Jeff Bezos và hàng loạt tỷ phú thế giới chung vai chống biến đổi khí hậu
"Thiên nhiên thật tươi đẹp, nhưng cũng rất mong manh", tỷ phú Mỹ Jeff Bezos, người sáng lập tập đoàn Amazon, hôm 1/11 phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland. "Mỗi năm, rừng và cảnh quan hấp thụ 11 tỷ tấn CO2 trong không khí. Phá hủy thiên nhiên đồng nghĩa với đảo ngược quá trình này".
Tuy nhiên, theo báo cáo hồi đầu năm của Liên Hợp Quốc, nhóm 1% người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho 15% lượng phát thải toàn cầu. Sự giàu có ngày càng gia tăng của họ tỷ lệ thuận với lượng carbon tích tụ trong không khí.
Bình luận viên Stephanie Bailey của CNN chỉ ra rằng con người càng di chuyển và sở hữu vật chất thì càng tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch, làm gia tăng lượng khí nhà kính. "Đi máy bay khắp nơi, mua xa xỉ phẩm, giữ ấm các biệt thự và lái siêu xe đều gây phát thải carbon", Bailey cho biết.
Liên minh từ thiện quốc tế Oxfam ước tính lượng khí thải carbon trung bình của một người trong nhóm 1% giàu nhất thế giới có thể gấp 175 lần so với người thuộc nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất đến người nghèo.
Dù vậy, giới thượng lưu lại được cho là có khả năng đóng góp lớn nhất trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, đặc biệt giữa lúc các lãnh đạo thế giới đang tìm đến nguồn vốn tư nhân để huy động đủ ngân sách ứng phó thách thức to lớn.
Tỷ phú Mỹ Jeff Bezos, người sáng lập tập đoàn Amazon, phát biểu tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, hôm 2/11. Ảnh: AFP.
"Báo cáo tài chính của Liên Hợp Quốc cho biết chúng ta cần đầu tư gấp 4 lần trong quá trình chuyển đổi này. Chúng ta đều hiểu rằng không chính phủ nào trên Trái Đất có thể tự lấp đầy sự thiếu hụt ngân sách đó. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết với sự tham gia đầy đủ của lĩnh vực tư nhân", John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, gần đây phát biểu tại Trường Kinh tế London.
2 tỷ USD mà Bezos tuyên bố đóng góp tại hội nghị COP26 nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm, phục hồi cảnh quan tại châu Phi và Mỹ, là một phần trong cam kết chi 10 tỷ USD chống biến đổi khí hậu trong thập kỷ này của ông chủ Amazon. Hồi tháng 9, Quỹ Trái Đất do Bezos thành lập cũng cam kết tài trợ một tỷ USD trong năm nay, tập trung vào các nỗ lực bảo tồn.
Tập đoàn Amazon cũng thành lập Quỹ Khí hậu hai tỷ USD để đầu tư vào các công nghệ mới cần thiết cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế không carbon. Các mục tiêu nội bộ của Amazon bao gồm triển khai 100.000 xe điện giao hàng vào năm 2030, hỗ trợ những công nghệ giảm thiểu carbon trong điện toán đám mây.
"Chúng ta phải bảo tồn những gì đang có, khôi phục những gì chúng ta đã mất và phát triển thứ chúng ta cần, để sống mà không làm suy thoái hành tinh dành cho những thế hệ tương lai", Bezos kêu gọi.
Bill Gates, người đồng sáng lập tập đoàn Microsoft, là một trong những tỷ phú nhiệt tình nhất về đầu tư chống biến đổi khí hậu, cũng như hoạt động từ thiện. Ông là tác giả cuốn sách bán chạy có tên "Tránh Thảm họa Khí hậu Bằng cách nào", xuất bản hồi tháng hai.
Năm 2015, Gates cam kết tài trợ hai tỷ USD cho những nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu, đồng thời tập hợp các lãnh đạo doanh nghiệp khác, như Bezos và ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, để thành lập Quỹ Liên minh Năng lượng Đột phá, thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch. Quỹ được ra mắt một năm sau đó với ngân sách một tỷ USD, tới nay đã đầu tư vào 40 công ty và huy động được thêm một tỷ USD hồi đầu năm.
Trong khi đó, Microsoft đặt ra những mục tiêu khí hậu được cho là tham vọng hàng đầu giới công nghệ, bao gồm trở thành doanh nghiệp "âm carbon" vào năm 2030, có nghĩa là loại bỏ nhiều carbon khỏi không khí hơn so với lượng mà công ty thải ra. Mục tiêu đến năm 2050 là "loại bỏ toàn bộ lượng carbon mà Microsoft đã thải ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ sử dụng điện năng kể từ khi công ty được thành lập năm 1975".
Elon Musk, tỷ phú sở hữu khối tài sản lớn nhất thế giới, trở nên giàu có từ hai doanh nghiệp cung cấp giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch là hãng sản xuất xe điện Tesla và công ty năng lượng mặt trời SolarCity. Ông đã từ chức cố vấn Nhà Trắng sau khi cựu tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu.
Musk dường như luôn suy nghĩ về cách loại bỏ carbon. Hồi tháng hai, ông tuyên bố tài trợ 100 triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận XPrize tổ chức một cuộc thi toàn cầu kéo dài 4 năm, nhằm tìm kiếm giải pháp hướng tới mục tiêu "loại bỏ 10 gigaton carbon mỗi năm vào năm 2050". Ngoài ra, Musk còn tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để vận động đánh thuế carbon và chống lại quan điểm phủ nhận các vấn đề khí hậu.
Một số chuyên gia cho rằng giới thượng lưu còn có thể bảo vệ Trái Đất thông qua từng hành động trong cuộc sống, như thay đổi thói quen chi tiêu, đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà, mua xe điện, tránh sử dụng chuyên cơ quá nhiều, đồng thời mua các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng thoái vốn khỏi các ngành gây tổn hại môi trường.
Ngoài quyền lực kinh tế, giới thượng lưu còn sở hữu tầm ảnh hưởng chính trị. Họ có thể tài trợ cho các đảng và chiến dịch, cũng như tiếp cận các nhà lập pháp. Ilona Otto, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam của Đức, cho rằng người giàu có thể tận dụng tầm ảnh hưởng để thúc đẩy những thay đổi tích cực với chính sách khí hậu.
"Những người gây phát thải nhiều nhất cũng có năng lực lớn nhất để thay đổi tình hình. Quá nhiều nghiên cứu cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với người nghèo. Nhưng khi xét đến hành động, mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi, người nghèo không thể làm gì bởi họ còn bận tìm cách sống sót", Otto đánh giá.
"Tuy nhiên, những người có học thức, giàu và siêu giàu thì hoàn toàn khác. Họ có tiền, nguồn lực và mạng lưới quan hệ để hành động", chuyên gia cho hay.
chuyên về luật thương mại, luật gia đình, luật bất động sản
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-ty-phu-tung-tien-chuoc-loi-voi-trai-dat-4381135.html