Hàn Quốc - Triều Tiên chạy đua phát triển tàu ngầm tên lửa đạn đạo
Trong cuộc họp tổng kết năm 2023 cùng các quan chức cấp cao quân đội, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cáo buộc Mỹ cùng đồng minh hành động ngày càng thù địch, bán đảo đang tiến gần hơn đến bờ vực xung đột vũ trang và Bình Nhưỡng đã lầm khi đánh giá Seoul có thiện chí hàn gắn.
Ông Kim kêu gọi quân đội "mài gươm báu thật sắc" để bảo vệ an ninh và hòa bình. Ông nhấn mạnh quân đội Triều Tiên cần sẵn sàng huy động mọi sức mạnh lớn nhất để "tung ra đòn đánh nghiền nát và hủy diệt hoàn toàn kẻ thù".
Một trong những vũ khí được Triều Tiên coi như "thanh gươm báu bất khả chiến bại" là tàu ngầm "Anh hùng Kim Kun-ok" số hiệu 841. Hải quân Triều Tiên hồi đầu tháng 9/2023 làm lễ hạ thủy tàu ngầm này với sự tham dự của ông Kim Jong-un. Đây là mẫu tàu ngầm sử dụng động cơ diesel - điện, có thể khai hỏa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân từ dưới nước.
"Tàu ngầm 841 có khả năng đánh bại bất kỳ kẻ thù đáng gờm nào", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhận xét.
Đây là mẫu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSB) thứ hai của hải quân Triều Tiên, sau chiếc 8.24 Yongung lớp Gorae, còn gọi là Sinpo, được Bình Nhưỡng hạ thủy năm 2014. Tuy nhiên, tàu 8.24 Yongung dường như chỉ được sử dụng làm phương tiện phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), không rõ có được đưa vào vận hành trong tương lai hay không.
Hiện chưa có nhiều thông tin chính thức về dự án phát triển tàu ngầm 841. Triều Tiên được cho là bắt đầu chế tạo tàu ngầm này từ năm 2016, thời điểm Bình Nhưỡng tuyên bố lần đầu thử nghiệm thành công SLBM.
Tàu ngầm 841 của Triều Tiên trong lễ hạ thủy ngày 6/9. Ảnh: Reuters
Năm 2019, truyền thông Triều Tiên công bố hình ảnh ông Kim Jong-un thị sát nhà máy đóng tàu Shinpo và kiểm tra "một chiếc tàu ngầm mới chế tạo". Tuy một phần hình ảnh bị làm mờ, giới phân tích chỉ ra rằng đây là phiên bản cải tiến sâu của tàu ngầm diesel - điện Đề án 633, được NATO gọi là lớp Romeo, do Liên Xô chế tạo hồi cuối thập niên 1950. Triều Tiên học hỏi thiết kế này từ những năm 1970 và gọi nó là lớp Shinpo-C.
Tình báo Mỹ, Hàn Quốc tháng 4/2021 nhận định việc chế tạo tàu 841 đã được hoàn tất, song Triều Tiên đến tháng 9/2023 mới hạ thủy con tàu. Hình ảnh công bố tại lễ hạ thủy cho thấy tàu 841 có nhiều thay đổi so với khi xuất hiện vào năm 2019.
"So với thiết kế năm 2019, con tàu đã được kéo dài thêm khoảng 10 mét, phần mũi được thu ngắn, bo tròn và nới rộng ra một chút. Cánh lái cũng được chuyển từ phần mũi lên tháp chỉ huy", Benjamin Brimelow, biên tập viên của Business Insider, nhận xét.
Theo hình ảnh mới nhất, con tàu có chiều dài khoảng 86 mét, rộng hơn 6 mét, lượng giãn nước 1.830 tấn. Khoang chứa tên lửa nằm sau tháp chỉ huy và nổi lên so với phần thân, tương tự thiết kế tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo Đề án 667 của Nga và Type-094 Trung Quốc.
Theo chuyên gia quân sự Tyler Rogoway của Drive, phương án này cho phép tàu ngầm mang được những loại tên lửa đạn đạo và hành trình có chiều dài lớn hơn đường kính khung thân. Tuy nhiên, khoang chứa sẽ có sức cản lớn, hạn chế khả năng cơ động và tăng độ ồn của tàu ngầm, khiến nó dễ bị đối phương phát hiện hơn.
Cụm ống phóng thẳng đứng gồm 4 ống lớn phía trước và 6 ống nhỏ hơn phía sau, cho thấy chúng sẽ mang những loại tên lửa khác nhau. Việc điều chỉnh phần mũi cũng có thể buộc Triều Tiên loại bỏ khả năng tấn công bằng ngư lôi, hoặc thu nhỏ khu vực sinh hoạt của thủy thủ đoàn để duy trì cụm ống phóng.
