Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong cuộc phỏng vấn tuần trước thừa nhận bất chấp những cam kết tăng mạnh chi tiêu quốc phòng để đối phó xung đột Nga - Ukraine, lực lượng vũ trang nước này hiện ở trong tình trạng thậm chí còn tồi tệ hơn so với một năm trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cưỡi xe tăng trong một chuyến thăm doanh trại quân đội ở Augustdorf ngày 1/2. Ảnh: Reuters.
Đức không phải quốc gia châu Âu duy nhất đang phải chật vật tìm cách lấp khoảng trống sau khi viện trợ nhiều vũ khí, khí tài cho Ukraine. "Với tốc độ cung cấp vật tư, vũ khí và đạn dược như hiện nay, rất khó để tái đặt hàng và chuyển giao tiếp cho Ukraine", ông Pistorius nói.
Mỹ, Anh, Hà Lan và một số đồng minh khác của Ukraine cũng đang phải chịu áp lực tương tự. Nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu hụt khí tài trong kho dự trữ chiến lược của mình. Điều đặc biệt gây quan ngại là việc Ukraine bắn tới 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày, nhiều hơn tốc độ sản xuất của cả ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu.
Tại Đức, chỉ vài ngày sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng hai năm ngoái, Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố sẽ hồi sinh lực lượng vũ trang, thông báo về những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách quốc phòng, đồng thời xây dựng một quỹ trị giá hơn 100 tỷ USD để hỗ trợ nỗ lực này.
Trong bài phát biểu bước ngoặt của Thủ tướng Scholz năm ngoái, mục tiêu tăng cường sức mạnh quân đội Đức được công bố cùng quyết định trang bị vũ khí cho Ukraine, vượt qua "lằn ranh đỏ" Berlin duy trì lâu nay là không gửi vũ khí đến những khu vực đang xảy ra chiến sự.
"Mục tiêu là một quân đội mạnh mẽ, tiên tiến, hiện đại, có thể bảo vệ chúng ta", ông Scholz khẳng định trong tuyên bố hồi sinh lực lượng vũ trang.
Từ đó đến nay, sau những ngần ngại ban đầu, Berlin đã dần tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev, cam kết viện trợ hơn 2,5 tỷ USD, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói các thỏa thuận viện trợ vũ khí là hoàn toàn công bằng. "Bạn cho chúng tôi mọi thứ chúng tôi cần để chiến đấu, và chúng tôi chiến đấu chứ không phải bạn", ông nói. "Cho dù cái giá của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là gì, cái giá để chúng tôi đưa quân vào các trận chiến cao hơn rất, rất nhiều".
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo sợ rằng cuộc xung đột có nguy cơ vượt ra khỏi biên giới Ukraine, lan rộng tới châu Âu. Ngay cả khi đối mặt với mối đe dọa đó, Đức vẫn trì trệ trong nỗ lực nâng cấp lực lượng vũ trang của mình, giới quan sát đánh giá.
Lời hứa dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng của Thủ tướng Scholz đã không thể được thực hiện. Bộ trưởng Pistorius cho hay chính phủ phải đặt lại mục tiêu đạt mốc 2% GDP cho quốc phòng "trong vài năm tới".
"Chúng ta đã lãng phí cả một năm trong bối cảnh phải đối mặt với cuộc xung đột lớn ở châu Âu", Joachim Weber, chuyên gia về an ninh quốc phòng tại Đại học Bonn, Đức, bình luận.
Trong một năm qua, nỗ lực chuyển giao vũ khí cho Ukraine đã khiến nguồn cung cho quân đội Đức sụt giảm. Ông Weber ước tính Đức chỉ đủ khả năng chiến đấu trong khoảng hai ngày với nguồn đạn dự trữ hiện nay.
Trong những tháng qua, hơn 10% trong quỹ đặc biệt hơn 100 tỷ USD dành cho quân đội của Đức đã bị thất thoát do lạm phát và các khoản thanh toán lãi suất. Quân đội Đức cũng chưa mua sắm được những vũ khí mà họ muốn có từ trước cuộc xung đột Nga - Ukraine.
"Không ít thứ được coi là quan trọng đột nhiên bị loại khỏi danh sách", Ralph Thiele, đại tá quân đội nghỉ hưu, chủ tịch Hiệp hội Chính trị - Quân sự, trụ sở tại Berlin, lưu ý.
Các đại diện của ngành công nghiệp quốc phòng đã kêu gọi chính phủ Đức đẩy nhanh tốc độ đặt hàng vũ khí để tránh bị tụt hậu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết thời gian chờ đợi những loại vũ khí cỡ nòng lớn đã tăng từ 12 lên 28 tháng và các đơn hàng đặt bây giờ sẽ chỉ được giao sau hai năm rưỡi.
