Doanh nghiệp Anh gặp khó khăn hậu Brexit
Sau hơn một năm kể từ khi Anh chính thức rời khỏi thị trường chung EU vào ngày 1/1/2021, các tổ chức kinh doanh hàng đầu của Anh phàn nàn rằng các doanh nghiệp đang cảm thấy mệt mỏi và thất vọng trước các quy tắc mới hậu Brexit.
Các doanh nghiệp với quy mô nhỏ được cho là đối tượng chịu thiệt hại nhiều nhất, do khó thích nghi với các quy tắc hải quan và xuất khẩu áp dụng khi giao dịch với EU với tư cách là “nước thứ ba."
Ông Mike Cherry, Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp nhỏ (FSB) nói: “Các công ty nhỏ đã được hứa rằng một trong những lợi thế của việc Anh rời EU là các doanh nghiệp sẽ được giảm bớt thủ tục hải quan. Và các doanh nghiệp này hy vọng về các thủ tục đơn giản hơn khi giao nhận hàng hóa."
Phòng Thương mại Anh (BCC) cũng bày tỏ bất bình gay gắt với các quy định mới. Trong báo cáo đánh dấu kết thúc năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Anh, BCC nhận thấy rằng gần một nửa số thành viên được khảo sát đã gặp khó khăn trong thương mại với EU.
Những khó khăn này bao gồm bộ máy hành chính của EU và các yêu cầu quy định mới của Anh, như nhãn chứng nhận kiểm soát chất lượng UKCA và việc tạo cơ sở dữ liệu an toàn hóa chất "UK Reach" - sao chép các quy tắc của EU nhưng được cho là không đạt được lợi ích thương mại rõ ràng.
Các hệ thống này ra đời từ quyết định của Anh trong việc ưu tiên tách biệt hoàn toàn về mặt pháp lý khỏi Brussels và quyết tâm của EU rằng Anh sẽ mất vị trí là “trung tâm quy định và chứng nhận” cho thị trường chung EU.
Ngành công nghiệp hóa chất Anh ước tính, việc tạo ra một phiên bản Anh của cơ chế “EU Reach” (gồm đăng ký, đánh giá, cấp phép và hạn chế hóa chất) sẽ tiêu tốn khoảng 1 tỷ bảng Anh. Ngành công nghiệp hóa chất Anh đã phải đấu tranh để yêu cầu chính phủ Anh giảm bớt gánh nặng khi đăng ký “UK Reach” kể từ khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp Brexit.
Trong một nhượng bộ vào tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Anh đã phải gia hạn thời hạn đăng ký chương trình UK Reach đến năm 2025 và đề nghị đưa ra “một mô hình mới” để giảm việc nhân rộng áp dụng các gói dữ liệu từ EU Reach” từ tháng 2/2022.
Stephen Elliott, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất, cho biết mô hình mới nhằm đưa ra “các quy định và tiêu chuẩn hiệu quả để đạt được kết quả tốt hơn cho tăng trưởng của Anh, không phát thải ròng và nâng cao chương trình nghị sự."
Các doanh nghiệp sản xuất Anh, nhất là với doanh nghiệp sản xuất hoạt động như trung gian trong chuỗi cung ứng đan xen tại khắp châu Âu, cho rằng lỗi lớn nhất trong thỏa thuận Brexit là quyết định của chính phủ Anh trong việc tạo ra một phiên bản sao chép của tiêu chuẩn chất lượng và an toàn “CE” của EU.
Mặc dù Phòng Thương mại Anh và Cơ quan Make UK đã nỗ lực vận động hàng lang để lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn này vào ngày 1/1/2023 nhưng vẫn tạo ra nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chuẩn mới.
Nhãn chứng nhận UKCA tuân theo các tiêu chuẩn cơ bản tương tự như nhãn chứng nhận CE của EU, yêu cầu các doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào thị trường Anh về cơ bản phải sao chép đăng ký EU.
Tuy nhiên, đối với các mặt hàng công nghiệp và điện phức tạp hoặc nguy hiểm, như các bộ phận thang máy đến chất kết dính xây dựng, các công ty có sản phẩm phải được đánh giá bởi “các cơ quan được chỉ định” của Anh. Thế nhưng các cơ quan này hiện không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu cấp phép cho doanh nghiệp./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: https://www.vietnamplus.vn/cac-doanh-nghiep-anh-met-moi-va-that-vong-voi-quy-tac-hau-brexit/775540.vnp