Huy Khánh, Jun Phạm lên tiếng về hình tượng đàn ông trên phim Việt

21:00' 12-04-2021
Trước những tranh cãi xung quanh hình tượng đàn ông Việt trên phim, Huy Khánh, Liên Bỉnh Phát và Jun Phạm đều đưa quan điểm riêng.


    Hình tượng đàn ông trên màn ảnh Việt là chủ đề chưa bao giờ cũ, và cứ cách một thời gian lại được đưa ra bàn luận, nhất là vào thời điểm có nhân vật nam trên phim nước ngoài gây chú ý.

    Trong bài viết "Đàn ông nam tính trên phim Việt: Thiếu hay yếu?" của Zing, một vấn đề được đề cập đến khá rõ là kịch bản phim lấy nhân vật nam làm trọng tâm đang ở vào thế yếu. Trên thực tế, thị trường vẫn cân bằng số lượng phim về nam và nữ, nhưng số lượng phim chủ đề về nữ giới đạt được thành công và tạo tiếng vang đang nhiều hơn.

    Kịch bản không thiếu, nhưng diễn viên chưa đủ "tầm"

    Đưa ra quan điểm về vấn đề kịch bản cho nam giới thiếu hay không, diễn viên Huy Khánh cho rằng thị trường phim Việt không hẳn thiếu các kịch bản có vai nam đặc sắc, nam tính. Thay vào đó, theo anh, kịch bản hiện nay đa dạng, xuất hiện nhiều kiểu vai mới lạ.

    dien vien nam tren man anh viet anh 1

    Huy Khánh cho rằng diễn viên trẻ ngày nay thiếu trải nghiệm để hóa thân vào nhân vật nhuần nhuyễn.

    "Tôi cho rằng kịch bản hiện nay phong phú, phim rất nhiều. Việc các bạn diễn viên trẻ bị chê chưa đủ 'tầm' để đóng các vai nam ấn tượng, để lại dấu ấn trong lòng khán giả có lẽ xuất phát từ việc các bạn còn trẻ quá, chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như sự trải đời để hóa thân vào các nhân vật một cách thuyết phục", Huy Khánh trả lời Zing.

    Anh nói thêm: "Diễn viên ở độ tuổi chúng tôi có trải nghiệm, có cơ hội để rèn luyện nhiều trước khi đảm nhận những vai diễn có chiều sâu, có số phận, khiến vai diễn trên màn ảnh 'chín' hơn. Tôi nghĩ khán giả có thể cho các bạn diễn viên trẻ thời gian, bởi thực ra tôi thấy các bạn trẻ ngày nay diễn khá tốt đấy chứ?".

    Với câu hỏi về việc có ý kiến nhận định các nhân vật nam chính trên màn ảnh ngày càng yếu mềm, tính cách mờ nhạt, thậm chí nghiêng về xu thế "tồi tệ, bạc nhược, rượu chè...", Huy Khánh cho rằng đây là xu thế thời đại. Theo nam diễn viên, ngành công nghiệp phim ảnh của Hàn Quốc, Trung Quốc đã xuất hiện kiểu nhân vật nam bóng bẩy, thời thượng nhiều năm nay, họ đều xuất hiện với vẻ ngoài chải chuốt, đẹp đẽ và Việt Nam chỉ đang bắt kịp xu hướng của các nước.

    "Tôi cho rằng các nhà làm phim, các biên kịch viết ra kiểu nhân vật phù hợp với xu hướng ngoại hình hiện nay, nên tạo cảm giác nam chính yếu đuối, mềm mỏng hơn thôi. Hơn nữa, phim ảnh cũng có từng giai đoạn. Có thời gian khán giả chuộng phim có nhân vật gai góc và thể hiện rõ sự nam tính, xù xì, nhưng sau đó có thời gian khán giả lại thích xem phim tình cảm lãng mạn nên mới có đất diễn cho những diễn viên chuyên vai đào hoa như tôi.

    Gần đây, khán giả thích xem phim kinh dị, hoặc phim gia đình, thì tự khắc sẽ có nhân vật nam phù hợp xuất hiện. Mà với phim gia đình, những vai người cha, người ông thường khai thác sâu, có câu chuyện hơn. Lúc ấy, các diễn viên lớp trẻ lại ít đất diễn hơn bậc cha chú", diễn viên Huy Khánh nói.

    Đương nhiên, việc dòng phim gia đình phát triển sẽ kéo theo việc các diễn viên có kinh nghiệm và ở độ tuổi trung niên (hoặc có thể diễn tốt vai tuổi trung niên) "làm mưa làm gió" màn ảnh, cơ hội để nam diễn viên trẻ thử sức với các vai có sức nặng trở nên "đã ít, lại càng hiếm".

    "Nhưng rõ ràng đây là chuyện cờ đến tay ai người nấy phất, cơ hội mỗi thời điểm chỉ dành cho một số người nhất định. Như thời điểm phim hài thịnh hành chẳng hạn, lúc ấy diễn viên hài được chuộng nhất, thì những người như tôi lui về đóng tuyến vai phụ nhỏ hơn", nam diễn viên Cô dâu đại chiến chia sẻ quan điểm.

