Gần 76 triệu ca Covid-19 toàn cầu
Thế giới ghi nhận 75.919.684 ca nhiễm và 1.679.509 người đã tử vong do nCoV, tăng lần lượt 715.286 và 12.873 ca trong một ngày, trong khi 53.201.880 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Một nhân viên y tế tại Lima, Peru ngày 11/12. Ảnh: AFP.
Michael Ryan, phụ trách mảng phản ứng khẩn cấp của WHO, cho biết nhóm chuyên gia điều tra nguồn gốc Covid-19 sẽ đến Trung Quốc vào tuần đầu tiên của tháng 1/2021. "Chắc chắn họ sẽ đến Vũ Hán. Đó là mục đích của phái đoàn" ông nói. "Mục đích của phái đoán là đến điểm ban đầu các ca nhiễm trên người được phát hiện, và chúng tôi hoàn toàn mong đợi sẽ làm được điều đó".
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu nhóm chuyên gia có làm việc "dưới sự giám sát của Trung Quốc" khi ở Trung Quốc hay không, Ryan trả lời: "Đây là một nhóm gồm các chuyên gia quốc tế nổi tiếng, sẽ làm việc với các đồng nghiệp Trung Quốc của chúng tôi. Họ sẽ không bị quan chức Trung Quốc giám sát".
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 244.365 ca nhiễm và 2.869 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 17.825.212, trong đó 320.186 người đã chết.
Các chuyên gia y tế Mỹ đã cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng y tế trong mùa đông khi các phòng chăm sóc tích cực đã quá tải và nhiều nơi phải đặt giường bệnh ra cả hành lang. Số ca nhập viện vì nCoV ở Mỹ hôm 17/12 vượt 114.000, mức cao nhất trong hơn hai tuần qua.
Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, tất cả bang của Mỹ đều ghi nhận tỷ lệ gia tăng ca nhiễm nCoV trên 3%, trong đó hơn 20 bang báo cáo tỷ lệ hơn 10%.
Thống đốc California Gavin Newsom cho biết bang đã đặt hàng nhiều xe container bảo quản lạnh và phân phát 5.000 túi đựng thi thể cho các hạt San Diego, Los Angeles và Inyo.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử Mỹ bắt đầu sau khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phê duyệt khẩn cấp vaccine Pfizer-BioNTech vào ngày11/12. Trump ngày 18/12 thông báo nước này đã phê duyệt vaccine Covid-19 thứ hai, đến từ hãng dược Moderna.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 26.991 ca nhiễm và 342 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.004.825 và 145.171.
Chính phủ Ấn Độ hôm thứ 18/12 cho biết họ có thể sớm bắt đầu tiêm chủng tự nguyện chống Covid-19 khi họ đang xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp ba vaccine, bao gồm vaccine từ AstraZeneca, Pfizer và công ty Ấn Độ Bharat Biotech. Chính phủ cho biết có thể mất hơn một năm để tiêm hai liều vaccine, cách nhau 28 ngày, cho hầu hết 1,35 tỷ người Ấn Độ.
Trong khi đó, nhiều bệnh viện tại New Delhi rơi vào tình trạng quá tải. Giới chức thủ đô đã tăng gấp 4 lần tiền phạt với người không đeo khẩu trang, lên 2.000 rupee (27 USD). Theo truyền thông Ấn Độ, Viện Huyết thanh Ấn Độ đã yêu cầu cơ quan quản lý dược phẩm cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 774 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 185.650. Số người nhiễm nCoV tăng 51.451 trong 24 giờ qua, lên 7.162.978.
Chính phủ Brazil hôm 12/12 công bố kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 với mục tiêu ban đầu là tiêm chủng cho 51 triệu người, tức là khoảng 1/4 dân số, trong nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý y tế Anvisa của nước này hôm 14/12 đánh giá các tiêu chuẩn phê duyệt sử dụng khẩn cấp CoronaVac, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đang được thử nghiệm diện rộng ở Sao Paulo, không minh bạch.
Giữa lúc đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, CoronaVac lại trở thành chủ đề tranh cãi chính trị ở Brazil. Tổng thống Jair Bolsonaro gieo nghi ngờ vào loại vaccine này, mô tả đây là công cụ của Thống đốc Sao Paulo Joao Doria, người được cho là đối thủ tiềm năng của ông trong cuộc bầu cử tới, cũng như chính quyền Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cho biết nhiều nước đã đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm vaccine trên diện rộng của họ, chứng minh "tính an toàn và hiệu quả của vaccine Trung Quốc".
