Các học sinh trên phà Sewol tự bảo nhau mặc áo phao rồi thả trôi cơ thể qua một cánh cửa, khi mực nước biển tràn vào bên trong ngày một dâng cao khiến con phà nghiêng hẳn sang một bên.
Các hành khách mặc áo phao chờ đợi khi phà Sewol đang nghiêng dần. Ảnh: Global News/Fact TV |
Sáu học sinh trường Danwon, những người đầu tiên trong số 75 thiếu niên sống sót trong thảm kịch phà Sewol, hôm qua ra làm chứng tại tòa án Gwangju, phía nam Seoul. 15 người liên quan trong vụ chìm phà, gồm thuyền trưởng và thủy thủ đoàn, bị đưa ra xét xử.
"Chúng tôi cứ chờ đợi, đến khi nước bắt đầu dâng lên, lớp trưởng thúc giục mọi người mặc áo phao. Cánh cửa trên đầu chúng tôi đang mở, vì vậy bạn ấy hướng dẫn chúng tôi thả nổi cơ thể trên mặt nước để chui ra khỏi cửa. Đó là cách chúng tôi thoát ra”, Reuters dẫn lời một học sinh kể lại trong phiên tòa. "Những bạn đã thoát ra trước kéo chúng tôi ra”.
Các học sinh cũng cho biết dường như các ngư dân tham gia vào việc giải cứu nhiều hơn lực lượng tuần duyên. Lực lượng tuần duyên đợi bên ngoài phà cho hành khách bơi ra chứ không vào trong để giải cứu.
"Họ (tuần duyên) ở bên ngoài. Họ kéo chúng tôi (lên thuyền cứu hộ) nhưng họ không vào bên trong phà để giải cứu", một học sinh cho hay.
6 học sinh sống sót nhấn mạnh các thuyền viên trên Sewol đã đề nghị hành khách, đặc biệt là các học sinh trường Danwon, giữ nguyên vị trí khi tàu đang chìm. Thông báo yêu cầu hành khách mặc áo phao được phát đi rất lâu sau đó nhưng không hề đề cập đến tình hình con tàu, ngay cả khi nó đang nghiêng mạnh sang một bên.
Một học sinh nói rõ mong muốn trước tòa rằng thuyền trưởng và thủy thủ đoàn phải bị trừng phạt nghiêm khắc vì hành động của họ. "Hơn thế nữa, tôi muốn biết lý do cuối cùng tại sao bạn bè của tôi lại phải thiệt mạng như vậy", cô bé nói.
Hôm 16/4, phà Sewol bị chìm khi đang trên đường ra đảo Jeju, khiến 304 người thiệt mạng, trong đó có 250 học sinh và 12 giáo viên trường trung học Danwon, Seoul, đang đi dã ngoại. Thuyền trưởng phà và các thuyền viên bị cáo buộc nhiều tội danh khác nhau, từ xao lãng trách nhiệm cho đến giết người.
Khi bị xét xử, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn khai rằng họ nghĩ lực lượng tuần duyên mới là bên chịu trách nhiệm sơ tán hành khách. Đoạn phim ghi lại cảnh các thuyền viên thoát thân, bỏ mặc hành khách mắc kẹt trên phà, đã gây phẫn nộ cho dư luận khắp Hàn Quốc.
Chính phủ của Tổng thống Park Geun-hye cũng gặp nhiều chỉ trích về việc xử lý chậm và cứu hộ thiếu hiệu quả. Bà Park đã tuyên bố giải tán lực lượng tuần duyên và sắp xếp lại các hoạt động cứu hộ.
Thảm họa chìm phà Sewol cũng dẫn đến cuộc truy lùng lớn nhất ở Hàn Quốc đối với chủ phà Sewol Yoo Byung-un. Thi thể của ông Yoo được một nông dân tìm thấy ở vườn cây trong tình trạng đã phân hủy vào tuần trước.
Hội chợ Tết St Albans 2024