Hy vọng minh oan của Kathleen Folbigg
Khi Folbigg bị tòa án phạt 40 năm tù vào năm 2003, báo chí trong nước gọi bà là "nữ sát thủ hàng loạt tồi tệ nhất" của Australia. Nhưng từ trước tới nay, Folbigg vẫn luôn khẳng định vô tội và cho rằng cái chết của bốn đứa con do hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS), thuật ngữ chỉ chung cho các trường hợp trẻ em chết bất ngờ không rõ lý do.
Trong lá thư gửi đến thống đốc bang New South Wales vào giữa tháng 3/2021, 90 nhà khoa học hàng đầu Australia, trong đó có hai người từng nhận giải Nobel, lên tiếng ủng hộ Folbigg. Theo các nhà khoa học, chứng cứ mới về mặt di truyền cho thấy bốn đứa con nhỏ dưới hai tuổi của Folbigg chết vì lý do tự nhiên. Từ đó, lá thư kêu gọi trả tự do cho Folbigg để chấm dứt "bản án oan" này.
Sinh năm 1968, Kathleen Folbigg mồ côi mẹ khi mới 18 tháng tuổi do bố của bà giết vợ trong một lần cãi nhau. Cuối thập niên 1980, Folbigg kết hôn và sinh bé trai tên Caleb. Nhưng chỉ 19 ngày tuổi, bé đột tử và được xác định lý do là SIDS.
Gần hai năm sau, Patrick, đứa con thứ hai chết lúc 8 tháng tuổi. Theo thông tin trên giấy chứng tử, cậu bé bị mù, mắc chứng động kinh, và chết vì ngạt thở.
Đứa con thứ ba, bé gái tên Sarah, tử vong vào ngày 30/8/1993 khi 10 tháng tuổi và cũng được nhận định là SIDS. Tháng 3/1999, người con cuối cùng của Folbigg, bé gái tên Laura, chết vào lúc 18 tháng tuổi vì nguyên nhân "không được xác định".
Folbigg bị nghi ngờ giết con do đơn tố cáo của chồng, người sinh nghi sau khi đọc nhật ký của vợ. "Tôi cảm thấy như là người mẹ tồi nhất trên Trái đất, và tôi sợ Laura sẽ bỏ tôi mà đi, như Sarah. Tôi biết tôi nóng tính và đôi lúc ác với con bé (ý chỉ Sarah). Và nó đã ra đi, với một chút giúp đỡ. Điều này không thể xảy ra lần nữa. Tôi xấu hổ với chính mình. Tôi không thể kể chuyện này với chồng vì anh ấy sẽ lo lắng khi để con cho tôi trông", nhật ký thể hiện.
Kathleen Folbigg xuất hiện tại tòa năm 2019. Ảnh: Shutterstock.
Trước nhà chức trách, Folbigg nói những dòng trên chỉ là mình ghi chép lại sự tội lỗi và tuyệt vọng của một bà mẹ trẻ. Cụm "với một chút giúp đỡ" là để Folbigg bày tỏ niềm hy vọng rằng Chúa đã đưa con mình về nhà. Tuy không có chứng cứ pháp y hoặc nhân chứng, bà vẫn bị khởi tố trong cái chết của bốn đứa con.
Trong phiên xét xử năm 2003, vị bác sĩ từng nhận định nguyên nhân chết của bé Laura là "không xác định" đã ra làm chứng cho cơ quan công tố rằng chưa bao giờ gặp trường hợp bốn đứa trẻ trong cùng gia đình lần lượt tử vong.
Bác sĩ không đưa ra dữ liệu độc lập nhưng lời khai của vị này được công tố viên dùng để lập luận rằng việc "người bị sét đánh hoặc lợn biết bay" có nhiều khả năng xảy ra hơn cái chết của bốn đứa trẻ nhỏ trong cùng một gia đình trong thời gian 10 năm. Công tố viên còn nhắc đến những dòng nhật ký của Folbigg, bên cạnh chứng cứ về xác suất.
Lập luận của công tố viên đã thuyết phục được bồi thẩm đoàn. Kathleen Folbigg bị kết tội làm ngạt thở bốn đứa trẻ.
Nhưng theo các nhà khoa học ủng hộ Folbigg, chưa bao giờ có chứng cứ y khoa cho thấy có hành vi làm ngạt thở. Tại thời điểm tử vong, cơ thể bốn đứa trẻ vốn đã không được khỏe, trong đó Laura, đứa trẻ cuối cùng, đã bị ốm vì nhiễm trùng hô hấp. Giải phẫu tử thi còn cho thấy tim của Laura bị viêm.
