Kho đạn dự trữ của Ukraine đang dần cạn kiệt

20:00' 12-04-2023
Dù cần rất nhiều đạn để đối phó pháo binh với Nga, lực lượng Ukraine đang phải bắn rất dè sẻn, do kho đạn dự trữ dần cạn kiệt.


    Trung đội pháo binh thuộc Lữ đoàn cơ giới số 59 ở miền đông Ukraine từng khai hỏa 20-30 quả đạn pháo mỗi ngày bằng những khẩu lựu pháo thời Liên Xô. Nhưng hiện tại, họ chỉ bắn 1-2 quả, có ngày không khai hỏa phát nào. Trong hầm chứa đạn được phủ tấm bạt nhựa màu đen, họ chỉ còn 14 quả.

    Một binh sĩ Ukraine nạp quả đạn pháo khi chỉ huy đọc tọa độ cho phát bắn đầu tiên trong ngày. "Bắn", chỉ huy khẩu đội có biệt danh Spider hô lớn.

    Sau khi khẩu pháo gầm lên, Spider nhìn chằm chằm vào điện thoại để chờ lệnh khai hỏa tiếp theo. Tuy nhiên, không có bất kỳ lệnh nào được đưa ra. Spider không rõ là do đạn pháo đã trúng mục tiêu hay chỉ huy của anh không muốn tốn thêm một quả đạn nữa.

    Lính Ukraine khai hỏa pháo vào vị trí của Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: Washington Post

    Lính Ukraine khai hỏa pháo vào vị trí của Nga ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: Washington Post

    Các quan chức quân đội Ukraine ước tính lực lượng của họ khai hỏa khoảng 7.700 quả đạn pháo mỗi ngày, với tần suất khoảng 6 giây mỗi quả. Nhưng pháo binh Nga đang khai hỏa với tần suất gấp ba lần.

    Để theo kịp tốc độ khai hỏa của đối thủ nhưng vẫn đảm bảo nguồn dự trữ, quân đội Ukraine đang lựa chọn mục tiêu kỹ càng hơn, chủ yếu ưu tiên tiêu diệt các khí tài hạng nặng, thay vì các nhóm nhỏ binh sĩ đối phương. Độ chính xác là yêu cầu quan trọng vì bắn trượt đồng nghĩa lãng phí đạn pháo.

    Đạn pháo từ thời Liên Xô, chiếm phần lớn kho vũ khí của Ukraine, bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu hụt từ lâu. Điều đó buộc Ukraine phải phụ thuộc nhiều hơn vào các tổ hợp pháo do phương Tây cung cấp, vì chúng sử dụng đạn cỡ 155 mm mà Kiev hiện có nhiều trong kho.

    Với tốc độ khai hỏa của Ukraine hiện nay, kho dự trữ đạn pháo của họ sẽ sớm cạn kiệt, khi các nước phương Tây cũng gặp khó khăn để tăng cường sản xuất. Hồi tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo "tốc độ tiêu thụ đạn của Ukraine cao gấp nhiều lần năng lực sản xuất của chúng tôi".

    Gần trận địa khẩu đội của Spider, tiếng khai hỏa của lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp, sử dụng đạn cỡ 155 mm, cứ vài phút lại vang lên một lần. Trong khi đó, Spider và đồng đội ngồi uống trà trong hầm trú ẩn.

    "Đôi khi chúng tôi chỉ ngồi đây và nghe tiếng M777 khai hỏa, cũng như tiếng lực lượng Nga đáp trả. Nó giống như cuộc nói chuyện giữa họ", Spider kể. "Chúng tôi không có nhiều đạn, nên không thể tham gia vào cuộc 'trò chuyện' đó".

    Các quốc gia vẫn còn đạn 152 mm và 122 mm thời Liên Xô trong kho chủ yếu là các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng một số ngần ngại chuyển chúng cho Ukraine vì lo ngại ảnh hưởng tới quan hệ với Nga. Một số quốc gia châu Phi và Trung Đông, nơi đã nhận nhiều vũ khí và đạn dược từ Nga trong những năm qua, cũng sở hữu nhiều đạn pháo loại này. Một số nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw trước đây có khả năng sản xuất đạn pháo, nhưng không theo kịp quy mô và tốc độ mà Ukraine cần trên chiến trường.

    Đôi khi một đồng minh của Ukraine sẽ mua đạn pháo từ các nước trên thông qua môi giới và sau đó bí mật cung cấp cho Kiev để tránh bất kỳ rủi ro chính trị nào cho bên bán. Tuy nhiên, điều này dẫn tới việc các hệ thống pháo thường xuyên phải sử dụng những loại đạn có nguồn gốc khác nhau, ảnh hưởng tới độ chính xác khi khai hỏa.

    "Vấn đề chính là tính bền vững của nguồn cung. Các nước thuộc khối Warsaw cũ đã tháo dỡ dây chuyền sản xuất đạn cỡ nòng thời Liên Xô kể từ khi gia nhập NATO. Bây giờ chúng tôi rất cần loại đạn này, vì vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khôi phục dây chuyền sản xuất", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói.

