Làm gì để giúp trẻ cải thiện chiều cao?
Chiều cao thường ít biến động và có mức độ tăng nhịp nhàng chậm rãi sau 5 tuổi đến trước dậy thì 2-3 năm (tầm 9 tuổi). Mức trung bình tăng là 5 đến 7.5 cm mỗi năm.
Dưới 5 tuổi, mức biến động chiều cao của trẻ lớn hơn nhiều, cụ thể là:
0-1 tuổi: Tăng trung bình 25 cm
1-2 tuổi: Tăng trung bình 13 cm
3 - trước 5 tuổi: Tăng trung bình 8.75 cm/năm
Lưu ý, đây là mức tăng trung bình khi trẻ được đáp ứng đủ các yếu tố về dinh dưỡng và hormone cần thiết.
Khi nào cần lo lắng về chiều cao của trẻ?
Chiều cao cần tích lũy đủ các yếu tố dinh dưỡng và hormone cần thiết, cải thiện không thể xảy ra ngày một ngày hai như cân nặng. Nó cần được tính bằng năm. Do đó, cải thiện sớm là cách “tiết kiệm” số năm tăng trưởng chiều cao của trẻ. Theo chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn (thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh), nếu trẻ có 1 trong 4 vấn đề dưới đây là lúc bố mẹ cần nhìn lại dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt để cải thiện chiều cao cho con:
Biểu đồ tăng trưởng chiều cao cho bé trai.
Biểu đồ tăng trưởng chiều cao bé gái.
1. Trẻ từ 5 - 9 tuổi tăng dưới 5 cm mỗi năm trong 2 năm liên tục
Hoặc tại thời điểm 3 tuổi, trẻ đạt chiều cao dưới mức đường 3rd trong biểu đồ tăng trưởng chiều cao của Tổ chức Y tế thế giới WHO trừ đi 6 cm cho cả bé gái và bé trai.
Ví dụ bé gái tại thời điểm 3 tuổi mức 3rd theo biểu đồ chiều cao WHO là 88 cm thì mức nguy cơ cần quan tâm là: 88 – 6 cm = 82 cm.
2. Trẻ trở nên thừa cân béo phì sau 2 tuổi
3. Trẻ trên 2 tuổi sử dụng trên 2 tiếng/ngày các thiết bị điện tử, chủ yếu điện thoại hay ipad.
4. Trẻ có xu hướng ít vận động và sinh hoạt ngoài trời dù đã tạo điều kiện cho trẻ tham gia, đặc biệt các bé sau 3 tuổi. Nguyên nhân có thể đa dạng như tự kỷ, chứng lo lắng hoặc chỉ là hành vi phát triển thông thường.
Nếu trẻ rơi vào 1 trong 4 yếu tố trên hoặc kết hợp nhiều yếu tố trên, thì trẻ đang có nguy cơ làm suy giảm tăng trưởng chiều cao ít nhất 1 năm tới hoặc vài năm sau đó. Thời gian tăng trưởng chiều cao là có giới hạn. Do đó, đã đến lúc bạn cần nhìn lại những điều gì đang ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ để cải thiện lại tốt hơn.
Chiều cao cần tích lũy đủ các yếu tố dinh dưỡng và hormone cần thiết, cải thiện không thể xảy ra ngày một ngày hai như cân nặng (Ảnh minh họa).
Làm gì để giúp trẻ cải thiện chiều cao?
Chuyên gia dinh dưỡng Anh Nguyễn gợi ý bố mẹ 4 cách giúp cải thiện chiều cao cho trẻ như sau:
1. Giúp trẻ vận động hợp lý
Các bé dưới 5 tuổi đa phần là vận động đủ trừ khi trẻ dành thời gian sử dụng thiết tử điện tử trên 60 phút/ngày.
Trẻ từ 5 tuổi, cha mẹ nên giúp trẻ có kỷ luật trong tập thể dục hoặc tham gia 1 môn thể thao chủ yếu sử dụng chân hoặc vận động toàn thân như bơi lội, đá bóng.