Ngày 18/12, Tổng thống Bolsonaro lại bày tỏ nghi ngờ về vaccine Pfizer-BioNTech. "Trong hợp đồng với Pfizer, họ viết rất rõ ràng rằng 'chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ tác dụng phụ nào'. Nếu bạn biến thành một con cá sấu, đó là vấn đề của bạn. Nếu bạn trở thành siêu nhân, nếu một phụ nữ bắt đầu mọc râu hoặc nếu một người đàn ông bắt đầu nói với giọng ẻo lả, họ chẳng liên quan gì đến việc đó", ông nói.
Pháp, vùng dịch lớn thứ năm thế giới và lớn nhất EU, ghi nhận thêm 15.674 ca nhiễm và 374 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.442.990 và 60.229.
Điện Elysee hôm 17/12 thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, 42 tuổi, dương tính với nCoV. Một nguồn tin thân cận nói rằng Macron "có thể đã bị lây nhiễm trong hội nghị thượng đỉnh của EU ở Brussels" tuần trước. Việc Macron nhiễm nCoV khiến hàng loạt lãnh đạo, quan chức như Thủ tướng Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Bồ Đào Nha phải cách ly.
Macron hôm 18/12 cho biết qua một video trên Twitter rằng ông bị mệt mỏi, đau đầu và ho khan nhưng "vẫn ổn". "Hoạt động của tôi bị chậm lại một chút do virus. Nhưng tôi vẫn đang tiếp tục quan tâm đến các vấn đề ưu tiên như dịch bệnh hoặc Brexit, chẳng hạn", ông nói. "Hoạt động của tôi bị chậm lại một chút do virus. Nhưng tôi vẫn tiếp tục quan tâm đến các vấn đề ưu tiên như dịch bệnh hoặc Brexit", ông nói.
Anh báo cáo thêm 28.507 ca nhiễm và 489 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.977.167 và 66.541. Anh tuần trước trở thành quốc gia đầu tiên bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech tại 73 bệnh viện trên cả nước.
Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) và Tạp chí Dịch vụ Y tế (HSJ) cảnh báo đề xuất cho phép 3 hộ gia đình ở chung trong nhà 5 ngày của chính quyền có thể khiến Dịch vụ Y tế Quốc gia bị quá tải.
"Chúng tôi tin rằng chính phủ sắp phạm phải một sai lầm lớn khác, đánh đổi bằng nhiều mạng người. Thay vì gỡ các hạn chế vào Giáng sinh như kế hoạch hiện nay, Anh nên làm theo Đức, Italy và Hà Lan trong việc thận trọng hơn", hai tạp chí cho hay trong bài xã luận chung thứ hai trong vòng hơn một thế kỷ.
Cảnh báo được đưa ra sau khi chính phủ tuyên bố London và một số địa phương xung quanh từ ngày 16/12 sẽ chịu những lệnh hạn chế cứng rắn nhất, tương tự miền trung và miền bắc đất nước, nhằm nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm nCoV. Các quán rượu, quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, trừ dịch vụ mua về. Nhà hát và những địa điểm giải trí khác cũng phải ngừng hoạt động. Thành viên từ các hộ gia đình khác nhau không được ở cùng nhà.
Ngày 18/12, Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ hy vọng sẽ tránh được việc phải áp đặt đợt phong tỏa thứ ba sau Giáng sinh nhưng không loại trừ điều đó, đồng thời nhắc lại rằng tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên "rất nhiều".
Đức ghi nhận 31.553 ca nhiễm và 838 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.469.991 và 26.003. Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 15/12 cho biết họ muốn Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech "trước Giáng sinh", để họ có thể đạt mục tiêu bắt đầu tiêm chủng tại Đức trước cuối năm nay.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) trụ sở ở Amsterdam, Hà Lan, trước đó cho biết họ dự định tổ chức cuộc họp đặc biệt, chậm nhất là vào ngày 29/12, để thảo luận về việc cấp phép có điều kiện cho vaccine, trong bối cảnh Anh, Mỹ và Canada đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân. Tuy nhiên, thời điểm này đã được đẩy nhanh lên ngày 21/12.
