Donald Trump chiến thắng thuyết phục ở toàn bộ 7 bang chiến trường
Trong phát biểu nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "nền dân chủ đã chiến thắng". Song gần 4 năm sau, cử tri Mỹ lại quay sang chê trách nhiệm kỳ của ông và trao chìa khóa Nhà Trắng lại cho ứng viên Cộng hòa Donald Trump, người mà ông Biden nhiều lần chỉ trích.
"Những bước lùi là không thể tránh khỏi, nhưng bỏ cuộc là điều không thể tha thứ. Chúng ta có thể bị quật ngã, nhưng như cách bố tôi nói, thước đo mỗi con người chính là cách chúng ta đứng dậy nhanh thế nào. Một lần thua không có nghĩa chúng ta bị đánh bại", ông Biden phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng ngày 7/11, khi các trợ lý hàng đầu theo dõi với tâm trạng ảm đạm.
Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, đã thua chóng vánh trong cuộc bầu cử tổng thống. Ông Trump không chỉ giữ được các bang truyền thống của đảng Cộng hòa mà còn thắng thuyết phục ở toàn bộ 7 bang chiến trường quan trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 7/11. Ảnh: AP
Sau khi rời Nhà Trắng vào tháng 1/2025, ông Biden sẽ gia nhập nhóm các tổng thống đảng Dân chủ chỉ phục vụ một nhiệm kỳ duy nhất, trong đó có cựu tổng thống Jimmy Carter. Thất bại của ông Carter năm 1980 trước ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan từng khiến ông bị đảng Dân chủ quay lưng, trước khi khôi phục được danh tiếng trong 4 thập kỷ sau đó.
Ông Biden hiện chưa đưa ra kế hoạch về tương lai hậu Nhà Trắng.
Thất bại lần này sẽ khiến ông gặp nhiều khó khăn để gây quỹ cho các dự án hậu nhiệm kỳ tổng thống, trong đó có kế hoạch xây dựng thư viện. Một số nhà tài trợ đảng Dân chủ cùng cố vấn của họ đã tuyên bố sẽ không rót tiền cho dự án đến khi có kết quả bầu cử. Giới quan sát cho rằng thất bại của bà Harris sẽ tác động rất lớn tới quyết định của các nhà đầu tư cho dự án tương lai của ông Biden.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là gia đình ông Biden sẽ thế nào sau khi rời Nhà Trắng. Đảng Cộng hòa từ lâu đã cáo buộc ông và người thân lạm dụng quyền lực để trục lợi, dù chưa từng đưa ra bằng chứng. Ông Biden cùng gia đình bác bỏ cáo buộc, chỉ trích đảng Cộng hòa theo đuổi điều tra vì mục đích chính trị.
"Tuy nhiên, Bộ Tư pháp dưới thời ông Trump có thể lật lại vấn đề này và đặt ra nhiều rắc rối pháp lý cho gia đình ông Biden", Annie Linskey, nhà phân tích của Wall Street Journal, nhận định.
Vào giữa tháng 12, con trai Hunter của ông Biden dự kiến bị kết án về các tội liên quan tới trốn thuế và mua súng khi đang sử dụng ma túy hồi năm 2018. Ông Biden tuyên bố sẽ không ân xá hoặc giảm án cho con trai, song một số đồng minh cho rằng nếu con trai duy nhất còn sống của ông phải ngồi tù, Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ phải can thiệp trong những ngày cuối của nhiệm kỳ.
Điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến di sản của ông Biden, người đã làm được nhiều điều cho nước Mỹ, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi, Douglas Brinkley, nhà sử học về tổng thống, nói.
Tổng thống Biden năm 2021 tiếp quản đất nước bị chia rẽ nghiêm trọng sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol. Nước Mỹ lúc đó cũng quay cuồng với đại dịch Covid-19 khiến hơn 1,2 triệu người chết và làm gián đoạn cuộc sống nghiêm trọng.
Khi đại dịch dần qua, nước Mỹ chứng kiến tình trạng vượt biên trái phép ở biên giới phía nam gia tăng. Đây vốn là vấn đề gây nhiều nhức nhối, tranh cãi tại quốc gia này.
Cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan tháng 8/2021 cũng làm suy giảm tỷ lệ ủng hộ của ông Biden, dấy lên nhiều nghi ngờ về năng lực của ông trong giải quyết các vấn đề của đất nước.
Nhờ ưu thế đa số của phe Dân chủ tại lưỡng viện quốc hội, Tổng thống Biden hồi tháng 3/2021 đã ban hành thành công phần đầu tiên trong di sản của mình là "Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ" trị giá 1.900 tỷ USD. Kế hoạch giúp huy động lượng lớn ngân sách liên bang để hỗ trợ các gia đình lao động đang vật lộn vì Covid-19.
Ông chủ Nhà Trắng cuối năm đó tiếp tục ký thông qua đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD, rót tiền vào những dự án xây dựng cầu đường, đường sắt và đường ống dẫn dầu.
