Không được ngủ lại ám ảnh tiếng khóc, chồng trầm cảm khi vợ sinh con

02:00' 25-11-2022
Vừa định đẩy cửa bước vào nhà, nghe tiếng khóc của cô con gái thứ hai mới vài tháng tuổi, cơn đau đầu của anh Nguyễn Thành lập tức kéo đến.


    "Vợ chồng tôi lỡ kế hoạch. Con lớn mới hai tuổi thì vợ sinh cháu thứ hai", người đàn ông 37 tuổi, ở TP Nam Định nói. Anh cũng thừa nhận, không ngờ sự xuất hiện của cô con gái thứ hai vào đầu năm nay khiến cuộc sống của gia đình đảo lộn đến vậy.

    Anh Thành cho biết, đúng thời điểm vợ sinh, mẹ anh phát hiện bị ung thư. Chưa hết, mẹ vợ cũng phải đi mổ khối u. Đêm vợ trở dạ, anh phải nhờ ông ngoại lên bế con lớn về. Một bên vợ bấu chặt tay vì đau, một bên con khóc không muốn xa, Thành luống cuống, cảm giác mình bị giằng xé.

    Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho những mệt mỏi anh phải chịu đựng.

    Nhà anh và vợ đều chỉ có hai anh em nên người còn lại đều đi viện trông hai mẹ. Không nhờ được ai, anh Thành một mình giặt giũ, bồng bế con cho vợ vừa sinh. "Cứ đêm là con khóc như người đặt chuông báo thức. 5h sáng gà gáy con ngủ, mẹ ngủ thì tôi phải dậy đi làm", anh nói. Chiều về, anh đánh vật với núi đồ đầy chất thải của con. Xong việc, Thành lại phóng xe đến nhà ngoại dỗ cho con lớn ngủ, rồi về bế con nhỏ cho vợ.

    Không được ngủ, lại ám ảnh tiếng khóc của con, đầu óc Thành lúc nào cũng căng như dây đàn. "Nhiều bữa đang ngồi làm, cơn đau đầu kéo đến vì có cảm giác con đang khóc bên tai mình", Thành nói. Nhưng anh không dám nghỉ việc vì kinh tế gia đình dồn cả lên vai. "Mẹ được ốm, vợ được than thở, con được khóc, nhưng tôi không cho mình được bất kỳ quyền nào trong số đó", người nhận mình là trụ cột gia đình, nói.

    Thành thường gắt gỏng, mặt sầm sầm với vợ mỗi lần cô than thở. "Có đứa con không chăm được thì cô tính làm gì?", anh bốc hỏa gào lên với vợ rồi lại ân hận. Nhưng cơn nóng giận nhất thời đó lại gây nên vết thương lòng cho vợ Thành.

    "Tôi chán nản, mệt mỏi vì chăm con nhỏ, thương con lớn, đau vết thương và buồn khi lúc cần được vỗ về nhất lại bị chồng hắt hủi", chị Thương, người vợ kém anh một tuổi nói.

    Cả Thành và vợ đều không biết những biểu hiện anh Thành gặp phải được các chuyên gia tâm lý học nhận định là chứng trầm cảm sau sinh ở nam giới (PPPD). Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ, 10% đàn ông thế giới mắc hội chứng này khi vợ sinh con.

    Một nghiên cứu khác công bố năm 2017 cho thấy, sau khi có con, lượng hormone nam (testosterone) giảm và các triệu chứng trầm cảm gia tăng đã được quan sát thấy ở người cha. Ngoài ra, nếu người vợ bị trầm cảm, người đàn ông có nguy cơ mắc bệnh hậu sản cao gấp đôi, theo một đánh giá năm 2004 của 20 nghiên cứu.

    Chị Thương thừa nhận, lúc mới sinh, chồng đi làm, chị một mình nén cơn đau ngồi dậy thay bỉm, pha sữa cho con nên cảm thấy cô đơn, tủi thân và rất ấm ức. Chị chẳng đủ bao dung để để tâm đến người khác. "Tôi vẫn nghĩ chồng chẳng phải đau đớn, chẳng phải ôm con cả ngày như mình mà còn hằn học, gắt gỏng", chị nói. Vì vậy, Thương càng buồn bực, càng muốn trút lên đầu chồng, anh lại càng cáu kỉnh. Cuộc sống của hai vợ chồng cứ thế đi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.

    Một tháng sau sinh, mẹ đẻ khỏe hơn, chị bế con về nhà ngoại ở. Anh Thành chỉ tranh thủ giờ làm xuống với con một lúc, tối về nhà ngủ riêng. "Có người bảo tôi ích kỷ, nhưng thực sự tôi chỉ muốn một đêm ngủ tròn giấc để có sức đi làm", anh nói.

    Ảnh minh họa: health.huanqiu.com

    Ảnh minh họa: health.com

    Diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ, khi lần đầu có con, anh cũng có thời gian trầm cảm vì không thể kết nối với bé. "Tôi từng căng thẳng và mệt mỏi thường xuyên, cho đến khi tự gỡ rối cho mình", ông Tú nói.

    Hầu hết đàn ông chưa yêu con khi trẻ mới sinh ra. Khác với phụ nữ đã có 9 tháng 10 ngày mang thai và bản năng làm mẹ, nam giới cần 1-2 năm, thậm chí lâu hơn để hình thành tình cảm phụ tử, khi đứa trẻ quấn bố. "Nhiều ông bố thú nhận họ ghét đứa trẻ nhưng không dám nói ra", ông Tú kể.

