Hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga về tên lửa S-400 “đã khiến Mỹ nổi đóa”
Hệ thống tên lửa S-400 của Nga được triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim ở Syria.
Một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13-9 đã đã bình luận về phản ứng của Mỹ đối với thương vụ này. Ông Erdogan nói rằng hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga về việc cung cấp hệ thống tên lửa S-400 “đã khiến Mỹ nổi đóa”.
“Chúng tôi có nhất thiết phải đợi Mỹ hay không? Chúng tôi sẽ thực hiện và sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh của quốc gia chúng tôi. Chúng tôi là chủ quyết định trong căn nhà của mình” – Sputnik dẫn lời Tổng thống Erdogan.
Nga hôm 12-9 cho biết Moscow và Ankara đã đạt được một thỏa thuận về việc bán hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ và hai bên cũng đã ký hợp đồng. Cùng ngày, ông Erdogan cho hay Ankara đã hoàn thành khoản thanh toán đầu tiên trong hợp đồng này.
Phản ứng lại, người phát ngôn Lầu Năm Góc trong một tuyên bố ngày 12-9 nói: “Chúng tôi đã bày tỏ những quan ngại của chúng tôi với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới thương vụ S-400. Một hệ thống phòng thủ tên lửa linh hoạt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các mối đe dọa trong khu vực”.
S-400 là hệ thống phòng không thế hệ mới của Nga. Hệ thống này mang ba loại tên lửa khác nhau có khả năng phá hủy các mục tiêu trên không ở tầm bắn từ ngắn đến khá dài. S-400 được thiết kế để theo dõi và tiêu diệt nhiều loại mục tiêu trên không từ máy bay trinh sát tới tên lửa đạn đạo.
Hợp đồng S-400 trên được dự đoán trị giá khoảng 2,5 tỉ USD. Thổ Nhĩ Kỳ hiện có quân đội lớn thứ hai trong NATO. Tuy nhiên, liên minh quân sự này tỏ ra hoài nghi về động thái Ankara mua S-400 vì cho rằng S-400 không tương thích với các thiết bị quân sự hiện có của NATO.
Tầm hoạt động của hệ thống S-400 của Nga tại Syria. Ảnh: CSIS
Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập các quan hệ chặt chẽ hơn với Nga sau khi quan hệ giữa nước này với Mỹ và châu Âu xấu đi. Chính phủ ông Erdogan luôn bác bỏ sự ủng hộ của quân đội Mỹ cho nhóm phiến quân người Kurd ở Syria YPG, lực lượng có liên hệ với lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm rằng sau khi Mỹ và Israel từ chối cung cấp các máy bay chiến đấu không người lái cho Thổ Nhĩ Kỹ, Ankara đã tự phát triển và bắt đầu sản xuất loại vũ khí này, nhưng điều đó lại khiến Washington và Jerusalem quan ngại.
Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêu diệt 90 tên khủng bố YPG trong tuần qua bằng các máy bay không người lái tự phát triển của mình. Ankara tìm cách tự phát triển loại vũ khí này vì các thiết bị tương tự của phương Tây có giá khá đắt.
Nga cho biết hệ thống S-400 có tầm bắn 400 km và có thể bắn hạ 80 mục tiêu cùng lúc. Nga đã triển khai S-400 tới một căn cứ không quân của nước này gần Latakia ở Syria vào tháng 12-2015 sau khi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Động thái đã khiến quan hệ Nga-Thổ xấu đi trầm trọng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông Erdogan sau đó đã chủ động đối thoại làm hòa với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đưa quan hệ hai nước thoát khỏi khủng hoảng.
Hợp đồng S-400 giữa Nga-Thổ rõ ràng cũng là một cú đáp trả NATO sau khi Mỹ và Đức rút các bệ phóng phòng không Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Sputnik bình luận. Hồi năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ từng kêu gọi các đồng minh trong NATO duy trì các bệ phóng này ở biên giới Thổ-Syria. Hiện không thành viên nào của NATO vận hành S-400.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1894369