Chỉ cần duy trì ít nhất 60 phút/tuần (5-10 tuổi), 90 phút/tuần (trẻ trên 10 tuổi).
2. Ngủ đầy đủ
Trẻ nên được đi ngủ trước 10 giờ mỗi tối bởi từ 10h đêm đến 3-4h sáng là thời điểm hormone tăng trưởng tiết ra mạnh nhất. Bú đêm có thể duy trì trước 1 tuổi tùy nhu cầu nhưng cần bỏ bú đêm cho trẻ sau 15 tháng tuổi vì lúc này bú đêm không phải nhu cầu của trẻ mà là 1 thói quen và có thể ảnh hưởng giấc ngủ của trẻ.
Giấc ngủ sẽ chiếm phần lớn sự tăng trưởng của trẻ, nó nên tránh bị ảnh hưởng bởi thiết bị điện tử và sóng wifi. Do đó, thiết bị điện tử nên ở ngoài phòng. Cục phát sóng wifi có thể tắt khi ngủ là tốt nhất.
Khi ngủ, phòng nên để đèn mờ hoặc tắt đèn để giúp hormone tăng trưởng của trẻ hoạt động tốt hơn.
3. Dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển cơ thể nói chung mà còn là yếu tố then chốt đối với tăng trưởng xương và chiều cao của trẻ. Có nhiều yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng tới chiều cao, trong đó có 3 nguồn dinh dưỡng quan trọng sau:
- Chất đạm
Cần đa dạng các loại trong tuần gồm thịt gà, cá, thịt bò/heo, trứng… bởi vì mỗi loại sẽ gia tăng cơ hội để trẻ lấy những axit amin thiết yếu cho cơ thể.
Lượng đạm mỗi bữa chỉ cần = 1 nắm tay của trẻ là được.
- Canxi từ thực phẩm
Canxi nên lấy từ thực phẩm vì đây là dạng hấp thu tốt nhất vào cơ thể trẻ và không gây nguy cơ dư thừa. Những thực phẩm giàu canxi gồm trứng, cá, hải sản có vỏ, rau xanh, đậu phụ, các loại đậu, sữa, phô mai…
- Các vitamin thiết yếu
Vitamin D quan trọng cho quá trình hấp thụ canxi từ thực phẩm. Gần đây, vai trò của vitamin K2 được TS. Karpiński, ĐH Bialystok, Hà Lan, nhấn mạnh là hỗ trợ vitamin D định hướng canxi vào xương. Quá trình này liên tục diễn ra trong giai đoạn phát triển xương, gia tăng chiều cao.
Do đó, trẻ được khuyên bổ sung vitamin D 400IU/ngày, cho các độ tuổi 0-5 tuổi. Dạng vitamin D thích hợp cho trẻ nên ở dạng xịt hoặc nhỏ giọt hơn là dạng viên.
Ngoài ra, vitamin K2 có thể tìm thấy ở một số thực phẩm như đậu nành lên men Nhật Bản (natto), một số loại sữa chua, phô mai. Những thực phẩm này thích hợp giới thiệu trong các bữa phụ cho trẻ. Ngoài ra có thể bổ sung vitamin K2 dạng xịt đối với các bé ăn uống ít đa dạng.
4. Giúp trẻ cười vui mỗi ngày
TS. Zlotkin, ĐH Texas, Mỹ đã từng báo cáo rằng yếu tố vui vẻ của trẻ mỗi ngày cũng góp phần vào sự tăng trưởng tốt. Và điều này có thể là liên quan đến sự tiết các hormone tăng trưởng.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/4-dau-hieu-bao-dong-tang-truong-chieu-cao-cua-tre-bo-me-can-kip-thoi-dieu-chinh-neu-khong-tre-se-thap-lun-trong-tuong-lai-20200601120300729.chn