Kết hôn là nghĩa vụ hay là sự lựa chọn?
Tôi là một sinh viên trẻ, được sinh ra trong một gia đình không quá khá giả và bố mẹ là những người rất nghiêm khắc. Bố kinh doanh một nhà hàng nhỏ, mẹ là cán bộ công chức nhà nước. Khi còn nhỏ tôi và bố mẹ ít có tranh cãi vì hầu như đối với tôi, bố mẹ là “đúng”. Tuy nhiên, khi tôi lớn hơn một chút, bắt đầu tự có suy nghĩ, có lý tưởng của riêng mình, tôi bắt đầu muốn được bố mẹ công nhận. Và một trong số những “lý tưởng” bị coi là ngông cuồng của tôi đó chính là: Không kết hôn!
Tôi là một đứa con gái, vì vậy từ nhỏ đến lớn việc được nghe chỉ dạy nhiều nhất đó là: “Cố gắng học tập mà có công việc tốt, sau này về nhà chồng đỡ bị nó khinh”. Tôi cũng có một đứa em trai, nhưng lạ là nó thì lại luôn được dạy rằng: “Không cần mày học giỏi,… Con trai sau này thì làm gì cũng được.”
Tôi không quá lấy làm lạ về chuyện bố mẹ áp lực cho tôi về thành tích, dù sao ông bà cũng chỉ muốn tôi sau này sống dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc cứ luôn gắn cái đích thành công của tôi với một cuộc hôn nhân không tên, luôn khiến tôi – một đứa đến độ tuổi nổi loạn – khó chịu.
Tôi yêu tự do vô cùng và ghét bị gò bó. Tôi không thích việc kết hôn vì nó sẽ luôn đi đôi với trách nhiệm, với gánh nặng gia đình. Có thể bạn sẽ trách tôi ích kỉ nhưng chỉ là tôi tự bảo vệ bản thân nhiều hơn người khác mà thôi. Kết hôn luôn khiến tôi thấy ngột ngạt, bức bách. Đặc biệt, trong cái độ tuổi mười bốn, mười lăm lúc đó, nó chẳng khác nào bàn tay cứng rắn, đánh gãy đi đôi cánh đang rộng mở muốn bay cao bay xa của một con bé đầy hoài bão cả. Vì thế, tôi không muốn kết hôn.
Không những vậy, tôi không muốn kết hôn là bởi vì nó khiến người khác khi nhìn vào tôi sẽ chẳng thể thực sự đi đánh giá hay đề cao năng lực của tôi cả. Người ta sẽ chỉ loanh quanh vài câu quen thuộc nghe đến nhàm tai: “Học hành thì học hành thôi, sau này lấy ông chồng giàu cho bố mẹ được nhờ” hay là “Đến độ hai tư, hai lăm thì lại phải chăm chồng chăm con”. Không biết bạn như thế nào, nhưng đối với tôi thì nó chính là sự phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực của mình làm ra. Và đó cũng là lý do tôi không muốn kết hôn.
Tất nhiên, ở cái độ tuổi nổi loạn luôn tự tin mình “không sợ trời, không sợ đất”, tôi liền thẳng thắn bày tỏ với bố mẹ về cái quan điểm phách lối của mình. Trong bữa cơm gia đình, tôi tuyên bố: “Con không lấy chồng đâu”.
Xuất phát điểm câu nói đó vẫn là nửa thật nửa đùa. Ấy vậy mà cuối cùng nó biến thành một chủ đề đầy mệt mỏi đối với mọi người trên bàn cơm.
Bố mẹ tôi đã hẫng lại một nhịp. Ông bà im lặng ăn cơm, rồi một lát sau, đột nhiên, mẹ tôi đặt bát cơm xuống và nói: “Đừng làm gì khác lạ so với mọi người”. Đại khái thì có lẽ là tôi vẫn chưa cảm được cái sự nghiêm túc trong đó nên cũng chưa thực sự hiểu. Sau đó mẹ tôi nói một câu mà đến giờ vẫn khiến tôi chẳng quên nổi: “Mình phải đi theo cái guồng quay của xã hội. Nếu như tách ra mình sẽ thành lập dị, rồi bị cô lập”.
Nếu là bạn, lúc này bạn sẽ làm gì? Yên lặng chấp nhận và tiếp thu? Hay phản bác rồi dẫn tới cãi vã? Còn tôi, lúc đó tôi đã khóc.
Thực ra con cần bố mẹ tôn trọng hơn cả.
Có thể bạn sẽ thắc mắc, tại sao phải khóc? Yếu đuối? Cũng đúng. Tôi tự nhận mình là kiểu ngoài mạnh trong yếu, cũng chỉ được cái miệng. Nhưng thực sự thứ khiến tôi bật khóc cảm tính đến vậy chính xác là do lời của mẹ.
Nói đúng hơn, chuyện kết hôn với tôi vốn không phải thứ quá quan trọng hay cấp bách đến vậy. Tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, hiện tại ta nói không muốn kết hôn nhưng tương lai liệu thực sự có thể chắc chắn mình làm được? Khó nói. Vì thế, thực chất đối với tôi, kết hôn hay không – chỉ là một sự lựa chọn. Thứ tôi muốn đơn giản chỉ là được bố mẹ công nhận, tôn trọng lựa chọn của mình. Thế nhưng, đối với bố mẹ tôi, họ coi đó là một nghĩa vụ và tôi không được phép có suy nghĩ “khác lạ” nào. Theo họ đây là nghĩa vụ của bất kì người con nào, kết hôn, sinh con, yên ổn.
Vậy kết hôn là lựa chọn hay là nghĩa vụ?