    Bulgaria, Ba Lan và Slovakia đã nhất trí cung cấp đạn cho Ukraine, nhưng không rõ mất bao lâu để đạn pháo được sản xuất và chuyển ra chiến trường, theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak.

    Một nguồn cung đạn khác cho pháo binh Ukraine là từ nguồn chiến lợi phẩm lực lượng Nga bỏ lại, nhưng công việc này thường rất nguy hiểm. Tại các khu vực mà lính Nga rút lui, binh sĩ Ukraine thường xuyên lùng sục trong các khu rừng để tìm kiếm đạn pháo. Một nhóm gần đây đã trúng mìn khi tìm kiếm đạn cho Lữ đoàn số 59.

    14 quả đạn pháo còn lại trong hầm của Spider là chiến lợi phẩm mà họ thu được của Nga ở Kherson hồi tháng 11 năm ngoái. Anh không biết khi nào đơn vị sẽ có thêm đạn pháo.

    Kho đạn pháo cỡ nòng 152 mm của lực lượng Ukraine ở vùng Donetsk hôm 28/3. Ảnh: Washington Post

    Hầm đạn pháo cỡ 152 mm của lực lượng Ukraine ở vùng Donetsk hôm 28/3. Ảnh: Washington Post

    Mỹ đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung cho kho đạn pháo thời Liên Xô của Ukraine, nhưng quá trình bàn giao có thể mất nhiều tháng. Đầu tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ cung cấp một số đạn pháo cho Ukraine, trong đó có đạn cỡ 122 mm dùng cho pháo D-30.

    Quân đội Ukraine có thể đang tiết kiệm đạn dược cho cuộc phản công mùa xuân, có thể diễn ra trong vài tuần tới. Binh sĩ trên chiến trường nói rằng những gì họ có bây giờ chỉ đủ để đẩy lùi các cuộc tấn công hàng ngày của Nga, chứ không thể phản công.

    Rob Lee, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, cho biết ông nhận định Mỹ và các nước phương Tây đã tăng cường cung cấp đạn pháo cho Ukraine để chuẩn bị cho chiến dịch phản công, nhưng nguồn cung có thể chậm lại vào cuối năm nay.

    Điều này làm tăng khả năng Ukraine sẽ sớm phản công giành lãnh thổ, bởi lo ngại một cuộc chiến kéo dài có thể có lợi cho Nga.

    "Cuối cùng đây vẫn là một cuộc chiến pháo binh, nên bên nào có nhiều đạn pháo hơn, sản xuất được nhiều và ổn định hơn sẽ có lợi thế. Có nhiều đạn pháo là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc chiến này", Lee nói.

    Nga khai hỏa nhiều hơn Ukraine, nhưng các quan chức Ukraine cho biết họ nhận thấy đối phương ngày càng trở nên tiết kiệm hơn, dấu hiệu cho thấy Nga có thể cũng đang thiếu hụt đạn dược. Trong các bài đăng trên mạng xã hội, các blogger quân sự Nga và binh lính vẫn thường phàn nàn về tình trạng thiếu đạn.

    Tướng Oleksandr Syrsky, tư lệnh lục quân Ukraine, nói rằng lực lượng Nga tiếp tục bắn phá dữ dội vào các vị trí ưu tiên trên tiền tuyến, nhưng hạn chế sử dụng pháo ở những nơi khác.

    "Họ sử dụng xe tăng để khai hỏa vào các vị trí gần. Xe tăng ngày càng được Nga sử dụng để thay thế pháo binh tầm xa", Syrsky nói hồi tháng 2.

    Ukraine cũng đưa ra nhiều sáng kiến để tăng dự trữ đạn. Một số binh sĩ Ukraine tận dụng thuốc nổ trong những quả mìn chưa nổ của Nga để tự chế tạo các loại đạn mới.

    Những quả đạn này được in bằng máy in 3D, nhồi thuốc nổ và gắn kíp để trang bị cho máy bay không người lái. Tuy nhiên, quá trình này rất nguy hiểm và ít nhất hai người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn.

    Cục diện chiến sự Ukraine. Đồ họa: Washington Post

    Cục diện chiến sự Ukraine. Đồ họa: Washington Post

    Dù đạn tự chế có thể thay thế pháo binh để tấn công một chiếc xe tăng đang nằm yên, chúng không thể ngăn chặn hoặc đẩy lùi một đợt tấn công của lực lượng Nga.

    Chỉ huy lực lượng pháo binh có biệt danh Shaman chuyển tọa độ đợt khai hỏa tiếp theo cho những người lính dưới quyền. Quân đội Ukraine hôm đó có thể bắn đạn 155 mm để tiết kiệm các loại đạn thời Liên Xô, nhưng điều này sẽ khó kéo dài lâu.

    "Trong giai đoạn đầu xung đột, những khẩu pháo thời Liên Xô của chúng tôi không ngừng khai hỏa để ngăn chặn đối phương", Shaman nói. "Nhưng giờ chúng tôi đã cạn kiệt mọi thứ mình có. Để tiến hành phản công, chúng tôi phải có thêm đạn pháo".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/tinh-canh-chat-chiu-tung-vien-dan-cua-linh-phao-binh-ukraine-4591430.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