Forbes vinh danh những ca khúc nữ quyền nào trong thập kỷ qua?
Thập kỷ vừa qua, có thể nói, là một thập kỷ vàng của rất nhiều sự chuyển biến tốt về mặt nữ quyền trong xã hội. Hàng loạt những vụ vạch mặt, đấu tranh, hô hào của chị em phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới diễn ra trong suốt 10 năm qua. Tất nhiên, Hollywood cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi của chị em với hàng loạt những chiến dịch nữ quyền lớn như Women's March, #Metoo được tổ chức có quy mô lớn. Hay cả những bộ phim, những sản phẩm mang tính tuyên truyền cũng được ra mắt để thúc đẩy hơn tinh thần độc lập, tự do cho người phụ nữ,... Cả một đoạn đường đấu tranh lâu dài để đến thập kỷ 10s, ngọn lửa nay đã bùng lên dữ dội, tiếng nói của người phụ nữ đang dần có sức nặng ở làng giải trí Hollywood.
Phong trào nữ quyền đã trải qua nhiều thập kỷ đấu tranh
Nắm lấy một bộ phận khán giả lớn yêu âm nhạc, làng âm nhạc Hollywood là một công cụ tốt để truyền đi những thông điệp tích cực về tính nữ. Suốt một thập kỷ qua, ta đã được lắng nghe bao nhiêu là ca khúc nữ quyền của các nghệ sĩ, từ tôn vinh vẻ đẹp tính cách người phụ nữ tới mang hơi hướm tôn giáo. Nhưng hôm nay, ta sẽ xem tạp chí Forbes vinh danh những ca khúc nữ quyền nào trong thập kỷ này đã để lại dấu ấn lớn.
Năm 2010: "King Of Anything" của Sara Bareilles
"King Of Anything" là single mở đường cho album phòng thu thứ 3 mang tựa đề "Kaleidoscope Heart" của nữ ca sĩ người Mỹ Sara Bareilles - Người được biết nhiều hơn với bản hit "Brave" sau này. Ra mắt năm 2010, với phần MV giản dị, ca khúc đã sớm chinh phục được làn sóng nữ quyền và trở thành bộ mặt một thời.
"King Of Anything" không hề như bạn đang nghĩ, với tựa đề như vậy thì chắc hẳn nội dung là kiểu phụ nữ là nữ hoàng thống trị tất cả. Không, nội dung của nó không hề như thế. "King Of Anything" hát về việc người phụ nữ có thể bỏ đi bất cứ lúc nào mà tình nhân của họ trở nên quá quắt, trở nên độc đoán, ác nghiệt,... Người phụ nữ có lòng tự tôn của họ, có giá trị riêng. Và khi chị em gặp phải trường hợp này, cứ ngẩng cao đầu và quay lưng bước đi, chỉ thế thôi.
Sara Bareilles còn nhắm đến những người đàn ông, chỉ trích họ nếu họ nghĩ người phụ nữ là một dạng thú cưng dễ dàng ngoan ngoãn nghe lời họ. Nếu là cô, cô sẽ không để mình bị hạ thấp đến như vậy. Chính những thông điệp đó, nhẹ nhàng thôi nhưng đủ, đã giúp Sara Bareilles mang về cho mình 1 đề cử Grammy ở hạng mục "Trình diễn giọng Pop nữ xuất sắc nhất".
Năm 2011: "Run The World (Girls)" của Beyoncé
Beyoncé là đại diện tiêu biểu của Pop/R&B 00s còn trụ trên đỉnh cao danh vọng mãi đến thập niên sau. Khi mà những người đồng nghiệp đều đã lui về sau hoạt động vì fan là chính, Beyoncé vẫn một thân một mình cô đứng thống trị làng nhạc theo một cách rất riêng.
Có vẻ như là đã đoán trước thời thế thay đổi nên Bey cũng mau chóng thay đổi hình ảnh và cả phong cách âm nhạc theo đó cho phù hợp, để không bị lâm vào cảnh bị giới hạn khán giả nghe nhạc lại. Sang thập niên này, "4" tính ra là album có doanh thu hẻo nhất của Bey. Nhưng đừng vội cười, nó vẫn cho ra được rất nhiều những siêu phẩm đánh dấu tên tuổi cho cô ca sĩ da màu tài năng này. Trong đó, không thể không nói đến, "Run The World (Girls)" đầy quyền lực.
