Làm thế nào để không nhàm chán khi ở nhà những ngày "cách ly xã hội" (social distancing)
Đây là những khoảng thời gian mà chúng ta phải sống trong sự lo lắng, đặc biệt là đối với những người có hệ thống miễn dịch yếu hoặc những người thân yêu của chúng ta khi gặp tổn thương. Hạn chế giao tiếp xã hội (social distancing) là một trong những biện pháp hiệu quả nhất hiện nay mà con người có thể triển khai ngay lập tức - các nhà khoa học cho biết đây là vũ khí hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của virus.
Ở rất nhiều quốc gia, chính phủ đã thông báo khuyến cáo nếu người dân không có việc gì bắt buộc thì hãy hạn chế ra đường. Các công ty, doanh nghiệp đã dần triển khai các phương án làm việc tại nhà để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Nhiều người trong chúng ta đang ở trong tình huống sẽ dành nhiều thời gian ở nhà hơn trong vài tuần tới - thậm chí là có thể vài tháng tới. Đối với những người không quen làm việc hoặc học tập tại nhà, điều này cũng có thể thay đổi đáng kể cuộc sống của họ.
Viễn cảnh phải trải qua một khoảng thời gian dài không có giao tiếp thật sự là bài toán khó với con người bởi chúng ta vốn là những sinh vật cần kết nối - giao tiếp. Tình huống này còn đặc biệt hơn đối với những người đang sống một mình, khi bạn không thể đến thăm bạn bè, người thân hoặc bạn đã và đang trải nghiệm sự cô đơn. Theo một nghiên cứu gần đây của văn phòng thống kê quốc gia Anh, có 2.4 triệu người trưởng thành ở Anh đang gặp phải căn bệnh “cô đơn”. Kết hợp điều này với sự lo lắng và hạn chế giao tiếp xã hội bởi virus, chúng ta đang thực sự phải đối mặt với một vấn đề mới về sức khỏe tâm lý.
Kate Shurety, giám đốc điều hành của chiến dịch “Chấm dứt sự cô đơn”, cho biết trong thời điểm hiện nay, rất nhiều người sẽ nhớ gia đình và bạn bè của họ, đồng thời cũng tìm kiếm những sở thích của cá nhân họ để thực hiện. “Nó cho thấy rằng tình bạn và sự kết nối quan trọng thế nào trong cuộc sống của chúng ta. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng có nửa triệu người lớn tuổi thường xuyên trải qua các giai đoạn cô lập kéo dài này, kéo dài đến 5 hay 6 ngày trong tuần mà không gặp hay nói chuyện với bất kì ai. Do đó vấn đề này còn nghiêm trọng hơn với cả người trẻ tuổi khi mà họ thực sự gặp phải.”
Dưới đây là một số lời khuyên và biện pháp để bạn có thể áp dụng để chống lại sự cô đơn trong khoảng thời gian này.
Hỏi thăm người lớn tuổi, bao gồm cả bạn bè và hàng xóm của họ
Đối với người lớn tuổi trong xã hội, việc liên tục bị nghe tin cảnh báo về virus có thể đe dọa tính mạng của họ - thực sự là một màn tra tấn tinh thần đáng sợ. Một số các viện dưỡng lão trên thế giới đã bắt đầu thông báo không cho phép người thân đến thăm. Những người trẻ tuổi cũng đưa ra quyết định hạn chế tiếp xúc với những người lớn tuổi để tránh việc vô tình truyền virus cho họ. Tuy nhiên, những động thái này có thể làm trầm trọng hơn bệnh cô đơn tuổi già của lớp dân số già trong xã hội chúng ta. Vậy chúng ta có thể làm gì để người thân yêu lớn tuổi của chúng ta cảm thấy bớt cô đơn?
Caroline Abrahams, giám đốc từ thiện của “Age UK” cho biết “Đó là lý do tại sao điều quan trọng hơn bao giờ hết hiện nay là hãy luôn cảnh giác và để ý người thân lớn tuổi của bạn hơn, bao gồm thông qua cả việc hỏi thăm bạn bè và hàng xóm của họ, để đảm bảo là họ vẫn đang ổn. Nếu ai đó đang ở trong diện phải tự cách ly hoặc họ sợ hãi phải ra ngoài, bạn có thể giúp họ bằng cách hỏi thăm và mua đồ dùng, thức ăn hàng ngày để chuyển tới khi họ cần. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên gọi điện hỏi thăm hoặc tán gẫu, lắng nghe họ chia sẻ. Những điều đó sẽ thực sự giúp ích nhóm dân số già của chúng ta.”
