Lựa chọn “đau đầu” của Tổng thống Hàn Quốc sau Thế vận hội
Tổng thống Moon Jae-in đã rất nỗ lực để có thể hoàn thành vai trò kết nối tại Thế vận hội mùa Đông năm nay khi đưa đoàn vận động viên Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất và không ngừng hối thúc các quan chức Mỹ - Triều hội đàm với nhau nhân chuyến đi tới Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi 16 ngày Thế vận hội trôi qua và sức nóng của sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới cũng nhạt dần, nhà lãnh đạo Hàn Quốc bắt đầu đối mặt với bài toán khó khi phải tiếp tục dàn xếp các mối quan hệ này.
Vào ngày 25/2 khi lễ bế mạc Thế vận hội diễn ra, Tổng thống Moon đã đạt được bước đột phá về ngoại giao khi Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol tuyên bố Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Mỹ.
Hiện chưa rõ liệu ông Kim Yong-chol có đặt ra bất kỳ điều kiện nào cho cuộc đối thoại với Mỹ hay không. Trước đó, sau cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Tổng thống Moon Jae-in tại Hàn Quốc hồi đầu tháng, các quan chức Mỹ cho biết họ sẵn sàng tổ chức các cuộc hội đàm sơ bộ với Triều Tiên, song vẫn khẳng định Washington sẽ không từ bỏ các biện pháp trừng phạt và gây sức ép với Triều Tiên chừng nào Bình Nhưỡng chưa bắt đầu dừng phát triển vũ khí hạt nhân.
Thế khó của Tổng thống Hàn Quốc
Tổng thống Moon sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi thực hiện cùng một lúc hai mục tiêu, đó là: xây dựng mối quan hệ nồng ấm, vốn rất khó khăn mới đạt được nhân dịp Thế vận hội, với Triều Tiên; đồng thời ngăn chặn nguy cơ rạn nứt quan hệ đồng minh với Mỹ - quốc gia đang gia tăng sức ép với Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Tổng thống Moon vẫn muốn thực hiện chương trình nghị sự của riêng ông về vai trò dẫn đầu của Hàn Quốc trong việc hóa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi hai nước trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Tổng thống Moon có thể nhìn ra cơ hội từ lời đề nghị bất ngờ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bức thư do bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim, mang tới Hàn Quốc. Trong thư, ông Kim mời ông Moon sang Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất và để ngỏ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Tuy nhiên, Tổng thống Moon cũng hiểu rằng ông cần thuyết phục người Mỹ cho ông cơ hội để làm được những việc này dù đây là chuyện không dễ dàng.
Tại lễ khai mạc Thế vận hội hôm 9/2, Phó Tổng thống Mike Pence và bà Kim Yo-jong chỉ ngồi cách nhau 1 hàng ghế, nhưng cả hai thậm chí không nhìn mặt nhau. Đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong quan hệ Mỹ - Triều và là vấn đề hóc búa đặt ra cho nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
Tại cuộc gặp hôm 23/2 với Ivanka Trump, con gái Tổng thống Donand Trump và là trưởng phái đoàn Mỹ tới Hàn Quốc dự lễ bế mạc Thế vận hội, Tổng thống Moon nói rằng ông muốn theo đuổi cách tiếp cận song song, vừa cải thiện quan hệ với Triều Tiên, vừa nỗ lực phi hạt nhân hóa Bình Nhưỡng.
Thành viên đầu tiên của gia đình ông Kim Jong-un tới Hàn Quốc
Theo giới phân tích, sau khi Thế vận hội kết thúc, Tổng thống Moon sẽ phải tính toán xem chiến dịch được gọi là “tấn công quyến rũ” của Triều Tiên đang ở mức độ nào, hay nói cách khác Bình Nhưỡng sẽ kiềm chế các hành động khiêu khích như các vụ thử tên lửa được bao lâu. Ông Yoo Dong-ryul, Giám đốc Viện nghiên cứu Dân chủ Tự do Hàn Quốc tại Seoul, nhận định cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đang tận dụng Thế vận hội làm cơ hội để đạt được mục đích của riêng mình.
“Hàn Quốc nôn nóng muốn xoa dịu căng thẳng. Triều Tiên muốn làm mềm hình ảnh và làm giảm các lệnh trừng phạt quốc tế. Và bây giờ đến phần khó cho ông Moon, sau khi Thế vận hội kết thúc”, ông Yoo cho biết.
Theo ông Yoo, nếu không tìm được giải pháp cho vấn đề hạt nhân, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc “rốt cuộc sẽ trở lại giai đoạn khủng hoảng như trước khi Thế vận hội diễn ra”.