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM, cho rằng trong thời đại ngày nay, đa phần các gia đình là hạt nhân, chỉ có vợ với chồng, nên cơ hội học kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh ít. Trước kia, các gia đình Việt quây quần đa thế hệ, cô, chú chưa kết hôn có thể phụ trông nom cháu, nhờ đó biết cách chăm trẻ hoặc hiểu chăm đứa trẻ sơ sinh khó khăn thế nào. Không có môi trường học hỏi, họ sẽ thiếu kinh nghiệm đối phó với những tình huống trẻ ốm đau, sinh hoạt bất thường. Kiến thức nuôi dạy con có thể học trong sách vở, nhưng kỹ năng cần môi trường thực hành.

    "Nhiều cặp vợ chồng trẻ vì không sống cùng người thân như anh chị em, bố mẹ nên không được trợ giúp", bà Minh giải thích.

    Ngoài ra, áp lực kinh tế cũng là một trong những điều khiến nam giới căng thẳng khi vợ sinh. Anh Nguyễn Đức (27 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, khi chuẩn bị sinh con, vợ chồng cũng có khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, em bé sinh ra chẳng may gặp bị dị tật gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, phải phẫu thuật và điều trị thời gian dài. Số tiền tiết kiệm dồn vào chưa đủ điều trị cho con, anh phải vay mượn khắp nơi.

    "Tôi sợ vợ suy nghĩ nhiều ảnh hưởng sức khỏe nên tự lo. Có điều tôi mới mua nhà, người thân đều đã vay, sổ đỏ vẫn trong ngân hàng", anh nói. Đức phải cầm cố sổ lương, đến kỳ số tiền cầm về chỉ còn 1/3. Anh lại chạy thêm xe ôm tăng thu nhập, dối vợ tăng ca. Tối về, Đức nhiều đêm chập chờn vì tiếng khóc của con và tiếng thở dài của vợ.

    "Theo các nghiên cứu, khi một tác nhân đến, khả năng chịu đựng của phụ nữ tốt hơn nam giới. Đàn ông khó bộc bạch tâm tư, còn phụ nữ gặp ai cũng có thể tâm sự, nói ra được họ cũng có thể giảm stress", bà Minh nói.

    Ngoài ra, theo chuyên gia, kỳ vọng xã hội muốn nam giới phải mạnh mẽ, không ủy mị, không được khóc khiến đàn ông stress hơn, khó chữa hơn.

    Ông Hoàng Anh Tú cho biết, là quản trị một diễn đàn về hôn nhân và gia đình, mỗi ngày duyệt hàng chục bài tâm sự nhưng không có bài nào đàn ông than thở áp lực, mệt mỏi vì vợ sinh. "Có điều, lại không hề ít đàn ông nhắn tin riêng cho tôi tâm sự chuyện này. Nam giới hiếm khi than vãn trên mạng và nếu có tâm sự họ cũng tìm đàn ông chứ chẳng kể với phụ nữ", ông Tú nói.

    Nghiên cứu nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập do Viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cũng chỉ ra những tiêu chí truyền thống về một "người đàn ông đích thực" ở Việt Nam hiện nay đang kéo lùi sự phát triển của nam giới và bình đẳng giới như: người đàn ông đích thực phải mạnh mẽ, phải là trụ cột của gia đình, lấy vợ, sinh con, nuôi sống gia đình và thờ cúng tổ tiên. Nghiên cứu nhận định, những tiêu chí đó góp phần khiến đàn ông gặp áp lực.

    Khảo sát của VnExpress với hơn 100 độc giả nam cho kết quả, 72 người cho biết gặp các biểu hiện như áp lực, căng thẳng, kiệt sức, chán nản và dễ nổi nóng khi vợ mới sinh. Có tới gần 78% trong số đó không nói với ai, chỉ 22% tâm sự với người ngoài để giải tỏa.

    Theo tiến sĩ Adrian Low Eng-ken, nhà tâm lý học Hong Kong, trầm cảm sau sinh khiến quan hệ giữa người đàn ông và vợ, con ngày càng căng thẳng. Những ông bố bị trầm cảm có xu hướng phạt con bằng cách đánh đập, ít tương tác với con một cách tích cực như hát, kể chuyện cho con nghe. Do không được chăm sóc chu đáo, sự phát triển và hành vi của trẻ có thể bị ảnh hưởng rất lâu sau khi người bố vượt qua cơn trầm cảm.

    "Đàn ông trầm cảm có nguy cơ tự tử cao hơn phụ nữ. Trầm cảm sau sinh ở đàn ông cần được quan tâm nhiều hơn", tiến sĩ Adrian nói.

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh khuyên các cặp vợ chồng trước khi sinh con cần đọc kiến thức, học kỹ năng chăm sóc trẻ sơ sinh để không quá sốc. Cần có khoản dự phòng cho những trường hợp phát sinh không mong muốn, không để rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Bà khuyên nên xây dựng các mối quan hệ thân thiết để khi gặp khó khăn trong chăm sóc con, có thể nhờ sự hỗ trợ tài chính lẫn sức người.

    "Phải xác định mối quan hệ vợ chồng là trọng tâm. Nếu chồng tâm lý, chăm sóc con tốt, vợ ít tạo áp lực lên đứa trẻ thì con sẽ ngoan hơn, vợ chồng đỡ căng thẳng hơn", chuyên gia gợi ý thêm. Nếu có biểu hiện của trầm cảm, đàn ông nên tìm đến chuyên gia trị liệu để can thiệp kịp thời.

    Hiện tại, con gái anh Thành và chị Thương đã hơn hai tháng, nhưng chị không có ý định đưa con về nhà. Anh Thanh cũng không phản đối quyết định này. "Nếu về, có lẽ tối nào chúng tôi cũng sẽ cãi vã", anh nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tram-cam-khi-vo-sinh-con-4537686.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