Làn sóng thể hiện sự hào phóng đè nặng doanh nghiệp Trung Quốc

09:00' 13-11-2021
Nhiều doanh nhân Trung Quốc đang phải chạy đua quyên góp hàng chục tỷ nhân dân tệ cho mục tiêu thịnh vượng chung của Chủ tịch Tập Cận Bình.


    Sáng kiến "cùng thịnh vượng" nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế - xã hội được Chủ tịch Tập Cận Bình nêu ra tại cuộc họp với Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung Quốc hồi tháng 8. Ông Tập cho biết các hoạt động từ thiện, quyên góp và tình nguyện là một trong những trụ cột cơ bản để giải quyết khoảng cách giàu nghèo và khuyến khích các công ty, người có thu nhập cao "đóng góp nhiều hơn cho xã hội".

    Sau tuyên bố của ông Tập, các doanh nhân Trung Quốc đã chạy đua dành các quỹ đặc biệt cho chương trình "chia sẻ thịnh vượng", hỗ trợ tài chính hào phóng cho các lĩnh vực như giáo dục, y tế hay xóa đói giảm nghèo.

    Làn sóng thể hiện sự hào phóng này có thể thúc đẩy tinh thần từ thiện, nhưng cũng làm dấy lên nghi ngờ rằng liệu các hoạt động quyên góp thúc đẩy bởi chính sách như vậy có thể giải quyết hiệu quả bất bình đẳng giàu nghèo hay không.

    "Một khi chính phủ Trung Quốc yêu cầu các tập đoàn lớn phải quyên góp hoặc làm điều gì đó khác, doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm vậy cho tới khi những khoản quyên góp không còn cần thiết nữa", Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học SOAS ở London, nói. "Họ quyên góp trước hết nhằm bảo vệ chính họ mà không quan tâm lắm tới cách thức các khoản quyên góp được sử dụng".

    Logo của Alibaba tại văn phòng ở Bắc Kinh hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

    Logo của Alibaba tại văn phòng ở Bắc Kinh hồi tháng 8. Ảnh: Reuters

    Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thắt chặt kiểm soát lĩnh vực Internet vào tháng 11 năm ngoái, khi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu của Ant Group, tập đoàn thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma, bị tạm dừng vào phút chót. Sau đó, khi một cuộc điều tra về độc quyền toàn ngành bắt đầu, tập đoàn Alibaba của Jack Ma đã bị phạt 2,8 tỷ USD với cáo buộc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.

    Các mục tiêu tiếp theo trong danh sách kiểm soát của chính phủ gồm nhà phát hành trò chơi Tencent, công ty giao đồ ăn trực tuyến Meituan, nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo và ứng dụng gọi xe Didi. Tất cả đều bị phạt hoặc chấm dứt hợp đồng do vi phạm luật chống độc quyền hoặc an ninh mạng.

    Ernan Cui, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics ở Hong Kong, nói nhiều người làm việc trong các công ty Internet Trung Quốc cho rằng họ là mục tiêu nhắm đến của lời kêu gọi "chia sẻ thịnh vượng" cho xã hội. "Dưới áp lực này, các tỷ phú công nghệ đã tăng cường quyên góp từ thiện trong năm nay", bà nói.

    Tổng số tiền quyên góp năm ngoái của 100 doanh nhân hàng đầu Trung Quốc lên tới 24,51 tỷ NDT (khoảng 3,8 tỷ USD), tăng 37% so với năm trước đó. Ngành công nghệ là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất, với số tiền quyên góp 7,8 tỷ NDT, chiếm 32% tổng số tiền từ thiện.

    Trong 8 tháng đầu năm nay, 5 tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã cam kết quyên góp ít nhất 13 tỷ USD từ tài sản cá nhân hoặc công ty cho các quỹ và sáng kiến từ thiện. Hồi tháng 9, Alibaba cam kết sẽ chi 100 tỷ NDT (15 tỷ USD) đến năm 2025 để hỗ trợ mục tiêu "san sẻ thịnh vượng" với 5 ưu tiên, gồm đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, tạo ra "việc làm chất lượng cao", hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương và thành lập một quỹ phát triển đặc biệt.

    Tuy nhiên, Brock Silvers, giám đốc đầu tư của Kaiyuan Capital ở Hong Kong, tự hỏi làn sóng quyên góp hào phóng này có thể tiếp tục trong bao lâu. Các nhà đầu tư phương Tây trong những tập đoàn Trung Quốc có thể không hài lòng về các khoản đóng góp như vậy, bởi điều đó không phục vụ cho lợi ích của họ.