Chính phủ Đức áp đặt lệnh phong tỏa một phần từ ngày 16/12 nhằm kiềm chế sự lây lan của nCoV dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Lệnh phong tỏa dự kiến được áp dụng tới ngày 10/1. Cửa hàng không thiết yếu và trường học đóng cửa, công ty được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà hoặc kéo dài thời gian nghỉ lễ.
27 nước thành viên EU đặt mục tiêu bắt đầu tiêm vaccine Covid-19 vào cùng ngày 27/12 để thể hiện sự thống nhất. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh vaccine Pfizer/ BioNTech là vaccine đầu tiên trong số 6 loại tiềm năng mà EU đã ký hợp đồng.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 28.552 ca nhiễm nCoV và 611 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.791.220 và 49.762 .
Nga đang chiến đấu với sóng lây nhiễm thứ hai khi giới chức St Petersburg cho biết họ sắp hết giường dành cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Từ đầu tháng 12, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế và giáo viên, bắt đầu được tiêm vaccine Sputnik V.
Theo thông báo lần thứ tư của Nga hôm 14/12, kết quả thử nghiệm trên quy mô hơn 22.714 người của vaccine Sputnik V cho thấy hiệu quả đạt 91,4%. Trung tâm Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, sẽ công bố kết quả trên tuần san y khoa được bình duyệt quốc tế. Một báo cáo cũng sẽ được thực hiện để đăng ký khẩn cấp Sputnik V ở các quốc gia khác.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 53.273 người chết, tăng 178, trong tổng số 1.145.651 ca nhiễm, tăng 7.121. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, nhưng họ lại đối mặt thử thách mới liên quan đến vaccine.
Tổng thống Hassan Rouhani hôm 9/12 cho biết Iran vẫn chưa thể mua vaccine Covid-19 do các ngân hàng không sẵn sàng xử lý giao dịch, bởi lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, bất chấp việc vaccine cùng những mặt hàng nhân đạo khác được cho là sẽ nhận được quyền miễn trừ.
"Chúng tôi muốn mua vaccine. Ngân sách đã sẵn sàng, nhưng không có ngân hàng nào chịu xử lý giao dịch", Rouhani nói với các quan chức.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 1.062 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 47.515, trong đó 645 trường hợp tử vong, tăng 11 ca so với một ngày trước.
Vùng thủ đô Seoul (Seoul, Incheon và các thành phố vệ tinh) sắp hết giường điều trị tích cực. Dù từng được coi là một hình mẫu chống Covid-19, sự trỗi dậy của virus gần đây khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải gửi lời xin lỗi vì không ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới, đồng thời cảnh báo tình hình hiện nay "vô cùng nghiêm trọng". Giới chức cho biết trong tuần qua, 6 người đã chết trong khi chờ giường bệnh vì tình trạng quá tải.
Chính phủ trong tuần này chỉ thị tất cả các trường học ở Vùng thủ đô Seoul đóng cửa trong một tháng nhưng không ban lệnh phong tỏa do lo ngại về thiệt hại đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 650.197 ca nhiễm, tăng 6.689, trong đó 19.514 người chết, tăng 124. Tổng thống Joko Widodo thông báo ông sẽ là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Indonesia và toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới với khoảng 270 triệu người, nhận lô vaccine Covid-19 đầu tiên gồm 1,2 triệu liều từ công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc ngày 6/12. Nước này hy vọng sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm dân số là lao động từ 18 đến 59 tuổi, những người được coi là phải di chuyển nhiều nhất vì nghề nghiệp của họ. Theo kế hoạch hiện tại, những người Indonesia đang làm việc trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch, như nhân viên y tế, cảnh sát và quân nhân, sẽ được tiêm chủng trước.
Dữ liệu chính phủ cho thấy Indonesia đã đặt hàng được 155,5 triệu liều vaccine, đồng thời đang tìm mua thêm 116 triệu liều từ Pfizer, AstraZeneca và chương trình COVAX, một sáng kiến vaccine Covid-19 toàn cầu. Nếu các thỏa thuận được thông qua, Indonesia sẽ sở hữu 271,5 triệu liều vaccine, vượt mức đặt ra là 246,6 triệu.
Philippines báo cáo 456.562 ca nhiễm và 8.875 ca tử vong, tăng lần lượt 2.122 và 25 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Hàng đoàn người đổ về các trung tâm thương mại và mua sắm rộng lớn bất chấp Covid-19 diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/gan-76-trieu-ca-covid-19-toan-cau-nhom-dieu-tra-who-se-den-vu-han-4208678.html