G20 thống nhất mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn đa quốc gia
Trong thông báo quan trọng đầu tiên về hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài hai ngày ở Rome, Italy, các lãnh đạo G20 đã tán thành thỏa thuận mang tính lịch sử, trong đó các tập đoàn đa quốc gia phải chịu mức thuế tối thiểu 15%, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người tham dự cuộc đàm phán, hôm 30/10 cho biết.
Thỏa thuận này sẽ "chấm dứt cuộc đua vô cùng tai hại về thuế doanh nghiệp", bà nói.
Kế hoạch cải tổ, đã được gần 140 quốc gia ủng hộ, nhằm chấm dứt hoạt động che giấu lợi nhuận ở các quốc gia thuế suất thấp của các tập đoàn lớn như Apple và công ty mẹ Alphabet của Google.
Lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới dự hội nghị thượng đỉnh ở Rome, Italy hôm 30/10. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, các lãnh đạo G20 chưa đạt đồng thuận nào đối với cam kết chung về biến đổi khí hậu, trước thềm hội nghị quan trọng COP26 bắt đầu tại Glasgow, Scotland trong hôm nay. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các yếu tố cho tuyên bố cuối cùng của G20 "đang được đàm phán" và hội nghị thượng đỉnh ở Rome nhằm "giúp tạo động lực" trước các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Tại buổi tiệc ở cung điện Qurinale xa hoa tối 30/10, Tổng thống Italy Sergio Mattarella, 80 tuổi, kêu gọi các lãnh đạo hành động vì lợi ích của "thế hệ tương lai".
"Tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu che phủ mọi thứ khác", ông Mattarella nói. "Hàng tỷ người đang dõi theo chúng ta và những kết quả mà chúng ta có thể đạt được".
Trước đó, hàng nghìn người biểu tình, gồm nhiều người trẻ tuổi, đã tập trung tại trung tâm thủ đô Rome để yêu cầu hành động cứng rắn hơn đối với vấn đề biến đổi khí hậu.
Nước chủ nhà Italy đang thúc đẩy G20 cùng tán thành mục tiêu của Liên Hợp Quốc là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, một trong những mục tiêu của hiệp định khí hậu Paris 2015 mang tính bước ngoặt.
"Đơn độc không phải là lựa chọn trong các vấn đề từ đại dịch, biến đổi khí hậu, đến công bằng thuế và bình đẳng", Thủ tướng Italy Mario Draghi nói với các lãnh đạo trước cuộc đàm phán kín.
Tuy nhiên các thành viên G20, vốn ở các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau, vẫn mâu thuẫn với một mục tiêu chính khác là giảm phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050. Vấn đề rất nan giải, bởi G20, gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, EU và Nga, chiếm 80% GDP toàn cầu và gần 80% phát thải khí nhà kính.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/g20-thong-qua-thoa-thuan-danh-thue-tap-doan-da-quoc-gia-4379326.html