    Để xoa dịu những lo ngại này, nhiều cơ quan Trung Quốc, từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia tới Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, giải thích rằng cách tiếp cận của Trung Quốc trong sáng kiến "chia sẻ thịnh vượng" không phải là tái phân phối theo kiểu Robin Hood "lấy của người giàu chia cho người nghèo", mà được thực hiện trên tinh thần tự nguyện.

    Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực Internet cho biết họ cũng cảm thấy áp lực phải quyên góp cho mục tiêu chung quốc gia.

    Tom Wang, 45 tuổi, đồng sáng lập công ty sản xuất quy mô vừa ở tỉnh Giang Tô, cho biết từ đầu năm đến nay, anh đã quyên góp tổng cộng một triệu NDT cho một số dự án. "Tôi không thể nói rằng tôi bị ép buộc. Các doanh nhân như chúng tôi được mời trò chuyện với các quan chức địa phương hàng tháng. Khi được hỏi công khai có quyên góp hay không, bạn không thể nói không", Wang nói.

    "Tôi vui vì có thể làm việc tốt như tài trợ cho thư viện công, giúp đỡ người bị ảnh hưởng lũ lụt. Tất cả các cấp chính phủ đã thành lập các tổ chức từ thiện trong những năm gần đây, giúp chúng tôi có thể quyên góp dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu nói không, bạn sẽ có cảm giác bị đánh giá là vô lương tâm. Tôi thấy hơi bất an trước áp lực này", Wang nói thêm.

    "Thông thường đối với các công ty, quyên góp từ thiện là một hình thức đầu tư với kỳ vọng thu lại lợi ích, như lợi ích về thuế, lợi thế thương mại, sự nổi tiếng", Min Zhou, giám đốc Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học California Los Angeles (UCLA), cho biết. Tuy nhiên, xu hướng từ thiện gần đây của doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi chính sách của chính phủ, vì vậy, bà đánh giá sẽ khó dự đoán liệu động lực có thể được duy trì trong tương lai hay không.

    Trong khi các quỹ từ thiện độc lập là mô hình phổ biến ở Mỹ và châu Âu, các quỹ có liên kết với chính phủ là hình thức thường thấy ở Trung Quốc, đặc biệt trong những năm gần đây, khi các tổ chức phi chính phủ bị kiểm soát chặt chẽ.

    Năm 2016, Trung Quốc thông qua luật từ thiện đầu tiên, cung cấp tín dụng thuế cho các doanh nghiệp đóng góp từ thiện và miễn thuế đối với các khoản đóng góp lên tới 12% lợi nhuận. Tại Mỹ, các công ty có thể sử dụng tối đa 25% thu nhập chịu thuế dưới dạng đóng góp tiền mặt cho các tổ chức từ thiện đủ điều kiện.

    Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng quyên góp trực tuyến đã khiến việc quyên góp tiền ở Trung Quốc dễ dàng hơn nhiều, nhưng chính phủ có thể làm nhiều hơn để khuyến khích các khoản đóng góp, theo Katja Levy, nhà nghiên cứu tại Đại học Manchester.

    "Tuy nhiên, rủi ro khi chính phủ tham gia quá nhiều là người dân và các công ty quên mất lý do tại sao họ nên quyên góp và sẽ dừng lại khi không còn áp lực", Levy nói.

    Tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc và là nơi có hàng loạt công ty tư nhân thành công nhất của đất nước, đã được chọn làm khu vực thí điểm cho mục tiêu chia sẻ thịnh vượng.

    "Công việc kinh doanh của tôi năm nay không tốt và gánh nặng đóng góp phúc lợi xã hội cho nhân viên là rất lớn", David Zhou, 48 tuổi, người điều hành một công ty thương mại ở Chiết Giang, nói. "Dù vậy, tôi cũng đã quyên góp hàng trăm nghìn NDT năm nay cho nhiều hoạt động xã hội khác nhau".

    George Magnus, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho rằng các chương trình xã hội sẽ được hưởng lợi từ các khoản đóng góp, nhưng các nguồn tiền từ thiện, ngay cả ở Mỹ, cũng chỉ bằng một phần nhỏ GDP và không thể giải quyết các yếu tố quan trọng về cấu trúc trong thu nhập và phân phối tài sản.

    "Chứng minh cho người dân thấy rằng các tỷ phú và công ty tư nhân đang phải đóng góp cho mục tiêu của đất nước chắc chắn sẽ mang lại lợi ích chính trị, nhưng điều đó không thể thay thế cho những hoạch định chính sách đúng đắn", Magnus nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Concert Audio Visual Vùng: Maidstone. Phone: 9318 1234
Xem thêm

chuyên bán dụng cụ âm thanh và ánh sáng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ap-luc-chia-se-thinh-vuong-de-nang-doanh-nghiep-trung-quoc-4383928.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