"Run The World (Girls)" là single đầu tiên trích từ album "4" ra mắt vào năm 2011. Ca khúc có một sự phủ sóng mạnh mẽ trên thế giới với phần tạo hình không thể chê của Ong chúa, với màn tái xuất hừng hực nữ quyền và cũng là giai đoạn chuyển giao phong cách âm nhạc của cô. "Run The World (Girls)" trở thành một trong những bản hit in dấu tên tuổi cho Beyoncé, bước đầu đưa cô trở thành biểu tượng nữ quyền lớn của thời đại.
MV của ca khúc cho thấy sự mạnh mẽ và khả năng vô biên của người phụ nữ: cưỡi ngựa, thuần hoá sư tử hay thú hoang,... đan xen với hình ảnh Beyoncé đeo vương miện thủ lĩnh đoàn quân phụ nữ trong cuộc chiến bình đẳng giới. Tuy ca từ của ca khúc vẫn gây tranh cãi rằng đây là nữ quyền bình đẳng hay nữ quyền thượng đẳng khi hô hào người phụ nữ thống trị. Nhưng cũng phải nói đến phần xuất sắc của nó ở việc đã bao hàm rất rõ sự vĩ đại của một người phụ nữ, điển hình như ở câu hát:
"How we're smart enough to make these millions, strong enough to bare the children, then get back to business."
--
"Rằng chị em chúng tôi tài giỏi đến có thể làm ra hàng triệu đô la, mạnh mẽ đến có thể mang nặng đẻ đau, rồi ngay lập tức quay trở lại với công việc."
Chỉ một câu hát, Beyoncé đã gói được 3 ưu điểm của một người phụ nữ hiện đại: có thể làm ra tiền và rất nhiều tiền, có thể mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, và rồi cũng cô gái đó quay trở lại công việc rất mau chóng (có người tốn tới 3 tháng nghỉ ngơi, nhưng có người đẻ xong đã quay trở lại với công việc liền luôn). Trải qua rất nhiều biến cố trong đời nhưng họ đều có thể vượt qua. Và vì vậy, đàn ông không thể xem thường họ được.
Cuộc cách mạng nữ quyền của Beyoncé
Năm 2012: "Girl On Fire" của Alicia Keys
Alicia Keys là một cái tên không còn xa lạ gì với những người yêu dòng nhạc R&B. Tính trong suốt sự nghiệp lẫy lừng cống hiến hết mình cho âm nhạc, Alicia Keys đã nhận được 15 giải Grammy danh giá, để lại cho đời những bản hit ghi dấu tên tuổi như: "Fallin'", "If I Ain't Got You", "No One", "Empire State Of Mind" và tất nhiên không thể không nói đến - "Girl On Fire".
"Girl On Fire" là single đầu tiên ra mắt từ album cùng tên với nó, ra mắt vào năm 2012. Đây là giai đoạn Alicia Keys đang có những bước chuyển biến về tâm lí, dần mộc mạc hơn trước khi trở thành gương mặt đại diện của làn sóng #NoMakeUp sau này với khuôn mặt xuất hiện trước công chúng hoàn toàn không một lớp phấn son. "Girl On Fire", qua đó cũng cho thấy sự độc lập tự tin của Alicia Keys đang phát triển mạnh mẽ ra sao, để rồi một ngày đủ sức tự tin vào khuôn mặt mộc của mình, tin yêu cả vào những vết tàn nhang trên mặt.
"Girl On Fire" với ca từ vinh danh những người phụ nữ vật lộn với cuộc sống tảo tần hàng ngày, oằn mình ra tìm cách chi tiêu cho gia đình nhưng cũng phải phân bố thời gian để nuôi dạy, chơi đùa cùng con cái. "Girl On Fire" ở đây không có nghĩa là cô gái đó đang bốc cháy theo nghĩa đen, mà nên hiểu theo nghĩa bóng. Những cô gái của Alicia Keys quá mạnh mẽ, quá quyền lực và khi họ làm chủ đời họ, họ sẽ toát lên thần thái ngút ngàn đó. Đó chính là những gì Alicia Keys gắn gửi đến trong ca khúc nữ quyền của cô.