    "Khi tìm diễn viên cho nhân vật nam, đạo diễn nghĩ mãi chẳng ra ai"

    Liên Bỉnh Phát đồng ý với quan điểm thị trường phim Việt đang thiếu kịch bản có các nhân vật nam trẻ trung, cá tính với hình ảnh mạnh mẽ, ấn tượng. "Tôi không biết do thời điểm hay các biên kịch có cảm hứng với phái nữ hay có nguyên nhân nào khác, nhưng có vẻ thị trường đang có nhiều phim về nhân vật nữ hơn", nam diễn viên Song Lang nói.

    "Gần đây, tôi có trò chuyện cùng một số anh chị biên kịch và nhà làm phim, họ nhận xét rằng diễn viên nam trẻ trung không thiếu, nhưng khi cần tìm hoặc khi suy nghĩ để chọn diễn viên cho một nhân vật, thì họ nghĩ mãi chẳng ra ai", Liên Bỉnh Phát chia sẻ thêm.

    Theo anh, diễn viên trẻ hiện nay không hẳn không có thực lực diễn xuất, nhưng vì một nguyên nhân nào đó mà lớp diễn viên trẻ khó tạo được dấu ấn rõ rệt, để biên kịch hoặc đạo diễn phải "nhớ mặt đặt tên" khi muốn tìm người phù hợp để quay phim.

    Trong cuộc trò chuyện với Zing, chính Liên Bỉnh Phát cũng thừa nhận anh nằm trong trường hợp hình ảnh không quá đa dạng, khó nhận được nhiều kiểu vai.

    Anh nói: "Tôi không thể đánh giá cụ thể về thị trường hoặc các bạn diễn viên khác, nhưng về quan điểm cá nhân, tôi nghĩ không phải cứ diễn tốt đã là có dấu ấn. Đôi khi, như tôi chẳng hạn, không hợp thì đạo diễn không tìm tới".

    dien vien nam tren man anh viet anh 2
    Liên Bỉnh Phát tiết lộ các đạo diện, nhà sản xuất hiện gặp khó khăn trong việc tìm diễn viên nam. Ảnh: Duy Hiệu.

    Jun Phạm cũng nằm trong lớp diễn viên độ tuổi 30 có thể đảm đương tuyến vai nhân vật chính trên màn ảnh. Nhưng trong cuộc trò chuyện với Zing, Jun Phạm cho rằng bản thân không có nhiều ưu thế, bởi dù sao anh cũng chỉ là ca sĩ đá chéo sân.

    Jun Phạm chia sẻ quan điểm: "Dựa trên mặt bằng chung thị trường hiện nay, đúng là phim có kịch bản hay về tuyến nhân vật nữ đang chiếm ưu thế, đề tài nữ quyền đang được ưu ái hơn. Và vì kịch bản có xu hướng viết nghiêng về nữ nhiều hơn, nên khó có "đất" cho nhân vật nam thể hiện cá tính hay tạo dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Không có đầu ra, diễn viên nam vẫn phải chấp nhận diễn những nhân vật nam mà nhiều khán giả thường nói rằng 'vai nào cũng như vai nào'".

    Theo Jun Phạm, sở dĩ kịch bản tôn vinh nữ giới đang "thịnh" trong thị trường phim bởi biên kịch đang chiều theo gu thưởng thức của khán giả hiện nay. "Biên kịch, nhà sản xuất xem xét khán giả thích gì, sau đó mới viết kịch bản và kiếm diễn viên", cựu thành viên 365 nói.

    Tuy nhiên, Jun Phạm cũng khẳng định không thể "đổ thừa" tất cả vấn đề xoay quanh việc thiếu vắng hình tượng đàn ông nam tính, cuốn hút cho lớp diễn viên nam trẻ.

    "Đôi khi khán giả cứ mặc định hình tượng, khiến diễn viên nam khó nhận vai. Chẳng hạn, nhiều người mặc định con trai nam tính là phải cơ bắp, hơi khó gần, không có ngoại hình chải chuốt chỉn chu. Hoặc cho rằng vai giang hồ thì phải dữ dằn, bặm trợn... Xem phim nước ngoài, nhiều khi vai ác nhất lại do những diễn viên có gương mặt vô cùng hiền lành thể hiện đấy. Nói chung, tôi nghĩ lớp diễn viên nam hiện nay không được cho nhiều cơ hội để thử sức và nỗ lực biến hóa trong diễn xuất", Jun Phạm trả lời Zing.

    dien vien nam tren man anh viet anh 3

    Jun Phạm cho rằng khán giả đang đặt quá nhiều mặc định, quy chuẩn cứng nhắc lên các nhân vật nam trong phim ảnh.

     



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/huy-khanh-jun-pham-noi-gi-khi-dan-ong-viet-bi-che-yeu-ot-tren-phim-post1202586.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