dẫn của sân khấu từ những buổi diễn như vậy. Tôi thích việc truyền tải nguồn năng lượng trong tôi đến mọi người, trong những khoảnh khắc đó, tôi sẽ là người làm chủ câu chuyện. Bố tôi cũng sẽ kể những câu chuyện hoang đường, ông tôi cũng vậy, đó là lý do vì sao tôi luôn có những ý tưởng mới lạ khác nhau”, Lupita nói trên tờ An other.
Năm 14 tuổi, Lupita Nyongo lần đầu được đứng trên sân khấu khi hóa thân vào nàng Juliet trong vở “Romeo and Juliet” do Nhà hát Phoenix Players dàn dựng. Chính những trải nghiệm này đã ươm mầm trong cô giấc mơ trở thành diễn viên.
Đến năm 16 tuổi, cô cùng gia đình rời Kenya đến Mexico để học tiếng Tây Ban Nha rồi sau đó đến Mỹ tiếp tục học tập. Lupita tốt nghiệp Trường Hamsphire với bằng Điện ảnh và Sân khấu trước khi tiếp tục theo học Thạc sĩ diễn xuất tại Đại học Yale.
Dẫu vậy, với tất cả những nền tảng thuận lợi cũng như sự ủng hộ của gia đình dành cho lựa chọn sự nghiệp, thành công của Lupita ở Hollywood với tư cách một diễn viên đến với cô rất tình cờ. Bởi lẽ, ngay từ khi còn nhỏ, Lupita đã sớm nhận ra những gì cô nhìn thấy trên tivi khiến cô mặc cảm về bản thân mình. Đặc biệt khi tiêu chuẩn về nhan sắc của phương Tây đã ảnh hưởng lên toàn thế giới và ở trong một xã hội không coi trọng làn da sẫm màu như Hollywood.
“Tôi nhớ từng xem quảng cáo nói về một người phụ nữ đi phỏng vấn và không được nhận vào làm việc. Sau đó, cô ấy bôi kem lên mặt để làm sáng da và cô ấy đã được nhận làm. Thông điệp trong đoạn quảng cáo đó là: Làn da tối màu không thể chấp nhận được. Mặc dù tôi chưa bao giờ nghe điều đó từ gia đình, nhưng giọng nói từ ti vi bao giờ cũng át cả tiếng của bố mẹ”, Lupita tâm sự trên tạp chí Glamour.
Quả thực, nỗi ám ảnh về màu da của Lupita là đúng khi cô gặp rất nhiều khó khăn cho việc tìm kiếm những vai diễn đâu tiên vì “trông cô quá đen để lên tivi”. Những ngày đầu sống ở Taxco, một thành phố nhỏ với phần lớn dân số là người bản địa, Lupita nghiễm nhiên trở thành một “người lạ”: “Mọi người trên phố đứng lại chỉ trỏ, chụp ảnh chúng tôi vì chúng tôi có màu da đen”.
Nguồn cảm hứng và sự tự tin của Lupita trỗi dậy mạnh mẽ sau khi cô xem chương trình The Color Purple: “Cho đến khi tôi thấy những người giống tôi, họ làm những điều tôi yêu thích, dù lúc đó tôi không chắc điều đó nằm trong khả năng của mình. Nhưng, nhìn thấy Whoopi Goldberg và Oprah trong The Color Purple, tôi chợt nhận ra: “Ồ, mình có thể là một nữ diễn viên”, ngôi sao da màu tâm sự.
Còn nhớ, tại lễ trao giải phụ nữ da đen ở Hollywood, Lupita Nyongo vẫn nhắc lại quá khứ của mình: “Nhớ lại trước đây, có lúc tôi thấy mình thật xấu. Tôi bật tivi lên và chỉ thấy người da trắng, tôi cảm giác bị nhạo báng vì có màu da tối như màn đêm. Lúc đó, lời nguyện cầu duy nhất của tôi với Chúa là ngày mai thức dậy tôi sẽ có làn da trắng hơn. Mỗi ngày, tôi đều thất vọng vì điều ước không thành sự thật. Làn da của tôi vẫn đen như hôm trước”.
