Google thắng kiện tại Victoria
AP: Alastair Grant
Tháng 8/2022, Tòa án Tối cao của Úc đã ra quyết định khẳng định rằng Google không có trách nhiệm pháp lý đối với đường dẫn (link) tới một nội dung trái pháp luật trong kết quả tìm kiếm do Google cung cấp (High Court of Australia, 17-8-2022, Google LLC v Defteros [2022] HCA 27).
Đây là một quyết định khá quan trọng đối với các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng ở Úc. Giờ họ đã thoát khỏi nỗi lo phải chịu trách nhiệm về các nội dung trong kết quả tìm kiếm.
Bản án Google LLC v Defteros này là kết quả của một cuộc chiến pháp lý kéo dài từ năm 2016 tới nay, khi ông George Defteros, một luật sư chuyên về luật hình sự đã khởi kiện Google vì hành vi vu khống.
Cụ thể, ông Defteros phát hiện ra rằng khi tìm kiếm trên Google với tên của mình, thì một trong những kết quả tìm kiếm mà Google cung cấp là đường dẫn tới một nội dung do trang The Age đăng tải mà ông cho rằng mang tính vu khống cá nhân ông.
Ông Defteros sau đó đã chính thức liên lạc với Google để đề xuất gỡ đường dẫn tới nội dung nói trên của The Age trong kết quả tìm kiếm, nhưng Google không có phản hồi nào cả. Chính vì thế, ông đã khởi kiện Google ra tòa án bang Victoria.
Tòa án của bang Victoria cho rằng Google phải có trách nhiệm pháp lý với nội dung được coi là mang tính vu khống ông Defteros.
Theo tòa án này, Google góp phần “đăng tải nội dung mang tính vu khống, vì việc cung cấp trong kết quả tìm kiếm đường dẫn tới nội dung này đã góp phần thúc đẩy việc truyền tải nội dung tới người dùng Google, và vì thế hỗ trợ việc đăng tải nội dung mang tính vu khống”.
Tòa án của bang Victoria cũng ra quyết định bắt Google bồi thường ông Defteros số tiền là $40,000.
Google luôn nhấn mạnh trong các chiến lược truyền thông và trong tranh luận trước tòa án tính “khách quan” của công cụ tìm kiếm Google, đặc biệt là khía cạnh “kỹ thuật” của quy trình tìm kiếm kết quả, mà theo Google là hoàn toàn tự động và “trung lập”.
Tuy nhiên, quyết định nói trên lại không phải là quyết định cuối cùng trong trận chiến pháp lý này. Tòa án Tối cao của Úc đã lật ngược lại kết quả xét xử của tòa án bang Victoria. Với tỷ lệ phiếu 5-2, đa số thẩm phán của Tòa án Tối cao đã chọn giải pháp khá phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, đó là coi Google như một “nhà cung cấp dịch vụ trung gian”, chứ không phải là “nhà cung cấp nội dung”, và vì thế có trách nhiệm pháp lý khá… nhẹ nhàng.
Theo Tòa án Tối cao Úc, Google không có hành vi vu khống ông Defteros, vì công ty này không hề đăng tải nội dung của The Age, mà chỉ đưa đường dẫn tới nội dung nói trên, và đường dẫn cũng không hiển thị một phần của nội dung gây tranh cãi. Tòa án Tối cao cũng nhấn mạnh rằng, việc Google đưa đường dẫn tới The Age không có nghĩa là Google hỗ trợ cho việc truyền bá nội dung nói trên tới bên thứ ba.
Từ nhiều năm trở lại đây, địa vị pháp lý của các “ông lớn” mạng, như các mạng xã hội hay Google là chủ đề gây tranh cãi ở nhiều nước trên thế giới. Liệu có nên coi các công ty này như “nhà cung cấp nội dung”, và vì thế phải chịu trách nhiệm về các nội dung họ đăng tải? Hay chỉ nên coi các công ty này là “nhà cung cấp dịch vụ trung gian” và hoàn toàn không có trách nhiệm với nội dung?
Vốn rất khôn khéo, Google luôn nhấn mạnh trong các chiến lược truyền thông và trong tranh luận trước tòa án tính “khách quan” của công cụ tìm kiếm Google, đặc biệt là khía cạnh “kỹ thuật” của quy trình tìm kiếm kết quả, mà theo Google là hoàn toàn tự động và “trung lập”, và vì thế tránh phải chịu các trách nhiệm pháp lý liên quan tới nội dung tìm kiếm.
Năm 2010, tòa án của Liên minh châu Âu cũng ra một quyết định khá thuận lợi cho Google. Theo các thẩm phán châu Âu, các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng được hưởng cơ chế trách nhiệm pháp lý “giới hạn”, khi các công ty này cung cấp một dịch vụ lưu trữ thông tin cho người dùng.
Ví dụ, Google sẽ không phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin mà công cụ tìm kiếm Google lưu trữ theo yêu cầu của người dùng, trừ khi Google biết rõ đây là các thông tin trái pháp luật mà không hề có động thái nào để xóa bỏ thông tin đó.
Tòa án của Liên minh châu Âu cũng công nhận địa vị pháp lý của Google là “nhà cung cấp dịch vụ trung gian”, và vì thế Google được hưởng chế độ trách nhiệm khá nhẹ nhàng. Cụ thể là được miễn trừ trách nhiệm khi đáp ứng được các yêu cầu liên quan tới việc triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát vi phạm, hỗ trợ người dùng…
Cũng theo xu hướng này, một tòa án của Pháp cũng cho rằng Google không phải chịu trách nhiệm về nội dung tìm kiếm. Năm 2014, Công ty Du lịch Voyageurs du Monde đã kiện Google ra tòa, vì khi tìm kiếm trên Google với từ khóa Voyageurs du Monde, kết quả tìm kiếm cho hiển thị cả những quảng cáo của… các công ty du lịch khác.
Theo các thẩm phán Pháp, Google là nhà cung cấp dịch vụ trung gian, và cơ chế hoạt động “hoàn toàn mang tính kỹ thuật, tự động và bị động”. Điều đó đồng nghĩa với việc không kiểm soát nội dung tìm kiếm, và vì thế được hưởng chế độ trách nhiệm “hạn chế”.
Article sourced from thesaigontimes.vn.