Vâng, như đã nói ở trên, đây chính là câu hỏi đau đáu với tôi suốt từ ngày đó cho đến bây giờ khi đã trưởng thành để tự mình độc lập. Tôi là người khá thực tế và vì thế đối với tôi không có mấy thứ quá tươi đẹp như một câu chuyện tình yêu lãng mạn của một cô gái nhà nghèo và một chàng hoàng tử thế tộc ngôn tình nào đó. Với tôi, hôn nhân đáng sợ như một cái giếng sâu hun hút. Nó kéo tôi xuống và nuốt trọn lấy tôi. Những áp lực cơm áo gạo tiền, những trách nhiệm gia đình, con cái, những cãi vã triền miên không dứt giữa vợ chồng, những mâu thuẫn khi phải liên tục lấy lòng nhà chồng và vân vân. Vì thế tôi ngại việc kết hôn.
Thế nhưng, không kết hôn thật sự là còn đáng sợ hơn cả chính những lo lắng kia của tôi sao? Tôi không muốn mình phải trẫm xuống con sông mà đối với mình chứa đầy gai nhọn, nên tôi lựa chọn con đường khác để đi. Như vậy là thực sự sai, là trái luân thường đạo lý sao? Tôi đơn giản chỉ là người bình thường và tôi cũng có những thứ không thích và sợ hãi. Trong khi đó, cuộc sống luôn vô cùng phong phú, luôn có rất nhiều con đường để lựa chọn. Và tôi chỉ đơn thuần là muốn chọn con đường khác mà thôi. Liệu nó có đại biểu là tôi muốn tách ra thành cá thể biệt lập khỏi xã hội?
Thời gian trôi qua, khi tôi thực sự chập chững bước ra ngoài xã hội, có lẽ “lý tưởng” ngông cuồng kia của tôi bắt đầu trở nên thu nhỏ lại trước thử thách trùng trùng của xã hội. Và thực sự là vậy, tôi trước đây ngông cuồng nhưng lại mạnh mẽ hơn cả. Tôi trước đây chẳng sợ thói đời vô thường, chẳng sợ người ngoài nhòm ngó vì tôi cũng mới chỉ là một đứa trẻ muốn được khẳng định mình nhiều hơn. Tuy nhiên, khi lớn dần, tôi nghĩ tôi đã biết được đáp án cho câu hỏi: Vậy liệu kết hôn là lựa chọn hay là nghĩa vụ?
Tất nhiên, câu hỏi nào cũng luôn có đáp án. Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi phải do bạn tự mình đặt ra đáp án. Ở đây, với tôi “cuộc đời là câu trả lời”.
Tự mình trải nghiệm, tự mình nhìn ngắm, tự mình lắng nghe cuộc đời này. Tôi dần nhận ra, thực sự nó cũng chẳng tiêu cực, xấu xa đến độ mình phải luôn lo lắng đến như vậy. Tất cả những nỗi lo đều xuất phát từ những gì con người ta không hiểu rõ mà thôi. Bất kì một mối quan hệ nào cũng đều có khả năng gặp trắc trở, thậm chí kết thúc là chấm dứt. Nhưng chúng suy cho cùng đều là những bài học kinh nghiệm cho mình và chẳng có gì là đáng sợ. Vấp ngã nhiều chỉ giúp ta trưởng thành lên mà thôi. Mà kết hôn cũng vậy. Kết hôn là mối ràng buộc giữa hai cá nhân với nhau, cãi vã cũng tốt, áp lực cũng chẳng sao nếu ta biết “cách” để cùng người kia vượt qua. Còn nếu nó có chấm dứt cũng không vấn đề, vì ta vẫn là ta, vẫn sống thật tích cực vì chính mình và người mình yêu thương. Vì thế tôi không còn quá thấy sợ việc kết hôn nữa mà bắt đầu nghĩ xem, liệu mình kết hôn thì nó sẽ như thế nào?
Tuy nhiên, điều đó cũng không đại biểu tôi sẽ buông tha cho cái “tôi ngông cuồng” trước đây. Vì khi lớn hơn rồi, chứng kiến càng nhiều tôi biết mình lại càng phải mạnh mẽ hơn, phải tự trang bị nhiều kinh nghiệm sống hơn. Có như vậy, dù phải là cá thể duy nhất khác biệt, tôi vẫn chẳng sợ hãi. Tôi vẫn sẽ coi kết hôn là một sự lựa chọn mà thôi, chỉ khác là bây giờ vẫn còn bố mẹ đang lo lắng cho mình, nên có thể tôi sẽ giảm đến mức tối đa việc sẽ không kết hôn mà thôi.
Nhưng ai mà biết được, có thể một ngày đẹp trời nào đó tôi sẽ một mình xách balo vi vu khắp nơi, có thể nhận nuôi một đứa trẻ rồi tự mình chăm sóc nó. Hay cũng có thể tự có một gia đình nhỏ, ngày ngày vun đắp nó, xây dựng nó đến khi bản thân già đi. Vì thế, kết hôn hay không là một lựa chọn và nó tích cực hay tiêu cực là do chính bạn.
Đừng vì suy nghĩ chủ quan mà áp đặt bất cứ điều gì xấu cho ai hay thứ gì. Tuy nhiên, cũng đừng để bản thân yếu đuối đến độ bị hiện thực khắc nghiệt quật ngã đi “lý tưởng” của mình. Đó là bài học của chính tôi.
Tôi đã tìm được đáp án và mong bạn cũng vậy. Cảm ơn vì đã đọc. Một ngày tốt lành!
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/ket-hon-la-nghia-vu-hay-la-su-lua-chon-nw231499.html