Dựa vào những chi tiết trên, luật sư của Folbigg đề nghị các nhà khoa học vào cuộc để tìm kiếm đột biến sinh học có thể giải thích cho trường hợp của gia đình Folbigg. Tháng 10/2018, Carola Vinuesa, nhà miễn dịch học thuộc trường Đại học Quốc gia Australia, cùng một thành viên trong đội, tiến sĩ Todor Arsov, đồng ý giải trình tự bộ gen của Folbigg sau khi được bà đồng ý.
Cả hai nhà nghiên cứu sau đó đều thấy rằng Folbigg có đột biến hiếm gặp trong đoạn gen có tên CALM2, một trong ba gen CALM. Về cơ bản, khiếm khuyết tại gen CALM sẽ tạo ra rối loạn nhịp tim có thể gây ngưng tim và tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Theo giáo sư Vinuesa, chỉ khoảng 75 người trên thế giới được ghi nhận có đột biến gen CALM gây bệnh, bao gồm một số bố mẹ không có triệu chứng. Con cái của ít nhất 20 trên 75 người nói trên đã tử vong, trong khi nhiều trường hợp khác từng bị ngưng tim. Hiện tượng này đặc biệt hay xảy ra khi cơ thể trẻ có yếu tố thúc đẩy làm tăng lượng adrenaline như pseudoephedrine, loại thuốc Laura đang được cho dùng khi tử vong.
Qua phân tích mẫu máu và mô của bốn đứa trẻ nhà Folbigg, một nhóm các nhà di truyền học, bao gồm giáo sư Vinuesa và tiến sĩ Arsov, phát hiện Sarah và Laura đều có đột biến gen như mẹ. Những thông tin mới mẻ này đã được chia sẻ trước tòa trong quá trình thẩm tra bản án của Folbigg vào cuối năm 2018 đầu năm 2019.
Cho rằng chứng cứ trên không được tòa nhìn nhận nghiêm túc, giáo sư Vinuesa tiếp tục viết thư cho giáo sư Peter Schwartz, bác sĩ chuyên khoa tim và nhà di truyền học về tim hàng đầu thế giới tại Milan (Italy).
Trong thư hồi âm, giáo sư Schwartz nói có biết tới một gia đình ở Mỹ có hai con nhỏ cũng có đột biến gen tương tự. Hai đứa trẻ lần lượt chết do đau tim và ngưng tim. Phát hiện này cũng được giáo sư Schwartz gửi cho hội đồng thẩm tra bản án.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2019, thẩm phán cho biết đã xem xét chứng cứ khoa học mới nhưng thấy cuốn nhật ký của Folbigg vẫn khá thuyết phục. Vị thẩm phán nói không còn nghi ngờ hợp lý về tội lỗi của Folbigg. Bản án của "nữ sát thủ hàng loạt tồi tệ nhất Australia" được giữ nguyên.
Craig Folbigg, chồng của Kathleen Folbigg, phát biểu ngoài tòa tối cao ngày 21/5/2001. Ảnh: CNN.
Dù vậy, mạng lưới các nhà khoa học tin vào sự vô tội của Folbigg đã ngày càng mở rộng. Nghiên cứu thêm về bộ gen của Caleb và Patrick, hai đứa con đầu của Folbigg, cho thấy mỗi cậu bé đều có biến thể gen hiếm gặp. Hai biến thể này đã được chứng minh có liên hệ với những cơn co giật động kinh gây tử vong trong giai đoạn sơ sinh ở chuột thí nghiệm.
Tổng cộng, 90 nhà khoa học cùng đồng ý rằng có chứng cứ y khoa chứng minh Folbigg vô tội. "Chúng tôi sẽ thấy vui mừng tột độ thay cho Kathleen nếu bà ấy được ân xá. Điều này sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng khoa học cần được nhìn nhận nghiêm túc trong hệ thống pháp lý", giáo sư Vinuesa nói.
Sau khi nhận lá thư có chữ ký của 90 nhà khoa học, người phát ngôn cho thống đốc bang New South Wales cho biết tổng chưởng lý bang này đang xem xét để đưa ra lời cố vấn. Theo Bộ Cộng đồng và tư pháp của New South Wales, rất ít người trong bang này nhận được ân xá.
Và kể cả khi Folbigg được trả tự do, cuộc chiến pháp lý của bà có thể chưa chấm dứt. Folbigg cần tiếp tục ra tòa để yêu cầu lật ngược bản án nếu nếu muốn khôi phục thanh danh và nhận bồi thường cho những năm ngồi tù.
Xem thêm
Article sourced from vnexpress.net.