Đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc có phải để ngồi chơi, hưởng nhàn?

00:00' 06-08-2020
Đới nghiệp vãng sanh là gì? Có cách nào để chúng sinh được Đới nghiệp vãng sanh? Đới nghiệp vãng sanh về Cực Lạc có phải để ngồi chơi, hưởng nhàn?


    1. Đới nghiệp vãng sanh là gì?

    Với chúng sinh biết tu tập tốt, có đủ phẩm hạnh giải thoát, phát bồ đề tâm, hành Bồ tát đạo, phát nguyện niệm Phật thì chắc chắn về thượng phẩm cõi Tây phương. Với những người tuy tạo nhiều ác nghiệp biết hồi tâm niệm Phật, cho dù chỉ thành tựu mười niệm danh hiệu Phật trước giờ lâm chung (chết) cũng được vãng sanh. Ý nghĩa này, giáo lý Tịnh độ gọi là “Đới nghiệp vãng sanh”, tức chưa dứt hết phiền não mà được sanh về Cực lạc.

    Đới nghiệp vãng sanh có nghĩa là về cõi Cực Lạc mang theo hết tất cả những nghiệp chướng của mình, bước vào thai sen ở một quả vị thấp nhất gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh.

    Chúng ta biết rằng Đức A Di Đà Phật tiếp đón người của cõi Ta Bà đến nơi đây và tất cả được an trụ qua 3 quả vị (tùy trình độ tu tập thấp cao khi người đó còn tại thế).

    Ba quả vị là: Thượng phẩm, Trung phẩm và Hạ phẩm. Ở mỗi quả vị sẽ có 3 cấp: Thượng, Trung, Hạ.

    Tất cả những người được vãng sanh về Cực Lạc đều còn mang nghiệp của mình đi theo. Trình độ tu tập của một người khi còn tại thế, ảnh hưởng rất là lớn lao đến sự thăng tiến của một Thánh Chúng Đới nghiệp vãng sanh.

    Những người không biết tu tập, chưa từng tu tập hoặc tu tập rất ít, do một duyên may mà được về Cực Lạc, thì những người này đương nhiên sẽ được an trụ ở Hạ phẩm hạ sanh. Dù ở một quả vị cao hay quả vị thấp, nhất là quả vị Hạ phẩm hạ sanh, người đến từ cõi Ta Bà vẫn luôn luôn tiếp tục làm tiêu mòn nghiệp chướng của mình, chớ không phải về Cực Lạc để ngồi chơi, hưởng nhàn.

    Đặc biệt, thánh chúng Hạ phẩm hạ sanh, hoa sen chưa nở như ở các quả vị khác, việc tu tập trong suốt thời gian Thánh Chúng còn ở trong thai sen rất là phức tạp, đòi hỏi nhiều sự nhẫn nại, trì chí, sự tận lực, tận cường của Thánh Chúng đó, cũng như sự cực nhọc rất nhiều của các Bồ Tát có nhiệm vụ hướng dẫn các Thánh Chúng đó tu tập.

    2. Cách nào để Chúng sanh được Đới nghiệp vãng sanh

    Một chúng sanh muốn được Đới nghiệp vãng sanh cần phải đạt những tiêu chuẩn nào? Người có tu tập chút ít lúc còn sống có đạt được tiêu chuẩn này hay không? Nếu một người tu tập khá hơn, có đương nhiên về Cực Lạc theo “Đới nghiệp vãng sanh” hay không?

    Thứ Nhất:

    Phật từng nguyện rằng: “Những chúng sanh nào vào lúc lâm chung, nhất tâm bất loạn niệm danh hiệu của ta bảy lần, từ một ngày cho đến bảy ngày, thì ta sẽ rước chúng sanh đó về cõi Cực Lạc”.

    Thời điểm sắp qua đời, khi thân tứ đại bắt đầu xuất ra khỏi thân xác thường gây nên những điều rất là khó chịu, đôi khi đi đến sự đau đớn. Việc niệm danh hiệu Phật nhất tâm bất loạn vào phút lâm chung, ở trạng thái bình là vô cùng khó khăn.

