Gây áp lực viện trợ, Tổng thống Trump vẫn bị 128 nước phản đối
Ngày 21/12 (giờ địa phương), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức bỏ phiếu thông qua nghị quyết đề nghị "huỷ bỏ những quyết định đơn phương về sự công nhận Jerusalem" là thủ đô của Israel. Kết quả cho biết 128 nước đã bỏ phiếu ủng hộ (bao gồm Việt Nam) so với chỉ 9 phiếu chống (bao gồm Mỹ) nghị quyết này; 35 nước bỏ phiếu trắng.
Phần lớn những đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Nhật đều ủng hộ nghị quyết; trong khi một số đồng minh khác như Australia và Canada bỏ phiếu trắng.
Đối với Tổng thống Trump, kết quả này đánh dấu bước thụt lùi đáng kể trên vũ đài chính trị quy mô nhất thế giới, trong bối cảnh ông muốn tìm kiếm thắng lợi ngoại giao lớn sau gần một năm cầm quyền.
Kết quả bỏ phiếu ngày 21/12 ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về vấn đề Jerusalem. Ảnh: UNGA. |
'Đừng dùng tiền của Mỹ mà phản bội Mỹ'
Ngày 21/12 là cuộc họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng (ĐHĐ) kể từ năm 1950. Nó được triệu tập ngay sau khi cuộc họp trước đó của Hội đồng Bảo an (HĐBA) kết thúc trong bất đồng. Sở dĩ HĐBA trước đó không thông qua được nghị quyết do Mỹ sử dụng sức mạnh quyền phủ quyết của một thành viên thường trực.
Nghị quyết được thông qua ở Đại hội đồng không ràng buộc như so với HĐBA, nhưng nó thể hiện ý nghĩa biểu tượng to lớn về sự phản đối tập thể của hơn 100 quốc gia, rằng sự công nhận đơn phương của Mỹ là đi ngược lại đồng thuận 50 năm qua của thế giới về quy chế của Jerusalem.
Không khó để đoán biết kết cục của cuộc bỏ phiếu tại ĐHĐ. Do vậy, chính quyền Mỹ và đích thân Tổng thống Trump những ngày qua liên tiếp đe doạ các nước.
“Tất cả những quốc gia đã nhận tiền của Mỹ rồi lại bỏ phiếu chống lại Mỹ ở HĐBA hoặc có thể ở Đại hội đồng, họ đã nhận hàng trăm, thậm chí hàng tỷ USD, để rồi đi chống lại Mỹ”, ông Trump phát biểu tại cuộc họp nội các ngày 20/12.
Tổng thống Mỹ đe doạ rằng: "Chúng tôi đang theo dõi sát sao. Cứ mặc kệ họ bỏ phiếu chống, rồi Mỹ sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Chúng ta không quan tâm”.
Lẻ loi bảo vệ quyết định của ông Trump trước hàng trăm nước ở Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley rắn giọng cảnh báo ngày 21/12: “Nước Mỹ sẽ ghi nhớ ngày này, ngày mà cả Đại hội đồng cùng tấn công việc một nhà nước có chủ quyền sử dụng quyền của mình. Chúng tôi sẽ ghi nhớ mỗi khi được kêu gọi đóng góp nhiều hơn, và trở thành nước đóng góp nhiều nhất cho Liên Hợp Quốc”.
Bà Haley khẳng định: “Tổng thống Trump đang theo dõi và tôi sẽ báo lại với ngài về những nước bỏ phiếu chống lại Mỹ. Chúng tôi sẽ ghi tên từng nước một”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề Jerusalem. Ảnh: Reuters. |
Phái bộ Mỹ tại LHQ cũng ngay lập tức ra thông báo tuyên bố kết quả bỏ phiếu ngày 21/12 là “chiến thắng” với Mỹ, dựa trên con số 35 phiếu trắng và 21 nước không tham gia (so với tổng số thành viên LHQ là 193).
“Tỷ lệ này nói lên một điều rằng rất nhiều nước đã ưu tiên mối quan hệ với Mỹ hơn là nỗ lực không hiệu quả nhằm cô lập Mỹ”, thông báo viết.
Liệu Mỹ có thật sự cắt viện trợ?
Bất chấp hàng loạt lời đe doạ liên tục từ Mỹ, việc hơn 100 quốc gia quyết bỏ phiếu chống như phản ánh nhận định của họ rằng tất cả hành động của Tổng thống Trump đều vì những mục đích chính trị trong nước. Việc thực hiện lời đe doạ cũng không phải dễ dàng cho Mỹ nếu phải cắt viện trợ cho những đồng minh quan trọng, đặc biệt là những nước ở Trung Đông như Ai Cập, Iraq và Jordan.
Ai Cập chính là nước soạn thảo nghị quyết cho cuộc bỏ phiếu của ĐHĐ ngày 21/12. New York Times dẫn số liệu Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết Ai Cập nhận đến 77,4 tỷ USD viện trợ từ Mỹ giai đoạn 1948-2016, bao gồm khoản tiền 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm.
Viện trợ quân sự của Mỹ cho các nước. Đồ hoạ: Washington Post. |
Một số chương trình hỗ trợ với Ai Cập là bắt buộc và được quốc hội thông qua. Dù tổng thống Mỹ có thể đơn phương hoãn, việc huỷ viện trợ chỉ được thực hiện nếu có đạo luật mới.
Tổng thống Obama từng đình chỉ việc hỗ trợ tên lửa Harpoon và chiến đấu cơ F-16 cho Ai Cập vào năm 2013 do tổng thống nước này khi đó là Mohamed Morsi bị lật đổ. Tuy nhiên, ông không huỷ bỏ hoàn toàn chương trình viện trợ. Hai năm sau, việc hỗ trợ được nối lại.
Đối với Tổng thống Trump, đây không phải lần đầu ông đem chuyện tiền viện trợ để mặc cả. Ông từng cảnh báo tạm ngưng gói hỗ trợ Pakistan nếu nước này không hợp tác với Mỹ nhiều hơn trong các chiến dịch chống khủng bố. Trong giai đoạn tranh cử năm 2016, ông Trump cũng doạ Mỹ sẽ rút khỏi NATO bởi vì nước này phải gánh khoản phí không công bằng so với các thành viên khác.
Do vậy, Derek H. Chollet, quan chức thời Tổng thống Obama, nhận định lời đe doạ ngày 20/12 của Trump là "rỗng tuếch”. “Việc lấy viện trợ tài chính như đòn mặc cả để gây sức ép với các nước không phải là chuyện mới. Nhiều nước đã nhìn thấu trò này”, ông Chollet nói.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng. Vài giờ trước khi bỏ phiếu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan tuyên bố: “Tổng thống Trump, ông không thể mua chuộc Thổ Nhĩ Kỳ bằng những đồng tiền của ông. Quan điểm của nước chúng tôi đã rất rõ ràng”.
Tuy nhiên, không thể xem nhẹ quyết tâm ủng hộ của Washington với Israel dưới thời Trump. Ngoài quyết định công nhận Jerusalem, Mỹ từng tuyên bố việc rút khỏi UNESCO, cơ quan văn hoá của LHQ, bởi vì Washington cho rằng tổ chức này có quan điểm “thiên vị và chống Israel”. Mỹ cũng từng nhiều lần ngăn chặn LHQ ra các nghị quyết lên án Israel về vấn đề xây dựng khu định cư.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/gay-ap-luc-vien-tro-tt-trump-van-bi-128-nuoc-phan-doi-post805948.html