Hạ sốt sai cách, sai thuốc, sai liều sẽ khiến bệnh sốt xuất huyết nặng hơn
Nhiều năm căng mình chống dịch, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi Đồng 1) gặp không ít trường hợp bệnh nhi uống thuốc hạ sốt vô tội vạ, quá liều, khiến men gan tăng cao gấp chục lần bình thường. Cũng có cha mẹ cho trẻ uống sai thuốc, làm dạ dày xuất huyết ồ ạt, nôn ra máu tươi, nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.
Trong cao điểm dịch năm nay, để tránh “đổ dầu vô lửa” làm cho bệnh sốt xuất huyết nặng hơn vì thiếu hiểu biết, bác sĩ Tuấn cảnh báo phụ huynh phải cẩn trọng hơn khi hạ sốt cho con.
Lau mát đúng lúc, đúng cách
Không phải lúc nào lau mát hạ sốt cũng tốt. Đôi khi, lau mát gây co mạch ngoại biên đột ngột, giảm tưới máu ngoại vi, gây hạ nhiệt tay chân, nhưng thân nhiệt trung tâm vẫn cao. Hệ quả là trẻ rối loạn cơ chế điều hòa thân nhiệt, sau lau mát 15 phút lại sốt cao hơn trước.
Lau mát khi trẻ sốt cao, nhất là trẻ có tiền căn sốt cao co giật. Khi lau mát, chỉ dùng nước ấm thấp hơn thân nhiệt bé 5 độ C cho 5 vị trí cần thiết là trán, cổ, nách, bẹn, khoeo. Không dùng nước đá lạnh, không dùng rượu, cồn để lau mát vì có thể gây bỏng rộp da hoặc hạ thân nhiệt đột ngột rất nguy hiểm.
Hạ sốt đúng thuốc, đúng liều
Thuốc hạ sốt phát huy hiệu quả hơn với trẻ sốt xuất huyết. Trong 3 ngày đầu sốt, chỉ được sử dụng thuốc hạ sốt chứa thành phần paracetamol đơn chất. Hoạt chất paracetamol có tác dụng giảm đau và hạ sốt nhanh chóng, an toàn với trẻ sốt xuất huyết hơn bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào.
Liều dùng paracetamol là 10-15mg/kg cân nặng mỗi lần. Ví dụ, trẻ nhỏ 17-25kg có thể uống một gói hạ sốt 250mg là đủ liều. Nếu trẻ sốt trở lại, mỗi lần uống cần cách nhau ít nhất 4-6 giờ. Nên chọn thuốc vị cam dễ uống, tránh trường hợp trẻ từ chối thuốc mà nôn ói ra. Tổng liều trong 24 giờ, trẻ nhỏ không uống quá 1.000mg paracetamol (4 gói hạ sốt 250mg), còn người lớn dùng không quá 2.000mg (4 viên hạ sốt 500mg).
4 loại thuốc hạ sốt ‘cấm kị’
Một số trẻ cơ địa sốt cao, uống paracetamol không hạ sốt ngay hoặc sốt trở lại nhanh. Vì sốt ruột, nên nhiều cha mẹ vội tìm mua thuốc hạ sốt ibuprofen, aspirin, analgin hoặc diclofenac thay thế. Bốn loại thuốc này có thể làm cho trẻ sốt xuất huyết phải chịu hậu quả đáng tiếc.
Cha mẹ nên biết, trẻ sốt xuất huyết có lượng tiểu cầu thấp, cơ thể dễ chảy máu. Các thuốc chống viêm không steroid kể trên có tác dụng phụ ngăn tập kết tiểu cầu và càng làm cho cơ thể dễ bị xuất huyết nặng. Aspirin còn làm tăng acid gây loét dạ dày tá tràng. Khi uống các thuốc này ở trẻ đang bị sốt xuất huyết, nhẹ bị xuất huyết dưới da; nặng làm xuất huyết dạ dày, nôn ói ra máu, chảy máu nội tạng ồ ạt không cầm được... gây nguy hiểm đến tính mạng.
Không cạo gió, cắt lễ
Nhiều cha mẹ nghe lời ông bà hoặc trong dân gian khi sốt thường cho cạo gió, cắt lễ. Sốt xuất huyết thường có tình trạng tăng tính thấm thành mạch. Cạo gió làm tăng xuất huyết dưới da do vỡ thành mạch và giảm tiểu cầu. Trong khi cắt lễ lấy bớt máu độc dẫn đến hiện tượng bầm da, chảy máu không cầm được và nhiễm trùng huyết.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-ha-sot-sai-cach-sai-thuoc-sai-lieu-nguy-hiem-den-tinh-mang-c131a402098.html