Hollywood bị thất sủng tại Trung Quốc
Đại dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng đến ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood. Hàng loạt phòng vé Bắc Mỹ đang chịu cảnh đóng cửa, chưa biết ngày hoạt động trở lại.
Trong khi đó, Fast & Furious 9 thu về khoảng 187 triệu USD tại Trung Quốc là tín hiệu đáng mừng, tạo động lực cho Hollywood đang thoi thóp chờ ngày trở lại.
Tuy nhiên, theo SCMP, con số có vẻ rực rỡ này lại kém xa những phần phim trước đó. Furious 7 (2015) và The Fate of the Furious (2017) lần lượt đạt doanh thu 390,9 triệu USD và 392,8 triệu USD tại Trung Quốc.
Trong năm 2020, phim nội địa chiếm 84% tổng doanh thu phòng vé 3,1 tỷ USD, theo số liệu của Cục Điện ảnh Trung Quốc. 10 bộ phim đại thắng đều là phim trong nước. Hiện, doanh thu mới của F9 tại Trung Quốc là minh chứng của việc phim Hollywood ngày càng thất sủng với khán giả đại lục.
Khi Hollywood bị thất sủng
Khoảng một thập kỷ trước, Hollywood giữ ngôi vương về số lượng phim lẫn doanh thu phòng vé khắp thế giới, trong đó có Trung Quốc. Trong năm 2011 và 2012, lần lượt sáu và bảy phim Hollywood vào danh sách 10 bộ phim có doanh thu cao nhất năm ở đại lục.
Bộ phim Hollywood cuối cùng có doanh thu cao nhất năm của Trung Quốc là Transformers: Age of Extinction (2014). Phần thứ tư của loạt phim hành động, khoa học viễn tưởng thu về gần 300 triệu USD, chiếm 1/3 doanh thu phòng vé toàn cầu.
Theo SCMP, không thể phủ nhận sức hút của các bộ phim Hollywood đối với khán giả Trung Quốc ngày càng giảm. Trong khi đó, công nghiệp điện ảnh nội địa phát triển đến mức khó tin.
Phim Trung Quốc những năm qua liên tục phá kỷ lục phòng vé. Bom tấn có doanh thu cao gồm Chiến Lang 2 (2017) với 884 triệu USD, phim khoa học viễn tưởng Lưu lạc địa cầu (2019) kiếm được 685 triệu USD tại phòng vé trong nước. Chỉ tính riêng bộ phim hoạt hình Na Tra: Ma đồng giáng thế cũng thu về đến 724 triệu USD khi ra mắt vào cuối năm 2019.
Phim có kỹ xảo hoành tránh như Transformers: The Last Knight (2017) cũng khó lòng giữ chân người Trung Quốc. Ảnh: Paramount. |
Khoảng cách doanh thu giữa các bộ phim Trung Quốc và tác phẩm do Hollywood sản xuất ngày càng nới rộng. Năm 2015, bom tấn Fast & Furious 7 thu về 390,9 triệu USD, bằng với doanh thu của Truy lùng quái yêu - phim nội địa có doanh thu cao nhất năm của Trung Quốc.
Cho đến nay vào năm 2021, phim nội địa có doanh thu cao nhất là Xin chào, Lý Hoán Anh với 808 triệu USD, theo Maoyan đã cao gấp 4 lần số tiền Fast & Furious 9 kiếm được ở đại lục.
Tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải, Lý Tuấn - đạo diễn phim Trường An đạo - cho biết khán giả Trung Quốc cảm thấy nhàm chán với sự lặp lại của các phim Hollywood, nhất là các series dài hơi không hồi kết. “Dân Trung Quốc ngán ngẩm khi thấy Fast & Furious ra phần 9”, ông nói với SCMP.
“Khi phim của Vin Diesel ra mắt lần đầu năm 2001, mọi người thấy hứng thú vì họ chưa thấy những cảnh đua xe hoành tráng, mãn nhãn. Trước đây, khán giả yêu thích Hollywood vì thể loại phim đa dạng, cốt truyện hay. Khi điều đó vẫn cứ tiếp diễn, khán giả quay lưng là điều hiển nhiên”, đạo diễn Lý Tuấn phân tích.
