Khát khao tìm mẹ của người con lai Việt - Mỹ

17:00' 29-12-2021
Trên diễn đàn mạng xã hội chuyên kết nối người tìm thân nhân, Jenny Nguyen Ashley đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời éo le như trong phim của mình, hôm 12/12.


    Chị Jenny Nguyen Ashley, 50 tuổi, tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Xuân Hằng, sinh ra ở TP HCM. Năm 16 tuổi, chị theo mẹ nuôi tên Nguyễn Thị Xuân, sang Mỹ theo diện con lai. Jenny chưa từng nghĩ mình là con nuôi bởi mẹ và nhà ngoại yêu thương vô điều kiện.

    28 tuổi, Jenny mới phát hiện sự thật đầu tiên về thân thế của mình. Năm ấy, mẹ nuôi chị bị tai biến, khi các bác sĩ khám mới nhận ra bà chưa từng sinh nở. "Tôi cầu mong mẹ tỉnh lại để hỏi rõ thực hư, nhưng mãi mãi không có cơ hội", chị kể. Ngày chị khám phá ra mình không phải là con đẻ cũng chính là ngày chị mất mẹ nuôi.

    Nỗi đau không biết mình là ai quẫy đạp, giục chị phải đi tìm nguồn cội.

    Chị Hằng đăng tin treo thưởng cho người đưa tin về mẹ. Bên trái là bức ảnh ông Frederick Ashley năm 1970 tại Sài Gòn. Ảnh nhân vật cung cấp

    Chị Jenny đăng tin treo thưởng cho người đưa tin về mẹ, hôm 12/12. Bên trái là ảnh ông Frederick Ashley năm 1970 tại Sài Gòn. Ảnh nhân vật cung cấp

    Jenny Nguyen Ashley về nước hỏi thăm và được dì (chị gái mẹ nuôi) tiết lộ, mẹ đẻ chị tên Hạnh, người miền Tây. Vào khoảng những năm 1970, bà làm thêm trong một quán bar ngụ tại đường Nguyễn Văn Thoại (nay là đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP HCM), do bà Xuân làm chủ.

    Sinh con xong, bà Hạnh gửi con cho bà Xuân nuôi. Về sau, có lần bà Hạnh đến xin lại, nhưng không được đồng ý, vì bà Xuân đã làm lễ rửa tội cho con, hứa sẽ chăm lo cả tinh thần lẫn thể xác đứa trẻ.

    Năm 2017, trên hành trình tìm mẹ, Jenny bất ngờ tìm được bố đẻ, ông Frederick Ashley, 72 tuổi, bằng xét nghiệm ADN. Ông là lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 1970. Ở đây, Frederick đem lòng yêu một cô gái Việt Nam, là sinh viên đi làm thêm.

    "Tôi chỉ nhớ cô ấy muốn tôi ra ngoài phòng trọ ở cùng, nhưng tôi không được rời căn cứ. Năm 1971, tôi về nước, không kịp báo tin, cũng không biết cô ấy có thai", ông Frederick nhớ lại. Thời đó, mỗi lần đến quán bar, ông lấy tên Buddy nên bà Hạnh không thể tìm được ông.

    Nhiều lần con gái muốn ông nhớ lại ký ức về mẹ, nhưng thời gian 50 năm đã khiến mọi thứ không còn rõ ràng. Trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, mỗi lần nhớ lại quá khứ, ông Frederick lại bị cơn đau đầu giày vò.

    Khi câu chuyện của chị được chia sẻ trên VnExpress, năm 2019, nhiều người ở khắp nơi trên thế giới kết nối để động viên, chia sẻ thông tin, khiến Jenny thêm động lực tìm mẹ.

    Tuy nhiên, hành trình tìm lại nguồn gốc của chị chưa bao giờ dễ dàng. Tháng 6 năm đó, một phụ nữ ở TP HCM chủ động liên hệ với chị vì tin họ là mẹ con. Nhà bà chỉ cách ngôi nhà bà Xuân và Jenny từng ở vài trăm mét.

    "Những thông tin bà đưa trùng khớp đến độ tôi tin đó là mẹ mình", chị nói. Người phụ nữ kể, khoảng những năm 1970, bà cũng lấy tên Hạnh, quen một lính Mỹ khi làm phục vụ ở quán bar. Bà thậm chí còn biết ông là người gốc Do Thái, con trai duy nhất và là thứ hai trong gia đình ba con.

    Thời gian đó, chị dành cả ngày chỉ để gửi ảnh bà cho người thân, bạn bè khắp nơi, xem giống mình không. Jenny nói chuyện qua hàng giờ với bà và thấy "rất có kết nối về cảm xúc".

    Tháng 8/2019, khi chồng về Việt Nam, chị nhờ anh đến tận nhà người phụ nữ để nhìn tận mặt, tìm hiểu tính cách, sở thích của bà. "Vẻ ngoài bà không giống em, nhưng tính phóng khoáng và cũng thích đeo vòng bằng đá như em", anh Đặng Thiện, chồng chị nói. Niềm tin trong Jenny càng được củng cố khi hai người đều thích ăn thịt vịt luộc chấm mắm gừng, thích nghe ca sĩ Hồng Ngọc hát.