"Chỉ 4 ống phóng của tàu ngầm 841 có kích thước đủ lớn để khai hỏa tên lửa đạn đạo, nhiều khả năng là phiên bản dành cho hải quân của tên lửa tầm ngắn KN-23. Các ống nhỏ hơn còn lại có thể được dùng để chứa tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM) Hwasal-1, từng được Triều Tiên phóng thử hồi tháng 3", Brimelow nhận định.
KN-23 là tên lửa đạn đạo sử dụng động cơ nhiên liệu rắn một tầng đẩy, có tầm bắn khoảng 700 km, mang đầu đạn nặng 500 kg, còn Hwasal-1 là tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.500 km. Chuyên gia Rogoway nhận định tàu ngầm 841 còn có thể phóng cả SLCM Hwasal-2 với tầm bắn 2.000 km.
Trong lễ hạ thủy hồi tháng 9, truyền thông Triều Tiên gọi tàu 841 là "tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật". Điều này cho thấy chiếc tàu ngầm được thiết kế để tiến hành các vụ tập kích xung quanh bán đảo Triều Tiên, thay vì các mục tiêu "chiến lược" ở khoảng cách xa như lục địa Mỹ, theo Brimelow.
Trong phát biểu ngày 1/1, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik yêu cầu quân đội nước này cần sẵn sàng đáp trả để "nghiền nát ý chí và năng lực thực hiện hành động khiêu khích của đối phương bằng những đòn trừng phạt nhanh chóng và quyết liệt".
"Trước tình hình an ninh nguy cấp, quân đội cần củng cố vị thế sẵn sàng hành động để áp đảo đối phương. Hòa bình chỉ có thể được duy trì bởi sức mạnh vượt trội, không phải bằng những lời nói suông, văn kiện và mơ mộng hão huyền", ông Shin tuyên bố.
Giới quan sát nhận định nhưng tuyên bố cứng rắn này của hai bên có thể đốt nóng cuộc đua trong lòng biển, nơi tàu ngầm được coi là "át chủ bài" để Triều Tiên và Hàn Quốc đảm bảo tính bí mật cho các động thái quân sự của mình.
Đối trọng của Hàn Quốc trong cuộc chạy đua dưới lòng biển với Triều Tiên là tàu ngầm nội địa lớp Dosan Ahn Changho, tên chính thức là KSS-III. Có lượng giãn nước hơn 3.000 tấn, đây là lớp tàu ngầm lớn nhất trong biên chế hải quân Hàn Quốc.
Dosan Ahn Changho, tàu ngầm lớp KSS-III đầu tiên, được Hàn Quốc hạ thủy năm 2018. Con tàu có chiều dài 83 mét, rộng hơn 9 mét và thủy thủ đoàn 50 người, được trang bị các công nghệ hiện đại như hệ thống quang điện tử.
Tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho trong quá trình thử nghiệm. Ảnh: Hải quân Hàn Quốc
Đây là hệ thống quan sát giúp tàu ngầm nhận biết tình hình bên ngoài nhanh hơn những gì mắt thường có thể thấy, đồng thời không phải nổi lên gần mặt nước và đưa ống ngắm quang học ra ngoài như hệ thống kính tiềm vọng đời cũ, giúp tàu khó bị phát hiện hơn.
Tàu Dosan Ahn Changho còn được lắp gạch giảm âm, vật liệu được thiết kế để hấp thụ sóng âm chủ động và giảm tiếng ồn có thể bị nhận diện bởi hệ thống định vị thủy âm (sonar) thụ động. Công nghệ này hiếm khi được trang bị cho tàu ngầm phi hạt nhân. Ngoài ra, tàu còn được trang bị sonar lắp ở mũi, hai bên và kéo sau đuôi tàu.
Về hệ thống vũ khí, con tàu có 6 ống phóng ngư lôi ở phần mũi và 6 ống phóng thẳng đứng ở phía sau tháp chỉ huy, có thể phóng tên lửa đạn đạo Hyunmoo 4-4 tầm bắn 500 km hoặc tên lửa hành trình Hyunmoo-3 có tầm bắn tối đa 1.500 km.
Hàn Quốc đã biên chế hai tàu ngầm lớp KSS-III, gồm tàu ROKS Dosan Ahn Changho vào năm 2021 và tàu ROKS Ahn Mu hồi tháng 4. ROKS Shin Chae-ho, tàu lớp KSS-III tiếp theo, dự kiến được bàn giao cho hải quân nước này trong năm 2024.