Ca khúc trở thành ca khúc thành công thị trường gần sau cuối của Alicia Keys. Trước khi cô thay đổi phong cách âm nhạc, gần gũi hơn với công chúng nhưng cũng lạnh nhạt hơn với các bảng xếp hạng lớn. "Girl On Fire" cũng đã giúp Alicia Keys mang về cho mình 1 chiếc kèn vàng ở Grammy 2014 ở hạng mục "Album R&B xuất sắc nhất".
Năm 2013: "Flawless" của Beyoncé
Lại một lần nữa, cái tên Beyoncé lại được vang lên trong danh sách. Bước qua era "4", Beyoncé có đủ sức mạnh và đà tốt để thay mình lột xác trong album đỉnh cao mang chính tên cô "BEYONCÉ". Xuyên suốt album là những câu chuyện về tình dục, về tính nữ hay cả những câu chuyện về tình yêu gia đình. Điểm nhấn nữ quyền trong album? Còn ca khúc nào khác "Flawless", khi Beyoncé quyết đưa cả định nghĩa của chữ nữ quyền vào trong ca khúc này và hất mặt tự hào về điều đó.
Ca khúc hợp tác với nhà văn luận về nữ quyền người Nigeria Chimamanda Ngozi Adichie, khúc định nghĩa được trích từ tác phẩm luận "We Should All Be Feminists" của bà. Cụ thể, nó như sau: "Ta dạy con gái ta phải giới hạn bản thân nó, phải khiến bản thân nó nhỏ bé lại. Chúng ta nói với chúng nó rằng, "Cô có thể có tham vọng, nhưng không nên quá nhiều. Cô cũng nên cố gắng hết sức để đạt được thành công, nhưng không được quá thành công, vì lúc đó cô sẽ trở thành mối đe doạ trong mắt của những người đàn ông". Cũng bởi vì tôi là một người phụ nữ nên thiên chức thiêng liêng nhất cuộc đời này của tôi...là trao mình về cho hôn nhân. Rằng tôi được trông ngóng biết bao với quyết định sẽ trao thân gửi phận mình về ai. Phải luôn giữ trong tâm trí của mình rằng chuyện hôn nhân phải luôn quan trọng nhất. Hôn nhân là nguồn cội của hân hoan, tình nồng và sự giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng tại sao? Tại sao ta dạy con gái phải biết dâng hiến bản thân chúng cho chuyện hôn nhân? Trong khi ta không dạy tụi con trai những điều đó? Ta nuôi dạy con gái ta, rằng bất cứ đứa con gái nào ngoài kia cũng là đối thủ của nó. Không phải là đối thủ trong công việc hay trong việc hoàn thiện bản thân mình, điều mà tôi nghĩ là nếu thế thì cũng được. Mà lại là đối thủ của nhau trong việc giành lấy sự chú ý của những người đàn ông. Ta dạy con gái ta rằng chúng không được thể hiện sự gợi dục như cách tụi con trai làm."
Kết thúc đoạn diễn thuyết, Chimamanda chốt lại đầy cứng rắn: "Người bình nữ quyền: là một người có niềm tin vào sự bình đẳng về xã hội, chính trị và kinh tế giữa các giới tính." Lời tuyên ngôn được đưa ra thẳng trong ca khúc, với phần hát của Beyoncé ngợi ca sự sang chảnh của những người phụ nữ biết chăm sóc bản thân mình càng làm ca khúc thêm ý nghĩa hơn.
Năm 2014: "Try" của Colbie Callait
Năm 2014, Colbie Callait tiếp tục ghi dấu tên tuổi với một ca khúc ý nghĩa nữa được đón nhận rộng rãi là "Try". Bắt đầu sự nghiệp từ năm 2007, từng chiến thắng 2 giải Grammy cho ca khúc "Lucky" hợp tác cùng Jason Mraz và cả album của năm cho "Fearless" do góp giọng trong album của Taylor Swift. Nay, thêm "Try", tên tuổi của cô càng được nhiều bạn trẻ biết đến và yêu quý hơn.
"Try" nhẹ nhàng với tiếng đàn cùng giọng hát yên bình của Colbie Caillat, với phần ca từ nói về những áp lực khi là một người phụ nữ như thế nào, về những tiêu chuẩn cái đẹp, về làn da, về vóc dáng, về việc makeup thế nào để được gọi là thu hút,... Và thế là Colbie hát lên: "Bạn không cần phải cố gắng." Không phải là Colbie Caillat đang có ý xúi chúng ta không chăm chút bản thân, mà ý cô là chúng ta cứ làm những gì làm mình thoải mái nhất là được. Đôi khi, nghe theo ý kiến của người khác, chạy theo những tiêu chuẩn không phù hợp chỉ làm mình mệt mà thôi.
