EU gặp khó trong việc trừng phạt kinh tế Nga
Khi Nga đưa quân tiến vào Ukraine, EU quyết định ra tay trừng phạt kinh tế. Các biện pháp của họ cơ bản gồm ngăn chính phủ và các ngân hàng Nga vay nợ trên thị trường tài chính toàn cầu, chặn nhập khẩu công nghệ và đóng băng tài sản của những người Nga có ảnh hưởng.
Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, những lựa chọn này nhằm giảm thiểu tác động cho nền kinh tế Nga và hạn chế ít nhất mức độ tổn hại có thể gây ra cho Liên minh châu Âu.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 37% thương mại nước ngoài vào năm 2020. Phần lớn trong số đó là năng lượng. Khoảng 70% xuất khẩu khí đốt của Nga và một nửa xuất khẩu dầu của nước này là sang châu Âu.
Doanh số bán hàng cho Nga chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch thương mại của châu Âu với thế giới, nhưng trong nhiều thập kỷ, nước này đã là điểm đến quan trọng của các công ty châu Âu trong một loạt ngành, bao gồm tài chính, nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng, ôtô, hàng không vũ trụ và hàng xa xỉ.
Một số công ty châu Âu, đặc biệt là Đức, đã có quan hệ kinh doanh với Nga trong nhiều thế kỷ. Deutsche Bank và Siemens đã kinh doanh ở đó từ cuối thế kỷ 19. Trong Chiến tranh Lạnh, quan hệ kinh tế được coi là cách để duy trì mối quan hệ xuyên "Bức màn sắt" (Iron Curtain).
Sau khi Liên Xô tan rã, các công ty phương Tây đến Nga vì những lý do khác nhau, cho dù là để bán những chiếc Renault hay Volkswagens cho tầng lớp trung lưu, hay để phục vụ cho một nhóm tầng lớp giàu có đang tìm kiếm những thứ xa xỉ của Italy và Pháp. Những người khác muốn bán máy kéo của Đức cho nông dân Nga, hoặc mua titan của Nga để sản xuất máy bay.
Chỉ vài công ty đa quốc gia, chẳng hạn như Deutsche Bank, đã rút bớt các giao dịch ở Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014. Ngược lại, những công ty khác vẫn nỗ lực để tăng thị phần trong những năm gần đây và đã mạnh dạn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Mới hôm 25/1, 20 giám đốc điều hành hàng đầu của Italy đã tổ chức một cuộc gọi video với ông Putin để nói về việc tăng cường quan hệ kinh tế trong khi quân đội Nga đang đổ dồn về biên giới Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu đang thảo luận về các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp trực tuyến giới thiệu cơ hội đầu tư với lãnh đạo các doanh nghiệp Italy hôm 25/1. Ảnh: Aleksey Nikolskyi
Các giám đốc của Ngân hàng UniCredit, Công ty lốp xe Pirelli, Công ty tiện ích nhà nước Enel và những người khác đã lắng nghe hơn nửa giờ khi ông Putin nói về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Nga. Cuộc họp trực tuyến sau đó gây tranh cãi trong giới chính trị gia châu Âu khi khối này vấp phải những xung đột lợi ích nếu muốn trừng phạt Moskva.
Một cuộc họp tương tự đã được lên kế hoạch vào tuần tới với các lãnh đạo doanh nghiệp Đức, bao gồm công ty năng lượng Uniper và chuỗi siêu thị Metro. Nó chỉ mới bị hoãn lại hôm thứ năm (24/2) khi Nga đưa quân sang Ukraine.
Do những tài sản kinh tế khổng lồ bị đe dọa, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu những ngày gần đây phải tìm hướng đi hợp lý cho các lệnh trừng phạt. Phía Italy thì tìm cách loại bỏ hàng công nghiệp xa xỉ của mình khỏi bất kỳ gói trừng phạt nào. Họ cũng thảo luận về các biện pháp trừng phạt hẹp hơn, bỏ qua các cuộc đàn áp lớn với các ngân hàng Nga, cũng như Áo, quốc gia có Ngân hàng Raiffeisen International đang duy trì hàng trăm chi nhánh ở Nga.
EU cũng bỏ qua các lệnh trừng phạt có thể gây tổn hại đến việc nhập khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu, với một nhóm các công ty năng lượng từ Paris đến Berlin đang hưởng lợi. Các đồng minh cũng đắn đo khi loại Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu được gọi là SWIFT, được sử dụng bởi các ngân hàng ở 200 quốc gia. Đến nay, các nước phương Tây nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT, sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Chỉ riêng với Pháp, 35 trong 40 công ty lớn nhất nước này được niêm yết trên sàn chứng khoán CAC 40 có các khoản đầu tư đáng kể của Nga, từ các siêu thị Auchan trên đường phố Moskva, đến các hoạt động khí đốt tự nhiên hóa lỏng của tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies ở bán đảo Yamal. Tất cả, trừ hai trong số 40 công ty được liệt kê trên chỉ số DAX ở Frankfurt, đều có đầu tư vào Nga.