Trong năm thứ hai của nhiệm kỳ Biden, Nhà Trắng nỗ lực thực hiện chương trình nghị sự của ông song không đưa ra được những ý tưởng táo bạo mới. Chính quyền Biden cũng phải nỗ lực xây dựng liên minh hỗ trợ Ukraine sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước này.
Khi xung đột Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt, năm thứ ba nhiệm kỳ của ông tiếp tục đối mặt chiến sự ở Trung Đông. Những nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở khu vực trong suốt năm cuối nhiệm kỳ của ông Biden vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Trong bài phát biểu ở Nhà Trắng ngày 7/11, Tổng thống Biden không quên nhắc lại thành quả mà ông đạt được. "Đây là nhiệm kỳ mang tính lịch sử, không phải vì tôi là tổng thống, mà vì những gì chúng ta đã làm", ông nói.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã gặp nhiều khó khăn để thuyết phục người Mỹ rằng những thành tựu của Tổng thống Biden đã giúp ích cho cuộc sống của họ, một phần do mức độ tín nhiệm của ông ngày càng suy giảm trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ.
Người ủng hộ bà Harris bật khóc sau thất bại trong cuộc bầu cử ngày 5/11. Ảnh: AFP
Các nhà phân tích cho rằng di sản của ông Biden có thể phụ thuộc nhiều vào cách lịch sử đánh giá quyết định tái tranh cử và chần chừ rút khỏi cuộc đua của ông.
Khi ông Biden tuyên bố tái tranh cử vào tháng 4/2023, nhiều người trong đảng Dân chủ dường như muốn ông chủ động rút lui, nhường lại cuộc đua cho thế hệ kế tiếp trẻ trung hơn. Cuộc khảo sát của NBC chỉ ra 70% cử tri, trong đó có 50% cử tri đảng Dân chủ, không muốn ông tranh cử nhiệm kỳ hai. Khoảng một nửa trong số đó viện dẫn lý do về tuổi tác của ông.
Một số thành viên đảng Dân chủ thậm chí đặt câu hỏi về chính quá trình bầu cử sơ bộ năm 2024, khi các đồng minh được cho đã có những điều chỉnh để giảm trở ngại cho Tổng thống Mỹ. Ông Biden cũng từ chối tham gia tranh luận với đối thủ trong đảng, khiến mọi người không được chứng kiến cách Tổng thống Mỹ xử lý các cuộc đối đầu căng thẳng.
Ông Biden sau đó giành được đề cử sớm hơn mọi ứng viên Dân chủ trong lịch sử hiện đại. "Nó gây ra cảm giác quá trình không diễn ra một cách dân chủ", Brinkley nói.
Trong cuộc tranh luận với Donald Trump hồi tháng 6, Tổng thống Biden tỏ ra lép vế trước đối thủ, đôi lúc nói vấp, phát biểu không trôi chảy và yếu ớt. Giới chuyên gia nhận định ông Trump đã áp dụng chiến lược công kích dồn dập ngay từ đầu, đẩy đối thủ vào thế bị động.
Phải mất 3 tuần sau đó, Tổng thống Biden cùng đội ngũ mới quyết định ngừng nỗ lực tái tranh cử, khi áp lực buộc ông rút lui ngày càng lớn. Không ít thành viên đảng Dân chủ nhận định bà Harris đã có thêm thời gian quý báu để xây dựng và củng cố chiến dịch tranh cử nếu ông Biden từ bỏ sớm hơn.
"Tất cả đều là do sự ích kỷ, không cân nhắc lợi ích của đảng hay những thiệt hại có thể gây ra khi cho Donald Trump cơ hội để giành được chức tổng thống", Tim Ryan, thành viên đảng Dân chủ và từng là nghị sĩ bang Ohio, nói.
Ryan cũng chỉ trích nhóm cộng sự thân cận của ông Biden vì để Tổng thống tái tranh cử, dù biết rõ "ông ấy không thể truyền tải tốt các thông điệp".
Một quan chức trong chiến dịch của bà Harris cũng chỉ trích ông Biden và nhóm cố vấn hàng đầu vì bác đề xuất cho rằng đảng Dân chủ cần có lãnh đạo mới. "Ông ấy đã ngăn cản quá trình cạnh tranh để tìm người thay thế. Nhiều người vẫn bất bình về sự cô lập mà họ phải chịu chỉ vì thẳng thắn bày tỏ quan điểm", quan chức này nói.
Tổng thống Biden không đề cập gì tới những chỉ trích trong bài phát biểu ngày 7/11. Tuy nhiên, ngay cả khi cố gắng tỏ ra lạc quan, ông vẫn để lộ một chút hoài nghi về tương lai. "Con đường phía trước vẫn sáng sủa với điều kiện là chúng ta tiếp tục bước đi", ông nói.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/di-san-cua-tong-thong-biden-doi-mat-nhieu-hoai-nghi-4813988.html