    Giữ được tâm thanh tịnh ở vào phút đó phải là một người rất là đặc biệt; giữ được nhất tâm bất loạn, tâm vẫn sáng suốt để trì danh hiệu Phật. Nhờ có duyên may nào đó dính liền với Cực Lạc, cho nên giờ phút cuối, tâm vẫn không động, trí vẫn sáng suốt. Tuy nhiên, số này cũng vẫn còn rất ít, kể cả người tu tập hàng ngày, giờ phút lâm chung cũng khó giữ tâm bất loạn.

    Thứ Hai:

    Ngoài ra, những người dốc tâm tu tập, giữ được tâm bình cho đến giờ phút lâm chung, vẫn được Cực Lạc rước ngay vào phút lâm chung.

    Thứ Ba:

    Nhờ được hộ niệm nên một số người vào giờ phút cuối đã hết lòng ăn năn, sám hối một cách chân thành những điều sai trái mà mình đã tạo tác, và lòng chân thành tha thiết muốn được về Cực Lạc, thì cũng sẽ được rước về Cực Lạc.

    Thế nhưng đừng cho rằng cứ tha hồ làm chuyện quấy trá, miễn sao giờ phút lâm chung tôi có dạ chân thành, ăn năn sám hối là tôi được rước về Cực Lạc. Việc người đã từng làm chuyện sái quấy rất nhiều, nhưng ở phút cuối của cuộc đời, vào giây phút đối diện với cái chết đã tỏ dạ ăn năn, sám hối và lòng tha thiết muốn được về Cực Lạc thì Cực Lạc sẽ nhận ra ngay được người đó có đúng dạ chân thành hay không.

    Một vong linh khi đã ngộ được điều mình sai trái và hiểu được con đường mình bắt buộc phải đi, phải sửa đổi cái tánh của mình thì khi đó sẽ có sự rung động và sự rung động đó là một sự rung động từ ở tâm chân thật.

    Thứ Tư:

    Có những vong linh trong thời gian 49 ngày, nếu gặp được người chủ lễ siêu độ chân thành giúp cho Thần thức, giúp cho vong linh đó hiểu rằng mình đã làm điều sai trái và nếu vong linh đó chí thành sám hối, ăn năn và một lòng muốn được về Cực Lạc thì sau 49 ngày, Thánh Chúng sẽ đến rước vong linh đó.

    Phải nên nhớ kỹ một điều: một vong linh không có sự ép buộc phải đi về bất kỳ một cõi nào. Đúng ra, vong linh sau 49 ngày sẽ tùy theo nghiệp của mình mà đi, tuy nhiên, nếu gặp được người chủ lễ đem hết dạ chân thành giúp đỡ, dẫn dắt, phân tích tất cả những sai lầm của vong linh, và một khi vong linh đã giác ngộ rồi mà có sự rung động, sự rung động đó là kết quả của tấc dạ chân thành trong việc ăn năn sám hối và tha thiết muốn về Cực Lạc để tiếp tục được dạy dỗ thì vong linh đó sẽ được toại ý.

    Người chủ lễ chỉ có một bổn phận duy nhất là đem sự chân thành của mình để dẫn dắt một người thiếu sự hiểu biết, và sau khi đã dẫn dắt, đã chỉ rõ những điều đúng sai, những điều nên hay không nên và vong linh đó thành tâm sám hối, ăn năn thì sự lựa chọn ở vong linh chứ không phải ở chủ lễ.

    Thứ Năm:

    Người có tu tập trong lúc còn tại thế, tuỳ theo công năng tu tập của người đó và có sự phát nguyện của người đó là được vãng sanh về Cực Lạc, thì người đó mới có thể được rước về Cực Lạc. Nếu người đó biết tu tập nhưng không phát nguyện về Cực Lạc thì cũng vẫn không thể về Cực Lạc được. Cho nên lời phát nguyện vô cùng quan trọng và trước mỗi thời khóa tu, đều phải long trọng lặp lại lời phát nguyện thì như vậy mới có thể chắc chắn được một sự tiếp rước về Cực Lạc.

    Thứ Sáu:

    Người biết tu tập là phải giữ Tâm Bình. Phải luyện tập cho được tâm bình thì như vậy mới có thể quyết chắc được rằng vào phút lâm chung mình giữ được tâm bất loạn. Tâm bình nếu không biết giữ, đợi đến phút lâm chung là đã quá muộn màng, nhất là trong sự hỗn loạn giữa cái sống và cái chết.