Theo Bộ Tài chính Pháp, khoảng 700 công ty con của Pháp đang hoạt động tại Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sử dụng trên 200.000 công nhân. Trong khi ông Le Maire cam kết rằng tác động với nền kinh tế Pháp từ các lệnh trừng phạt sẽ là tối thiểu, tác động với một số công ty Pháp vẫn chưa rõ ràng.
Một góc Trung Tâm Kinh doanh Quốc tế ở Moskva, nơi có nhiều ngân hàng và doanh nghiệp châu Âu đặt trụ sở. Ảnh: NYT
Tất nhiên, vẫn sẽ có những công ty chịu thiệt hại dù các biện pháp trừng phạt đã rất được cân nhắc. Hàng nghìn công ty nước ngoài đã kinh doanh ở Nga trong nhiều năm, vốn đang phải chống chọi với khó khăn kinh tế. Vì vậy, chiến tranh ở Ukraine có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng và kéo nền kinh tế châu Âu đi xuống ngay khi nước này đang bắt đầu phục hồi từ Covid.
"Cuộc tấn công vào Ukraine tạo ra bước ngoặt ở châu Âu. Chúng tôi đang phải phân tích chính xác tình huống này tác động thế nào đối với hoạt động kinh doanh", Christian Bruch, CEO Siemens Energy (Đức), nhà sản xuất tua bin và máy phát điện lớn, cho biết.
Trong số những đơn vị chịu tác động nhiều nhất hiện là nhà sản xuất ôtô Pháp Renault. Họ có hai nhà máy ở Nga và là nhà sản xuất ôtô hàng đầu thị trường này thông qua quan hệ đối tác với Avtovaz, công ty sản xuất Lada, chiếc xe phổ biến nhất ở Nga. Nga là thị trường lớn thứ hai của Renault sau Pháp.
Tuần trước, CEO Luca de Meo của công ty, cảnh báo rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine ngày càng trầm trọng có thể dẫn đến "một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khác" cho công ty.
Vấn đề đó đã xảy ra với Volkswagen, hãng cho biết hôm thứ sáu (25/2) rằng sẽ dừng hoạt động trong vài ngày vào tuần tới tại hai nhà máy ở miền Đông Đức vì việc giao các bộ phận quan trọng từ miền Tây Ukraine bị gián đoạn do giao tranh.
Volkswagen cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Từ năm 2009, hãng đã có một nhà máy ở Kaluga, sử dụng khoảng 4.000 nhân công để sản xuất các mẫu xe Tiguan và Polo, cũng như Audi Q8, Q9 và Skoda Rapid. Mercedes-Benz cũng có một nhà máy bên ngoài Moskva, trong khi BMW làm việc với một đối tác địa phương. Cả ba đều đầu tư vào thị trường Nga và ngày càng có nhiều người tiêu dùng mua ôtô của họ.
Trong tuần này, khi Nga tiến quân vào Ukraine và các nhà lãnh đạo thế giới tiến hành áp đặt các biện pháp trừng phạt, Volkswagen cho biết tác động với hoạt động của họ ở Nga sẽ liên tục được theo dõi bởi một đội ngũ theo dõi khủng hoảng. BMW cũng cho biết đang quan sát để có quyết định ứng phó.
Chịu ảnh hưởng đáng kể tiếp theo là khối ngân hàng. Raiffeisen của Áo, UniCredit của Italy và Société Générale của Pháp là một trong những ngân hàng có quan hệ đáng kể với Nga. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, các ngân hàng của Italy và Pháp có số nợ chưa thu đến 25 tỷ USD ở Nga vào cuối năm ngoái.
Pháp, Italy và Đức là các cường quốc chính của châu Âu kêu gọi không cắt Nga khỏi hệ thống SWIFT. Việc cắt Nga sẽ khiến các chủ nợ châu Âu khó nhận được tiền nợ từ Nga, hoặc trả tiền mua khí đốt, thứ mà các quốc gia này phải dựa vào, đặc biệt là trong tình trạng khủng hoảng năng lượng hiện nay của châu Âu.
Bất chấp những nỗ lực giảm thiểu thiệt hại khi muốn trừng phạt Nga, các quan chức châu Âu thừa nhận tình hình có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi nó được cải thiện trở lại. "Sẽ không thể ngăn các lĩnh vực của nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng. Cái giá của việc làm cho hòa bình trở lại, hoặc quay trở lại bàn ngoại giao là ít nhất chúng ta phải thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế", Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, nói hôm thứ năm (24/2).
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/lam-an-lon-o-nga-khien-eu-kho-trung-phat-manh-tay-4432332.html