Iran hứng chịu thiệt hại sau đòn không kích của Israel

06:00' 31-10-2024
Iran tuyên bố đánh chặn phần lớn tên lửa Israel và chỉ hứng thiệt hại nhẹ, song dữ liệu vệ tinh làm dấy lên hoài nghi về năng lực phòng không nước này.


    Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rạng sáng 26/10 triển khai khoảng 100 chiến đấu cơ phóng loạt lửa tầm xa vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Iran, nhằm đáp trả vụ tập kích quy mô lớn của Tehran hồi đầu tháng.

    IDF tuyên bố đã đánh trúng khoảng 20 mục tiêu, bao gồm hệ thống phòng không, năng lực không quân và cơ sở sản xuất các loại tên lửa được Iran dùng để tấn công Israel, song không nêu chi tiết. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các chiến đấu cơ Israel đều trở về căn cứ an toàn.

    Phát ngôn viên IDF Daniel Hagari cho biết cuộc tập kích sẽ giúp quân đội Israel có thể hoạt động tự do hơn trong không phận Iran và tập kích sâu hơn trong tương lai nếu cần.

    "Chúng tôi từng hứa sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran và đã làm như vậy. Đòn tập kích đã diễn ra chính xác, mạnh mẽ và hoàn thành mọi mục tiêu", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố.

    Trong khi đó, Iran cho biết chiến đấu cơ Israel đã khai hỏa tên lửa từ khu vực không phận do Mỹ kiểm soát tại Iraq, cách biên giới với Iran khoảng 100 km. Mục tiêu của chúng là các hệ thống radar ở tỉnh biên giới Ilam, Khuzestan và ngoại ô tỉnh Tehran.

    Quân đội Iran tuyên bố phòng không nước này đã đánh chặn lượng lớn tên lửa Israel, đồng thời ngăn tiêm kích đối phương xâm nhập không phận. Họ thừa nhận đòn tập kích đã khiến 4 quân nhân Iran thiệt mạng và làm một số đài radar "hư hại nhẹ".

    Iran cũng lưu ý rằng tên lửa Israel dùng trong vụ tấn công có đầu đạn rất nhỏ, chỉ bằng khoảng 1/5 so với tên lửa đạn đạo của Tehran, song không nêu cụ thể chủng loại.

    Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời Alaeddin Boroujerdi, thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại của quốc hội, cho biết lưới phòng không nước này đã làm "bẽ mặt Israel" khi vô hiệu hóa lượng lớn tên lửa của đối phương, đồng thời thể hiện năng lực răn đe của Tehran. "Cuộc sống ở Iran vẫn diễn ra bình thường", ông Boroujerdi nhấn mạnh.

    Tuy nhiên, dữ liệu từ ảnh vệ tinh, cũng như thông tin từ các nguồn giấu tên của Iran cho thấy các quan chức và truyền thông nước này dường như đã tìm cách giảm nhẹ tác động từ cuộc tập kích của Israel và thiệt hại có thể lớn hơn những gì Tehran công bố.

    New York Times dẫn lời ba quan chức Iran và ba quan chức quốc phòng Israel giấu tên cho biết đòn tập kích đã phá hủy các hệ thống phòng không được triển khai để bảo vệ một số nhà máy lọc dầu và hóa dầu quan trọng, cũng như tổ hợp tên lửa bảo vệ một mỏ khí đốt và một cảng biển lớn ở miền nam Iran.

    Đáng chú ý hơn, các quan chức này khẳng định tên lửa Israel còn vô hiệu hóa ba hệ thống phòng không S-300 bảo vệ sân bay quốc tế Imam Khomeinei ở Tehran và căn cứ tên lửa Malad tại ngoại ô thành phố.

    Iran sở hữu lưới phòng không đa tầng tích hợp, với nhiều hệ thống nội địa hoặc có nguồn gốc từ Liên Xô, trong đó hiện đại nhất là tổ hợp tên lửa S-300 PMU2. Tổ hợp này gồm 16 xe phóng tự hành, các đài radar thu thập mục tiêu 96L6E, radar bám bắt 30N6E2, radar quản lý chiến đấu 64N6E2 cùng một số thành phần hỗ trợ khác.

    S-300 PMU2 được quảng bá có thể khai hỏa nhiều loại tên lửa để đánh chặn mục tiêu tầm xa, tầm trung và tầm ngắn, đồng thời sở hữu tính cơ động cao, giúp tăng khả năng sống sót.

    Tên lửa phòng không Iran trong cuộc duyệt binh ở Tehran hồi tháng 9. Ảnh: AFP

    Tên lửa phòng không Iran trong cuộc duyệt binh ở Tehran hồi tháng 9. Ảnh: AFP

    Chưa rõ khẩu đội S-300 PMU2 của Iran có được trang bị tên lửa 48N6DM hay không. Mẫu tên lửa này có thể tích hợp với các biến thể S-300 mới nhất và là loại đạn tầm xa chính cho dòng S-400.

    Tên lửa 48N6DM được đánh giá cao về năng lực phòng không, nhờ sở hữu các cảm biến hiện đại và có tốc độ cao, trên 17.287 km/h, giúp nó có thể đánh chặn vũ khí siêu thanh hoặc siêu vượt âm với vận tốc lớn hơn Mach 8 (9.879 km/h).

