Lệnh cấm bán kim loại của Trung Quốc ảnh hưởng sản xuất chip ra sao

11:18' 06-12-2024
Lệnh cấm xuất khẩu 3 kim loại sản xuất chip của Trung Quốc không chỉ gây khó cho ngành công nghệ Mỹ, còn khiến nguồn cung và giá vật liệu này leo thang trên toàn cầu.


    Hôm 3/12, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo cấm xuất khẩu sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn, gồm gallium, germanium và antimony sang Mỹ với lý do an ninh. Động thái đưa ra sau khi Washington lần thứ 3 trong ba năm tung biện pháp kìm hãm sản xuất chip của Trung Quốc, gồm hạn chế xuất khẩu sang 140 công ty nước này trong các ngành đầu tư và sản xuất công cụ bán dẫn.

    Claire Reade, chuyên gia thương mại Mỹ - Trung, cố vấn cấp cao công ty luật Arnold & Porter tại Washington nói diễn biến cho thấy sự cứng rắn và phòng thủ từ hai phía. "Đây không phải hiện tượng mới với họ", bà nói trên DW.

    Cờ Trung Quốc cạnh các nguyên tố Gallium và Germaniumtrên bảng tuần hoàn. Ảnh:Reuters

    Cờ Trung Quốc cạnh các nguyên tố gallium và germanium trên bảng tuần hoàn. Ảnh:Reuters

    Tác động đến Mỹ

    Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết đang đánh giá động thái mới nhất của Bắc Kinh. Các quan chức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "tăng cường nỗ lực với các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng quan trọng khỏi Trung Quốc".

    Gallium và germanium là hai trong số những sản phẩm Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2023. Chúng có nhiều ứng dụng đặc biệt, trong đó gallium rất cần thiết cho các chất bán dẫn cao cấp, tấm pin mặt trời và thiết bị radar. Trong khi, germanium dùng cho sợi quang và vệ tinh.

    Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, các chất bán dẫn dựa trên gallium rất quan trọng với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, đặc biệt trong hệ thống phòng thủ tên lửa và radar thế hệ tiếp theo, cũng như thiết bị tác chiến điện tử, thông tin liên lạc.

    Trung Quốc sản xuất 98% gallium thô của thế giới vào năm ngoái, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Nước này cũng kiểm soát phần lớn nguồn cung germanium toàn cầu. Kể từ khi Bắc Kinh áp dụng các hạn chế vào năm ngoái, giá nguyên liệu này đã tăng đáng kể trên thị trường.

    Rủi ro gián đoạn nguồn cung là có thể xảy ra. Tháng trước, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết GDP nước này có thể giảm 3,4 tỷ USD nếu Bắc Kinh thực hiện lệnh cấm hoàn toàn xuất khẩu gallium và germanium.

    Nhưng sự thống trị của Trung Quốc không có nghĩa là Mỹ hết lựa chọn. Bởi vẫn còn những nhà sản xuất khác. Giai đoạn 2019-2022, Mỹ nhập 21% gallium và 26% germanium từ Trung Quốc. Gần đây, tỷ lệ này chiếm khoảng một nửa nhưng Mỹ cũng mua từ Bỉ, Canada, Đức và Nhật Bản.

    Gallium chủ yếu có nguồn gốc từ sản phẩm phụ của quá trình chế biến bauxite, loại quặng chính để sản xuất nhôm. Đầu tư vào khai thác các vật liệu này ở Mỹ và các quốc gia khác sẽ tốn kém nhưng điều đó là có thể.

    Theo AP, Mỹ có các mỏ khoáng sản này nhưng chưa khai thác chúng. Vào tháng 3, một công ty khai khoáng cho biết đã phát hiện các mỏ gallium chất lượng cao ở bang Montana.

    Ảnh hưởng toàn cầu

    Hệ quả cuộc chiến chip còn lan tỏa ra ngoài nước Mỹ. Các công ty sản xuất hoặc phụ thuộc vào chất bán dẫn trên toàn cầu có thể phải trả giá vì các hạn chế xuất khẩu khiến giá tăng.

