Du lịch Chiang Mai ế ẩm vì ô nhiễm
Theo báo cáo của IQAir, nền tảng thông tin chất lượng không khí của Thụy Sỹ, ngày 11/4, Chiang Mai (Thái Lan) nằm trong top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đứng sau thủ đô Bắc Kinh và thành phố Hàng Châu của Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của du khách khi tham quan.
Du khách khó thở, người dân âu lo
Lễ hội Songkran quay trở lại sau 3 năm gián đoạn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan khu vực phía bắc, ông Phunut Thanalaopanich, cho biết lượng khách đặt phòng khách sạn tại Chiang Mai giảm xuống chỉ còn 45%. Trước đó thành phố dự kiến công suất phòng của các khách sạn sẽ đạt 80-90% vào dịp lễ này.
Ông Pallop Saejiew, chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Du lịch Chiang Mai, thông tin rằng nhu cầu tham gia các hoạt động ngoài trời của du khách giảm, hoạt động buôn bán trong thành phố cũng ế ẩm vì vắng khách.
“Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của tôi. Du khách không đến vì họ không thể nhìn ngắm cảnh quan trong thành phố”, Sunat Insao (53 tuổi), người bán nước cam tại Chiang Mai, cho biết.
Hoàng hôn đỏ rực là dấu hiệu cho thấy nồng độ bụi mịn PM 2.5 cao trong không khí. Ảnh: Dominik Sipinski/Al Jazeera. |
“Bình thường ô nhiễm không kéo dài nhưng lần này du khách nắm tình hình thông qua tin tức”, Kanchaya Boontan (40 tuổi), người điều hành công ty du lịch CM Siam Travel, vừa nói vừa điều chỉnh chiếc khẩu trang N95 đang đeo.
Bị buộc phải đóng cửa cả 4 cửa hàng trong đại dịch Covid-19, Kanchaya mới bắt đầu mở cửa lại thời gian gần đây. Tuy nhiên, tuần trước, Hiệp hội Khách sạn Thái Lan khu vực phía bắc đã cảnh báo vấn đề du khách hủy đặt phòng cho kỳ lễ Songkran vì ô nhiễm.
“Tuần trước tôi chỉ có một khách. Tuần này không có ai”, Kanchaya nói với Bangkok Post.
Ngoài việc làm du khách e ngại, chất lượng không khí kém tại Chiang Mai còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo số liệu từ Bộ Y tế nước này, từ đầu năm đến nay đã có 2 triệu người Thái Lan nhập viện vì ô nhiễm không khí.
Minh Khôi (28 tuổi, TP.HCM), du khách vừa trở về từ Chiang Mai vào giữa tháng 3, chia sẻ với Zing chất lượng không khí kém khiến anh phải luôn đeo khẩu trang khi ra đường.
“Tôi đi loanh doanh có thấy người dân nhưng không nhiều, chủ yếu là khách Tây. Đi tầm 10 phút tôi bị đỏ mắt và ho liên tục”, du khách này kể.
Chen Lei, giáo viên tại ĐH Mae Fah Luang (Chiang Rai, Thái Lan), chia sẻ với Xinhua rằng chính quyền khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, khiến người này phải dành phần lớn thời gian ở nhà. Do chất lượng không khí không đảm bảo, bạn bè của cô phải chuyển hướng sang miền Nam Thái Lan để tham dự lễ hội Songkran thay vì Chiang Mai như dự tính.
Ai chịu trách nhiệm?
“Không khí mà người dân ở miền Bắc Thái Lan hít thở mỗi ngày đang rút ngắn 3-4 năm tuổi thọ của họ. Nó gây ra bệnh ung thư, các vấn đề sức khỏe tâm thần và nhiều vấn đề khác, nhưng hầu như không ai đứng ra giải quyết nguyên nhân”, Weenarin Lulitanonda, người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Không khí sạch Thái Lan và là cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, cho biết.
Theo Aj Jazeera, Weenarin đang cố gắng tập hợp công chúng Thái Lan để kêu gọi chính phủ giải quyết vấn đề đang được xem là thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất khu vực.
Các nhà chức trách Thái Lan nhận định việc Chiang Mai xuất hiện bụi mịn dày đặc là do cháy rừng và hoạt động đốt rơm rạ còn sót lại trên cánh đồng sau khi thu hoạch của người dân địa phương. Còn ở khu vực biên giới, Chính phủ Thái Lan cho rằng bụi mịn ở khu vực này là do người dân tại các nước láng giềng như Lào và Myanmar cũng đốt rơm rạ tạo nên.
Bụi mịn xuất hiện dày đặc trên vùng trời Chiang Mai vào một ngày của tháng 3. Ảnh: AP. |
Somporn Chantara, giáo sư hóa học tại ĐH Chiang Mai (Thái Lan), cho biết Chiang Mai lâm vào tình trạng khói mù mịt, một nửa lượng khói đến từ việc đốt các phế phẩm từ nông nghiệp. Bụi mịn sinh ra từ quá trình đốt cháy tạo ra đám khói bụi đặc quánh đặc trưng ở miền Bắc Thái Lan.
Lớp màn bụi mịn ở Chiang Mai nay đã dày đặt tới mức không thể phớt lờ được nữa. Các nhà chức trách đang phun nước vào không trung ở trung tâm thành phố và gieo mây từ các máy bay quân sự, hòng mong mưa rửa trôi ô nhiễm.
Trong khi đó, Weenarin cho rằng nguyên nhân thực sự là các tập đoàn nông nghiệp lớn xả thải và việc gần như không có các tiêu chuẩn về ô nhiễm không khí trong nông nghiệp ở Thái Lan.
Cụ thể, các công ty nông nghiệp cam kết mua hết các cây trồng của nông dân, vô tình khiến họ tìm cách gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, chi phí đầu tư máy móc hiện đại khá đắt đỏ, ngay cả chiếc máy gặt cũ cũng có giá 5 triệu baht (khoảng 150.000 USD). Không có vốn đầu tư máy gặt hiện đại, đốt ruộng là biện pháp dễ dàng nhất để tăng năng suất. Mà đốt ruộng thì sẽ sinh ra khói bụi ô nhiễm.
Bác sĩ Rungsrit Kanjanavanit ở Chiang Mai nói rằng các quan chức chưa hành động đủ quyết liệt để giải quyết ô nhiễm. Vị này lo ngại về tác động của nó với nền kinh tế du lịch của nước nhà.
“Chúng ta nên quan tâm đến sức khỏe của du khách nhiều hơn, đó phải là ưu tiên hàng đầu”, Rungsrit nói.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/du-khach-o-chiang-mai-do-mat-ho-khan-vi-o-nhiem-post1421321.html