Khám phá nguồn gốc của hai loài động vật có vú đẻ trứng đặc biệt nhất thế giới
Thú mỏ vịt tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Alcheringa của Australia ngày 28/3, các nhà khoa học phát hiện rằng tổ tiên của các loài động vật trên đã xuất hiện từ cách đây 130 triệu năm tại các khu rừng băng giá nằm gần Nam Cực ở Australia.
Để vén màn bí ẩn, nhóm nhà khoa học tại Bảo tàng Victoria, Đại học Monash và Đại học Swinburne ở Melbourne cùng Viện ghiên cứu Smithsonian của Mỹ đã nghiên cứu tất cả các hóa thạch của loài động vật có vú đẻ trứng được tìm thấy cho đến nay.
Trong số các mảnh hóa thạch phát hiện tại các khu rừng vùng cực thời tiền sử có hóa thạch của loài động vật có vú đẻ trứng cổ xưa nhất và nhỏ nhất có tên Teinolophos trusleri. Nhà nghiên cứu động vật có vú, ông Tim Flannery, nhận định loài này có khả năng thích nghi, sinh tồn đáng kinh ngạc dù chúng chỉ có trọng lượng khoảng 40 gram, gần bằng một lát bánh mì.
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu các hóa thạch của loài động vật có vú đẻ trứng lớn nhất từ trước đến nay - loài echidna bản địa ở Tây Australia mà tên của nó đã được đặt cho một chi mới là Murrayglossus. Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Kristofer Helgen tại Bảo tàng Australia, cho biết loài Murrayglossus nặng khoảng 30 kg, gần bằng kích thước của một con gấu túi và có thể gấp nhiều lần kích thước của loài echidna ở Australia ngày nay.
Nhóm nghiên cứu tin rằng hóa thạch của những con thú có túi đẻ trứng từ cổ xưa cho thấy loài động vật này chỉ thích hợp với khí hậu vùng cực. Đây có thể là lý do chúng ít di cư đến những nơi khác.
Nghiên cứu cũng làm sáng tỏ giả thuyết cho rằng thú lông nhím edchina di cư từ Papua New Guinea đến Australia. Ông Helgen cho biết loài này được tìm thấy trong hồ sơ hóa thạch của Australia niên đại 2 triệu năm. Tuy nhiên, các nghiên cứu về di truyền chỉ ra rằng echidna đã tiến hóa từ một loài giống thú mỏ vịt từ hàng chục triệu năm trước đó. Theo ông, echidna có nguồn gốc từ một hòn đảo mà ngày nay thuộc lãnh thổ Papua New Guinea và chúng đến Australia trong thời kỳ khởi đầu Kỷ Băng hà.
Mặc dù nghiên cứu tập trung đi tìm nguồn gốc của loài động vật có thú đẻ trứng, nhưng các nhà khoa học cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ thú mỏ vịt và thú lông nhím ngày nay trước nguy cơ bị suy giảm số lượng do mất môi trường sống.
Article sourced from baotintuc.vn.