    "Động thái này là sự leo thang đáng kể của căng thẳng trong chuỗi cung ứng, nơi khả năng tiếp cận nguyên liệu thô vốn đã eo hẹp ở phương Tây", Jack Bedder, đồng sáng lập công ty tư vấn Project Blue cho biết.

    The Guardian trích dẫn dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho biết thực tế các lô hàng gallium, germanium và antimony xuất sang Mỹ đã giảm đáng kể năm nay, sau khi Bắc Kinh áp dụng biện pháp hạn chế từ 2023. Trong khi, giá 3 kim loại này liên tục leo thang, theo tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ đầu tư vào kim loại chiến lược và đất hiếm Strategic Metals Invest (Đức).

    Giá gallium tăng hơn 23%, hiện ở mức trên 930 USD mỗi kg do nhu cầu đi lên của ngành bán dẫn, viễn thông và năng lượng tái tạo. Việc hạn chế xuất khẩu loại nguyên liệu này của Bắc Kinh sang Mỹ, EU và Nhật Bản năm ngoái đã đẩy giá lên cao, khi các công ty phương Tây tranh giành nguồn cung hạn chế.

    Việc nước này cấm bán các kim loại làm chip cho Mỹ và ông Donald Trump trở lại vị trí tổng thống vào 2025 với lập trường cứng rắn có thể càng áp lực lên nguồn cung, giá cả. "Những thách thức địa chính trị này có thể làm căng thẳng thêm tình trạng thiếu gallium và đẩy giá lên cao", Strategic Metals Invest đánh giá.

    Khi ấy, Austria là ví dụ điển hình về "vạ lây". Các dự án năng lượng tái tạo nước này ước tính sẽ cần gấp 4,5 lần sản lượng gallium toàn cầu hiện tại. Con số này cho thấy quy mô của sự thiếu hụt sắp xảy ra khi kim loại này trở thành một phần không thể thiếu trong các kế hoạch về năng lượng và môi trường của một số nước.

    Với germanium, giá tăng hơn 40% năm nay, hiện trên 4.000 USD mỗi kg và Trung Quốc chiếm 80% sản lượng thế giới. Nhu cầu tăng vọt do vai trò không thể thiếu của nó trong quang học hồng ngoại.

    Do sự phổ biến ngày càng tăng của các hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến (ADAS), germanium trở thành vật liệu chủ chốt trong các thiết bị nhìn ban đêm và camera nhiệt. Việc mở rộng ứng dụng của vật liệu này trong phát hiện điểm mù, lái xe tự động và tự động hóa an ninh dự kiến sẽ đẩy nhu cầu lên mức chưa từng có.

    Các nước châu Âu và Bắc Mỹ đang tiết kiệm germanium bằng các giải pháp tái chế nhưng không đủ và buộc phải nỗ lực tìm nguồn cung. Tính chiến lược của germanium khiến việc đảm bảo khoáng sản này một cách bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ và ngành công nghiệp phương Tây.

    Giá antimony đã tăng gấp đôi trong năm nay, lên hơn 25.000 USD một tấn. Một số công ty phương Tây thấy trước tình hình và có sự chuẩn bị. Military Metals (Canada) gần đây mua lại các mỏ antimony tại Bắc Mỹ và châu Âu. Họ đặt mục tiêu cung cấp cho phương Tây nguồn vật liệu này độc lập để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

    Ví dụ, tại Slovakia, Military Metals mua lại một mỏ antimony lớn có nguồn gốc từ thời Liên Xô, được phát hiện từ những năm 1950 và phát triển trong các thập kỷ 1980–1990. Mỏ này mới ở giai đoạn thăm dò, khoan và đào hầm.

    Chuyên gia Claire Reade của Arnold & Porter cho rằng khả năng đàm phán trong tương lai với ông Trump có thể tác động đến các lệnh cấm của Trung Quốc, nhưng nhìn chung siêu cường này dần quyết đoán hơn trong nỗ lực thoát khỏi phụ thuộc phương Tây. "Đây chắc chắn là một xu hướng rộng hơn, vượt ra ngoài tầm của bất kỳ tổng thống nào", bà bình luận.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/lenh-cam-ban-kim-loai-cua-trung-quoc-anh-huong-san-xuat-chip-ra-sao-4824234.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