Sự cứng rắn của Mỹ
Tính đến thời điểm hiện tại, cả Washington và Bình Nhưỡng dường như không thể ngồi xuống đối thoại với nhau. Phái đoàn Triều Tiên, trong đó có em gái ông Kim Jong-un, đã bất ngờ hủy cuộc gặp với Phó Tổng thống Pence tại Hàn Quốc vào phút chót sau khi ông Pence chỉ trích Bình Nhưỡng về vấn đề vũ khí và nhân quyền.
Giới phân tích nhận định Triều Tiên muốn được công nhận là cường quốc hạt nhân và đạt được sự nhượng bộ về kinh tế, đổi lại nước này sẽ không tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân trong tương lai. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định nước này sẽ không bao giờ bước vào bất kỳ cuộc đàm phán nghiêm túc hoặc giảm bớt trừng phạt với Triều Tiên chừng nào Bình Nhưỡng chưa từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Đối với cả chính quyền của Tổng thống Trump lẫn Tổng thống Moon, phép thử lớn đầu tiên dành cho họ là tiến hành cuộc tập trận quân sự chung từng bị hoãn lại trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Triều Tiên từng tuyên bố nước này sẽ tái khởi động các vụ thử vũ khí nếu Mỹ - Hàn nối lại tập trận, trong khi liên minh Seoul - Washington có thể sẽ vẫn tập trận như dự tính.
Cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố những biện pháp trừng phạt mới được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay với Triều Tiên và cảnh báo sẽ tiếp tục mạnh tay hơn nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ tham vọng hạt nhân. Sự cứng rắn này của Mỹ trái ngược hoàn toàn với các động thái hòa giải từ Hàn Quốc.
Chuyên gia David Straub, cựu quan chức ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Viện nghiên cứu Sejong ở Hàn Quốc, nhận định Washington ngày càng tỏ ra thất vọng khi Tổng thống Moon “rõ ràng đã phá ngang những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm gây sức ép tối đa với Triều Tiên”.
“Điều này sẽ dẫn tới sự xung đột nghiêm trọng về lập trường giữa hai nhà lãnh đạo đồng minh. Nếu chính quyền Trump hoặc chính quyền Moon không thay đổi lập trường cơ bản, mâu thuẫn ngày càng tăng lên, dẫn tới mối quan hệ ngày càng xấu đi”, ông Straub cho biết.
Phép thử cho liên minh
Tổng thống Moon, một nhà lãnh đạo ủng hộ đối thoại với Triều Tiên, dành cả năm 2017 để chứng kiến bán đảo Triều Tiên tiến gần tới bờ vực chiến tranh khi Bình Nhưỡng phóng thử một loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa và tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay, còn Tổng thống Trump dọa trút “hỏa lực và thịnh nộ” lên Triều Tiên.
Trong nỗ lực nhằm tránh một cuộc xung đột quân sự nổ ra, ông Moon đã tận dụng Thế vận hội như một cơ hội mà các nhà phân tích gọi là “thỏa thuận ngừng bắn Olympic”.
“Thế vận hội đã hạ nhiệt đáng kể căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thay các vụ thử nghiệm, những lời đe dọa và những dòng tweet bằng những cuộc hội đàm trực tiếp, và điều đó đã khôi phục hình ảnh của Seoul như một nhân tố chính trong cuộc chơi này”, John Delury, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định.
Theo ông Delury, vấn đề đặt ra bây giờ là chính quyền Trump sẵn sàng để Hàn Quốc trở thành bên hòa giải với Triều Tiên ở mức nào. Các quan chức trong chính quyền Trump nói rằng Mỹ phải chấp nhận thực tế về một kênh ngoại giao khả thi giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời tính toán xem sẽ sử dụng kênh ngoại giao đó ra sao để phục vụ các mục tiêu của Mỹ.
Giới chức Nhà Trắng cũng phải đưa ra quyết định về việc họ sẽ phản ứng như thế nào nếu quan hệ ngoại giao liên Triều khởi sắc. Chính quyền Trump tỏ ra kiên quyết không nhượng bộ Triều Tiên, nhưng nếu lập trường của Mỹ quá cứng rắn, điều đó có thể khiến Tổng thống Moon tin rằng người Mỹ chưa bao giờ đứng về phía Hàn Quốc. Theo đó, ông Moon có thể sẽ tự đi trên đôi chân của mình, tách Hàn Quốc khỏi Mỹ với tư cách là đồng minh thân cận nhất tại châu Á và xích lại gần Trung Quốc.
“Một khi trái bóng đã lăn, nó sẽ rất khó dừng lại, một phần bởi vì cả Seoul và Bắc Kinh đều rất muốn đối thoại”, Evan S. Medeiros, giám đốc quản lý tại Nhóm Âu Á và từng là cố vấn châu Á cấp cao của cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết.
Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/lua-chon-dau-dau-cua-tong-thong-han-quoc-sau-the-van-hoi-20180226172000328.htm