Các loạt phim dài tập khác của Hollywood cũng dần thất sủng, mất vị thế đứng đầu ở phòng vé Trung Quốc. Trong khi phần thứ tư của Transformers thu về 300 triệu USD và là nhà vô địch phòng vé năm 2014, đến Transformers: The Last Knight, phim chỉ đứng ở vị trí thứ sáu và thu về ít hơn phần phim trước đó đến 80 triệu USD.
Quyền lực của khán giả Trung Quốc
Bắt đầu từ năm 1994, Trung Quốc cho phép mỗi năm chiếu 10 phim nước ngoài.
Theo SCMP, The Fugitive là tác phẩm nhập khẩu đầu tiên của Hollywood đến Trung Quốc. Phim được phát sóng thử nghiệm ở sáu thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh và Thiên Tân vào năm 2014. Dù chỉ chiếu trong 7 ngày, phim do Harrison Ford đóng chính dễ dàng thu về 4 triệu USD - cao nhất phòng vé của năm.
Năm 1995, True Lies với sự tham gia của Arnold Schwarzenegger chiếu rộng rãi khắp Trung Quốc. Bộ phim thu được 16 triệu USD, lập kỷ lục ở Trung Quốc, đưa tên tuổi của sao phim Kẻ hủy diệt đến gần hơn với khán giả.
SCMP cho biết chủ nghĩa anh hùng, cái tôi cá nhân, cảnh gợi cảm và những trận đánh nhau đẫm máu được miêu tả trong The Fugitive và True Lies khác xa với những bộ phim kinh điển nội địa. Khán giả tìm thấy tính giải trí nhiều hơn là những tác phẩm thuần mục đích giáo dục.
Phim có mặt Brad Pitt không chiếu ở Trung Quốc vì khán giả không hài lòng với tạo hình, tính cách của nhân vật Lý Tiểu Long. Ảnh: Sony. |
Năm 1998, tác phẩm kinh điển Titanic thu được 54,5 triệu USD tại phòng vé Trung Quốc. Con đường của Hollywood rộng mở tại thị trường đại lục. Đây cũng là lúc các nhà làm phim đổ xô làm phim, mong muốn được tiếp cận thị trường Trung Quốc - nơi tiềm năng không thua kém Bắc Mỹ.
Năm 2001, với việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, hạn ngạch nhập khẩu phim ở nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng từ 10 lên 20, phần lớn là tác phẩm của Hollywood.
Năm 2010, Avatar trở thành bộ phim đầu tiên cán mốc 1 tỷ NDT ở Trung Quốc, thu về 1,35 tỷ NDT (khoảng 210 triệu USD). Trước đó, khi Harry Potter và James Bond xuất hiện, hai loạt phim bom tấn dần có vị trí không thể thay thế trong lòng người dân Trung Quốc, giữ ngôi vương ở phòng vé đại lục trong hơn một thập kỷ.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, thay vì là nhà vô địch phòng vé, các tác phẩm của Hollywood vấp phải những phản ứng tiêu cực từ dư luận. Đây là nguyên nhân lớn khiến họ bị thất sủng. Năm 2020, bộ phim live-action Mulan của Disney bị dân Trung Quốc chỉ trích thể hiện văn hóa phương Đông một cách lộn xộn, thiếu tìm hiểu.
Năm 2019, chính quyền Trung Quốc rút lại việc phát hành Once Upon a Time in Hollywood của Quentin Tarantino. Theo báo cáo, gia đình và bạn bè của Lý Tiểu Long chỉ trích đạo diễn miêu tả không trung thực, thể hiện sai hình ảnh của ngôi sao võ thuật - thần tượng của nhiều thế hệ người Trung Quốc.