Nếu người lớn tuổi của bạn đã quen sử dụng với các món đồ công nghệ, gọi video call sẽ là lựa chọn hoàn hảo để giao tiếp. Việc giao tiếp thấy mặt của nhau để bộc lộ cảm xúc sẽ giúp con người cảm thấy gần gũi hơn. Còn nếu không thể sử dụng video call, ít nhất hãy gọi điện hỏi thăm họ.
Quay trở lại tình yêu với “chat nhóm”
Chúng ta đều biết rằng không phải ai cũng yêu thích chat nhóm. Việc cứ hiện lên thông báo liên tục của nhóm chat có thể khiến chúng ta mất tập trung hoặc bạn cảm thấy khó theo dõi, bắt kịp mọi diễn biến trong nhóm chat. Nhưng trong thời gian này thì, biết đâu nó lại là một phương án tốt để chống lại sự cô đơn.
Các nhóm chat phổ biến mà chúng ta có thể lập ra trên Facebook Messenger, Zalo… nhằm mục đích tăng sự kết nối giữa mọi người. Không chỉ là bạn bè thân thiết, đồng nghiệp của bạn mà thậm chí có thể là các thành viên trong gia đình, họ hàng. Chia sẻ tình hình hiện nay của bạn và hỏi thăm tình hình của họ sẽ giúp bạn và cả người thân của mình cảm thấy khá hơn rất nhiều.
Đặc biệt đối với những lứa tuổi như bố mẹ chúng ta, việc họ chia sẻ những điều giản đơn trong cuộc sống như cây hoa mới nở trong vườn, hoặc hôm nay đi thăm ai, hay chia sẻ lại những kỉ niệm cũ với bạn bè trong nhóm chat… đều giúp tinh thần của mọi người phấn chấn, lạc quan hơn trong tình hình hiện nay.
Ghi âm bằng giọng nói
Đây có thể là một cách thức mới đã có từ lâu mà ít người để ý và sử dụng, đặc biệt là đối với những bạn có mối quan hệ bạn bè hoặc người yêu ở xa. Nếu bạn hay bạn bè của bạn là người có ác cảm mạnh mẽ với điện thoại, không thích nghe điện thoại thì ghi chú giọng nói là một cách thay thế nhẹ nhàng hơn. Chúng cho phép bạn có thể bắt đầu ghi âm lại nếu bạn cảm thấy mình nói chưa được ổn lắm hay lỡ nói điều gì khó xử.
Đừng cảm thấy như bạn cần phải có một điều gì đó lớn lao hoặc quan trọng để xứng đáng gửi đi dưới dạng một ghi chú thoại. Đôi khi, bạn chỉ cần hỏi thăm tình hình của bạn bè lâu ngày không gặp, chia sẻ những gì về cuộc sống hiện tại của bạn, hay ôn lại kỉ niệm cũ cũng là một cách. Trải nghiệm được nghe tin nhắn bằng giọng nói sẽ khác hẳn với đọc những dòng chữ tin nhắn.
Ngoài ra, lời khuyên từ các chuyên gia là bạn nên tìm kiếm những người có cùng sở thích và văn hóa để dễ có chủ đề nói chuyện hơn. Nếu bạn lo lắng về việc hết chuyện để nói, hãy lên kế hoạch với ai đó để xem một chương trình, bộ phim, hoặc đọc một cuốn sách riêng để có thể cùng nhau thảo luận khi bạn liên lạc với nhau. Bạn cần một vài lời khuyên ư? Hãy theo dõi các fanpage đánh giá sách, phim,... và bạn có thể tìm được hàng tá review từ những người đã đọc/xem.
Tám chuyện với bạn bè thân thiết của bạn
Kate Shurety chia sẻ rằng: “Việc bạn liên hệ với bạn bè và gia đình sẽ xoa dịu mọi cảm giác cô đơn mà bạn có thể gặp phải.” Điều này nghe có vẻ như là lẽ đương nhiên, nhưng điều quan trọng là bạn phải là người chủ động thực hiện nó. Nếu giọng nói ghi âm hay tán gẫu qua chat vẫn không thể cắt cơn cho bạn, hãy đến với phương án mạnh hơn là gọi cho những người bạn thân nhất của bạn và có những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn với họ.