Đến người phụ nữ quyền lực của Hollywood
Quyết tâm trở thành diễn viên, gây dựng lại sự nghiệp ở kinh đô điện ảnh Hollywood là một bước nhảy vọt đáng kinh ngạc đối với một phụ nữ Đông Phi như Lupita Nyong. Cô ấy sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi rào cản giọng nói, màu da và đặc biệt ở tuổi 25 – khá muộn cho một diễn viên mới vào nghề.
Khởi điểm của Lupita là trợ lý sản xuất cho phim “The Constant Gardener” (2005). Khi đó, công việc của cô là giúp dàn diễn viên chính Ralph Fiennes và Rachel Weisz di chuyển đến nơi họ cần. Đây cũng là công việc khiến cô ấp ủ ước mơ trở thành diễn viên.
“Lúc đi ăn trưa cùng Ralph Fiennes, anh ấy đã hỏi về sở thích của tôi. Sau khi tôi trả lời rằng tôi muốn làm diễn viên, Fiennes đã khuyên tôi nên theo đuổi điều mình thích hơn là làm công việc bản thân chẳng hề hứng thú”, Nyong’o kể trên An other rằng chính câu nói trên đã giúp cô có động lực theo đuổi ước mơ diễn xuất.
Vai diễn Pastey trong “12 Years a Slave” là bước ngoặt đánh dấu sự nghiệp rực rỡ của cô.
Thực tế, quyết định trở thành diễn viên của Lupita bắt đầu sau khi cô từ bỏ công việc ở New York vì cô cảm thấy quá nhàn chán với bàn giấy và trở về Mexico để lấy lại tinh thần vào tháng 8-2008. Nhờ cuốn sách “Map for Life” của Glen Allen McQuirk và quyết tâm của chính mình, cuối năm đó, Lupita đã tìm thấy một mục tiêu mới, mục tiêu tưởng chừng như không thể thực hiện được như cái tên nửa Mexico, nửa Kenya của cô. Cô viết nguệch ngoạc những từ mà cô chưa bao giờ dám thốt ra: “Tôi muốn trở thành một diễn viên”.
Năm 2009, cô trở lại Mỹ theo học Thạc sĩ Biểu diễn tại Trường Đại học Yale. Tại đây, Lupita có cơ hội tham gia đóng các phim ngắn, một bộ phim truyền hình của Kenya và còn tự viết kịch bản và đạo diễn bộ phim tài liệu “In my Genes” (2009). Thậm chí, “viên ngọc đen” xứ Kenya còn được khán giả đón nhận nồng nhiệt khi lấn sân sang lĩnh vực âm nhạc khi làm đạo diễn cho MV ca nhạc của Wahu và Bobi Wine, “The little things you do” và được đề cử ở hạng mục Video hay nhất tại Giải thưởng âm nhạc MTV châu Phi.
Vài tuần trước khi tốt nghiệp, cô quyết định ứng tuyển diễn viên cho vai diễn nô lệ Patsey trong “12 years a slave” - bộ phim đưa Lupita Nyongo lên một đỉnh cao mới. Và, năm 2013, ở độ tuổi 30, Lupita chính thức có vai diễn đầu tay, một vai diễn làm rung động trái tim hàng triệu khán giả, vai diễn đưa cô chạm tới tượng vàng Oscar danh giá lần thứ 38 cho hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Lupita đã hoá giải “lời nguyền Oscar” khi trở thành người phụ nữ da màu thứ 7 và người phụ nữ Kenya đầu tiên trong lịch sử đạt giải Oscar.
Có lẽ, cả thế giới sẽ không quên khoảnh khắc cô tỏa sáng rực rỡ trong chiếc váy xanh bồng bềnh của Prada, giương cao tượng vàng danh giá tại nhà hát Dolby Theatre, Los Angeles (Mỹ) và dõng dạc tuyên bố: “Dù bạn có tới từ nơi đâu, giấc mơ của bạn vẫn luôn có giá trị”. Chiến thắng của Lupita đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho hàng triệu phụ nữ da màu trên thế giới và là niềm tự hào mới của châu Phi.
Sau vinh quang trên bảng vàng Oscar, Lupita Nyongo tiếp tục khẳng định tên tuổi qua loạt phim đình đám như “Star Wars: The Force Awakens” (2015), “Black Panther” (2018) và gần đây nhất là tác phẩm kinh dị của đạo diễn Jordan Peele đang làm mưa làm gió phòng vé, “Us” (2019).