Cuối năm 2020, Monster Hunter bị cấm chiếu tại các rạp chiếu Trung Quốc vì trò đùa phân biệt chủng tộc, dù bộ phim đang có dấu hiệu khả quan, thu về 5,19 triệu USD, đứng thứ ba bảng xếp hạng phòng vé ở ngày đầu khởi chiếu.
Trong một cảnh đầu phim, nhân vật do rapper người Mỹ gốc Á MC Jin thể hiện trò đùa phân biệt người gốc Á. Điều đó khiến chính quyền và người dân Trung Quốc phẫn nộ, yêu cầu cấm chiếu bộ phim.
Đến ngày 5/12, các chủ rạp nhận được thông báo khẩn từ cơ quan chức năng. Họ yêu cầu hủy toàn bộ suất chiếu sắp tới, hoàn tiền cho khán giả đặt vé sớm theo dõi bộ phim.
Theo Hollywood Reporter, Cục Quản lý Điện ảnh Trung Quốc ngày càng thắt chặt quy trình kiểm duyệt. Họ cho rà soát, xem lại các bộ phim ngoại đã phê duyệt trước đó để không có bất cứ sai lầm nào xảy ra như trường hợp của Monster Hunter.
Sự trỗi dậy của phim nội địa
Ngoài ra, theo đạo diễn Lý Tuấn, lý do khiến Trung Quốc dần quay lưng với Hollywood đến từ việc ngành công nghiệp điện ảnh nội địa phát triển mạnh.
“Nhiều công ty quốc tế, bao gồm Hàn Quốc và Hollywood tham gia vào quá trình sản xuất phim Trung Quốc. Ngày nay, hiệu ứng phim nội địa không kém gì kỹ xảo Hollywood. Khi chất lượng nâng cao, khán giả tất nhiên chọn ủng hộ phim trong nước”, đạo diễn Lý Tuấn Khẳng định.
Đạo diễn Trung Quốc lấy ví dụ phim Chiều sâu vô hạn do anh chỉ đạo, chuẩn bị ra mắt vào mùa hè năm nay. Lý Tuấn khẳng định phim có tổng cộng 1.600 cảnh quay có hiệu ứng đặc biệt.
“Tuy không thể tiết lộ số tiền chính xác bỏ ra, tôi khẳng định đây là bộ phim đắt nhất mình từng làm. Có một cảnh rượt đuổi bằng ôtô khi nhân vật vượt qua thảm họa thiên nhiên, chúng tôi quay hỏng và làm hư hại 10 chiếc ôtô liên tiếp”, Lý Tuấn nói về độ chỉn chu của phim.
Phim nội địa Trung Quốc ngày càng đầu tư về bối cảnh, kỹ xảo. Ảnh: Simon Song. |
Theo SCMP, Chiều sâu vô hạn quay tại tỉnh Quý Châu, nơi có nhiều hang động sâu. “Chúng tôi từng quay tại một trong những hang động dài nhất châu Á với 280 km. Nó kéo dài từ Quý Châu đến Trùng Khánh. Đoàn phim phải đưa lực lượng xuống vài chục mét dưới lòng đất để quay phim. Chúng tôi phải thuê nhiều chuyên gia, nhà tâm lý học để tư vấn vì không thể lường trước được tình huống nguy hiểm như nhiệt độ giảm mạnh, hiểm họa dưới lòng đất”, ông nói thêm.
Chuyên gia phân tích doanh thu phòng vé Jeff Bock cho rằng tình trạng doanh thu thấp của phim Hollywood tại Trung Quốc vẫn còn tiếp tục. Phim nội địa hiện có nhiều tác phẩm được đầu tư về mặt nội dung lẫn kỹ xảo. Một số bộ phim đánh vào thị hiếu công chúng và dễ dàng ghi điểm. Họ đang có nhiều sự đổi mới.
“Đây là tình huống khó khăn cho Hollywood. Việc gia nhập thị trường Trung Quốc vốn đã khó, cơ hội kiếm tiền thị trường này ngày càng không đơn giản”, Jeff Bock nói với SCMP.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/vi-sao-khan-gia-trung-quoc-khong-con-thich-phim-my-post1228178.html