Làm sao khi con chê lì xì?
Lì xì cho trẻ là một trong những phong tục được duy trì từ xưa đến nay. Mỗi dịp Tết đến, chiếc lì xì như một điều may mắn mà mọi người trao cho nhau, mong một năm mới thịnh vượng, tốt đẹp.
Thế nhưng, những tình huống khó xử với phong bao lì xì cũng từ đây mà ra. Một số đứa trẻ có những hành động, thái độ khiến cho cả khách lẫn cha mẹ đều rơi vào tình trạng lúng túng, ngượng ngùng. Nhiều bé khi nhận được lì xì không nói được một câu cảm ơn, thậm chí còn bóc ra xem ngay và bĩu môi, chê khách ki bo.
Chị Hà An (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ câu chuyện của bản thân khiến nhiều người đồng cảm. Không hiểu vì lý do gì mà khi khách tới lì xì, cậu bé lại tỏ thái độ khó chịu, không hề giống với những gì bé thể hiện trước đây. Điều này khiến người lớn cảm thấy vô cùng khó xử.
"Hôm ấy một người bạn trong cơ quan mình tới chơi và lì xì cho Bin. Tự nhiên con xé toạc phong bao lì xì ra, thấy trong đó có 50k liền bĩu môi ôi chú lì xì ít thế ạ, cháu nghe nói chú kiếm được nhiều tiền lắm. Ngay lập tức, không khí trở nên u ám, cả vợ chồng mình và khách đều đỏ mặt, không biết xử lý tình huống này ra sao.
Mình chạy lại cầm bao lì xì và nhẹ nhàng nói với con: Trước hết con khoanh tay xin lỗi chú vì thái độ vừa rồi. Lì xì là niềm vui, thể hiện tình cảm yêu thương của chú dành cho con, số tiền trong đó có là bao nhiêu cũng không thể đong đếm bằng tình cảm ấy được. Mẹ tin con hiểu rằng làm như vậy trước mặt người lớn là không tôn trọng họ và con đang khiến chú từ một người rất yêu con thành ra khó xử đó.
Bin nghe vậy có vẻ hiểu, lí nhí trả lời: Cháu xin lỗi chú, con xin lỗi mẹ. Là tại hôm qua con thấy anh Mít nhà bên làm như thế nên con thử làm theo. Giờ con đã biết là con sai rồi ạ. Sau đó con mình cầm lì xì lên nói lời cảm ơn khách và rất vui vẻ.
Không khí trong nhà trở nên thoải mái hơn. Người bạn trong cơ quan cũng cảm ơn mình vì chữa ngượng tình huống có phần xấu hổ. Tuy vậy, sau lần này mình quan điểm phải dạy lại con nghiêm túc, từ ý nghĩa đến cách nhận lì xì đảm bảo không tái diễn sự việc tương tự", chị An chia sẻ.
Làm sao khi con chê lì xì? Ảnh minh họa.
Quả thực, cách làm trên của người mẹ nhận được nhiều đồng tình từ các bậc phụ huynh. Thay vì la mắng, trách móc con ở nơi đông người và khiến cả đôi bên khó xử thì việc nhẹ nhàng giải thích và nói lời yêu thương sẽ đem lại hiệu quả hơn nhiều. Cách này cũng được nhiều phụ huynh học hỏi.
Tuy nhiên, đối với những trẻ lớn, việc dạy con tìm hiểu ý nghĩa và cách thức nhận lì xì là điều mà các bậc phụ huynh cần quan tâm.
Những điều bố mẹ nên làm
- Giải thích cho con hiểu ý nghĩa của phong tục lì xì: Hãy giải thích với trẻ lì xì là điều may mắn, tốt lành mà người lì xì muốn gửi gắm đến trẻ, mong sang năm mới trẻ chăm ngoan, học giỏi, mạnh khỏe… Cho nên, trẻ có quyền được nhận với một thái độ và cử chỉ trân trọng, đúng mực, lễ phép.
- Dạy con lịch sự khi được lì xì: Nhắc con không được xé phong bao lì xì ngay trước mặt khách, không được chê ít hay so sánh tiền lì xì của người này với người kia vì có thể làm người đối diện buồn lòng, thậm chí bị tổn thương.
- Cha mẹ có thể làm mẫu để trẻ tập theo những động tác tưởng chừng rất đơn giản như đưa hai tay nhận lấy, khoanh tay nói lời cám ơn, gửi lời chúc sức khỏe, may mắn… Các thành viên trong gia đình cũng có thể luân phiên nhau đóng vai người khách lì xì và người nhận lì xì, "thi" xem ai có cử chỉ đón nhận đẹp nhất.
- Không "tịch thu" tiền lì xì của con: Suy cho cùng, về danh nghĩa tiền lì xì vẫn là tiền của trẻ. Với trẻ trên 6 tuổi, cha mẹ không nên "tịch thu" hoàn toàn khiến trẻ ấm ức, khó chịu, tỏ rõ thái độ không phục đối với cha mẹ.
Tuy nhiên cha mẹ cần khéo léo bàn bạc với con, đừng để chúng hoàn toàn tự quyết việc tiêu xài khoản tiền này, thay vào đó giúp con lập sổ quản lý, chi tiêu phù hợp, có kế hoạch.
- Hướng dẫn con dùng tiền lì xì một cách ý nghĩa: Hãy gợi ý con dùng tiền lì xì mua đồ dùng học tập cần thiết, mua những tiện nghi dùng chung gia đình (tủ giày, kệ sách...), đóng quỹ từ thiện... Điều này hướng trẻ biết nghĩ đến người khác, sống nhân hậu và rộng lượng hơn.
Tiền đóng góp của trẻ có thể không nhiều, nhưng việc được đóng góp cùng mọi người sẽ khiến trẻ thấy hãnh diện, tự hào cũng như thấy mình có trách nhiệm hơn. Việc hiểu phong tục lì xì, có ứng xử phù hợp với lì xì… sẽ giúp trẻ trưởng thành hơn sau mỗi mùa tết.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/be-trai-xe-li-xi-ngay-truoc-mat-khach-con-biu-moi-va-che-khach-ki-bo-cach-xu-ly-cua-nguoi-me-khien-ai-cung-kham-phuc-20220126113241772.chn