Tri thức, sự tự tin, tài năng và sự khéo léo đã đưa Lupita Nyong’o bừng sáng giữa rừng mỹ nhân “đúng chuẩn” của Hollywood như: Jennifer Lawrence, Julia Roberts… Nếu như trước máy quay, Lupita biến hoá tài tình qua từng nhân vật, duyên dáng trước ống kính máy ảnh thì trong giới thời trang, Lupita là nhân vật đầy quyền lực.
Cô từng 4 lần xuất hiện trên trang bìa tạp chí Vogue danh tiếng, đồng thời là gương mặt đại diện của các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Tiffany & Co., Lancôme, Calvin Klein Women. Đến năm 2014, nhan sắc của cô đã vượt qua chuẩn mực về cái đẹp thông thường như da trắng, tóc vàng, mắt xanh để trở thành người phụ nữ đẹp nhất do Tạp chí People bình chọn.
Khi vẻ đẹp không nằm trên đôi má hồng của thiếu nữ
Lupita không chỉ ghi dấu ấn bằng vai diễn xuất sắc mà Lupita Nyong’o còn được mệnh danh là “nàng thơ thảm đỏ” với phong cách thời trang khác biệt. Cô luôn tự tin khoác lên người những chiếc váy màu sắc sặc sỡ cùng mái tóc ngắn xoăn tít, liều lĩnh với những kiểu make up lạ lẫm, phá vỡ mọi nguyên tắc thông thường về làm đẹp.
Đặc biệt, cách ăn mặc, phối đồ của cô hoàn toàn ngẫu hứng. Cô luôn diện những gì mình thích, không phụ thuộc vào các xu hướng và trào lưu thời trang. Bởi, Lupita chọn thời trang để nói lên cá tính của mình.
Người ảnh hưởng nhiều nhất đến phong cách này của cô chính là mẹ, bà Dorothy - Giám đốc quản lý quỹ Ung thư châu Phi. Chính sự tự tin, phóng khoáng trong phong cách thời trang của mẹ đã ảnh hưởng đến cô con gái có thân hình nhỏ bé, vốn rất kén trang phục và khó nổi bật giữa dàn ngôi sao da trắng, chân dài ở Hollywood. Việc trở thành người của công chúng tác động lớn đến ý thức thời trang của Lupita Nyong’o.
Chia sẻ trên tờ The Washington Post, Lupita kể lại: “Khi xung quanh tôi, sở thích về làn da trắng vẫn chiếm ưu thế, tôi vẫn nghĩ rằng mình không đẹp trong mắt công chúng. Và mẹ tôi lại nói với tôi rằng: “Con không thể ăn cái đẹp, nó không thể nuôi sống con mà còn khiến con thấy phiền muộn”.
Tôi đã không hiểu lời mẹ nói cho đến khi nhận ra rằng nhan sắc không phải là thứ tôi có thể có được hoặc mất đi, đó là thứ mà tôi phải có. Tôi hiểu ý của mẹ là có nhiều cách có giá trị hơn để đạt được vẻ đẹp hơn là chỉ qua các đặc điểm bên ngoài. Đó là lòng trắc ẩn và sự tôn trọng, và đó là những điều cuối cùng khiến tôi đẹp. Người đẹp có nhiều lợi thế, nhưng người thân thiện cũng vậy, tôi nghĩ sắc đẹp là một biểu hiện của tình yêu”.
Lupita Nyong’o đã vẽ lên câu chuyện cổ tích đầy cảm động về hành trình lội ngược dòng đi đến đỉnh cao sự nghiệp của một cô bé da màu tại nước Mỹ xa xôi. Lupita của ngày hôm nay vẫn không khác nhiều Lupita của 6 năm trước, cô vẫn rất tự tin, tràn đầy năng lượng trên màn ảnh; chỉ khác rằng tên cô phủ đầy trên tạp chí, trở thành người đại diện cho hàng loạt nhãn hàng đình đám, được ống kính săn đón trên thảm đỏ hay trở thành đại sứ toàn cầu của các tổ chức phi chính phủ. Và, hơn ai hết, Lupita ý thức được mình đang là người truyền cảm hứng cho cộng đồng những người da màu trên thế giới.
“Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng cả châu lục ấy đang trông cậy vào tôi trong ngành công nghiệp này. Nhưng ai đó phải là người tiên phong, và nếu đó là tôi, thì vâng, tôi đây!”.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2525068