Theo kế hoạch, Seoul sẽ chế tạo tổng cộng 9 tàu ngầm lớp KSS-III và chia thành ba đợt, mỗi đợt ba chiếc. Các tàu thuộc hai đợt cuối sẽ có kích thước lớn hơn, được gắn 10 ống phóng thẳng đứng thay vì 6 ống như ba chiếc đầu tiên. Những tàu này cũng sẽ được trang bị pin lithium có dung lượng lớn hơn, giúp tăng phạm vi và thời gian hoạt động.
Seoul cũng đang cân nhắc nâng cấp các tàu lớp KSS-III trong tương lai, như bổ sung thêm hệ thống phóng thẳng đứng và chế tạo phiên bản sử dụng động cơ hạt nhân.
Theo Brimelow, cuộc đua trong lĩnh vực tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo có vai trò quan trọng, có thể mang lại ưu thế cho Triều Tiên hoặc Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột tại bán đảo Triều Tiên.
"Cả hai nước đều muốn có vũ khí giúp họ sở hữu năng lực đánh trả, thậm chí là tấn công phủ đầu, và nó phải khó bị đối phương phá hủy bằng pháo binh, chiến đấu cơ và tên lửa", biên tập viên này viết.
Brimelow cho rằng Hàn Quốc có thể đang đi trước trong cuộc đua này do tàu ngầm 841 của Triều Tiên có thiết kế cũ, không sở hữu các công nghệ hiện đại như tàu của Hàn Quốc dù được trang bị nhiều ống phóng tên lửa hơn.
"Với thiết kế từ những năm 1950, tàu 841 sẽ gặp bất lợi khi phải đối đầu với các vũ khí chống ngầm hiện đại", cây viết này nhận xét, thêm rằng tàu ngầm lớp Romeo như 841 "khó có thể hoạt động hiệu quả" sau khi được chỉnh sửa nhiều như vậy.
Ông Kim Jong-un và các quan chức cấp cao Triều Tiên trong lễ hạ thủy tàu ngầm 841 hôm 6/9. Ảnh: Reuters
Bruce Bennet, chuyên gia về an ninh ở bán đảo Triều Tiên tại viện nghiên cứu RAND, trụ sở ở Mỹ, nhận định tàu 841 có thể sẽ gặp vấn đề về "sự ổn định" và các trục trặc khác, dựa trên hình ảnh của con tàu lúc hạ thủy. Ông cũng cho rằng con tàu "quá chậm, quá ồn và quá cũ" khi so sánh với tàu lớp KSS-III của Hàn Quốc về hiệu quả hoạt động.
Theo Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Mỹ, mẫu tàu ngầm mới nhất của Triều Tiên sẽ không đủ khả năng cơ động và bền bỉ để tiến hành các nhiệm vụ tác chiến xa bờ. "Tôi nghĩ rằng Bình Nhưỡng sẽ hiếm khi cho con tàu này ra khỏi cảng", ông nói.
Thay vào đó, tàu 841 sẽ hoạt động ở trong hoặc gần hải phận Triều Tiên, hoặc đóng vai trò như bệ phóng tên lửa di dộng (TEL) của nước này.
"Con tàu sẽ khó có thế sống sót trước vũ khí chống ngầm hiện đại của đối phương, song có thể giúp gia tăng sức mạnh tấn công tổng thể của lực lượng hạt nhân Triều Tiên", Panda nhận định.
Tại lễ hạ thủy tàu 841, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết các tàu ngầm tấn công lớp Romeo còn lại của Bình Nhưỡng sẽ được nâng cấp thành SSB. Ông cũng nhấn mạnh rằng hải quân nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực "vũ khí hóa hạt nhân", bao gồm việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Chuyên gia Bennet cho rằng Triều Tiên hiện chưa có tiềm lực để hiện thực hóa tham vọng này. "Bình Nhưỡng không có nhiều tiền để theo đuổi các dự án phát triển lớn", ông nói.
Dù vậy, việc Triều Tiên chế tạo thành công một phương tiện phóng vũ khí hạt nhân mới, cũng như việc nước này gần đây đạt tiến bộ trong nỗ lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, vẫn đặt ra thách thức không nhỏ với Hàn Quốc, theo chuyên gia Panda. "Điều đó sẽ buộc Hàn Quốc phải luôn dè chừng khả năng Triều Tiên trang bị thành công vũ khí hạt nhân lên tàu ngầm", ông nói.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/cuoc-dua-tau-ngam-co-the-dot-nong-long-bien-han-trieu-4686153.html