Năm 2015: "You Don't Own Me" của Grace và G-Eazy
Phiên bản "You Don't Own Me" này của Grace và G-Eazy thật ra không phải là phiên bản gốc. Nó chỉ là bản cover nhằm để tri ân tới nữ nghệ sĩ Lesley Gore - một nữ nghệ sĩ từng hoạt động ở thập niên 60s. Ca khúc cũng được ấn chọn ngày phát hành đúng một tháng sau khi Lesley Gore qua đời.
Ca khúc giữ nguyên phiên bản gốc, chỉ thêm vào phần rap của G-Eazy để tạo nên nét độc đáo riêng biệt hiện đại của nó. Ca từ của ca khúc (cả phiên bản gốc năm 1964 lẫn thời hiện đại) đều vẫn để lại cảm giác bồi hồi trong tim, rằng người phụ nữ không phải vật chất, không phải là vật thuộc sở hữu của người đàn ông. Rằng người phụ nữ cũng có những giá trị, cũng có phẩm giá, cũng có những ước muốn như người đàn ông. Những câu hát nhấn nhá "Anh không sở hữu tôi" như điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng nên nhớ nên đặt trong tim, bạn tự do, bạn không phải là một món đồ trang sức của 1 anh chàng nào đó. Hãy nhớ điều đó.
Năm 2016: "Good As Hell" của Lizzo
Đại diện tiêu biểu cho việc tự hào về thân hình quá cân của mình tiếp theo sau Adele, Meghan Trainor,... - Lizzo cũng có tên trong danh sách vàng này. Khác với 2 người đàn chị có ít nhiều chật vật trong việc được chấp nhận, Lizzo đã cất cao tiếng ca với các ca khúc mang tinh thần xấc xược nhưng vui tươi của mình và được người đời yêu mến với chính những nhược điểm cơ thể của mình. Cô ấy không yếu đuối, cô ấy đanh đá nhưng cô ấy vui tươi, đó là điều mà người ta đem lòng mến mộ Lizzo.
"Good As Hell" là single trích từ EP "Coconut Oil" năm 2016, khi mà cô nàng này vẫn chưa nổi tiếng. Tuy thế, nó vẫn là một trong những bản hit của Lizzo được khán giả yêu thích. Ca khúc chứng minh tại sao Lizzo được gọi là Missy Elliott phiên bản Underground. Đều cùng chung chất nhạc, rap tốt, hát ngon lành, tinh thần tự tin vào chính mình, chả phải là bị ảnh hưởng lớn bởi Missy Elliott đấy sao.
"Good As Hell" là những lời khuyên Lizzo hát dành tặng cho chị em phụ nữ, khi đàn ông không yêu ta nữa thì ta cứ đi làm đẹp thôi. Cụ thể là như thế này này: "Phù, này bé, vớ vẫn thế đủ rồi. Nào, dùng tay phủi phủi bụi trên vai đi, cứ làm thế. Ối trời ơi, giờ chỉ muốn làm gì đó mới mẻ mà thôi. Trong này, bận đồ tắm, bước xuống hồ bơi. Tới đây với chị, lau khô nước mắt đi nào. Em biết đó, em là ngôi sao, em đưa tay ra là chạm bầu trời. Chị biết là nó khó nhưng em cứ thử đi. Nếu em cần lời khuyên, chị cũng không kiệm lời mà nói. Nếu hắn không thèm đoái hoài gì đến em nữa, cứ việc xách mông đẹp của em đi ra khỏi cửa thôi."
Câu chuyện trong ca khúc diễn ra tại một salon làm đẹp cho chị em phụ nữ và cuộc hội thoại chân tình giữa 1 chị gái và 1 cô em đang bị thất tình. Ca từ tôn vinh lên bản thân người phụ nữ, về cái đẹp của họ. Cũng là một lời tôn vinh mà Lizzo dành tặng đến cho văn hoá làm đẹp của người da màu.
Năm 2017: “Most Girls” của Hailee Steinfeld
Hailee Steinfeld có thể sự nghiệp còn non trẻ, nhưng cô nàng này cũng đã để lại một trong những ca khúc in dấu trong lòng khán giả trẻ tuổi như "Love Myself", "Starving" hay cả "Most Girls".
