Học người Nhật "cải tổ" lại tổ ấm vừa tiện lợi vừa hiện đại
Một căn nhà rộng rãi cùng trang thiết bị hiện đại luôn là mơ ước của nhiều gia đình.
Tuy nhiên, nếu không biết cách thiết kế và chọn đồ đạc phù hợp, căn nhà dù có rộng đến đâu cũng có thể trở nên bề bộn và chật chội. Trái lại, một căn nhà dù nhỏ nhưng được bố trí khéo léo vẫn sẽ tạo ra không gian sống thoải mái cho cả gia đình.
Tại Nhật Bản, phần lớn các căn nhà đều có diện tích hết sức khiêm tốn nên bắt buộc người ở phải tìm mọi cách để tối ưu hóa không gian, chọn lựa đồ đạc theo tiêu chí đa năng, tiện lợi và đôi khi còn giúp bà nội trợ giảm tải việc nhà. Vì vậy, trong trường hợp bạn đang muốn "cải tổ" lại tổ ấm của mình, hãy thử tham khảo các bí quyết dưới đây của người Nhật Bản nhé!
Đặt các hộp đựng đồ có thể gấp gọn vào trong tủ quần áo
Tủ quần áo là vật dụng không thể thiếu trong bất cứ căn nhà nào, tuy nhiên, hầu hết chúng ta luôn cảm thấy không gian trong tủ không đủ rộng. Để tối đa hóa sức chứa, bạn có thể học theo người Nhật - đặt thêm các hộp đựng có thể gấp gọn vào trong tủ quần áo. Như vậy, bạn sẽ có thêm không gian để chứa nhiều quần áo hơn mà tủ vẫn gọn gàng, ngăn nắp.
Thiết kế sảnh vào nhà thấp hơn sàn nhà
Đây là một hình ảnh rất dễ bắt gặp khi bạn ghé thăm bất cứ căn nhà nào ở Nhật Bản. Phần sảnh vào nhà được thiết kế thấp hơn sàn nhằm đảm bảo bụi bẩn không thể lọt vào trong phòng. Bên cạnh đó, thiết kế này còn đem lại hiệu quả phân tầng về mặt thị giác, khiến bạn cảm thấy sàn nhà lúc nào cũng sạch bong.
Chọn bồn rửa mặt 2 hộc
Thoạt nhìn, thiết kế này nghe có vẻ ngược đời và lấn chiếm không gian đáng kể so với bồn rửa mặt 1 hộc. Thế nhưng, thực tế là bồn rửa mặt 2 hộc không gây tốn diện tích nhiều như bạn vẫn nghĩ. Với những gia đình đông người, thiết kế này còn đem lại lợi ích khá thiết thực: các thành viên trong gia đình sẽ không còn phải xếp hàng chỉ để chờ… đánh răng, rửa mặt. Ngoài ra, các bà nội trợ cũng có thể tận dụng bồn rửa mặt để rửa bát.
Chọn bồn rửa bát viền lồi
Khác với bồn rửa viền phẳng quen thuộc ở Việt Nam, nhiều bồn rửa ở Nhật được thiết kế với một phần viền lồi ra (như hình). Thiết kế này không nhằm mục đích tạo điểm nhấn khác biệt mà dùng để chứa các vật dụng vệ sinh bát đũa như nước rửa bát, giẻ rửa bát. Nước đọng trên các vật dụng này sẽ không vương vãi trên bệ mà chảy thẳng xuống hộc, vừa vệ sinh vừa giảm tải bớt công việc dọn dẹp cho bà nội trợ.
Để trống một khoảng 30cm cạnh bếp nấu
Trong một căn nhà kiểu Nhật, phòng bếp dù khá nhỏ nhưng luôn được thiết kế khéo léo để có thể tối ưu hóa không gian. Bên cạnh bếp nấu thường có một khoảng trống dài tầm 30cm để đặt bát đĩa. Thức ăn nấu xong có thể trút trực tiếp vào bát đĩa, giúp bà nội trợ không phải tốn công di chuyển từ bếp sang bàn ăn.
Giá thoát nước đặt trên bồn rửa
Để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho khu vực nhà bếp, người Nhật thường đặt một giá thoát nước lên trên bồn rửa. Bát đũa và các dụng cụ sơ chế, nấu nướng sau khi rửa xong sẽ được đặt lên giá, nước đọng lại sẽ chảy trực tiếp xuống bồn rửa thay vì lênh láng trên bệ.
Treo dụng cụ vệ sinh sau cánh cửa
Các dụng cụ vệ sinh như chổi, cây lau nhà, xẻng hót cán dài thường khá cồng kềnh, dễ chiếm diện tích và gây mất mỹ quan. Để tiết kiệm không gian cũng như đảm bảo tổng thể căn nhà luôn sạch đẹp, bạn có thể học hỏi người Nhật – tận dụng góc khuất sau cánh cửa phòng tắm để cất các dụng cụ vệ sinh. Bạn hãy dùng móc treo để cố định phần cán, hướng đầu lau/quét xuống sàn. Bằng cách này, căn nhà sẽ trở nên gọn gàng và luôn sạch đẹp như bạn mong muốn.
các tour châu Á, châu Âu với giá vô cùng rẻ
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/hoc-cach-bo-tri-nha-cua-nhu-nguoi-nhat-nha-vua-bot-chat-vua-tien-loi-khong-ngo-2020022214482058.chn