    Chị Hằng, một con lai Việt - Mỹ, bên cha ruột trong lần gặp đầu tiên, tháng 2/2019. Ảnh nhân vật cung cấp

    Chị Jenny lần đầu gặp cha ruột, tháng 2/2019. Ảnh nhân vật cung cấp.

    Tết năm đó, chị cùng cha đẻ về Việt Nam viếng mộ mẹ nuôi. Người phụ nữ xin được đến sân bay đón cha con chị, với tư cách người quen. "Đúng ổng chớ ai", bà nói khi nhìn thấy Frederick.

    Chị dẫn bố về nhà mẹ nuôi. Trước mặt các dì, cậu và cả người phụ nữ kia, Jenny hồi hộp hỏi ông: "Ba có nghĩ mình từng gặp ai trong số này chưa?". Thấy ông lắc đầu, chị lặp lại câu hỏi thêm lần nữa. "Con làm như ba bị lẫn sao hỏi suốt vậy. Ba nói không mà. Có ai ở đây đặc biệt à?", ông Frederick thắc mắc.

    Lòng Jenny chùng xuống. Chị cố vớt vát niềm hy vọng bằng cách thử ADN. Suốt những năm qua, kể từ khi mẹ nuôi mất, lúc nào trong người chị cũng có sẵn hai kit xét nghiệm ADN. Thấy ai có khả năng chung huyết thống, chị lấy mẫu kiểm tra. Nhưng khi mang sang Mỹ, công ty ADN cho biết mẫu thử không đạt chất lượng nên không cho kết quả.

    Tháng 2/2020, chị Jenny lại một lần nữa bay về Việt Nam. Sau khi lấy được mẫu ADN, chị bọc trong ba lớp hộp, bỏ vào vali có khóa số, mang về Mỹ. Vì dịch, hai tháng sau chị mới được nhận kết quả. Tim Jenny như vụn vỡ khi biết hai người không phải mẹ con.

    Đưa kết quả xét nghiệm của người phụ nữ lên web ADN, chị tìm được người con gái đẻ của bà. Jenny viết hàng trăm tin nhắn cho người con đó, nhưng chỉ thấy đọc mà không trả lời. Tin nhắn cuối chị gửi đi không được vì người này đã chặn. "Tôi cả đời khát khao đi tìm mẹ, còn cô ấy biết mẹ mình là ai thì lại không nhận. Đời thật ngang trái", chị nói.

    Đầu năm nay, một người đàn ông gọi cho chị vì tin chị là người thân thất lạc. Trước khi cô ruột của anh này qua đời, có dặn cháu tìm giúp người thân. Bận mưu sinh, anh quên lời hứa cho đến khi đọc bài viết trên VnExpress.

    Chị Jenny nhen nhóm hy vọng khi thông tin hai bên đưa trùng khớp, nét mặt có nhiều điểm giống nhau. Từ khi kết nối, họ nói chuyện mỗi ngày. Vì dịch, chị chỉ gọi điện hướng dẫn anh gửi mẫu xét nghiệm ADN qua.

    Đúng ngày Jenny nhận tin mẫu ADN không đạt, thì người đàn ông mất vì ung thư, hôm 10/3. Chị buộc phải làm xét nghiệm lần hai với con trai người này, nhưng hai người không có quan hệ huyết thống.

    Trong hai năm dịch bệnh, chứng kiến sự sống, cái chết mong manh, chị Jenny càng muốn tìm mẹ. Chị đăng bài viết khắp các hội nhóm trên mạng xã hội, nhờ báo chí trong và ngoài nước hỗ trợ.

    Hai tuần bị Covid-19 quật ngã, động lực để chị vượt qua là "mình phải sống để tìm mẹ". Lúc tỉnh táo, Jenny lật lại các bài viết cũ về mình, xem có thêm bình luận nào mới. Thấy ai nói câu chuyện của mình giống với người quen của họ, chị tìm cách nhắn tin.

    Sau hai năm đóng băng vì dịch, thế giới dần chuyển sang bình thường mới. Jenny cũng đang khởi động lại hành trình tìm mẹ. Hôm 12/12, sau khi kể câu chuyện đời mình trên mạng, Jenny nhắn nhủ, nếu ai đưa tin chính xác về mẹ, chị sẽ thưởng 5.000 USD. "Tìm được người thân là món quà vô giá, không thể đánh đổi bằng tiền bạc. Nhưng treo thưởng là cách tôi khuyến khích mọi người quan tâm đến hoàn cảnh của mình hơn, khi mà tôi đã tìm đủ cách không được", chị giải thích.

    "Tôi phải thật nhanh lên, bởi mẹ nếu còn sống cũng đã 71-72 tuổi rồi. Nếu gặp được bà, tôi sẽ không hỏi lý do mẹ rời xa mình, chỉ muốn chăm sóc bà những ngày cuối đời", chị tha thiết nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Parliament of Victoria - Luba Grigorovitch MP Vùng: Caroline Springs. Phone: 0455 408 206
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/khat-khao-tim-me-cua-nguoi-con-lai-viet-my-4402528.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