    Trung Quốc từng thử nghiệm thành công dòng tên lửa này để đối phó mục tiêu có vận tốc lớn hơn Mach 8 ở khoảng cách 250 km. Israel không sở hữu dòng tên lửa phóng từ trên không nào có tốc độ cao như trên.

    Một số thông tin xuất hiện hồi năm 2020 cho biết Iran đã mua đạn mới cho tổ hợp S-300, được cho là dòng 48N6DM, song chưa có xác nhận chính thức.

    Trong trường hợp không có tên lửa 48N6DM, tùy chọn tiêu chuẩn về đạn tầm xa cho hệ thống S-300 sẽ là dòng 48N6E2, có tầm bắn 200 km và đánh chặn được mục tiêu bay ở tốc độ Mach 5 (6.147 km/h) trở xuống. Dù vậy, nó vẫn đủ sức để bắn hạ mọi tên lửa không đối đất của Israel, do dòng đạn nhanh nhất thuộc loại này của Tel Aviv chỉ có vận tốc Mach 3 (3.704 km/h), số còn lại bay chậm hơn nhiều.

    Iran được cho là sở hữu tổng cộng 4 hệ thống S-300 mua từ Nga, một tổ hợp đã bị vô hiệu hóa sau cuộc tập kích hồi tháng 4 của Israel vào căn cứ quân sự ở tỉnh Isfahan.

    Nếu Tehran thực sự để mất ba hệ thống S-300 còn lại, vốn được cho là khí tài đủ sức đối phó mọi loại tên lửa phóng từ máy bay của Israel, điều này sẽ gây nhiều hoài nghi về năng lực phòng không thực sự của Iran.

    Tên lửa Sayyad-4 trưng bày tại Iran tháng 11/2022. Ảnh: IRNA

    Tên lửa Sayyad-4 trưng bày tại Iran tháng 11/2022. Ảnh: IRNA

    Ngoài S-300 PMU2, Iran còn sở hữu một hệ thống phòng không nội địa có tính năng tương đương là Bavar-373. Giới chuyên gia cho rằng nó được Iran phát triển bằng cách sao chép công nghệ của dòng S-300 bằng phương pháp kỹ thuật đảo ngược, cũng như thông qua chia sẻ công nghệ với Trung Quốc và Triều Tiên.

    Bavar-373 có thể khai hỏa tên lửa phòng không Sayyad-4B, loại đạn có tầm bắn 300 km, và được cho là sở hữu một số tính năng trội hơn dòng S-300 PMU2. Không rõ các tổ hợp Bavar-373 có bị Israel nhắm tới trong cuộc tập kích hôm 26/10 hay không.

    Ngoài các hệ thống phòng không, ba cơ sở sản xuất tên lửa quan trọng của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là Falagh, Shaid Ghadiri và Abdol Fath cũng bị nhắm mục tiêu. Bên cạnh đó, Israel còn triển khai thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công hai căn cứ quân sự Parchin và Parand, theo các quan chức giấu tên cũng như ảnh vệ tinh được AP phân tích.

    Theo ảnh vệ tinh chụp căn cứ Parchin gần Tehran, vụ tập kích đã phá hủy một tòa nhà và làm một số công trình bị hư hại. Bức ảnh khác cũng cho thấy ít nhất hai tòa nhà tại căn cứ quân sự Khojir gần đó đã bị hư hỏng.

    Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở ở Bỉ, nhận định lưới phòng không Iran đã không ngăn chặn được tên lửa Israel ở các mục tiêu quan trọng và việc bản thân những tổ hợp này bị phá hủy sẽ khiến Tehran dễ tổn thương hơn trong trường hợp xung đột với Tel Aviv tăng nhiệt.

    "Đây dường như là đòn mở đường để Israel sau này tập kích hiệu quả hơn hạ tầng của Iran, thậm chí nhắm vào cả cơ sở hạt nhân nếu chiến sự nổ ra", Vaez nói. "Iran không có khả năng nhanh chóng thay thế các hệ thống phòng không đó".

    Dù vậy, Israel đã không tấn công các cơ sở dầu khí và hạt nhân của Iran, được cho là do sức ép từ Mỹ. Thiệt hại từ đòn tập kích có thể lớn hơn những gì Iran tuyên bố, song vẫn nằm trong giới hạn mà Tehran nhiều lần ám chỉ.

    Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hôm 27/10 yêu cầu chính phủ Iran xem xét cách phản ứng "thể hiện tốt nhất sức mạnh", song cần cân nhắc "lợi ích cao nhất của nhân dân và đất nước". Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cùng ngày tuyên bố Tehran sẵn sàng tung ra đòn đáp trả phù hợp với Tel Aviv, nhưng cũng khẳng định nước này "không muốn chiến tranh".

    Vị trí Israel và Iran. Đồ họa: BBC

    Vị trí Israel và Iran. Đồ họa: BBC



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/hoai-nghi-ve-luoi-phong-khong-iran-sau-don-tap-kich-cua-israel-4809151.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