"Most Girls" là lead single cho album phòng thu ấp ủ của Hailee Steinfeld, ca khúc dừng lại ở hạng 58 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và một thời rất được khán giả yêu mến. Lời ca khúc về việc các cô gái muốn trông giống nhau, nhưng lại từ đó tạo ra nét đặc biệt riêng. Cuối cùng, tất cả thể loại con gái trên đời này đều đáng được yêu thương. Đó là thông điệp đơn giản và dễ dàng bắt được thị hiếu khán giả nữ trong độ tuổi vị thành niên.
Năm 2018: "God Is A Woman" của Ariana Grande
Từ "No Tears Left To Cry", khán giả đã có thể thấy Ariana Grande đang đi đến giai đoạn trưởng thành trong âm nhạc của cô. Và cũng chính từ đó, "God Is A Woman" ra mắt và trở thành tâm điểm của truyền thông lúc bấy giờ. Tính đến tận thời điểm này, nó vẫn được xem là MV được đầu tư nhất của Ariana Grande.
"God Is A Woman" là single thứ 2 trích ra từ album phòng thu thứ 4 mang tựa đề "Sweetener". Ca khúc với phần MV tôn vinh lên sự quyền lực của người phụ nữ, ý nghĩa cao đẹp của bộ phận sinh dục của nữ,... Lời bài hát cũng có ý ám chỉ về khả năng vô biên của người phụ nữ trong chuyên chăn gối. Qủa là một quyết định đúng đắn khi Ariana Grande dốc hết tâm trí vào single này để đánh dấu một đoạn đường sự nghiệp mới của bản thân.
Năm 2019: "Hot Girl Summer" của Megan Thee Stallion, Nicki Minaj và Ty Dolla $ign
Megan Thee Stallion là rapper nữ thế hệ mới cực kì triển vọng, đang rất được chú ý đến cùng với những cái tên khác như Cardi B, Tierra Whack,... Mới debut chưa lâu, cô nàng đã mời được Nicki Minaj vào cùng hợp tác và qua đó, gây thêm tiếng vang cho tên tuổi mình với ca khúc "Hot Girl Summer".
Megan giải thích rằng, "Hot Girl Summer" là ca khúc gửi đến những cô gái tin vào bản thân mình, không nghe những điều tiếng xấu xa nhắm vào mình và giúp đỡ bạn bè. Theo một cách hiểu nào đó, "Hot Girl Summer" vinh danh những cô gái có tố chất lãnh đạo, với sức hút như mùa hè, khác là mùa hè chỉ kéo dài có mấy tháng, các cô gái này sẽ mãi toả nắng dài lâu.
Thập kỷ sau, và nhiều hơn thế nữa...
Con đường đấu tranh cho nữ quyền ở làng giải trí Hollywood đang có rất nhiều thuận lợi. Ở thập kỷ này, nó đã đạt được đến độ chín muồi về thời cơ. Bước sang thập kỷ sau, chắc chắn sẽ có nhiều cánh cửa nhiều hơn nữa mở ra cho người phụ nữ. Trên hết, chị em phụ nữ nghệ sĩ phải đoàn kết với nhau để làm được điều đó. Tất nhiên, những ca khúc nữ quyền tiêu biểu trên đây không chỉ có thế, còn rất nhiều ca khúc khác nữa. Đa phần các nghệ sĩ nữ dù ít dù nhiều cũng sẽ có ca khúc thúc đẩy câu chuyện nữ quyền theo góc nhìn của họ. Và tất cả sự cống hiến đó, của những cái tên đã được nhắc đến ở trên hay cả những ca khúc nữ quyền khác đã bị quên lãng,... Tất cả đều đáng được vinh danh.
Thập kỷ sau, chắc chắn sẽ vẫn ngập tràn những tiếng ca về nữ quyền cất lên. Chừng nào Hollywood còn bất công, làng âm nhạc của nó tất nhiên cũng sẽ không đứng ngoài cuộc chiến bảo vệ quyền lợi rồi.
Cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời thương mại với giá thấp nhất trên toàn nước Úc
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/nhung-ca-khuc-nu-quyen-xuat-sac-nhat-thap-ky-cua-forbes-beyonce-2-lan-xuong-danh-ariana-grande-gop-mat-nhung-bat-ngo-nhat-la-tan-binh-lizzo-2020030317523234.chn