Đồng USD đắt kỷ lục
|
Dù đã giảm so với đỉnh gần 108,3 điểm ghi nhận trong phiên 12/7, chỉ số USD-Index vẫn đang dao động quanh vùng cao nhất lịch sử với hơn 107,4 điểm.
Tính từ đầu năm 2022, chỉ số sức mạnh đồng bạc xanh đã tăng hơn 11,6%, thậm chí, nếu tính từ tháng 5/2021, trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu kế hoạch nâng lãi suất điều hành, chỉ số này đã tăng xấp xỉ 20%.
Đáng chú ý, USD-Index là chỉ số được thống kê dựa trên tỷ giá quy đổi của đồng USD với rổ 6 loại tiền tệ có thanh khoản cao nhất bao gồm euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sỹ.
Với việc chỉ số này đã tăng hơn 11,6%, không đồng tiền nào trong rổ ngoại tệ kể trên tăng giá so với USD từ đầu năm.
Sức mạnh đồng USD đã tăng liên tục từ tháng 5/2021 và tăng mạnh từ đầu năm 2022 đến nay. Ảnh: T.L. |
Mới đây, đồng tiền chung châu Âu đã ghi nhận đà sụt giảm mạnh khiến tỷ giá quy đổi rơi xuống mức thấp nhất 20 năm, trong đó, 1 euro chỉ đổi được 1 USD vào phiên 12/7. Hiện tại, giá đồng euro đã nhích lên nhưng mỗi euro hiện chỉ đổi được khoảng 1,0085 USD.
Tính từ đầu năm, đồng euro đã mất giá gần 11% so với USD, từ mức 1 euro đổi 1,13 USD xuống vùng hiện tại.
Thực tế, xu hướng mất giá của đồng euro đã diễn ra liên tục từ tháng 5/2021 đến nay, nếu so với thời điểm này, đồng tiền chung châu Âu đã mất giá hơn 17%.
Bên cạnh lý do đồng USD mạnh lên khi FED liên tục tăng lãi suất, bản thân đồng euro cũng mất giá khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không có động thái tăng lãi suất tương ứng.
Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao tại châu Âu càng xoáy sâu thêm vào rủi ro suy thoái của nền kinh tế khu vực này khiến ngân hàng trung ương không thể thắt chặt chính sách tiền tệ.
Mới đây, ECB thông báo sẽ nâng lãi trong tháng này để kìm đà tăng của lạm phát, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng ngân hàng trung ương này đã đi quá chậm so với Mỹ và Anh.
Tỷ giá quy đổi đồng euro, bảng Anh, yên Nhật so với USD đều đang ở mức thấp kỷ lục. Nguồn: Tradingview. |
Dù được đánh giá đi sớm hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng chỉ giúp đồng bảng Anh mất giá ít hơn so với USD trong nửa cuối năm 2021. Từ đầu năm 2022 đến nay, khi FED liên tục tăng mạnh lãi suất điều hành, bảng Anh đã liên tục rớt giá.
Hiện 1 bảng Anh chỉ còn đổi được 1,19 USD, giảm 11,5% từ đầu năm và thấp hơn 15% so với tháng 5/2021.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với đồng yên Nhật khi đã giảm liên tục gần 16% so với USD từ đầu năm, hiện 1 yên Nhật chỉ đổi được 0,0073 USD.
Khác với đồng euro và bảng Anh, đà mất giá của yên Nhật bắt đầu sớm, từ cuối năm 2020. Trong giai đoạn này, tỷ giá quy đổi giữa yên Nhật và USD đã giảm hơn 23%, đưa đồng yên về mức thấp nhất kể từ khi được thống kê quy đổi so với USD.
Tại thị trường trong nước, tiền Đồng cũng không nằm ngoài xu hướng mất giá so với USD từ đầu năm, tuy nhiên, mức giảm của Đồng Việt Nam mới chỉ đạt trên 2%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á, đã mất giá 4-10%.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/usd-ngay-cang-dat-post1335504.html