Nhà báo tự do Anna Codrea-Rado và nhà văn Tiffany Philippou trò chuyện trong một buổi podcast đã thảo luận về việc sự cô đơn có thể xảy ra khi bạn làm việc một mình ở nhà trong một thời gian dài. Họ khuyên rằng bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch cho một tuần của mình khi làm việc tại nhà như thế nào, hãy phòng vệ trước khi sự cô đơn xảy ra. “Nếu bạn cảm thấy nhớ đồng nghiệp, bạn bè thân thiết của bạn, đơn giản là nhấc máy lên và gọi cho họ. Ngoài giờ làm việc thì bạn có thể thực hiện video call. Lên kế hoạch tương tác thường xuyên cũng là một cách để giúp bạn liên lạc với xã hội.”
Bắt đầu một dự án/kế hoạch mới
Bạn cần giữ cho bộ não của mình luôn đầy ắp ý tưởng và cảm thấy được thách thức để cảm thấy luôn bận rộn - và hãy chắc chắn rằng bạn dành thời gian trong ngày của mình cho những dự án mới này. Trong thời gian này, có rất nhiều ứng dụng, trang web cho phép bạn đọc sách hoặc học thêm một kĩ năng mới hoàn toàn miễn phí. Để giữ cho bản thân bạn bận rộn, tại sao không cho phép bản thân mình bắt đầu tham gia vào một dự án mà bạn đã ấp ủ từ lâu?
Bạn có thể trao đổi với những anh em bạn bè, đồng nghiệp để tìm ra những điểm tương đồng về thế giới quan công việc; hoặc nghiên cứu về một lĩnh vực mới mà bạn chưa có dịp như tài chính, kinh tế, tâm lý học; hay những thứ gần gũi nhất là học một ngôn ngữ mới, trang trí dọn dẹp nhà cửa,... Tất cả sẽ giữ bạn bận rộn đến mức mà bạn còn quên cả việc mình đang cô đơn.
Một số gợi ý khác cũng có thể giúp bạn cảm thấy bận rộn nhưng vẫn luôn được thư giãn là hãy chú ý đến khả năng sáng tạo và sở thích của bạn ở thời điểm hiện tại là gì. Chúng bao gồm những vấn đề liên quan đến nghệ thuật như: vẽ, cắt dán, may vá, bộ dụng cụ thủ công, tô màu, lắng nghe và luyện tập chánh niệm, yoga, thiền, chơi nhạc cụ, nghe nhạc, hát hò…
Lắng nghe chia sẻ trên podcast, xem vlog của các Youtuber
Nếu bạn cảm thấy buồn tẻ bởi thiếu đi những tiếng nói chuyện thì lắng nghe chia sẻ của người khác là một phương pháp hữu hiệu không kém. Ví dụ như xem vlog của các Youtuber - khi họ chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ phần nào cảm thấy đồng cảm bởi những chủ đề bạn đang gặp phải hoặc quan tâm; hoặc lắng nghe podcast của các chuyên gia chia sẻ các vấn đề về kĩ năng công việc, kinh nghiệm sống - những nội dung mà có thể trước đây bạn quá bận rộn mà chưa có thời gian xem xét.
Nếu chúng ta nhìn vào những mặt tích cực hơn trong cuộc sống ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ nhận ra việc bạn có nhiều thời gian hơn hay khi ở một mình, sự cô đơn chỉ là một vấn đề nhỏ, thay vào đó là cơ hội để bạn khám phá bản thân mình và trải nghiệm những gì bạn chưa từng làm. Chúng ta đều hiểu mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn nhưng bạn hãy biết rằng bạn không cô đơn. Mọi người trên khắp thế giới đều đang có những trải nghiệm tương tự như bạn. Bạn chỉ cần tiếp cận với mọi người - và bạn sẽ không phải hối tiếc đâu.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/lam-the-nao-de-chong-choi-voi-su-co-doc-khi-o-nha-nhung-ngay-cach-ly-xa-hoi-social-distancing-20200324074644221.chn