Hans Christoph Atzpodien, người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và An ninh Đức, cho hay năng lực sản xuất của họ bị hạn chế vì nhu cầu mua sắm vũ khí của chính phủ Đức ở mức tương đối thấp trước khi xung đột Ukraine nổ ra.
"Chúng tôi cần những đơn đặt hàng chắc chắn, dài hạn. Tới nay, các đề nghị của ngành về việc sản xuất đạn cho quân đội Đức 'vẫn chưa được xem xét'", ông nói thêm.
Một số người đổ lỗi cho cựu bộ trưởng quốc phòng Christine Lambrecht, người từ chức vào tháng trước sau hàng loạt sai lầm và giữa những lời chỉ trích rằng bà gần như không làm gì để bổ sung nguồn dự trữ quốc phòng của đất nước.
Xe tăng Leopard 1 và các loại xe bọc thép khác do Đức sản xuất trong một kho chứa ở Tournais, Bỉ, hồi tháng một. Ảnh: Reuters.
Pistorius cho biết ông không muốn quan tâm đến những gì có thể đã được thực hiện trước đây. "Bây giờ, tôi chịu trách nhiệm và chúng tôi đang nỗ lực để làm những gì cần thiết càng nhanh càng tốt", Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Pistorius, mục tiêu hàng đầu hiện nay là đẩy nhanh quá trình mua sắm. Ông cho biết các đơn đặt hàng đạn dược mới đã được đệ trình. Giới chức Đức cũng đã thảo luận với nhà sản xuất vũ khí Krauss-Maffei Wegmann về thay thế 14 xe tăng Leopard 2 mà Đức cam kết viện trợ Ukraine bằng các mẫu cao cấp hơn.
"Một mặt, chúng tôi phải nâng cao năng lực của mình, nhưng đồng thời cũng phải hỗ trợ tối đa cho Ukraine", ông nói.
"Hơn 100 tỷ USD, về lâu dài, không thể đủ để làm những gì mọi người nói chúng ta phải làm", Bộ trưởng Quốc phòng Đức thừa nhận. Cần hơn 10 tỷ USD để Đức thay thế các chiến đấu cơ Tornado, vốn được đưa vào sử dụng từ những năm 1970 và đã quá cũ để tham gia các nhiệm vụ NATO, bằng máy bay F-35 tiên tiến từ tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ.
Nhưng quỹ này không bao gồm những thứ cơ bản như tiền mua đạn dược. Quân đội Đức đang sử dụng bộ đàm analog lỗi thời, khiến việc liên lạc giữa binh sĩ nước này với NATO trở nên rất khó khăn.
Tình trạng của quân đội Đức tồi tệ đến mức họ phải gửi thiết giáp Marder hàng chục năm tuổi tới Litva để hoàn thành cam kết với NATO, sau khi các xe bọc thép Puma hiện đại họ tính chuyển bị hỏng trong quá trình huấn luyện.
Trước những thách thức hiện nay, Bộ trưởng Pistorius cho biết Đức sẽ xem xét lại cách thức phân bổ ngân sách quốc phòng. "Điều quan trọng là chúng ta phải nhanh chóng có được những thứ quan trọng, cần thiết trong thời gian ngắn", ông nói.
Chính phủ Đức đã loại trừ khả năng gửi chiến đấu cơ Tornado của mình cho Ukraine. Theo Pistorius, do tính phức tạp trong khâu huấn luyện, Kiev nên tiếp tục nhận những máy bay chiến đấu đã được sử dụng rộng rãi.
Một số chuyên gia nhận định việc chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine vào mùa xuân này sẽ tăng thêm sức ép đối với năng lực hoạt động vốn đã hạn chế của Đức, với đội xe tăng chỉ 300 chiếc.
"Nếu bạn lấy xe tăng từ biên chế quân đội để chuyển giao, bạn phải đặt hàng lại ngay lập tức. Quá trình bổ sung vũ khí không giống như đi siêu thị, cần có thời gian", Marie-Agnes Strack-Zimmermann, nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ Tự do Đức, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của quốc hội, nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đón Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius tại Kiev hôm 7/2. Ảnh: Reuters.
"Chủ nghĩa hoàn hảo" của người Đức và bộ máy hành chính quan liêu cũng được coi là yếu tố gây đình trệ quá trình cải tổ quân đội. Các chuyên gia cho hay quá trình trao đổi giữa Bộ Quốc phòng Đức với các nhà hoạch định quân sự và tập đoàn quốc phòng phức tạp hơn mức cần thiết.
"Chúng tôi đang tìm cách dỡ bỏ các rào cản quan liêu, nhưng tất cả những điều này đều cần có thời gian", Bộ trưởng Pistorius nói.