Kinh nghiệm nuôi dạy con thành đạt của người mẹ Hàn Quốc
Hesung Chun Koh là giáo sư tiến sĩ tại Đại học Yale.
Hesung Chun Koh là giáo sư tiến sĩ tại Đại học Yale, hiện là giám đốc của viện văn hóa Dongyan. Bà được mệnh danh là "bà mẹ siêu phàm Hàn Quốc". Trong suốt cuộc đời của mình, bà không chỉ đào tạo ra nhiều sinh viên xuất sắc mà còn nuôi dạy cả 6 người con đậu vào trường Đại học Harvard và Đại học Yale danh tiếng. Sau khi tốt nghiệp, những đứa con của bà trở thành giáo sư, trưởng khoa tại nhiều trường đại học nổi tiếng, có người làm Bộ Y tế Mỹ, Nhà Trắng, chủ tịch trường đại học và nhiều vị trí quan trọng khác.
Thời báo New York nhận xét: "Gia đình thành công này có thể sánh ngang với gia đình Kennedy nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Giờ đây, bà Hesung Chun Koh đã trở thành hình mẫu lý tưởng nhất cho các bà mẹ trên thế giới noi theo".
Kinh nghiệm giáo dục con cái của bà thể hiện rõ nhất qua những phương pháp sau:
1. Học cách phát triển bản thân
Phát triển bản thân là để tối đa hóa tài năng, bất kể là nghề nghiệp gì thì đều cần phải cố gắng hết sức. Nếu muốn con cái trở nên xuất sắc, trước tiên bản thân cha mẹ phải là một tấm gương.
Đối với phụ nữ, sự nghiệp và gia đình như như đôi cánh của một con chim, chỉ khi được cân bằng thì họ mới có thể dang rộng đôi cánh của mình. Nếu một người phụ nữ không thể hòa nhập xã hội và gia đình không thể sống hạnh phúc thì cả chồng và con đều bị ảnh hưởng.
2. Đừng bao giờ hy sinh bản thân vì con
Lúc Hesung Chun Koh mang thai con đầu lòng, bà cũng trăn trở làm thế nào để trở thành một người mẹ tốt. Khi bị mắc kẹt trong sự lo lắng như vậy, bà nhớ đến cách nuôi dạy con cái của cha mẹ mình. Ngay lập tức, không chỉ vấn đề nuôi dạy con cái mà cả vấn đề cuộc sống của bà trở nên rõ ràng.
Cha mẹ không nên hy sinh vô điều kiện cho con cái. Họ nên học cách tìm tòi, học hỏi khám phá cái mới, khiến cuộc sống của bản thân phong phú. Thái độ đối với cuộc sống của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái và khiến chúng bắt chước theo.
3. Tạo môi trường để đọc mọi lúc, mọi nơi
Bất kể ở đâu trong nhà cũng đều cần duy trì không khí học tập. Thay vì ép trẻ học thì trẻ chỉ cần nhìn thấy các thành viên khác đang học tập chăm chỉ, trẻ sẽ tự nhiên coi việc học là một phần của cuộc sống.
Miễn là cha mẹ cho con hiểu rằng học tập không phải là một điều đặc biệt, mà là một phần của cuộc sống hằng ngày. Nếu cha mẹ có thể ngồi vào bàn một cách tự nhiên, trẻ sẽ lại gần bàn học và cảm thấy thích thú với điều này.
4. Cha mẹ cần tôn trọng và đối xử tốt với nhau
Sự tôn trọng lẫn nhau của cha mẹ sẽ có ảnh hưởng quyết định đến tính cách của con cái. Những cha mẹ thường xuyên cãi nhau, đặc biệt là trước mặt con cái, chắc chắn con cái họ sẽ gặp vấn đề trong quá trình phát triển.
Trong cuộc sống vợ chồng, Hesung Chun Koh và chồng vẫn có cãi nhau nhưng họ cố gắng giao tiếp để giải quyết vấn đề. Một lý do quan trọng khác là họ không muốn ảnh hưởng tới con cái và muốn làm gương cho chúng.
Quá trình giáo dục con cái cũng là quá trình vợ chồng yêu thương nhau. Những cặp vợ chồng có tình cảm tốt đẹp chắc chắn sẽ giáo dục con cái thành công hơn.
5. Để trẻ cảm nhận được gia đình là điều quý giá nhất
Gia đình Hesung Chun Koh duy trì thói quen ăn sáng mỗi ngày. Dù bận rộn đến đâu đi chăng nữa thì luôn phải tuân thủ quy tắc này. Không chỉ vì tầm quan trọng của việc ăn sáng đối với cơ thể, mà còn vì có thể khiến trẻ nhận ra giá trị của "gia đình".
Vào buổi sáng, nhìn thấy biểu cảm của con mình, cha mẹ có thể đoán được những gì đang xảy ra và bày tỏ sự quan tâm. Việc thể hiện sự quan tâm không có nghĩa là đặt câu hỏi trực tiếp. Nếu cha mẹ hỏi trực tiếp, họ có thể khiến đứa trẻ cảm thấy khó chịu khi nghĩ rằng cha mẹ đã phát hiện ra điều gì đó. Đặc biệt là đối với trẻ ở độ tuổi thiếu niên, sự thay đổi tâm trạng rất thất thường. Nếu không tinh ý, cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy chán ghét và chúng có thể rơi vào trạng thái hỗn loạn hơn.
6. Biết cách giao tiếp với con cái
Nhiều đứa trẻ khi lớn lên bỗng dưng không thích nói chuyện với mọi người. Bà Hesung Chun Koh cho rằng trẻ em không giao tiếp với cha mẹ chủ yếu vì chúng cảm thấy việc giao tiếp với cha mẹ là vô nghĩa. Có rất nhiều lý do khiến trẻ nghĩ vậy, có thể là cha mẹ lúc nào cũng áp đặt suy nghĩ của mình đối với con cái, không lắng nghe ý kiến của chúng. Trong trường hợp này, cha mẹ chỉ cần ghi nhớ 2 điều: biết lắng nghe và biết cách gợi ý.
7. Ủng hộ con cái làm những điều tích cực mà không cần giám sát
Một lần, con gái lớn của Hesung Chun Koh gọi điện cho mẹ và nói rằng sẽ đến Nam Mỹ làm điều gì đó cho trẻ em nghèo. Cô cũng tự nguyện giúp đỡ các gia đình nạn nhân của sóng thần. Hay đứa con thứ 2 đến gặp bà và nói: "Con đang gây quỹ AIDS, mẹ có thể ủng hộ một ít tiền không".
Tài năng của một đứa trẻ là khi chúng được rèn luyện từng chút, từng chút mỗi ngày, phát triển một cách lặng lẽ khi giúp đỡ người khác, giống như một hạt giống vô tình gieo, không mong đợi gì cả nhưng một ngày nào đó nó lại phát triển mạnh mẽ.
Do đó, bất cứ khi nào ai đó hỏi Hesung Chun Koh về bất kỳ phương pháp giáo dục đặc biệt nào, bà sẽ nói: "Đừng chỉ trau dồi tài năng của trẻ, mà còn tập trung vào việc nuôi dưỡng tính cách tốt, định hướng một đứa trẻ trở thành người biết giúp đỡ người khác".
Article sourced from 24H.
Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/bi-quyet-day-6-nguoi-con-dau-vao-harvard-yale-cua-nguoi-me-han-quoc-c216a1148598.html