    Tuy nhiên, nếu trong thời gian 49 ngày, người chủ lễ siêu độ hết lòng dẫn dắt, hướng dẫn để cho vong linh chí tâm sám hối, niệm Phật, cầu xin về Cực Lạc, thì Cực Lạc sẽ đến rước sau 49 ngày.

    Người đới nghiệp vãng sanh với Hạ Phẩm Hạ Sanh thì hoa sen chưa nở và việc tu tập rất là phức tạp, cực nhọc cho cả Thánh Chúng ở trong hoa sen đó và cho luôn cả các vị Bồ Tát phụ trách chỉ dạy cho các Thánh Chúng đó.

    3. Cách làm tan bớt nghiệp lực

    Nếu một Thánh Chúng đới nghiệp vãng sanh ở Hạ Phẩm Hạ Sanh mà không cố gắng tu tập để bước sang một phẩm vị khác, thì thời hạn là năm trăm kiếp người. Sau thời hạn này thì Thánh Chúng đó được đưa sang một nơi khác, vẫn không rời Cực Lạc để được dạy dỗ nhiều hơn, cực nhọc nhiều hơn nữa.

    Làm cách nào để cho tan nghiệp lực? Thánh Chúng chỉ có một vũ khí duy nhất để chống và đánh cho tan nghiệp lực: đó chính là Sám Hối. Làm sao để tỏ dạ chân thành sám hối? Vì chính sự chân thành mới khiến cho có sự rung động ở Tâm và làm tan đi nghiệp chướng.

    Mà việc sám hối bắt buộc phải liên tục, không ngừng nghỉ cho đến khi giải quyết được một nghiệp lực, rồi hai nghiệp, rồi ba nghiệp lực … cho đến khi Thánh Chúng đó đủ “nhẹ” để làm cho hoa sen nở ra. Hoa sen nở ra không có nghĩa là Thánh Chúng ngưng việc sám hối.

    Nếu một người chăm lo tu tập trong suốt quãng đời của mình, luôn giữ được tâm bình ở vào phút lâm chung, khi đó, nếu có người giúp đỡ hộ niệm, hoặc thân nhân hiểu biết nhắc nhở (vì thần trí có thể bị rối loạn vào phút cuối cùng) bằng cách trì Chú, niệm Phật, người đó sẽ được vãng sanh ngay khi hắt hơi cuối cùng.

    Vì vậy, tu ở cõi Ta Bà, nếu dốc lòng hết sức thì kết quả sẽ vô cùng tốt đẹp hơn là tu ở cõi Cực Lạc, rút ngắn thời gian trong thai sen và sẽ được thảnh thơi hơn so với những người không biết tu tập, đợi lên đến Cực Lạc mới bắt đầu tu tập thì phải gặp nhiều khó khăn hơn.

    Chỉ bỏ ít thời gian, mỗi ngày một chút thì giờ để tu tập, để cho trí huệ của tôi được phát sáng, để cho tôi tập giữ Tâm Bình, giờ phút lâm chung, thần trí tôi không bị hỗn loạn, tôi không gặp sự khó khăn khi hắt hơi cuối cùng. Thì như vậy, tôi sẽ được Phật và Bồ tát cùng Thánh Chúng rước tôi ngay vào giờ phút lâm chung.

    Việc tu tập không đem lại điều bất lợi cho một chúng sanh nào cả, mà luôn luôn giúp cho chúng sanh đó được nâng cao tư cách của con người, từ vật chất cho đến tinh thần, từ Đời cho đến Đạo.

    Nhờ vào một tâm trí luôn luôn biết giữ cho mình một giới luật nghiêm minh, tránh những tư tưởng không tốt, tránh những hành động không nên, tránh những lời nói không thuận ý. Tâm trí và thân xác có sự hòa hợp với nhau làm cho chúng sanh đó cảm thấy luôn được nhẹ nhàng, không gút mắt, sống thanh thản và bình an.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from TUVINGAYNAY.

Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/doi-nghiep-vang-sanh-la-gi-co-cach-nao-de-duoc-doi-nghiep-vang-sanh.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