Đối thoại Shangri-La bàn về thách thức lớn nhất với an ninh khu vực
Đây là diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của khu vực, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới.
Nhận định về đối thoại lần này, nhiều chuyên gia cho rằng an ninh khu vực đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất chính là sự suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.
Theo tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, từ đầu năm tới nay, tình hình an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục diễn biến phức tạp với những điểm nóng tiềm tàng, mà rõ ràng nhất là khu vực Biển Đông với các hành động của các bên tranh chấp, cụ thể là Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa và có những động thái quân sự hóa ở quy mô gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực. Điều này tiềm ẩn những lo ngại có thể dẫn tới những va chạm, xung đột quân sự ở trên khu vực Biển Đông.
Đây là mối đe dọa lớn nhất và gây quan ngại lớn nhất, do khu vực Biển Đông có vai trò trọng yếu không chỉ đối với hòa bình và an ninh khu vực mà còn trên toàn thế giới, cũng như đối với nền kinh tế của toàn khu vực vì các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông là các tuyến đường giao thương huyết mạch.
Ngoài ra, tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây có những diễn biến đáng quan ngại, đặc biệt là việc Triều Tiên tiến hành thử nghiệm nổ đầu đạn hạt nhân và phóng các tên lửa tầm xa, đó cũng là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh khu vực.
Bên cạnh đó còn có các vấn đề khác gây quan ngại cho cộng đồng các quốc gia trong khu vực, như vấn đề người di cư, khủng bố, biến đổi khí hậu... Chính những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống này có thể có tác động qua lại và gây ra những cuộc khủng hoảng ở các cấp độ khác nhau đối với an ninh khu vực.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh rằng trong bối cảnh như vậy, các quốc gia sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Làm sao hóa giải được những vấn đề an ninh này, thách thức lớn nhất đó là sự suy giảm về lòng tin chiến lược giữa các quốc gia.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định: "Khi lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm thì khả năng hợp tác, hóa giải các xung đột sẽ gặp nhiều cản trở, khó khăn. Một khi không có lòng tin thì sẽ không có thiện chí để cùng theo đuổi các mục đích chung."
Chia sẻ quan điểm này, tiến sỹ William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS)-đơn vị tổ chức SLD, cho rằng một điều dễ nhận thấy ở cấp độ vĩ mô là vẫn đang tiếp tục diễn ra sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điều này đã tác động đến các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực, đặc biệt là việc hai cường quốc này đều theo đuổi những tầm nhìn chiến lược của riêng mình đối với nền an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tiến sỹ William Choong nhấn mạnh rằng cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có sáng kiến mang tính cách mạng nào mới để xây dựng nền an ninh trong khu vực. Thực tế cho thấy khoảng 3-5 năm trước thì cả Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra tầm nhìn của mỗi bên về bối cảnh an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi Mỹ tái khẳng định ảnh hưởng của mình ở khu vực thông qua cơ chế hợp tác đa phương, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó các nước sẽ cùng xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương gồm các quốc gia có mối quan hệ hợp tác làm ăn cùng có lợi như diễn đàn Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Trung Quốc cũng có một số động thái tương tự.
Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra tầm nhìn về việc châu Á nên do người châu Á quyết định và điều này có thể được nhận thức rằng châu Á có thể tự quyết định được vấn đề nội bộ của mình.
Tiến sỹ William Choong nhận định: "Chúng ta chưa thấy tầm nhìn này của Trung Quốc sẽ có tác động như thế nào, nhưng điều có thể thấy rõ là Trung Quốc đã đưa ra một cơ cấu rất cụ thể ví dụ thông qua việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), tăng trưởng về kim ngạch thương mại song phương và hợp tác khu vực như với ASEAN gồm 8 nước thành viên... Như vậy mỗi tầm nhìn đều có những tác động hiệu quả khác nhau."
Tiến sỹ William Choong cho rằng Đối thoại Shangri-La lần này sẽ là cơ hội tốt để Bộ trưởng Quốc phòng các nước có cơ hội nêu quan điểm của từng nước về vấn đề an ninh trong khu vực. Ví dụ như việc Mỹ sẽ nhấn mạnh về các hoạt động hợp tác với các nước đồng minh để đảm bảo an ninh hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương.
Mặt khác, trong bối cảnh an ninh hàng hải của khu vực đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các nước liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Malaysia có thể cùng thảo luận các biện pháp để củng cố an ninh hàng hải tại khu vực này và đề cập đến các vấn đề các bên quan ngại như việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa.
Nhìn nhận về các cơ hội cho triển vọng an ninh khu vực, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp đánh giá không có nhiều lạc quan, bởi trong bối cảnh hiện nay, để giải quyết được các vấn đề trên là hết sức khó khăn, ông nói: "Tuy nhiên, cũng hy vọng một điều là trong bối cảnh nguy cơ xung đột ngày càng cao thì các nước sẽ nhận ra giá trị của hòa bình và ổn định của an ninh khu vực đã tồn tại trong suốt mấy chục năm nay.
Như vậy, các nước sẽ nhận thấy cái giá để thúc đẩy mâu thuẫn, xung đột là quá lớn, quá sức chịu đựng đối với khu vực, đặc biệt là đối với sự thịnh vượng sự phát triển kinh tế của mỗi nước. Do đó, các quốc gia sẽ có sự cân nhắc để thúc đẩy các biện pháp hòa bình và ổn định thay vì đối đầu và cạnh tranh. Tuy tương đối mong manh, song chúng ta vẫn có quyền hy vọng".
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VIETNAMPLUS.